Làng lá dong ở Hà Nội - Đón xuân này, nhớ xuân xưa…!

Thứ Sáu, 05/02/2016, 16:00
Thôn Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) từ lâu đã là một làng nghề trồng lá dong nổi tiếng khắp cả nước. Với đặc trưng về thổ nhưỡng, khí hậu không như những nơi khác, nên những lá dong lớn lên trên đất này đem lại hương vị và màu sắc cho mỗi tấm bánh chưng trong dịp Tết đặc biệt hơn hẳn. Xuân nào cũng thế, Tết nào cũng vậy, cả làng đã sớm nhộn nhịp không khí bởi một màu xanh mướt được đưa đi khắp nơi…

700 năm lá dong "tiến vua"

Từ khoảng mồng mười tháng Chạp, thường là thời điểm cả làng Tràng Cát như đón Tết sớm bởi không khí vui vẻ, nhộn nhịp khi người người, nhà nhà tất bật cắt thu lá dong để đưa ra thị trường. Những người già trong làng vẫn còn kể lại, truyền thống trồng lá dong cũng đã có từ khoảng 700 năm nay, khi làng được lập. 

Tương truyền xưa, những tấm bánh chưng được lựa chọn để đưa vào cung tiến vua, nhất định phải là bánh chưng được gói bằng lá dong Tràng Cát. Có thể do đặc điểm về thổ nhưỡng, khí hậu, cũng có thể có một tiềm ẩn tâm linh nào đó mà những chiếc lá dong Tràng Cát không giống như những nơi khác. Thân lá to bản, mềm dầy một màu xanh mướt. Bánh chưng được gói bằng lá dong nơi đây cũng có một màu xanh đậm đà tươi sáng, hương vị thơm nồng đặc trưng đến lỳ lạ. 

Tiếng lành đồn xa, đã hàng trăm thế hệ trôi qua, lá dong Tràng Cát cứ thế vươn xa, trở thành một nguyên liệu cần thiết cho việc gói bánh chưng ngày Tết không chỉ riêng ở Hà Nội, mà còn có mặt ở khắp ba miền. Thậm chí, nhiều năm trở lại đây, lá dong Tràng Cát đã xuất ngoại phục vụ nhu cầu Tết của bà con Việt Nam ở Nga và các nước Đông Âu. 

Ông Bạc (65 tuổi), người dân Tràng Cát cho biết: "4 - 5 năm nay nhiều người còn có cả những mối hàng đi nước ngoài, có năm có người còn chuyển đi vài vạn lá". Anh Nguyễn Quang Tú - Trưởng thôn Tràng Cát cho biết: "Cách đây vài năm, thời điểm nhiều nhất có khoảng 350 hộ trồng lá dong với diện tích lên tới 200 mẫu. Hộ nào trồng ít thì vài sào, hộ nhiều 5-6 sào. Mỗi sào cho thu nhập khoảng 20 - 25 triệu đồng/năm. Trong câu chuyện của mình, anh Tú phấn khởi kể về những năm trước đó:  "Đường làng lúc nào cũng nườm nượp xe cộ qua lại. Nhiều bạn trẻ trong làng đang làm công nhân cũng xin nghỉ phép, đổi ca trong nhà máy để ở nhà cắt, bó lá dong cho tiểu thương từ khắp mọi nơi về mua".

  Người dân thôn Tràng Cát những ngày cuối năm.

Công việc nhiều nên người lớn thay phiên nhau cắt lá, trẻ nhỏ thì tham gia việc bó lá dong. Đa phần những người thu hoạch dong sẽ lọc và phân loại lá theo chất lượng và kích thước ngay tại ruộng. Có những người cẩn thận còn cắt mép lá bị đỏ để bán giá cao hơn. Sau khi lọc, lá được bó thành từng đọt 50 tầu, rồi vận chuyển về nhà. Công việc tưởng như đơn giản nhưng đòi hỏi bàn tay thuần thục để bó lá trông đẹp mắt, không bị gãy dập. 

