Làm thế nào loại bỏ tiêu cực

Thứ Hai, 20/11/2017, 12:54
Lâu nay, việc chỉ định thầu các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư là BT (xây dựng - chuyển giao) tại TP. Hồ Chí Minh được các chuyên gia cho là dễ phát sinh tiêu cực, ảnh hưởng xấu môi trường đầu tư kinh doanh.


Vì thế, theo lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, sắp tới tất cả các dự án đầu tư BT sẽ phải thực hiện theo hình thức đấu thầu. Hiện tại ở TP. Hồ Chí Minh, có hơn 130 nhà đầu tư đang đề xuất kiến nghị đầu tư BT với số vốn lên tới hơn 380.000 tỷ đồng…

Nhiều vướng mắc với các dự án BT

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu dừng tất cả các dự án BT đang đàm phán. Động thái này được cho là để có thời gian nhìn nhận, đánh giá lại việc thực hiện hiệu quả của hình thức đầu tư này. Sau đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị trao đổi về cơ chế thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT) và giải pháp tạo quỹ đất, nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng.

Dự án BT cầu Sài Gòn 2 có số vốn gần 1.500 tỷ đồng.

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến thời điểm trước năm 2015, thành phố có 18 dự án theo hình thức BT với số vốn huy động trên 59.000 tỷ đồng và hiện nay có 130 nhà đầu tư đang đề xuất và kiến nghị được tham gia đầu tư các dự án với số vốn đăng ký khoảng trên 380.000 tỷ đồng.

Trong 5 năm tới, thành phố cần 500.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng, phát triển xã hội nhưng ngân sách chỉ cho phép 171.000 tỷ đồng. Do vậy, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa là rất lớn.

Các dự án BT hiện nay hầu như nhằm vào mảng làm cầu, đường, hạ tầng để đổi lấy đất xây đô thị và nhà ở, vì đây là lĩnh vực tạo lợi nhuận cao. Theo thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, một số chủ đầu tư thường khai dư tổng mức đầu tư dự án để đổi lấy nhiều đất hơn.

Riêng TP. Hồ Chí Minh từng triển khai hàng loạt dự án hạ tầng, giao thông theo hình thức BT, trong đó nhiều dự án có số vốn lên đến cả chục nghìn tỷ đồng. Các công trình đã hoàn thành như: cầu Sài Gòn 2 (gần 1.500 tỷ đồng), đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng, 495 triệu USD), đường kết nối vào cầu Phú Mỹ (hơn 1.440 tỷ đồng)...

Một số dự án đang thi công như xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm (12.000 tỷ đồng); Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (gần 10.000 tỷ đồng), cầu Thủ Thiêm 2 (3.100 tỷ đồng)… Các dự án đang kêu gọi đầu tư như cầu Thủ Thiêm 4, dự án cầu đường Bình Tiên...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, thông qua hình thức BT, trong giai đoạn 2015 - 2017, TP đã huy động được 20.338 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện ngân sách thành phố còn hạn chế. Qua triển khai, thành phố đã hoàn thành những dự án lớn như kể trên góp phần thực hiện 7 chương trình đột phá của TP.

Dự án đường Phạm Văn Đồng có vốn 495 triệu USD.

Đánh giá về hiệu quả của hình thức BT, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa để huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, các dự án chỉnh trang đô thị thông qua phương thức xã hội hóa đầu tư theo các hình thức: Xây dựng - chuyển giao (BT); Hợp tác công tư (PPP); Xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT)... đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa rất lớn, mang lại nhiều hiệu quả rất thiết thực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương, nhất là trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn.

Tuy nhiên, dù có nhiều hiệu quả nhưng các dự án theo hình thức BT, PPP… vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thành phố. Có rất nhiều nhà đầu tư muốn khai thác hình thức BT nhưng hiện quỹ đất phục vụ mục đích xã hội hóa không còn nhiều và ngân sách hạn chế. Vướng quá nhiều thủ tục, khó khăn trong đền bù giải tỏa cũng gây ức chế cho doanh nghiệp khi dự án kéo dài, chậm trễ… Đây là những rào cản gây lo ngại cho nhà đầu tư khi kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong xã hội.

Có thể nói, hiện nay những dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT đang tồn tại không ít vấn đề bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu bằng hình thức chỉ định thầu đang tạo nên cuộc cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến nguy cơ tham nhũng và lợi ích nhóm. Đặc biệt là cơ hội thâu tóm "đất vàng" là rất lớn, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Cần thực hiện đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu "đất vàng", hoặc theo hình thức BT, PPP, BOT khá phổ biến trong thời gian vừa qua đã bộc lộ những mặt hạn chế, do nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư thường chỉ có khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng.

