Lan rừng xuống phố

Thứ Năm, 07/01/2016, 11:00
Tại góc chợ Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cứ chiều đến, đội quân buôn lan từ các hướng rừng Ea H'leo, Krông Ana, Buôn Đôn… lũ lượt gùi lan xuống phố bày bán. Cả một góc đường lớn của thành phố là cơ man của các loại lan: Nghinh Xuân, Cẩm Cù, Hoàng Mai, Mỹ Nhung, Đuôi Cáo… còn nguyên đai nguyên kiện, còn nguyên nhựa của rừng, máu của cây xanh. 

1.H'Liu Niê (28 tuổi) có thâm niên buôn lan từ 5 năm nay. H'Liu mời chào, giới thiệu vanh vách các loại lan, về xuất xứ, nguồn gốc, độ sinh trưởng cũng như quy trình đưa lan từ rừng về phố một cách tỉ mỉ, chi tiết. Hóa ra, chồng H'Liu chính là tay săn lan rừng nức tiếng ở huyện Ea H'leo nên cô vợ cũng thuộc hàng cao thủ về lan.

H'Liu hồn nhiên kể: "Ngày nào nó (chồng) cũng đi rừng từ 5h sáng, tối về là có một bao lan đủ các loại. Nó trèo cây giỏi lắm, mấy loại lan giây có ngày kiếm được cả bao tải. Còn loại lan quý như Cẩm Cù mọc ở thân cây to, nó phải dùng cưa đốn hạ cây rồi chặt lấy khúc gỗ có lan bám vào". Để lấy được một nhành lan phải chặt một cây xanh? H'Liu tươi cười: "Không chặt làm sao lấy được lan. Loài này sống tầm gửi trên thân cây, phải cưa cây mới giữ nguyên được sức sống của nó".

Đủ các loại lan được mang từ rừng xuống phố bày bán.

Cẩm Cù chưa độc và quý bằng Nghinh Xuân, loại lan này thường mọc ở bờ suối, nằm sâu trong rừng già nên rất quý hiếm. Dịp gần Tết, "kỳ thủ" mới đầu tư thời gian và công sức đi rừng lùng Nghinh Xuân. Một giỏ Nghinh Xuân nở đúng vào dịp Tết âm lịch giá thành sẽ rất cao, gặp đại gia chơi lan mà "kết" sẽ hào phóng mở hầu bao ra mua rất đậm.

H'Liu vừa chào hàng vừa than: "Gần Tết không có lan mà bán, chồng sức khỏe yếu lắm rồi, không đi rừng chặt lan được, toàn phải mua lại của người khác. Mà mua lại thì giá đắt hơn, lại phải bán đắt hơn mới có lời". Mỗi gốc lan Cẩm Cù, Đuôi Cáo bán ra với giá hơn hai trăm ngàn đồng, tùy khách mà "chặt chém". Nếu là khách Tây, khách Sài Gòn về thì "chém" lên tới vài trăm, có khi hàng triệu.Khách bình dân, khách địa phương và dân sành chơi sinh vật cảnh thì lấy giá phải chăng.

Những nhánh lan được mang ra mời chào đầy sức hút.

Bên cạnh gian hàng lan của H'Liu là Y'Bia Niê Kdăm. Y' Bia là chàng trai duy nhất xuống núi bán lan nhưng cũng không thua kém đàn chị về sự sừng sỏ và khôn ngoan. Y Bia năm nay 21 tuổi, đến từ Buôn Đôn. Nhà Y Bia ngay cạnh dòng sông Sêrêpôk được bao bọc bởi những khu rừng già, rừng bảo tồn quốc gia Yok Đôn.

