Làng ''nồi đất'' hồi sinh

Thứ Tư, 15/03/2017, 13:49
Sau một thời gian dài bị mai một, vài năm trở lại đây, làng gốm lâu đời và có "một không hai" của xứ Nghệ ở xã Trù Sơn (Đô Lương) đã hồi sinh, góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.


Những ngày đầu năm, chúng tôi tìm về làng gốm xã Trù Sơn. Khác với cảnh vắng vẻ, ảm đạm thuở nào, những ngày này khung cảnh nơi đây thật nhộn nhịp, khẩn trương. Khắp đầu làng cuối xóm đâu đâu cũng thấy người ta nặn rồi nhóm lò để nung nồi đất.

Làng gốm cổ xưa nhất xứ Nghệ

Cùng với gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà, Chu Đậu... nổi tiếng của khu vực phía Bắc, làng gốm Trù Sơn, huyện Đô Lương là một trong những "cái nôi" về gốm nổi tiếng ở xứ Nghệ và khu vực Bắc Trung bộ. Từ trước tới nay, làng Trù Sơn được biết đến là nơi duy nhất làm ra các loại nồi bằng đất ở xứ Nghệ.

Không những thế, làng Trù Sơn hiện nay cũng có thể là duy nhất trong cả nước còn làm các loại nồi bằng đất. Chính vì thế mà ngoài cái tên Trù Sơn, nơi đây còn được gọi là làng "nồi đất". Tuy không có tài liệu nào chứng minh rõ được nguồn gốc của làng nghề nhưng theo những người cao tuổi ở xã Trù Sơn, nghề làm nồi đất ở đây xuất hiện từ thời nhà Trần. Khi đó, một cô công chúa con vua Trần truyền dạy cho người dân vào đây khai hoang lập đất.

Các công đoạn làm ra một sản phẩm nồi đất hoàn toàn bằng tay.  Ảnh: Thạch Văn

Như hồi tưởng của những người cao niên trong làng, người Trù Sơn trước đây ai sinh ra cũng sớm quen với nghề gốm. Là nghề vất vả, cực khổ nên làm gốm đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai vì mọi công đoạn làm gốm từ nhào, nặn đất đến tạo hình sản phẩm đều làm bằng tay.

Hơn nữa, để có đất sét làm gốm như ý, người dân Trù Sơn phải xuống xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) hoặc lên tận vùng Sơn Thành (Yên Thành) mới chọn được đất thích hợp. Đây là loại đất sét mịn, khá "trong", ít cợn...

Thông thường, khi được đào sâu xuống tầm 1m thì mới có loại đất cần tìm, đó là đất sét trắng. Lúc ấy, xe cộ còn chưa thịnh hành, phương tiện vận chuyển chưa có, người ta thường phải dùng đôi quang gánh cuốc bộ vượt quãng đường dài hàng chục cây số mới đưa được đất về. Do đó, người dân trong làng vẫn thường xem đấy là nghề "bán xương, nuôi thịt".

Những người làm gốm nhiều năm ở đây cho biết, gốm Trù Sơn có lẽ là loại gốm còn giữ được những nét cơ bản nhất của gốm cổ. Theo đánh giá, trong khi gốm Hải Dương, gốm Bát Tràng (Hà Nội) đa dạng, hình thức đẹp, được tráng men... thì gốm Trù Sơn lại đơn giản, làm bằng phương pháp thủ công, không tráng men, chỉ có màu đất. Nhưng có lẽ, chính vì "chỉ có màu đất" nên gốm Trù Sơn có nét đặc trưng riêng.

Sản phẩm gốm ở đây dù không sặc sỡ, bắt mắt và tuy nhẹ, mỏng nhưng khá cứng. Điều khiến nhiều người ưa chuộng những chiếc nồi đất ở Trù Sơn chính là khi sử dụng sản phẩm này để đun nấu bất cứ thứ gì từ thức ăn, vị thuốc đều giữ nguyên được hương vị vốn có của nó. Thậm chí, người làm gốm ở đây còn cho biết, người ta còn dùng nồi đất Trù Sơn để nấu vàng.

