Lẳng lơ thứ ấy cũng ba bảy đường

Thứ Bảy, 05/09/2020, 19:05
Con người quả thực là giống loài kỳ lạ, cô đơn, đầy mâu thuẫn, bất an và luôn khát khao. Những nhu cầu, dục vọng luôn đốt cháy tâm can con người trong suốt quá trình tồn tại được giáo lý nhà Phật tóm gọn lại trong ba chữ tham, sân, si, được phương Tây, nơi luôn lẩn mẩn kỳ công thí nghiệm, tổng kết qua tháp nhu cầu Maslow nổi tiếng, do nhà tâm lý học Abraham Maslow phát triển.


Dù là tôn giáo hay khoa học, cuối cùng cả phương Đông và phương Tây đều gặp nhau ở một điểm, con người có một nỗi ám ảnh lớn: tham/ ham/ cần khẳng định bản thân mình. Phật giáo coi đó là tham, là khổ, bởi có tồn tại cái tôi thực sự nào đâu, toàn là ảo ảnh của ngũ uẩn, tâm lý học gọi đó là nhu cầu được thể hiện, khẳng định bản thân.

Con người ta tham lam, cần và muốn khẳng định bản thân ở những phương diện nào?

Kẻ muốn khẳng định bằng trí tuệ, người thích lãnh đạo được số đông, kẻ muốn giàu có, người thích sự nổi tiếng, kẻ thích có tầm ảnh hưởng, tựu chung lại, là được thừa nhận về năng lực, có được địa vị, tiền tài. Những mong muốn ấy có thể khác nhau với mỗi người, nhưng còn một khát khao sâu kín, thứ khát khao khẳng định sự tồn tại của bản thân mà hầu như ai cũng có, đấy là được yêu thích, được thừa nhận sự hấp dẫn, được yêu. 

Nhân vật Điêu Thuyền (do nghệ sỹ Ôn Bích Hà đóng) dùng sắc đẹp và sự lẳng lơ của mình để thực hiện một mưu đồ chính trị trong phim “Tam quốc diễn nghĩa”.

Mặc dù tình yêu nam nữ không phải là sự hấp dẫn dục tình, nhưng sự hấp dẫn dục tình luôn đi liền với tình yêu, từ đấy đôi khi sinh ra sự hiểu lầm kỳ khôi, rằng sự hấp dẫn dục tình là tình yêu và là con đường dẫn đến tình yêu. Từ sự hiểu lầm, lại sinh ra một cách thức câu dẫn tình yêu kỳ khôi khác, hấp dẫn đối tác bằng sự hấp dẫn dục tình. Thế nên mới cần eo thon, ngực nở, mới cần đến váy bó, ngắn, xẻ ngực sâu, mới cần tới bụng sáu múi, bắp tay cuồn cuộn, để có được cơ hội thu hút lớn hơn.

Nhưng sự đời, thái quá thì bất cập, lạm dụng sự khêu gợi, đánh vào bản năng để thu hút, quá đà, sẽ thành thiếu đứng đắn, dễ dãi. Sự thiếu đứng đắn và dễ dãi ấy, dù phương Đông hay phương Tây, ở bất cứ thời kỳ nào, đều nhận phải sự chê trách,ở bất cứ thứ ngôn ngữ nào, ta cũng dễ dàng tìm thấy từ có tính phê phán chỉ người dễ dãi, đem dục tình ra làm mồi câu thiếu đứng đắn, mà chủ yếu để chỉ người phụ nữ, các cụ nhà mình gọi đấy là lẳng lơ.

Vậy lẳng lơ là thế nào? Là có lời nói, thái độ, cử chỉ hành động mời gọi dục tình, mà thường là thiếu đứng đắn, vượt ra khỏi khuôn khổ đạo đức. Đó có thể là đầu mày cuối mắt gợi dục, có thể là ăn mặc hở hang, cố ý đụng chạm, có thể là lời lẽ khêu gợi, báo hiệu sự dễ dãi trong mối quan hệ tình cảm. Lẳng lơ có nhiều cấp độ, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Có kẻ lẳng lơ bởi sâu thẳm thiếu tự tin, không biết khẳng định bản thân ở phương diện nào khác ngoài sự hấp dẫn với kẻ khác phái. Khi ấy, lẳng lơ chỉ dừng ở việc phô bày, kích thích sự chú ý, chứ không quá phận.

Có kẻ lẳng lơ, ngã bên này, ngả bên kia, hết mối này tới mối nọ, dễ dãi tìm kiếm, dễ dãi thoả mãn, lại bởi ngoài nhu cầu cảm thấy mình hấp dẫn, còn có nhu cầu tình dục quá cao, sẵn sàng vứt bỏ ràng buộc đạo đức để đáp ứng phần con của chính mình. Những kẻ trở thành nô lệ cho hormone, cho nhu cầu bản năng ấy.

Có kẻ lẳng lơ chỉ vì ngộ nhận, cho rằng đấy là cách thức cần có để kiếm tìm tình yêu chân chính. Sự ngộ nhận nguy hiểm gây nên bao bi kịch đau đớn chỉ vì đi sai đường.

