Lãng phí xe công... chất chồng gánh nợ!

Chủ Nhật, 20/03/2016, 15:39
Gần 13 000 tỷ đồng chi phí nuôi 40.000 chiếc xe công (chưa tính các lực lượng vũ trang, và doanh nghiệp nhà nước). Nhiều hay ít? Lớn hay nhỏ? Giữ xe công hay bỏ đi? hay chuyển đổi một hình thức phục vụ khác? Việc công cần thiết phải đi máy bay thì vẫn nên đi máy bay. Công việc không đáng, không nên sử dụng xe công thì kiên quyết ngăn chặn, dẹp bỏ.


Xe công phục vụ các vị nguyên thủ quốc gia có lẽ không phải bàn tốt hay xấu, mà mặc định hiệu quả an toàn và điều kiện tối đa bảo vệ sức khỏe. Vì sinh mệnh họ không còn là cá nhân nữa, mà là tài sản quốc gia cần được, cần phải bảo đảm an ninh đặc biệt. 

Chẳng hạn, Tổng thống nước Mỹ giàu có bậc nhất thế giới được trang bị xe ôtô công lắp đặt kính chống đạn, thiết bị chống rung, chống lật, và còn có phi cơ riêng đặc biệt. Nhưng, chúng ta đã từng nghe câu chuyện Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe hàng ngày đến Dinh Thủ tướng làm việc. Thủ tướng Thụy Điển tự lái ôtô, hoặc đi các phương tiện khác đến công sở. Còn bà Tzanova - Phó Thủ tướng Bulgaria kiêm Bộ trưởng Đặc trách quản lý các quỹ của Liên minh châu Âu luôn từ chối ôtô công vụ và đạp xe đạp đi làm, tất nhiên những vệ sĩ cũng phải đạp xe theo bà để bảo đảm an ninh. 

Mới đây, ngài Justin Trudeau - tân Thủ tướng Canada và nội các cũng tuyên thệ: đi đến Quốc hội làm việc bằng xe buýt... Chẳng ai bắt các vị nguyên thủ các quốc gia phát triển ấy làm thế. Hoàn toàn tự giác! Chuyện hay dở, đúng sai là theo quan niệm mỗi người, mỗi quốc gia. Nhưng, ở tầm chính khách, quốc gia đại sự, mà các yếu nhân ấy tự nguyện từ chối xe ôtô công cũng là điều đáng ngẫm nghĩ và vận đến nước mình.

Minh họa Lê Tâm.

Xe công nước mình đang là một bức tranh hai màu sáng tối lẫn lộn. Ai đã dùng xe công rồi rất khó bỏ, vì nó "hại nước lợi nhà". Xe công nhưng lại được sử dụng công khai ngang nhiên sử dụng sai mục đích. Có thể ví xe công như "xe chùa" lại sử dụng "xăng chùa". Người ta dùng xe công chở... bồ nhí đi hưởng lạc..., đi thăm nom, đi lễ chùa, đi ăn cưới, đi du hí cả gia đình. 

Ông giám đốc sở, ông cục trưởng, vụ trưởng đương chức và cả sắp nghỉ hưu tranh thủ dối già... cũng sử dụng xe công đưa vợ con đi chơi trên từng cây số. Đại biểu Quốc hội - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã nêu lên một sự thật: "... số lượng xe công hiện tại của Việt Nam quá lớn và bị lạm dụng nhiều. Đã đến lúc cần xem xét lại toàn bộ chính sách, không chỉ xe công mà còn các chính sách khác".

Xe công đang bị nhập nhèm lợi dụng để mưu lợi cá nhân. Không khó nhận ra những chiếc xe ôtô công trong ngày làm việc, trong ngày nghỉ lóc nhóc trẻ con, hay vai sát vai quý bà ở các khu du lịch: Sa Pa, Hạ Long, Bà Nà, Nha Trang, Vũng Tàu... Có những xe công bỗng dưng thay đổi thân phận công cụ nhà nước thành đồ riêng của gia đình thủ trưởng bon bon trên mọi nẻo đường. Còn lái xe ăn lương nhà nước cũng biến thành chân sai vặt lái xe lon ton đưa vợ sếp đi shopping, đi dưỡng da mặt, tập thể hình, đưa đón con cháu của thủ trưởng đi học, đi chơi. 