Công đoạn tạo nên một sản phẩm của làng gốm Trù Sơn cũng khá đơn giản. Đất đã nhồi kỹ sẽ được cho lên bàn xoay để tạo ra những hình dáng thô sơ ban đầu của những chiếc nồi, chiếc siêu. Khi đã làm xong phần thô, những chiếc nồi sẽ được bàn tay khéo léo của người thợ gọt lại cho thật trơn và đem đi phơi nắng, rồi đưa vào lò nung.

Để nung gốm, người ta thường đắp những lò nung ngoài trời, không hề có mái che đậy và được đắp rất đơn sơ. Nung gốm là khâu quan trọng nhất quyết định đến thành công và chất lượng của những chiếc nồi đất. Một mẻ nung gốm như vậy được khoảng 250 - 300 chiếc nồi, siêu.

Sau khi được xếp vào trong lò hình tam giác xây bằng đá ong, gốm được nung bằng lá thông, bên ngoài có một lớp rơm để giữ nhiệt. Một mẻ gốm được nung liên tục suốt 4-5 tiếng mới hoàn thành. Tuy nhiên để gốm chín đều, người thợ phải biết cách "xem lửa" mới biết thời điểm nào là cần phải dừng nung.

Sau khi được nung lên qua lửa đỏ thì sẽ cho ra màu đỏ - hồng như màu bình minh rất đẹp. Nhưng nhược điểm chính của những lò nung gốm ngoài trời là gặp trời mưa to, nồi đất hỏng thì người dân làm gốm chỉ "biết khóc".

Thương lái khắp nơi tìm đến làng Trù Sơn mua nồi đất.  Ảnh: Thạch Văn.

Sự "hồi sinh"

Trước đây, làng "nồi đất" Trù Sơn rất hưng thịnh. Khi ấy, người người, nhà nhà ở Trù Sơn đều làm gốm nên đi từ đầu làng tới cuối xóm đâu cũng thấy một màu gốm đỏ au. Những chiếc nồi đất đầy đủ kích cỡ như niêu kho cá, siêu sắc thuốc… là những sản phẩm có tiếng. Ngày đó, nồi đất Trù Sơn không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà còn xuất sang cả Trung Quốc.

Là nghề sinh nhai và có tiếng tăm lâu đời ở làng nên ngày trước, thanh niên trai tráng bất cứ nơi nào muốn làm rể ở Trù Sơn thì đều phải qua được một vòng "sát hạch". Họ phải giã nhuyễn được một nắm đất sét để làm gốm, nếu không đạt yêu cầu thì cũng đành phải rút lui.

Tuy nhiên, từ năm 1975 trở lại đây, làng "nồi đất" Trù Sơn dần mai một. Thời gian này, những vật dụng gia đình như nồi, xoong được làm bằng nhôm, inox xuất hiện ngày một nhiều nên sản phẩm nồi và siêu bằng đất nung rất dễ vỡ, không thể cạnh tranh nổi.

Công việc nặng nhọc, vất vả mà sản phẩm "nồi đất" làm ra ế ẩm nên dân làng Trù Sơn đua nhau "quay lưng" với nghề truyền thống. Lúc ấy, về Trù Sơn nếu không được biết trước sẽ khó có thể nhận ra nơi đây có một làng chuyên làm đồ gốm. Các dấu tích của làng nghề đã bị che khuất bởi nhà cửa, tường rào... Thi thoảng, chỉ có một vài nhà làm gốm sống lay lắt, buồn thiu.

"Năm 1992, nhiều nghệ nhân trong làng được một số chủ lò gốm ở Hà Nội thuê chở đất ra Hà Nội làm và triển lãm. Khi ấy người dân trong làng hồ hởi vì cứ hy vọng rằng nghề gốm của làng sẽ trở lại thời kỳ hưng thịnh như xưa, ai ngờ người ta thuê mình ra để "cắp nghề"!", ông Nguyễn Hữu Võ (68 tuổi), ở xóm 11, xã Trù Sơn, nhớ lại. Thấy vậy, dân làm gốm trong làng chán ngán, ngày càng nhiều người quay lưng với nghề truyền thống.

May sao, từ năm 2014 tới nay, nhiều nhà hàng, khách sạn và làng nghề nấu cá truyền thống phát triển nên sản phẩm nồi đất Trù Sơn được nhiều nơi sử dụng. Vì vậy, làng nghề nồi đất cổ và "độc nhất vô nhị" ở xứ Nghệ có cơ hội phát triển trở lại.