Có kẻ lẳng lơ, lại là để phản kháng lại cái lồng đang giam giữ mình. Đấy có thể là một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, đấy có thể là một xã hội đè nén người phụ nữ, không đề cao tình yêu tự do, hay hạnh phúc cá nhân. Thế nên cái bước chân của nàng Kiều "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" sang chỗ chàng Kim mới bị chê trách, bị không biết bao người cho là lẳng lơ, thiếu đứng đắn, thế nên mới có tiếng thơ tưởng như lẳng lơ nhưng xé lòng nỗi khát khao hạnh phúc, yêu và được yêu, mà chẳng bao giờ như ý nguyện của Hồ Xuân Hương, thế nên mới có một Thị Màu nổi tiếng lẳng lơ nhưng số phận đầy khổ đau, bẽ bàng. 

“Thị Mầu” nhân vật đệ nhất lẳng lơ trong vở chèo cổ “Quan âm Thị Kính” (ảnh minh họa).

Cũng có khi, người ta lẳng lơ vì những âm mưu thủ đoạn riêng, để mưu cầu tiền bạc, vị trí, hoặc giành phần thắng trong những cuộc đấu quyền lực. Thế nên mới có mỹ nhân kế, mới có chuyện mỹ nhân là mộ anh hùng. Giống như nàng Điêu Thuyền, chỉ dựa vào sự yêu mị của lẳng lơ mà khiến Lữ Bố giết Đổng Trác để giành giật nàng.

Lẳng lơ thường chỉ dùng để chỉ đàn bà, bởi quả thật, đàn bà là phái đẹp, là đối tượng có thể dùng vẻ đẹp, sự hấp dẫn của mình để mời gọi. Nhưng có hay không đàn ông lẳng lơ, thiếu đứng đắn? Những kẻ ấy thường lại được hiểu nhầm là đào hoa, là phong độ, càng có nhiều cuộc phiêu lưu tình ái, lại chiến tích chinh phục lại càng dày. Phải chăng quan niệm ấy xuất phát từ vai trong mối quan hệ nam nữ, đàn ông vốn là kẻ đi chinh phục, xuất phát từ chế độ phụ hệ kéo dài, trong các xã hội phong kiến, khi đàn ông được phép năm thê bảy thiếp, mà dấu vết vẫn còn tồn tại tới tận ngày nay?

Thời đại mới, cái đẹp bề ngoài của đàn ông càng ngày càng được quan tâm, qua rồi cái thời chỉ có vẻ đẹp nam tính lịch lãm hay phong trần được tôn vinh, đàn ông giờ cũng được quyền đẹp mong manh, yếu đuối, hấp dẫn, mời gọi, đàn ông giờ cũng chải chuốt, cũng nước hoa, son phấn, điểm trang. Cứ nhìn vào danh sách những người đàn ông hấp dẫn nhất ở các châu lục, đặc biệt là ở châu Á thì thấy, các tài tử Hàn Quốc, các nam thần soái ca Trung Quốc, Nhật Bản hiện giờ, quá nửa là đẹp theo kiểu có phần mời gọi như thế. 

Ở nhiều nước, các dòng sản phẩm chăm sóc dành riêng cho đàn ông, từ sữa rửa mặt, kem phấn thoa mặt, đến son dưỡng môi được bán chạy chẳng kém gì mỹ phẩm dành cho nữ giới. Thế nên, sự lẳng lơ thời đại này, chẳng phải chỉ phát tiết ở nữ giới. Dường như, đôi phía ngày nay đều ngang hàng bình đẳng trong việc "thả thính", câu dẫn khêu gợi bản năng dục tình của đối phương. Còn sự lẳng lơ ấy nằm ở cấp độ nào, đem đến kết quả hay hậu quả gì, lại tuỳ thuộc vào chính kẻ sử dụng sự lẳng lơ ấy.

Nhà văn An Hạ (anhavn85@gmail.com).

Tôi không xếp lẳng lơ vào nhu cầu của con người, tôi coi đó là tham, như quan điểm của Phật giáo. Tuỳ hoàn cảnh và thời điểm, mà nhận định cái tham ấy là đáng thương hay đáng trách, là sa sâu hơn vào vòng luẩn quẩn hay là một bước để nhận ra bài học mà trưởng thành. Nhưng chúng ta là ai mà có quyền phán xét người khác, khi chẳng ai ngoài chính họ phải chịu trách nhiệm về hành động, quyết định của mình, chịu trách nhiệm và sống chính cuộc đời của mình? Nhưng vẫn tồn tại cách nhìn nhận chung của số đông, như cái cân tiểu ly không chỉ dựa trên đạo đức xã hội, thời đại, mà còn dựa trên việc đánh giá đúng bản chất để nhắc nhở, can ngăn, hướng dẫn, rằng dù thế nào, lẳng lơ vẫn cứ là lẳng lơ.

An Hạ
.
.
.