Làng hoàn lương và mùa xuân sum họp ấm áp của những phận người một thời lầm lỡ

Thứ Tư, 29/01/2014, 12:50
Chẳng biết tự bao giờ, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), nơi Trại giam số 3 (Tổng cục VIII – Bộ Công an) đóng chân, đã trở thành bến đỗ bình yên cho những phận người một thời lang bạt kỳ hồ. Những cựu tù neo lại nơi đây để làm lại cuộc đời, phàm là những giang hồ có số má, là những đại ca mang trên mình án cướp giật tài sản, giết người, với thời gian chấp hành phạt tù từ 20 năm đến chung thân. Ngày về lại xã hội, những phận người này đã chọn nơi đây để giã từ quá khứ, bắt đầu một cuộc sống mới khác, ý nghĩa và có ích hơn cho xã hội.

Một ngày cuối năm 2013, nhân dịp Trại giam số 3 tổ chức gặp mặt Hội nghị gia đình phạm nhân tiêu biểu, Thiếu tá Nguyễn Đình Lâm, Phó Giám thị trại giam đã nhắc lại với tôi về câu chuyện mà anh rất tâm huyết, về những người tù hoàn lương hiện đang sinh sống và lập nghiệp xung quanh trại. Tôi vẫn còn nhớ, nguyên chuyện này anh đã nói với tôi từ lần đầu tiên gặp nhau cách đây hơn 5 năm về trước, khi ấy anh đang là Đội trưởng Đội Trinh sát của trại giam. Trước tấm lòng hiếm có của vị cán bộ này, dù công việc cuối năm bận rộn, tôi vẫn bớt chút thời gian thăm thú những gia đình một thời lầm lỗi, đang sinh sống ở mảnh đất này. Mỗi người một số phận, hoàn cảnh, và con đường lầm lỗi cũng như cái cách họ đứng dậy sau vấp ngã không ai giống ai, nhưng tất cả cùng chung khát vọng hoàn lương, làm lại cuộc đời, và thực tế là tất cả đều đã có một cái kết có hậu.

Những mảnh ghép số phận

Căn nhà đầu tiên tôi tìm đến là của vợ chồng anh Cao Tiến Mùi (SN 1958) và chị Nguyễn Thị Long (SN 1965), một cựu tù ở Trại giam số 3, nay hoàn lương trở thành công dân mẫu mực của địa phương. Sóng gió đi qua, vợ chồng anh sống đạm bạc cùng đứa cháu nội trong một căn nhà nhỏ bé phía sau Trại giam số 3, thuộc xóm Bàu, xã Nghĩa Dũng.

Từ một người bình thường, anh Mùi vào trại với tội danh trộm cắp tài sản, sau đó cõng thêm án vì “lên chức” đại ca trong tù, con đường về lại xã hội với anh bỗng dưng xa tít tắp. “Vào năm 1982, khi 5 đứa con của chúng tôi đói lay lắt cận kề với cái chết (vợ chồng Mùi sinh được 5 người con nhưng có 3 đứa bị ảnh hưởng chất độc da cam, hiện hai đứa đã chết - PV), tôi làm liều lẻn vào kho vật tư của Hợp tác xã trộm 2 bao phân đạm thì bị phát hiện và bị kết án 3 năm tù, thụ án tại Trại giam số 3”, anh Mùi cay đắng nhớ lại.

Một góc “làng hoàn lương” ở Trại giam số 3.

Ngay ngày đầu tiên nhập trại, ngày ngày nhìn thấy những kẻ xưng đại ca trong tù trấn lột đồ tiếp tế, bóc lột cướp miếng ăn của bạn tù. Máu yêng hùng nổi lên, Mùi đã dằn mặt cho những kẻ tự xưng danh “đại ca” ấy mấy trận nhừ tử. Biệt danh “đại ca gấu đen” được bạn tù gắn cho Mùi cũng vì thế mà ra đời. Một lần, do ra tay quá mạnh, Mùi khiến cho hai phạm nhân phải nhập viện điều trị nên bị chuyển sang phòng dành cho những tù nhân mang án giết người.

