Lan tỏa những món quà của sự sống

Thứ Năm, 01/09/2016, 09:53
Buổi lễ vinh danh những người hiến tạng đồng thời đánh dấu sự thành công của 500 ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy diễn ra trong không khí vô cùng ấm áp, nghĩa tình...


Điều đáng nói, những người được mời đến để vinh danh ai cũng bày tỏ sự xúc động và chia sẻ sự vui mừng trước những con số ấn tượng và sự thành công của những ca ghép tạng; nhất là những cá nhân, gia đình đã vượt qua mọi trở ngại, quan niệm "chết phải toàn thây" để hiến tạng của người thân, cho những người đang cần nguồn tạng để ghép. Đây là một nghĩa cử cao đẹp, nhân văn cần nhân rộng, bởi một người hiến tạng có thể cứu sống được 6-7 người khác.

Buổi lễ nhiều ý nghĩa

Có mặt tại buổi "Lễ vinh danh những người hiến tạng, đồng thời đánh dấu sự thành công của 500 ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy" do BV này tổ chức ngày 25/8/2016, NSƯT Minh Vương xúc động cho biết: Sau khi được ghép thận bốn năm trước, sức khỏe hiện tại của ông khá tốt, và ông vẫn có thể ca hát bình thường như bao người.

Cần có sự chung tay của mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội… để làm thay đổi nhận thức của người dân về hiến tạng.

"Đây là lần thứ hai tôi được mời đến tham dự lễ vinh danh người hiến tạng. Đến đây được chứng kiến nhiều người khác có suy nghĩ và hành động hiến tạng của bản thân hay người thân khiến tôi thực sự xúc động. Cũng như lần trước (vào tháng 3-2015), đây là dịp để tôi nói lên những lời biết ơn, kính trọng của tôi đối với những bác sĩ của BV Chợ Rẫy, những người đã điều trị, chăm sóc tận tình cho tôi. Đặc biệt, tôi không bao giờ quên ơn gia đình người đã hiến quả thận để tôi tiếp tục được sống", NSƯT Minh Vương vui vẻ cho biết.

Cầm tấm Kỷ niệm chương vừa nhận được, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (57 tuổi, nhà ở Biên Hòa, Đồng Nai) cũng không khỏi xúc động cho biết: Chồng bà không may bị tai nạn dẫn đến bị chết não vào cuối tháng 11/2015.

"Đúng ra thì lúc đầu tôi và con trai thứ hai không chấp nhận việc hiến tạng ngay. Nhưng sau đó nhận được sự vận động của các bác sĩ BV Chợ Rẫy và nhất là người con trai lớn của tôi vốn có hiểu biết về vấn đề này đã nhỏ to khuyên bảo, gia đình tôi mới đồng ý hiến tạng của chồng tôi. Nhưng vì một số lý do các bác sĩ chỉ lấy được 2 giác mạc và 2 quả thận của chồng tôi để ghép cho những người khác".

Có lẽ nhắc lại kỷ niệm của gần 1 năm về trước khiến bà Yến thêm phần xúc động. Tuy vậy, bà cũng không quên chia sẻ: "Từ chuyện của gia đình tôi mới thấy việc hiến tạng là vô cùng ý nghĩa. Nếu ai cũng có ý thức về việc này để cứu người thì quá tốt, sẽ có thêm nhiều người được cứu sống hoặc bớt đi bao nhiêu là khổ sở. Bản thân tôi cũng sẽ đăng ký hiến tạng".

Bà Đoàn Thị Loan (55 tuổi, quê Gia Lai) cũng lặn lội về TP Hồ Chí Minh từ hôm trước để tham dự buổi lễ vinh danh này. Bà Loan cho biết bà đã hiến một trái thận cho con gái (30 tuổi) do cô này bị suy thận mãn. Từ khi cho thận đến nay được mấy tháng nhưng bà Loan tỏ ra khá mạnh khỏe, vui tươi. 