Lá dong chở về được chất đống trên sân nhà, phủ vải bạt tránh nắng. Để duy trì độ tươi của lá, người dân ngâm lá vào nước. Lá dong có thể để được từ 15 đến 25 ngày. Những lá dong to, đẹp sẽ được bán để gói bánh chưng, còn lá nhỏ thì thường được khách hàng mua về để gói các loại bánh nhỏ như bánh tẻ, bánh nếp. 

Lá dong Tràng Cát thường có chiều rộng 25 - 35cm, dài 50 - 60cm, vừa vặn với khuôn bánh chưng. Sở dĩ cây dong ở đây phát triển tốt là do Tràng Cát nằm trong vùng bãi bồi của sông Đáy, có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua và có khí hậu thích hợp. Lá dong xanh tốt quanh năm, cho thu nhập cao hơn trồng lúa; đây là thứ dong nếp, chất lượng hơn hẳn lá dong rừng. Bầu lá tròn và dai, mặt dưới lá có màu xanh non, cuống lá dài và cùng màu với gân lá. Khi luộc chín, bánh chưng sẽ có màu xanh tự nhiên, vừa đẹp mắt lại có vị thơm.

Lá dong xanh tốt quanh năm, cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Mỗi sào chỉ cần đầu tư khoảng 500.000đ/năm nhưng có thể cho thu hoạch từ 8 đến 10 triệu đồng là thấp nhất. Phải năm đẹp mùa, lá dong loại đẹp, lá to, xanh bán tại vườn có giá 100.000 đồng/100 lá, loại trung bình 70.000 đồng/100 lá, loại nhỏ nhất 40.000 đồng/100 lá, có những sào dong đem lại từ 20 - 25 triệu đồng.

Năm mới nói chuyện cũ!

Cũng chừng này, khoảng một vài năm về trước, tôi có được theo đoàn du lịch về với Tràng Cát. Khi ấy, gần như khắp nơi, mọi cánh đồng đường làng ngõ xóm rực lên một màu dong xanh mướt. Tôi còn nhớ đã chụp được biết bao nhiêu là ảnh đẹp từ mỗi nụ cười, mỗi cái ôm, mỗi nhát cắt, chao cành rửa lá của người làng bên những xấp dong to nhỏ. Tiếng người già người trẻ, phụ nữ, đàn ông xen lẫn tiếng xe kéo kẽo kẹt, tiếng bán mua, hỏi han chúc mừng nhau cho những vụ mùa đầy lá. Không khó để nhìn thấy những ánh mắt biết cười lẫn trong hương thơm mát của cả một vùng đang nhộn nhịp xuân. 

Thế nhưng, lần này trở lại dường như Tràng Cát đang có một nét trở mình đầy trăn trở. Gần như ngoài cánh đồng không còn những thửa dong tốt tươi xanh lá; người xe qua lại trong dịp thu hoạch cũng vắng đi nhiều. Thay vào đó là những cánh đồng cam Canh, bưởi, ổi và rau cũng đang rộn ràng đón Tết. 

Ông Đoàn Xuân Tình - Phó thôn Tràng Cát chia sẻ: "Giờ đây lá dong chỉ còn được trồng ở các vườn nhà là chính. Tính từ thời điểm năm 2008 đến giờ, người dân đã chuyển đổi sang trồng đến 90% diện tích các cánh đồng từ dong sang canh tác cam Canh và nhiều loại rau và cây ăn quả khác". 

Nhiều năm trở lại đây, việc trồng và đưa thương hiệu cam đường Kim An có những đột phá mới. Với thu nhập trung bình từ 60 -70 triệu đồng/sào cam (gấp 3 lần so với trồng lá dong), người dân đã dần chuyển đổi và thu hẹp các diện tích đang trồng dong truyền thống của mình. Trong tiềm thức của nhiều người, do tác động của các bài toán kinh tế thì việc trồng dong cung ứng cho thị trường đang dần nhỏ đi các lợi thế.