Sau hơn 10 năm bóc lịch, Cao Tiến Mùi ra trại và anh vẫn còn may mắn khi người vợ hiền vẫn thủy chung chờ đợi. Bất nhẫn, anh không về quê mà chọn mảnh đất hoang sau trại giam để lập nghiệp. Đến nay, đã hơn 20 năm làm lại cuộc đời, vợ chồng anh đã có thêm những đứa cháu, cuộc sống ổn định và bản thân trở thành cộng sự đắc lực cho trinh sát trại giam cũng như Ban Công an xã trong việc phát hiện dấu hiệu của tội phạm xâm nhập địa bàn.

Một hoàn cảnh khác, là cựu phạm nhân Bàn Thái Tuấn (SN 1954), quê ở Cao Bằng, nguyên là sĩ quan công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng. Năm 1979, ông Tuấn bị kết án 20 năm tù về tội hủy hoại tài sản, thụ án được 15 năm thì ra tù trước thời hạn. Xách ba lô về quê, ông Tuấn cay đắng khi vợ đã lấy chồng, đứa con trai chung đi vào Tây Nguyên và bặt vô âm tín cho đến nay. Chua chát phận đời, ông ngược trở lại khu vực trại giam, đến gặp Chủ tịch xã Nghĩa Dũng xin nhập khẩu.

Lý do níu giữ Bàn Thái Tuấn, là trong thời gian cải tạo, những lúc đi chăn bò Tuấn đã quen và mến cô thôn nữ Trần Thị Hoa, kém mình hơn 10 tuổi. Năm 1998, hai người kết duyên cùng nhau. Do không có tiền, họ không làm đám cưới, dọn về ở với nhau tại túp lều trên bìa rừng. Gần chục năm sau mới gom góp được đồng vốn để xây dựng ngôi nhà cấp 4 đơn sơ. Hiện vợ chồng ông có với nhau 2 người con gái, cuộc sống tuy khó khăn nhưng đầm ấm, bố mẹ con cái yêu thương nhau rất mực.

Lý do neo lại với mảnh đất này, ông Bàn Thái Tuấn cho biết, khi về quê cũ, thấy mọi người ngoảnh mặt quay lưng, bản thân ông đã rất tuyệt vọng. Nên khi về lại với nơi đã khai sinh ra mình lần thứ hai, được sự giúp đỡ của chính quyền và ban giám thị trại giam, ông mới ngộ ra, chỉ có nơi đây mới thực sự là cuộc sống, quê hương của chính mình.

Gia đình ấm áp của cựu tù Hồ Văn Thuyết.

Hồ Văn Thuyết (SN 1947), quê ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Nhà nghèo nên sớm thất học, Thuyết rời làng vào Quảng Trị mưu sinh và gặp Hồ Thị Côi (SN 1949), quê Thanh Hóa. Cùng cảnh ngộ nên hai người nhanh chóng yêu thương và đi đến kết hôn. Khi đứa con đầu lòng vừa tròn 5 tuổi, Thuyết gây ra cái chết cho vợ chỉ vì lý do lãng xẹt, ấy là bị bạn bè trêu chọc vợ quá xấu trong một chầu nhậu, Thuyết đã lén bỏ thuốc độc vào cháo để sát hại. Án tù 20 năm được tuyên, Thuyết thụ án 13 năm tại Trại giam số 6 đóng tại địa bàn huyện Thanh Chương thì mãn hạn tù.

