Làng hoa Hạ Lôi những ngày cách ly

Thứ Tư, 22/04/2020, 10:09
Bên cạnh cả thôn bị phong tỏa, người dân thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nôi) còn sốt ruột từng ngày khi hàng trăm héc ta hoa đứng trước nguy cơ vứt bỏ vì mọi hoạt động giao thương ngừng trệ.


Với lệnh phong tỏa 28 ngày do có người nhiễm COVID-19, thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nôi) đang rơi vào cảnh "hoa cười, người héo". Bên cạnh cả thôn bị phong tỏa, người dân còn sốt ruột từng ngày khi hàng trăm héc ta hoa đứng trước nguy cơ vứt bỏ vì mọi hoạt động giao thương ngừng trệ.

1. Nhiều năm nay, người dân Hạ Lôi đã nổi tiếng với nghề trồng hoa, vì thế cuộc sống nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào hoa, có cái ăn cái để cũng từ hoa, giàu lên cũng từ hoa. Cuộc sống đang yên bình bỗng dưng cả làng ngừng trệ, nhiều người nói đó là "họa trên trời rơi xuống".

10 ngày sau khi cả thôn Hạ Lôi bị cách ly, các con đường trong thôn vắng lặng, hầu hết người dân đóng cửa ở trong nhà. Người qua lại chỉ có nhân viên y tế trong bộ bảo hộ trùm kín đến gõ cửa từng nhà kiểm tra dịch tễ.

Cánh đồng hoa rộng hàng trăm héc ta ở Hạ Lôi cũng trở nên tiều tụy, xác xơ vì không được chăm sóc tốt. Những bông hoa hồng, hoa cúc nở bung, bắt đầu tàn úa khắp các vườn. Đứng giữa hai sào hoa cúc nở trắng vườn đang độ thu hoạch, bà Nga mắt ngấn lệ tiếc nuối, bà bảo: "Năm trước hoa cúc được giá cũng 3.000 -4.000 đồng/bông, chỗ này tính ra cũng được trên dưới 60 triệu đồng. Tiếc thì có tiếc nhưng vì sự an toàn chung nên chúng tôi đành phải bỏ không".

Dù bị cách ly nhưng lác đác vẫn còn người dân ra đồng chăm cây, tỉa cây, phần vì nhớ việc, nhớ vườn phần vì cố níu kéo chăm sóc chờ ngày dỡ bỏ cách ly. Chị Phương buồn bã đứng trước hai sào hoa loa kèn đang độ thu hoạch nói với chúng tôi: "Chỉ vì COVID-19 mà 2 sào loa kèn đành phải bỏ đi, cả năm chăm sóc giờ như là cỏ dại thôi. 

Hai vợ chồng tôi làm công nhân, có 2 con đang đi học, cuộc sống gia đình khó khăn, tranh thủ trồng thêm mấy sào hoa cúc, hoa loa kèn. Nay bị cách ly, việc công ty cũng phải nghỉ,  mấy sào ruộng hoa đến kỳ thu hoạch mà không thể bán nên tôi rất lo lắng. Tôi cũng chưa biết làm thế nào để bán được mà gỡ gạc chi phí đã bỏ ra".

Dù biết thiệt hại về kinh tế là không nhỏ nhưng người dân Hạ Lôi vẫn nghiêm chỉnh chấp hành cách ly tại địa phương.

Anh Nguyễn Quốc Diện người có diện tích trồng hoa lớn nhất nhì thôn Hạ Lôi, từ ngày bị cách ly cũng đứng ngồi không yên. Hơn 2 mẫu ruộng trồng hoa hồng rơi vào cảnh "hoa cười, người héo". Với 2 mẫu hoa hồng, anh Diện phải đầu tư khoảng 200 triệu tiền giống, phân chưa kể công chăm sóc. Giờ ruộng hoa phải bỏ héo vì không có người mua. "Tôi nghĩ sẽ cắt bỏ để chờ hết dịch rồi làm lại từ đầu. Quy định của nhà nước cũng vì sức khỏe chung,  chúng tôi chấp nhận thôi", anh Diện chia sẻ.