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực UB Đối ngoại của Quốc hội đã phải ai oán kêu rằng: "Thực tế, nhiều người có xe công thì đi lại, về quê quán, thăm bạn bè là toàn bằng xe công cả. Những người đi xe công rồi thì phần nhiều không có xe tư nữa. Bây giờ lệ phí trên đường cao, thế thì hơi đâu mà phải mua xe tư cho nó tốn". Có phải người ta mưu lợi bằng cách đi luồn trong các khe hở chính sách.

Xe công thì... "hèn ít oai nhiều". Một ông VIP có được bố trí ôtô biển số oách, được biên chế lái xe, khi xe dừng thì tài xế đi vòng sang bên mở cửa, được đón rước linh đình... thì người ta cảm thấy oai, thấy đẳng cấp cao hơn, oai hơn cả tự lái xe, lọ mọ đi đến, tìm chỗ đỗ. Vậy nên, cắt bỏ xe công là một hành trình gian nan, chẳng ai chịu từ bỏ miếng ăn ngon hằng ngày, chẳng ai lại tự chặt chân mình.

Xe công chi phí quá cao: tiêu tốn cho một xe công trung bình mỗi năm khoảng 320 triệu đồng, gồm lương lái xe, bảo quản sửa chữa, chi phí hao mòn, và mua xăng dầu. Trong khi đó, cùng loại xe, cùng loại công việc, các dịch vụ cho thuê xe ở bên ngoài chi phí cho mỗi xe một năm chỉ 240 triệu đồng, mỗi xe rẻ hơn hẳn xe công 80 triệu. 

Chỉ tính riêng khoản tiết kiệm này thôi, thì cả nước 40.000 chiếc xe công cũng dôi ra 3.200 tỷ đồng. 3.200 tỷ sẽ xây dựng được 8 cái tượng đài mà quy mô tương đương với tượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam. Chỉ cần 3 năm tiết kiệm theo phương án thuê xe sẽ xây được 1 trung tâm chính trị-hành chính to đẹp đàng hoàng lộng lẫy như Hải Phòng sắp xây gần 10.000 tỷ đồng. Cần xem phương án không mua xe công, không tuyển lái xe để phải trả lương, mà thuê xe đi việc công xem có rẻ nhiều hơn không! 

Lãng phí xe công, dùng sai mục đích còn đồng nghĩa với tham ô, tham nhũng công khai, ai cũng biết mà vẫn "thả cửa" cho cái sai cái xấu hoành hành. Lao động sản xuất mà không tiết kiệm, sử dụng lãng phí có khác chi gió vào nhà trống. Xây dựng lãng phí. Xe công lãng phí... dẫn đến tăng chi và áp lực ngân sách. Tích tiểu thành đại, các loại lãng phí cộng với lãng phí xe công góp phần chất chồng gánh nợ công sát ngưỡng mất an toàn 65%, thử hỏi thuế của dân nào chịu nổi!?

Khó bỏ xe công còn bởi "cái nước mình nó thế", được tiêu chuẩn xe công dù biết nó lãng phí, tốn kém, mà có ai tự nguyện tự giác không nhận hoặc đề nghị thay thế bằng một chính sách sử dụng khác có lợi, tiết kiệm hơn đâu. Một người thẳng lưng sẽ trở thành dị dạng, bị dè bửu nếu như anh ta lạc vào sống trong vương quốc những người khom lưng. Một ông quan chức gương mẫu đi xe đạp hoặc đi xe máy, thậm chí đi taxi đến hội thảo, họp hành cũng sẽ trở thành lập dị, thành hâm hấp, thành chập cheng trong con mắt người đời. 

Chín năm trước, ông Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người đầu tiên đau lòng xót ruột với tình trạng lãng phí xe công, đã tự nguyện trả tiêu chuẩn chiếc xe công Toyota Camry 2.4 do cơ quan trang bị để mỗi tháng nhận 4,5 triệu đồng theo mức khoán. Suốt ba năm - đến lúc nghỉ hưu, ông Thuận chỉ chi tiêu hết 1,5 triệu đồng/tháng cho việc đi lại bằng các phương tiện tự lựa chọn. 