Cùng ý kiến, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình MPP (Thạc sĩ chuyên ngành Chính sách công) - Đại học Fulbright Việt Nam - khẳng định cho đến thời điểm hiện tại, trong điều kiện của TP. Hồ Chí Minh, khai thác giá trị từ đất vẫn là phương án tối ưu, quan trọng nhất để tạo nguồn lực cho phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là phương án mang ít nhiều rủi ro.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, thời gian qua, nhà đầu tư thường được lựa chọn theo phương thức chỉ định thầu chứ không qua đấu thầu công khai. Trong khi đó, các nhà đầu tư lại có khuynh hướng dựa dẫm quá nhiều vào tiền vay ngân hàng do năng lực tài chính không đảm bảo. Điều này dẫn đến rủi ro trả nợ, mất cân đối về kỳ hạn do dự án dài hạn nhưng vay vốn ngắn và trung hạn. Khi lãi suất ngân hàng biến động, lập tức tiến độ dự án bị ảnh hưởng, tính rủi ro tăng lên.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du lấy ví dụ dự án Phú Mỹ Hưng - dự án được xem là thành công nhất của Việt Nam, giúp ngân sách thu về trên 1 tỷ USD, nhưng thực tế chúng ta chỉ thành công được trong phần diện tích hơn 400ha/2.000ha toàn khu vực.

Dự án đường kết nối vào cầu Phú Mỹ hơn 1.440 tỷ đồng.

Đó là một thành công khá khiêm tốn! Hay như dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 2009, TP Hồ Chí Minh đã quyết định bỏ ra trên 20.000 tỷ đồng cho công tác đền bù nhưng đến nay tiến độ và hiệu quả dự án vẫn chưa như mong đợi.

Trong khi đó, PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, hình thức BT hiện gặp nhiều khó khăn do nguồn thu không đủ hoàn vốn, năng lực tài chính của nhà đầu tư tư nhân kém, có khi nửa chừng thực hiện dự án đẩy gánh nặng tài chính cho người dân.

Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình, dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, lợi ích xã hội... Đặc biệt là trong bối cảnh thiếu cơ chế phản biện, giám sát, thẩm định khách quan như hiện nay.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, việc thực hiện phổ biến hình thức chỉ định nhà thầu kiêm nhà đầu tư dự án BT, BOT, PPP làm giảm đi tính minh bạch, công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh; tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài; có thể gây thiệt hại ngân sách Nhà nước vì dự toán công trình nếu không được thẩm định chặt chẽ có thể bị nhà thầu nâng cao hơn giá trị thực, đồng thời nguồn đất đối ứng trả cho nhà thầu cũng là tài sản công, cũng là tiền ngân sách; gây quan ngại cho xã hội.

Do đó, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị, cần thực hiện phổ biến hình thức đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư dự án. Hạn chế tối đa việc chỉ định thầu, để tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư, làm lợi cho ngân sách Nhà nước, tăng sự đồng thuận trong xã hội.

TS. Huỳnh Thế Du cũng đề xuất: "Nên hạn chế hình thức "hàng đổi hàng", đừng đổi đất lấy hạ tầng nữa. Thay vào đó, hãy bán đấu giá độc lập quyền sử dụng đất rồi lấy tiền thanh toán hợp đồng BT theo tiến độ". Theo đó, cần đổi mới việc thực hiện các dự án BT.

Cụ thể, đối với quỹ đất sạch đã giải tỏa đền bù thì không thực hiện đổi đất đối với chủ đầu tư, mà bán đấu giá quyền sử dụng đất độc lập với dự án. Tiền bán đấu giá dùng để thanh toán hợp đồng theo tiến độ đầu tư.

Trường hợp đã có đất sạch gắn với dự án thì có thể tính toán lựa chọn giữa phương án bán đấu giá quyền sử dụng đất ngay, hoặc bán đấu giá quyền sử dụng đất khi dự án gần hoàn thành nếu dự đoán khả năng giá đất sẽ tăng cao. Còn trường hợp chưa có đất sạch thì gần như hoàn toàn dựa vào đổi đất lấy hạ tầng.

Trước nhiều ý kiến của các chuyên gia, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết sẽ giao cho các sở, ngành có trách nhiệm nghiên cứu các đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, để xây dựng "quy trình chuẩn" đối với các dự án BT về sau. Khi hoàn tất sẽ giúp công khai minh bạch, sử dụng hiệu quả đất đai tài sản nhà nước và hoàn thiện môi trường đầu tư một cách hiệu quả, không gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Phú Lữ
.
.
.