"Trước khi đến buổi lễ này tôi cũng không hình dung ra là nó lại được tổ chức một cách trang trọng và đầy tình người như thế. Vì thế, tôi cảm thấy rất vui vì mình là một trong những người được vinh danh hôm nay. Điều vui mừng hơn là với trái thận của tôi, con gái tôi đã mạnh khỏe trở lại", bà Loan cười tươi chia sẻ.

Cũng giống như bà Loan, bà Nguyễn Thị Xàn (61 tuổi, quê Bình Phước) cũng cho con gái của mình một trái thận và ca ghép đã rất thành công. "Tôi cho con gái tôi trái thận trái để nó đỡ đau bệnh, có sức khỏe để còn nuôi hai đứa con nhỏ. Hôm được BV mời đến dự buổi lễ này, tôi đã rất mừng, thậm chí là còn mong từng ngày để được tham dự và thấy buổi lễ này quá ý nghĩa".

Trong khi đó, anh Nguyễn Tiến Trường (46 tuổi, quê Tây Ninh) là người hiến thận cho cháu gái ruột của mình (gọi anh bằng cậu). 

"Cháu gái tôi bị suy thận, ba nó không hợp với nó sau khi có những xét nghiệm của bác sĩ, trong khi mẹ lại bệnh nên rất yếu. Vì thế, tôi quyết định hiến một trái thận cho cháu. Đến nay đã ghép được 10 tháng, cháu tôi đã khỏe và đi làm được rồi. Quả thật lúc hiến thận tôi thấy cũng bình thường, nhưng hôm nay đến đây mới thấy việc làm của mình cũng như của nhiều người rất ý nghĩa và cần tiếp tục được lan truyền cho nhiều người biết để làm theo", anh Trường vui vẻ cho biết.

Anh Trường là người hiến thận cho cháu gái ruột.

Phát biểu tại buổi lễ vinh danh, PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, từ năm 1992, BV Chợ Rẫy đã tiến hành hai ca ghép thận đầu tiên từ người cho sống và mang lại sự thành công ngoài mong đợi.

Trải qua gần 25 năm, bên cạnh những nỗ lực nâng cao công tác chuyên môn trong lĩnh vực ghép tạng, BV Chợ Rẫy đã thường xuyên tuyên truyền, đẩy mạnh vận động kêu gọi hiến tạng, góp phần mang đến sự hồi sinh cho nhiều bệnh nhân kém may mắn. Kể từ ca ghép thận đầu tiên được thực hiện thành công, đến nay BV Chợ Rẫy đã triển khai ghép thận thành một phẫu thuật thường quy của Khoa Ngoại tiết niệu và đã thực hiện được hơn 500 ca. Hiện trung bình mỗi tuần BV thực hiện 4 ca ghép thận từ người cho sống.

"500 trường hợp ghép thận trong vòng 25 năm, 1/4 thế kỷ. Đây không phải là con số lớn so với các nơi trên thế giới, nhưng đó là niềm tự hào, là kết quả của sự cố gắng không ngừng của tập thể bác sĩ, nhân viên BV Chợ Rẫy với mong muốn xây dựng và phát triển thành công chuyên ngành ghép thận nói riêng và ghép mô tạng nói chung tại BV", PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Cần sự chung tay của mọi người

Thành công của chương trình ghép thận là tiền đề để BV Chợ Rẫy triển khai các hoạt động ghép tạng và ghép các mô khác như: hép gan, ghép giác mạc, ghép tủy xương và đang chuẩn bị các đề tài ghép tim và ghép phổi.

"Chúng ta biết rằng ghép thận là giải phóng bệnh nhân ra khỏi máy chạy thận nhân tạo; ghép tim, gan, phổi là đem lại một cuộc sống mới cho bệnh nhân; ghép tủy chữa được nhiều bệnh máu; ghép giác mạc đem lại ánh sáng cho bệnh nhân… Chính vì vậy, ghép tạng không chỉ là món quà mang lại cuộc sống có chất lượng cho người nhận mà còn là lợi ích cho cộng đồng nói chung" PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Để có được những con số ấn tượng trên, BV Chợ Rẫy đã nhận được sự thấu hiểu, sẻ chia to lớn đến từ người hiến tạng và gia đình thân nhân người hiến tạng. Sự đồng hành ấy phần nào đã cho thấy tính nhân văn của chuyên ngành ghép tạng tại BV Chợ Rẫy nói riêng và ngành Y tế Việt Nam nói chung. 