Ông Nguyễn Công Du chuẩn bị mang nồi đất đi tiêu thụ. Ảnh: Thạch Văn.

Trước và sau Tết Nguyên đán, gia đình bà Nguyễn Thị Thái ở xóm 12, xã Trù Sơn có rất nhiều khách hàng ở ngoại tỉnh về đặt hàng nồi đất. Hiện trong nhà bà Thái có gần chục lao động làm nồi đất thường xuyên để có đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Mỗi tháng, lao động làm việc tại nhà bà Thái được trả từ 3-3,5 triệu đồng.

Không chỉ vậy, bà Thái còn thu mua sản phẩm nồi đất của nhiều người dân trong xóm đem đi tiêu thụ ở các tỉnh như Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam cho đến Quảng Bình. Bình quân, mỗi tháng gia đình bà Thái cung cấp cho thị trường từ 16.000 - 20.000 sản phẩm nồi đất, thu lãi 35-40 triệu đồng.

Không chỉ gia đình bà Thái, hiện nay nghề làm nồi đất ở xã Trù Sơn đang phát triển mạnh.

Ông Nguyễn Công Du ở xóm 10, xã Trù Sơn cho biết: "Nhà tui làm gốm đến đời tui là đời thứ 12 rồi và đến giờ tui vẫn gắn bó với nghề". Nói rồi, ông Du chỉ ra chiếc xe thồ đã xếp đầy hàng trăm chiếc nồi, siêu đất đã nung chín đang chờ ông đẩy đi tiêu thụ. Ông kể rằng đã cùng chiếc xe chở gốm của làng đi nhiều nơi, xa nhất tận Quảng Bình, Hà Nội.

Trước đây, do chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm nên mỗi tháng gia đình ông chỉ nung được từ 1-2 lò, bình quân mỗi lò làm ra 300 sản phẩm nồi đất rồi dùng xe thồ chở đi rao bán khắp nơi, rất vất vả mà thu nhập lại thấp. Nhưng nay, sản phẩm nồi đất làm ra được khách hàng nhiều tỉnh đến tận nhà thu mua rất thuận lợi nên mỗi tháng gia đình ông nung 4-5 lò, đem lại thu nhập mỗi tháng gần 30 triệu đồng cho gia đình và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động.

Theo thống kê của chính quyền xã Trù Sơn, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 60 hộ làm nghề, tập trung chủ yếu ở các xóm 10, 11, 12, 13. Sản phẩm nồi đất do người dân Trù Sơn làm ra cũng đa dạng về mẫu mã như siêu sắc thuốc, cơm niêu, cá kho tộ được khách hàng ưa chuộng. Bình quân mỗi tháng, người làng Trù Sơn sản xuất được hàng chục ngàn sản phẩm nồi đất đem lại cho các hộ dân thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống của những người dân làm nghề này ngày càng được nâng cao.

Ông Nguyễn Thụy Chính, Chủ tịch UBND xã Trù Sơn cho biết: Làng gốm Trù Sơn đã qua nhiều thăng trầm, có những thời điểm bị mai một và hiện nay người dân địa phương đang khôi phục lại nghề gốm. Hai năm trở lại đây, người dân trong xã đã tập hợp lại từng tổ từ 7-10 người để sản xuất gốm.

Sau khi nung, nhiều ôtô từ các nơi tìm về đóng hàng và đưa đi tiêu thụ. Mặt hàng gốm tại Trù Sơn hiện rất đa dạng, từ siêu, nồi sắc thuốc bắc, nồi cơm niêu và những nồi nấu lẩu được thị trường miền Trung và các tỉnh phía Bắc rất ưa chuộng.

Trù Sơn là một xã xa trung tâm huyện, đời sống dân sinh còn nhiều khó khăn nhưng bằng sự vươn mình trong nông thôn mới, hiện nay chính quyền địa phương và các cấp, các ngành đang vào cuộc tiến tới xây dựng và khôi phục lại làng nghề truyền thống, ông Chính cho biết thêm.

Hồ Văn Ngợi
.
.
.