Khi Hạ Lôi bị phong tỏa, không ra khỏi được thôn nữa, anh Diện định mỗi ngày cắt một ít, chở xe ra đầu làng chỗ chốt kiểm soát rồi gọi lái buôn đến lấy. Cách này may ra gỡ gạc được một ít vốn, thế nhưng gọi mấy đầu mối quen thì đều bị từ chối vì lý do: "Khu anh đang bị dịch phong tỏa, chúng tôi đến lấy hàng cũng sợ lắm chứ, nhỡ lây nhiễm thì khổ".

"Hôm trước tôi nghe được thông tin mấy nhà vườn gần kề thôn cũng bị kiểm soát vì liên quan đến nguồn lây COVID-19 diện F1, rồi bên Công an lẫn ngành Y tế cũng thông báo những người đến chợ Quảng An từ ngày 20- 3 trở lại cũng phải kê khai. Thế thì còn trông mong gì nữa… Cũng đành chấp nhận vì tình trạng chung thôi", anh Diện than thở.

2. Như một thói quen hàng chục năm nay, anh Nguyễn Quang Trung sáng dậy sớm từ 5 giờ ra vườn hoa hồng. Ra đến nơi rồi cũng chẳng biết làm gì, lặng lẽ nhìn những luống hoa đang đua nở rồi lại trở về. Anh bảo, nhà trồng đến 2 mẫu hoa cả hoa hồng và một số loại ngắn ngày khác. Nếu tính thiệt hại về hoa hồng thì không quá lớn, bởi 2 tháng sau sẽ cho lứa khác. Thiệt hại lớn hơn cả là những cây ngắn ngày như hoa cúc, hoa loa kèn, hoa ly hoặc cây hoa hồng giống. Bởi chỉ cần lơ là không chăm sóc thì coi như mất trắng. 

"Nhà tôi số lượng cây hoa hồng giống rất nhiều, đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch nay phải bỏ bẵng 1 tháng liền không chăm sóc, tưới tắm thì cây sẽ bị chết. Ngoài ra, gia đình tôi đang trồng 4 sào cây hoa ngoại, ước tính trên dưới 2 vạn chậu, mỗi chậu chỉ tính rẻ khoảng 50 nghìn thì cũng là rất nhiều tiền rồi. Nhưng giờ đây không những không thu hoạch được đồng nào mà còn phải mất thêm công sức chăm sóc lại", anh Trung cho biết.

Khi được hỏi hết thời gian cách ly gia đình anh đã có dự định gì chưa thì anh Trung cười bảo: "Lúc đó thì "cắm mặt" vào để khôi phục lại sản xuất thôi. Nhưng tiếc là sau cách ly thì đúng vào dịp hè nóng nực nên việc chăm bón không những gặp khó khăn mà cây cũng sẽ khó lên, sản phẩm mình làm ra bán lại rẻ. Nhiều khi số tiền mình thu vào lại không nhiều bằng số tiền mình phải bỏ ra nên tâm lý nhiều người là sẽ buông, tức là bỏ qua cả mùa hè".

Khi chưa có dịch, ngoài hai vợ chồng thì anh Trung vẫn thường phải thuê thêm hai người làm nhưng nay do tình hình dịch nên họ cũng đã về quê. Cũng theo lời anh Trung chia sẻ thì ngay cả khi họ đồng ý ở lại thì họ cũng sẽ không biết phải làm gì, bởi lẽ họ không hiểu gì về kỹ thuật trồng hoa mà đơn giản chỉ là những người công nhân làm thuê "chỉ đâu đánh đấy".

