Làm giáo dục phải bắt nguồn từ sự yêu thương

Thứ Ba, 20/11/2018, 16:35
Khi nói về vai trò của người thầy, nhà giáo dục học Comenxki đã từng nói: “Dưới ánh sáng của mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Quả đúng là như vậy, bởi thầy cô chính là những người ươm mầm, chắp cánh ước mơ cho thế hệ tương lai của đất nước.


Học sinh đến trường không chỉ nhận được tri thức thầy cô truyền đạt, mà còn được nhận ở thầy cô cả sự dạy dỗ, thương yêu, quan tâm lo lắng như những người cha, người mẹ của các em ở nhà. Thế nhưng mới đây một trường trung học tại Thanh Hóa đã ra quyết định đuổi học 7 em học sinh vì nói xấu cô giáo chủ nhiệm trên Facebook. Tại sao?

Tôi không đề cập đến vấn đề ai đúng, ai sai cũng như quyết định trên là thế nào, bởi lâu nay người ta vẫn tranh luận về việc có nên đuổi học những em học sinh vi phạm đạo đức và kỷ luật nghiêm trọng hay không. Tôi chỉ muốn đề cập đến chuyện tại sao tình thầy - trò lại trở nên “căng” đến như thế?

Câu chuyện bắt nguồn từ việc một nữ sinh lớp 10 của trường sử dụng điện thoại trong giờ học, bị giáo viên bộ môn thu, giao cho cô chủ nhiệm. Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị, điện thoại của nữ sinh không bị khóa, cô chủ nhiệm thấy trên màn hình hiện cuộc trò chuyện ở nhóm Facebook có tên “Động Cô Bích” - tên cô chủ nhiệm - với nội dung nói xấu thầy cô, nhà trường.

Ảnh minh họa.

Dưới sự chứng kiến của học sinh và giám thị, cô giáo đã kiểm tra tin nhắn, phát hiện nội dung tục tĩu. Ban giám hiệu mời phụ huynh của các em lên thông báo sự việc, đồng thời yêu cầu học sinh viết tường trình. Do các em có thái độ đùa cợt, tiếp tục vi phạm, nhà trường quyết định đuổi học một năm 3 học sinh và đuổi học một tuần 4 em khác. Tuy nhiên sau đó nhà trường đã phải thu hồi quyết định này vì theo thầy hiệu trưởng, đây là quyết định vội vàng, thiếu cẩn trọng.

Quả thật những đứa trẻ trong câu chuyện chưa được ngoan và mắc lỗi, dĩ nhiên cũng đáng bị phạt. Còn thầy cô khi bị chính học trò của mình bôi xấu, xúc phạm sẽ thấy chua xót, tức giận và hụt hẫng vô cùng...  Nhưng chẳng phải trách nhiệm của người thầy là dạy trẻ làm người tốt trước khi làm người giỏi giang hay sao?

Vấn đề ở đây có lẽ chính là việc thiếu sự cảm thông chia sẻ giữa thầy và trò. Nếu người thầy chịu dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe từng cá tính khác nhau trong lớp của mình, dùng trái tim biết đặt vào vị trí học sinh của mình để cảm nhận những tâm hồn non nớt chưa có nhiều kinh nghiệm sống phải trải qua của các em, làm điểm tựa đủ chắc chắn cho các em, để các em có thể tin tưởng và muốn thổ lộ... Bởi chúng chưa đủ trí lực để tự nhận thức, mọi tổn thương sẽ bị phóng đại quá mức, có thể trở thành thù hận và phản kháng một cách phi lý.

Khi còn nhỏ, với mỗi đứa trẻ, thầy cô được ví như ngân hàng tri thức, như siêu nhân, thứ gì cũng biết, bài toán khó đến mấy cũng giải được...  Với 2 đứa con nhỏ hiện đang học cấp 1 của tôi thì đúng là như vậy. Cứ thắc mắc cái gì là chúng lại để dành đến lớp hỏi cô giáo. Chúng nói cô cái gì cũng biết, câu hỏi nào cô cũng trả lời được mà không cần phải suy nghĩ... Có lẽ vì vậy mà hôm nào trả lời được câu hỏi hóc búa của cô thì chúng vô cùng vui sướng, khoe với hết thảy mọi người trong nhà.

Ảnh minh họa.

Có lẽ mọi thứ đều phải bắt nguồn từ sự yêu thương. Thầy cô có yêu thương học sinh thì mới có thể vừa dạy vừa bảo ban, giúp các em trưởng thành hơn được. Như thế các em mới tin tưởng, chia sẻ với thầy cô như với cha mẹ mình, thậm chí như cả một người bạn thân thiết. 

Lựa chọn nghề nhà giáo, những người thầy đã tự đặt lên vai mình sứ mệnh thay mặt xã hội xây dựng nên thế hệ nối tiếp tử tế và đủ năng lực nhận thức điều tốt xấu, đúng sai. Mà đã là sứ mệnh, thì luôn đòi hỏi sự hy sinh, bởi ta làm đâu phải vì lợi ích bản thân. Vì lợi ích của người khác thì mới có thể gọi là sứ mệnh được.

Trở lại câu chuyện về 7 học sinh bị kỷ luật ở trên, cho thấy vai trò của người thầy là vô cùng quan trọng. Tất nhiên cảm giác bị xúc phạm sẽ khiến thầy cô khó bao giờ mà quên được. Nhưng đã là giáo dục mà cứ hư là đuổi thì tương lai những đứa trẻ sẽ ra sao? Môi trường giáo dục cần sự uy nghiêm, nhưng cũng là nơi nuôi dưỡng nên những con người tử tế...

Thụy Khanh
.
.
.