Tuy vậy, nguồn tạng hiến từ người cho sống không đủ đáp ứng nhu cầu xã hội, do đó hiến tạng từ người cho chết não hay ngừng tim tuần hoàn sẽ là cứu cánh có thể giúp cân bằng sự thiếu hụt này. Sự đồng thuận của xã hội về việc tình nguyện hiến tạng cứu người là việc làm cao cả, đáng trân trọng.

Một trong nhiều cá nhân đã đăng ký hiến tạng tại buổi lễ.

Được biết, hiện nay tại Việt Nam có hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang chờ được ghép tạng và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc. Số liệu này cho thấy, nhu cầu thực tế đang ngày càng vượt quá xa so với số lượng được ghép thành công.

Ngoài ra, cũng có thực tế cần nhìn nhận là trong hơn 500 ca được ghép thận tại BV Chợ Rẫy, phần lớn có nguồn thận là người sống cho (489 trường hợp, chiếm khoảng 90%), trong đó cha mẹ cho con và anh chị em ruột cho nhau chiếm đa số. Tỷ lệ người chết não hay ngừng tim cho thận còn rất thấp (27 ca ghép nhận từ người cho chết não hoặc ngừng tim, chiếm khoảng 10%), trong khi theo số liệu của các nước phát triển trên thế giới thì tỷ lệ này chiếm từ 50% trở lên.

Với người sống cho thận, BV Chợ Rẫy chỉ tiến hành ghép cho những người có mối quan hệ huyết thống, nếu không có mối quan hệ huyết thống thì phải có một mối quan hệ đặc biệt như chồng vợ cho nhau... để tránh tình trạng mua bán tạng.

PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm: "Những năm vừa qua, tại nước ta nguồn tạng ghép chủ yếu từ người hiến tạng sống. Trong khi ở các nước Âu - Mỹ, nguồn tạng ghép lại lấy chủ yếu từ người hiến tạng chết não, như vậy có thể cung cấp nhiều cơ quan, bộ phận cùng lúc cho nhiều bệnh nhân khác nhau.

Thiếu nguồn tạng ghép dẫn đến tệ nạn buôn bán nội tạng, làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tạng. Muốn giải quyết vấn đề này, cần phải có sự chung tay của mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội, sự phối hợp của nhiều ban ngành như y tế, giáo dục, truyền thông, các hội đoàn, các tổ chức xã hội, tôn giáo… làm thay đổi nhận thức của người dân về hiến tạng nếu chẳng may qua đời, đây là việc làm có ý nghĩa nhân đạo và nhân văn sâu sắc - hiến tạng cứu người là quà tặng của sự sống.

Vinh danh đóng góp của người hiến tạng, PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn xúc động cho hay, dù khoa học có tiến bộ đến đâu thì ghép mô tạng không thể thực hiện thành công nếu không có người hiến tạng. Do đó, đóng góp của những người hiến tạng thời gian qua và trong tương lai mãi mãi được coi là nguồn động lực cho sự phát triển của y học và giúp cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Một tín hiệu đầy tích cực từ sự vận động, tuyên truyền của BV Chợ Rẫy qua nhiều kênh khác nhau thời gian qua, đó là theo TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép tạng BV Chợ Rẫy, số người đến đơn vị này đăng ký hiến tạng ngày càng tăng. Có những ngày đơn vị này tiếp nhận hơn 20 người đến đăng ký hiến tạng. Chưa kể việc có nhiều người ở các địa phương, tỉnh xa cũng gọi điện đến để được tư vấn đăng ký hiến tạng.

Cuối buổi lễ hôm ấy, nhiều người đã tới các bàn đăng ký hiến tạng để được tư vấn và đăng ký hiến tạng. Đây là hình ảnh mà mọi người thấy rất vui và cảm động!

Phú Lữ
.
.
.