Những ngày cách ly này anh Đặng Đình Xuân (32 tuổi) như ngồi trên đống lửa. Gần 3 mẫu hoa mà gia đình anh chủ yếu phải đi thuê đất giờ coi như mất trắng. Anh cho biết: "Sau đợt cách ly này nhà tôi thiệt hại mất khoảng 300 triệu. Lứa cây giống đã vào rồi nhưng giờ quá tuổi nên cũng coi như vứt đi. Hiện giờ tôi vẫn đang thuê 1 người ở Tuyên Quang để tưới cây cho mình. Họ chỉ biết tưới thôi chứ kỹ thuật thì không biết gì hết".

Thiệt hại lớn nhất chính là những vườn hoa cúc và những cây hoa ngắn ngày đến độ mà không xuất được.

Cũng giống với tâm trạng của hầu hết những người dân thôn Hạ Lôi, anh Phạm Đức Lệ (xóm Bàng) không giấu được sự mệt mỏi. Anh bảo: "Nguồn thu nhập chính của cả gia đình là từ trồng hoa. Giờ không được đi làm, không có thu nhập thì ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống".

Thôn Hạ Lôi là vùng trồng hoa quy mô lớn của Hà Nội, nhiều nhà canh tác theo hướng công nghiệp, cứ 1 bông hoa tại vườn bán được 1.000 đồng. Vậy mà giờ đây nhiều nhà đã phải cắt bỏ. Những vườn hoa trong thôn người dân còn kịp ra chăm sóc, có những nhà thuê ruộng ở xã khác giờ cách ly cả tháng nên thiệt hại nặng hơn rất nhiều. 

Ông Đặng Duy Cương (xóm Đường, thôn Hạ Lôi) cho biết: "Hiện giờ đang trong thời gian cách ly nên không bán được, chúng tôi phải cắt để bỏ sau đó gom vào đầu bờ đốt. Vẫn phải chăm sóc cho cây hoa mà nguồn thu thì không có nên phải bù lỗ nhiều. Còn những ruộng chúng tôi thuê ở xã khác thì không biết sau thời gian cách ly cây đó có còn phục hồi được không hay là phải cuốc bỏ".

Từ lúc Hạ Lôi bị phong tỏa đến nay, ông Tạ Quang Thái, Chủ tịch UBND xã Mê Linh, gần như bận cả ngày lẫn đêm, tham dự cuộc họp lớn lẫn cuộc họp nhỏ, nhưng vẫn không quên chỉ đạo Phó Chủ tịch Thường trực ra ruộng ngó xem tình hình "hoa màu của bà con như thế nào để còn báo cáo".  

Ông Thái cho biết: "Ở địa phương, gần như 100% người dân sống bằng nghề trồng hoa với tổng diện tích khoảng 200hecta. Để có từng đó diện tích trồng hoa người dân xã Mê Linh phải đi thuê đất ở các xã lân cận như: Thanh Lâm, Tam Đồng, Văn Khê, Tráng Việt... Nghề trồng hoa cần có kỹ thuật thế nên trong thời gian phải cách ly người dân cũng không thể thuê những người từ nơi khác đến làm được. 

Lý do là vì người ta không hiểu kỹ thuật nên sẽ không biết phải chăm sóc như thế nào. Hiện chúng tôi đang cho bà con kê khai thiệt hại để nhà nước hỗ trợ được ít nào hay ít đấy. Tâm lý của người dân dù rất sốt ruột nhưng vẫn chấp hành rất nghiêm lệnh cách ly. Chúng tôi cũng thường xuyên phải đến từng nhà để động viên bà con cố gắng, điều quan trọng nhất lúc này là bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của bà con".

Trước đó, tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, UBND huyện Mê Linh đã kiến nghị thành phố có giải pháp hỗ trợ một phần thiệt hại cho người dân; phần còn lại huyện xin phép thực hiện xã hội hóa, kêu gọi tổ chức, cá nhân giúp người dân trồng hoa thôn Hạ Lôi có nguồn kinh phí khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống khi hết dịch.

Phong Anh
.
.
.