Mấy năm trước, Y'Bia bán lan ở khu du lịch Bản Đôn, nhưng từ ngày sông Sêrêpôk cạn dòng, đáy sông trơ đá, Buôn Đôn ít voi, không còn hấp dẫn khách du lịch nữa, "quán" lan bên vệ đường của Y'Bia trở nên ế ấm. Những giỏ lan héo rũ rượi phải mang về cho bò ăn hoặc vứt bỏ.  Y'Bia bỏ nghề, đi vào rừng lấy mật ong thuê cho người ta. Làm được vài tháng, thấy khổ cực gian nan quá, Y'Bia bỏ nghề. Lông bông không có việc làm, không có nơi nào để đi, lại nhớ rừng, nhớ những cuộc săn lùng lan trong các khu rừng bạt ngàn ở Buôn Đôn, Y'Bia quay về với nghề cũ.

Lan mỗi ngày một ít, Y'Bia phải thu mua của bà con mới bõ công chạy xe máy 40 cây số mang về thành phố bán. Những nhành lan của Y'Bia xanh rì, đẹp lạ mắt căng tràn sức sống luôn được khách ưa chuộng. Y'Bia bán chủ yếu lan Cẩm Cù, loại lan này lá to, hoa tím nở chùm rất đẹp, thân bám vào những gốc cây to, có sức sống lâu dài. Lan Cẩm Cù bán rất chạy, Y'Bia huy động cả bố mẹ, anh em trong nhà vào rừng tìm lan. Những cây dầu to bằng bắp đùi hoặc bằng đầu người bị chặt hạ để lấy lan. Trung bình mỗi ngày, Y'Bia bán được gần 10 gốc lan Cẩm Cù, tương đương với ngần ấy thân cây phải "đầu rơi máu chảy".

Cảnh mua bán lan rừng tấp nập tại góc đường Tp. Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk).

Y'Bia kể: "Trước đây đi rừng một ngày là có một bao lan nhưng bây giờ phải đi vài ngày mới có vì diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Bà con sống bằng nghề hái lan rừng phải cơm nắm, cơm đùm và mang theo tất cả những đồ nghề cần thiết để ngủ đêm trong rừng. Trước đây chỉ có một hai người cùng nhau đi, nhưng bây giờ vào sâu trong rừng nên một chuyến đi hái lan qua đêm phải thành lập một đoàn gồm 5 đến 7 người, có cả phụ nữ. Đàn ông có nhiệm vụ trèo lên cây cổ thụ hái lan và chặt gốc đối với những cây nhỏ có nhành lan bám vào. Phụ nữ sẽ phân loại cho vào bao".

Theo Y'Bia, hành trang đi rừng ngoài dao, liềm, giây thừng, đinh mười… thì một loại thức uống không thể thiếu là rượu. Nhất định phải có rượu để đêm về ủ ấm cái bụng và là liều thuốc ngủ tuyệt diệu nhất chống chọi với những âm thanh rùng rợn của rừng xanh. Hầu hết đàn bà, đàn ông đi rừng đều biết uống rượu.

2.Vất vả nhất là mùa mưa, rừng nhiều vắt, muỗi, thân cây to ngấm nước dễ bị trơn trượt. Năm ngoái đi rừng hái lan, anh trai của Y'Bia là Y' Hiên trèo lên cây đa hái lan chẳng may giẫm phải cành mục rơi từ trên cao xuống gãy chân. May mà dưới gốc không có tảng đá nào to, chứ đập đầu xuống đất không chết cũng chấn thương sọ não. Vậy mà vừa tháo bột ra, Y'Hiên lại khoác bao đi rừng hái lan thoăn thoắt như một con sóc. Đi rừng hái lan có bị ai ngăn cản không? Y'Bia trả lời: "Hái lan thì không nhưng mình chặt cây nên bị kiểm lâm đuổi chứ, do mình thông thạo địa hình đường rừng, mình đi đường tắt nên không ai biết".

Đêm giữa rừng, đoàn người chọn một khoảng đất trống đốt lửa ăn cơm và sưởi ấm. Rừng bây giờ hết thú dữ rồi nên mọi người thả sức ngủ mà không lo cọp vồ, gấu cắn.Dẫu vậy thì rừng xanh vẫn còn tiềm ẩn vô vàn hiểm nguy.

Mỗi nhành lan là một thân cây bị đốn ha.