Không bỏ nghề truyền thống

Chắc chắn không khỏi có những cảm xúc chạnh lòng khi về với Tràng Cát bây giờ. Cái truyền thống nức tiếng của lá dong Tràng Cát vẫn đang nở rộ ở khắp nơi, thậm chí là sang bên kia của đại dương. Nhưng thực tế giờ chỉ có thể về các vườn nhà mới được thấy màu xanh của dong. Mỗi dịp Tết về, sự nhộn nhịp thu hoạch và cung ứng dong đi khắp nơi vẫn còn, thế nhưng thực sự đã không còn như xưa. 

Ông Đạo - một người nhiều năm gắn bó với nghề trồng lá dong cho biết: "Trồng dễ, chăm dễ, nhưng người dân không trồng cây dong nữa vì trồng cam Canh cho hiệu quả kinh tế hơn hàng chục lần". Nhà ông Đạo có 4 sào đất, ngày trước trồng lá dong, nay để canh tác thứ khác. Lá dong chỉ còn trồng trong khu vườn nhỏ phía sau nhà. 

"Trồng dong chăm bón tốt, mỗi năm cũng chỉ được 10 - 20 triệu đồng/sào chưa trừ công cán. Trong khi đó giống cam Canh chăm đến năm thứ ba có thể thu về 70 - 80 triệu đồng/sào", anh Đạo nhẩm tính. Được biết, thương hiệu cam đường Kim An đã đang dần có vị thế, được đặt hàng tiêu thụ từ nhiều các siêu thị, các thị trường trên cả nước. Nếu như trước đây nhà nhà trồng dong, người người trồng dong thì giờ đây nơi nơi trồng cam, đồng đồng trồng cam.

  Ông Nguyễn Văn Bạc bên vườn dong nhà mình.

Mang niềm trăn trở về một nỗi lo mai một của truyền thống làng trồng dong đi tìm câu trả lời. Chúng tôi cũng được nghe những tâm sự rất thật lòng của những người dân nơi đây. Bà Lan - một người gắn bó với việc trồng dong lâu năm chia sẻ: " Cũng là bài toán kinh tế thôi, nhẩm là ra ngay. Việc làm kinh tế thì trồng cây gì, nuôi con gì có lợi nhuận cao thì ta phải làm thôi. Nhưng nói vậy chứ, không ai bỏ hẳn và cũng chẳng ai muốn bỏ hẳn nghề trồng dong". 

Ông Nguyễn Văn Bạc - Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc thôn Tràng Cát nói: "Diện tích trồng dong đã giảm đi nhiều vì lợi ích kinh tế mang lại kém hơn nhiều khi trồng cam. Thế nhưng, đa số các gia đình đều còn duy trì việc trồng dong ở diện tích thổ cư, các sân vườn nhà. Trồng dong thu nhập thua cam thật, nhưng lại hơn trồng lúa rất nhiều. Trồng dong được coi là một món nghề chơi mà vẫn ra tiền mà".

Xã Kim An đang từng ngày phát triển, và thôn Tràng Cát cũng đang từng ngày thêm khởi sắc. Cái truyền thống của một làng nghề trồng lá dong "tiến vua" đang thêm nổi bật hơn khi có thêm thương hiệu của cây cam Canh. Và mặc dù diện tích trồng dong nay đã giảm, nhưng tình yêu và tự hào truyền thống thì thực sự vẫn không thể mai một. Những người dân nơi đây vẫn khẳng định không bao giờ bỏ nghề trồng dong, sẽ tiếp tục duy trì và đem sắc xanh, vị thơm của lá dong Tràng Cát đi vào ngày trong  Tết của dân tộc.

Xuân Thời - Nguyễn Thúy
.
.
.