Những có được bao người như ông Thuận? Báo chí cũng một dạo ngợi ca một ông phó chủ tịch tỉnh không đi xe công, mà đi xe taxi, một ông nữa đi xe máy đi họp, nhưng đến nơi thấy tất cả mọi người vẫn y nguyên... xài xe công. Tự cảm thấy mình lạc lõng, lại mua thêm cái bực tức, không muốn làm kẻ lập dị trong con mắt đồng cấp và cấp trên, hôm sau hai vị ấy lại... đi xe công.

Công bằng mà nói, không phải Chính phủ làm ngơ trước tình trạng lãng phí xe công. Từ năm 2007, Thủ tướng đã ban hành QĐ 59 khoán xe công vào lương cho cấp thứ trưởng, phó chủ tịch HĐND và UBND trở xuống. Từ đó đến nay, cũng có một số vị nhận khoán tiêu chuẩn xe công vào lương. 

Chẳng hạn, sau ông Trần Quốc Thuận là ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Quốc hội - một trong số người hiếm hoi không đi xe công vụ mà chuyển đổi hình thức khác. Ông Hùng nói rằng: "Tôi đang nhận khoán tiêu chuẩn xe công vụ mức 10 triệu đồng/tháng và thấy rất thoải mái, thuận tiện". Việc làm ích nước lợi nhà, tiết kiệm cho quốc gia hàng trăm triệu đồng một năm, nhưng có mấy ai học tập ông Thuận, ông Hùng?

Vì sao chính sách lại không đi vào cuộc sống? Chỉ có thể là chính sách sai, hoặc người ta không thực hiện, hoặc cách làm sai. Trong trường hợp này thì... chính sách đúng. Nhưng, tổ chức thực hiện không hiệu quả, đối tượng phải thực hiện lại là những người có chức, có quyền sử dụng xe và có quyền điều xe. Không dễ gì người ta bỏ món mồi béo bở như trên trời rơi xuống, mà không phải đi câu. Dư luận báo chí cũng nhiều lần cảnh báo về quốc nạn xe công lãng phí đang góp phần cùng tham nhũng làm hao mòn nguồn lực quốc gia. Nhưng, trống chuông nổi lên mà người người vẫn im lặng. Một sự im lặng đáng sợ để thừa cơ đục nước béo cò. Và ai mà đếm nổi sao trên trời, cũng như chẳng bao giờ biết các vị khi đi xe công sẽ làm lợi cho quốc kế dân sinh bao nhiêu.

Chìa khóa để thực hiện kinh tế thị trường chính là... xóa bỏ bao cấp. Chìa khóa của chặn đứng lãng phí xe công không phải là kêu gọi thức tỉnh lương tâm đạo đức, mà là biện pháp hành động: phân cấp xe công và khoán tiêu chuẩn xe vào lương. Đi dài đi ngắn, đi nhiều đi ít, đi xe sang hay xe cọc cạch... cũng chỉ số tiền nằm trong tiêu chuẩn. Khéo làm thì no khéo co thì ấm. Thậm chí các vị đi xe đạp, đi bộ còn bớt béo bụng, giảm tiểu đường lại dư giả tiền khoán tiêu chuẩn xe công. 

Gần đây Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quy định về quản lý xe công theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg. Theo tính toán của Bộ Tài chính thì có khoảng 7.000 xe công sẽ thừa ra, tiết giảm được 500 tỷ đồng mua xe thay thế, ấy là chưa kể phí vận hành rất lớn để... nuôi xe. Đây không chỉ là một nguồn lợi đáng kể trong lúc tình trạng tài chính nước nhà như "củi châu gạo quế", mà là tín hiệu rất đáng mừng và hi vọng về công tác tổ chức chấn chỉnh, ngăn chặn lãng phí, "xài chùa" xe công. T

ôi cũng nghĩ: Nhà nước không nên cực đoan cắt bỏ xe công và chẳng dại gì cắt bỏ. Vì các quốc gia đói nghèo hay phát triển, giàu có vẫn sử dụng phương tiện xe công. Quyết định 32 sẽ được thực thi như thế nào, có đi vào cuộc sống, hay lại như Quyết định số 59 cách đây 8 năm gần như bị trôi vào quên lãng?

Bây giờ, chỉ còn hành động và... hành động.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh
.
.
.