Trong thời gian thụ án, một lần mang mìn đánh cá, bất cẩn Thuyết đã bị mất một cánh tay. Ra trại, mặc cảm lỗi lầm, Thuyết nghe theo bạn tù ngược lên Nghĩa Dũng lập nghiệp. Tại đây, gã gặp chị Vi Thị Ngân (SN 1965), một người đàn bà qua một lần đò đang nuôi hai đứa con nhỏ, sau đó nên duyên vợ chồng. Chung sống được một thời gian, vào năm 2001, thêm đứa con chung ra đời, hai vợ chồng đặt tên là Hồ Văn Lưu. Cuộc sống của Hồ Văn Thanh càng có ý nghĩa hơn khi sau ngày mình xây dựng gia đình mới chưa lâu, cậu con trai đầu với người vợ quá cố là Hồ Văn Tiến đã tìm đến mảnh đất Nghĩa Dũng để nhận bố. Giờ đây, các con lớn đã có gia đình riêng, hai vợ chồng Hồ Văn Thanh và Vi Thị Ngân sống cùng cậu con trai út Hồ Văn Lưu trong ngôi nhà nhỏ phía sau Trại giam số 3. Ngày ngày, gã vẫn đều đặn ngày hai buổi chạy xe vào rừng, bắt rừng xanh phải trả nghĩa sau bao giọt mồ hôi, công sức đã đổ xuống.

Tri ân với mảnh đất tình người

Đồng chí Hoàng Đình Tâm, Trưởng Công an xã Nghĩa Dũng cho biết, tính đến thời điểm này, sau gần 60 năm Trại giam số 3 đứng chân trên địa bàn, đã có khoảng 20 trường hợp cựu phạm nhân mãn hạn tù quê ở khắp nơi trong cả nước neo lại đây làm lại từ đầu. Thời gian đầu, thấy những người này đến xin gia nhập hộ khẩu, chính quyền cũng lo lắm, song được sự động viên và cam kết của Ban Giám thị trại giam, xã đã mạnh dạn tạo điều kiện và rất mừng là đến nay chưa có trường hợp nào tái phạm pháp sau khi hoàn lương. Phần lớn những người này đều đã có gia đình, và những cô gái được chọn làm vợ ngoài thiên chức của người vợ, người mẹ còn động viên chồng rất tốt để họ yên tâm với cuộc sống hiện tại.

 Ngoài những gia đình nói trên, ở xã Nghĩa Dũng hiện còn có những cặp gia đình cựu phạm nhân tiêu biểu, không chỉ đoạn tuyệt quá khứ mà còn trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, tham gia các phong trào giữ gìn an ninh thôn xóm. Tiêu biểu như gia đình anh Phạm Văn Trắng (SN 1950), quê Hải Phòng. Anh Trắng là nhân viên Cục Vận tải đường biển, năm 1970 gây ra cái chết cho chị dâu, sau đó bị kết án chung thân, rồi giảm xuống 20 năm tù giam. Thời gian cải tạo tại đây, anh đã phải lòng cô giáo làng Nguyễn Thị Nhật, một phụ nữ góa chồng nuôi con nhỏ. Sau khi ra trại và kết hôn, họ có thêm một người con gái, bản thân anh trở thành ông chủ xưởng mộc có tiếng trên địa bàn.

Còn rất nhiều những số phận hoàn lương khác, trong quá khứ vì những hoàn cảnh khác nhau đưa đẩy mà họ đã phạm phải sai lầm, phải trả giá bằng những năm tháng cơm tù áo số. Thế nhưng, phúc phận đời người, họ may mắn được nâng đỡ, cưu mang ngay khi vừa bước ra khỏi cánh cổng trại giam bởi những tấm lòng bao la trời biển. Quan trọng hơn, ý chí, nghị lực và niềm tin đã giúp họ đứng dậy sau vấp ngã. Những số phận người tù sau cải tạo ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), nơi Trại giam số 3 đóng chân, là một bản giao hưởng của âm thanh cuộc sống. Họ đã làm nên thương hiệu của “làng hoàn lương” khi trở thành những công dân tiêu biểu của vùng đất một thời được mệnh danh là đất chết, là nơi của những anh hùng hảo hán, đại ca giang hồ tứ chiếng này

.
.
.