Chuyến đi rừng tháng 3 năm nay, một người trong đoàn của Y'Bia là Y'Thu bị rắn độc cắn khi đang nghỉ trưa. Mọi người lấy dây cỏ tranh thắt lại kìm nọc độc rồi cử một anh to khỏe nhất trong đoàn cõng Y'Thu băng rừng, vượt suối chạy về buôn cấp cứu. Đến bìa rừng thì Y'Thu tím tái hết mặt mũi, chân tay lạnh ngắt, người mềm lả.

Một thanh niên chạy hết tốc độ về buôn gọi "thần y" chuyên chữa bệnh rắn độc cắn, "thần y" đến nơi Y'Thu đã nằm bất động.Ông cho Y'Thu uống một loại thuốc lá, rồi lấy bã đắp vào chỗ rắn cắn.Y'Thu được cứu sống một cách thần kỳ, nhưng từ ngày đó thì không dám đi rừng nữa. Hỏi Y'Bia, vậy những người đi rừng hái lan bị rắn độc cắn đều được cứu chữa? Y'Bia xua tay: "Làm gì có, may mắn thôi. Cũng có người chết rồi".

 Năm năm trước, ông Ama Thiện khi ấy là kỳ thủ săn lan rừng nức tiếng của vùng Buôn Đôn. Nhà ông thuộc hàng khá giả trong buôn, con cái được ông cho đi học ngoài thành phố, vợ chỉ ở nhà bán lan và tiếp khách. Những nhành lan Ama Thiện săn về có giỏ bán cả triệu bạc, bởi sự quý hiếm và độc, lạ.

Ama Thiện đi rừng như con voi, trèo cây như con sóc và có con mắt nhìn lan xuyên thấu tán rừng. Chỉ từ sáng tới chiều, Ama Thiện ra khỏi rừng với một bao lan, nhánh nào nhánh đấy to bằng bàn tay, hoa nở rực rỡ. Cánh lái buôn đón sẵn Ama Thiện ở bìa rừng tranh nhau mua.Bỗng một ngày, Ama Thiện đi rừng không thấy trở về, qua đêm cũng không thấy. Sáng hôm sau, gia đình cùng dân làng đi vào rừng tìm thì phát hiện Ama Thiện nằm chết lạnh tanh bên gốc cây cổ thụ, trên tay còn nắm chặt nhánh lan.

Kiểm tra thân thể phát hiện một nốt tím trên cổ chân Ama Thiện, người làng nghi là vết rắn hổ mang cắn. Từ ngày Ama Thiện bỏ xác trong rừng, gia đình lụi bại hẳn, không còn nguồn thu nhập nào nữa, mấy đứa con của Ama Thiện lớn lên ra phố làm thuê hết, không đứa nào theo nghề săn lan của cha.

Thật ra, nghề hái lan rừng chỉ dành cho những người mê đi rừng và chấp nhận được hiểm nguy. Bây giờ không thể làm giàu bằng nghề này được nữa, vì lan người ta trồng được khắp nơi, giá bán rẻ như rau củ. Người dân phá rừng làm nương rẫy khiến diện tích bị thu hẹp, muốn có nhành lan đẹp, độc, lạ phải vào sâu trong những khu rừng già, phải mất vài ngày đi bộ. Sở dĩ Y'Bia còn bám trụ với nghề vì còn yêu rừng, yêu lan.

Không thể phủ nhận sự vất vả, cực nhọc của người đi hái lan rừng cũng như vẻ đẹp của những bông hoa lan khoe sắc rực rỡ trong mỗi gia đình đã tô thắm không khí ngày xuân thêm phần tươi mới. Nhưng phía sau sự lung linh của mỗi nhành lan rừng, phía sau hành trình đưa lan xuống núi là những nhát dao, nhát búa tàn phá rừng xanh, bao nhiêu giỏ lan là bấy nhiêu cây xanh bị đốn hạ một cách không thương tiếc. "Máu rừng" vẫn chảy vì những thú chơi của con người.

Ngọc Thiện
.
.
.