Làng ruồi đã hết ruồi?

Thứ Bảy, 26/04/2014, 14:00

Vì ruồi nhiều quá nên dân xóm 5, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An chua chát tự nhận dân làng mình là làng ruồi. Có đận, ruồi bay vo ve, làm tổ trong nhà ngoài ngõ. Ruồi đậu kín đen trên những giàn giậu, dây mắc, vào tận giường ngủ. Ruồi nhiều quá, bâu vào cả thức ăn, làm ai cũng phát khiếp. Đến nỗi, ruồi trở thành ám ảnh, thành nỗi sợ hữu hình bủa vây. Và thủ phạm, không phải là cái gì khác mà chính là "rốn" rác Ngọc Sơn, rộng 5ha, nằm trên một khoảng rừng nhỏ của xã.

Dạo trước và sau Tết Nguyên đán, dân xóm 5, xã Ngọc Sơn trở nên nổi tiếng vì cái tên "làng ruồi" tự nhận của mình. Ai lại tự nhận làng mình là làng ruồi bao giờ? Xấu làng hổ mình. Thế nhưng, ruồi đông như biệt đội, ngày đêm hoành hành oanh tạc, tuồn về từng hộ gia đình, tuồn một cách không cứu vãn. Mặc dù ở đây nhà nhà cách nhau xa, dân cư lại thưa thớt nhưng không chỉ có những hộ gia đình gần bãi rác mà hầu như cả làng đều không tránh khỏi ruồi. Vì cái sự không cứu vãn đó mà không ít gia đình lao đao.

Trước và sau Tết Nguyên đán thì thế, còn bây giờ thì sao? Xin thưa, làng ruồi vẫn chưa hết ruồi. Một người dân xóm 5 mới nói đùa với tôi rằng ruồi này chắc là con của con, cháu của cháu, chắt, chút, chít ruồi dạo trước.

Có mặt tại bãi rác Ngọc Sơn vào đầu giờ chiều, một mùi hôi hám, khó chịu bốc lên nồng nặc. Hầu như tất cả mọi thứ được gọi là rác thải ở trên đời đều được tập trung về đây. Thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có, từ cơm thừa canh cặn, manh chiếu cho đến hộp sữa của trẻ em… nói chung đủ cả. Và ruồi thì cứ gọi là như mưa rơi. Mưa ruồi giữa trời nắng nhẹ!

Mới loay hoay đứng chụp hình bãi rác, không để ý mà một lát sau nhìn xuống chân, ruồi bâu kín đặc, đen ngòm. Nhìn phát gớm! Ông Bùi Văn Cường (47 tuổi), nhân viên bảo vệ của bãi rác cười: "Bãi rác thì phải có ruồi. Đó là lẽ đương nhiên rồi. Mấy nay còn đỡ vì công ty môi trường người ta vừa phun thuốc diệt ruồi xong. Chứ cô mà đến vào dịp trước và sau Tết thì có mà…".

Thì có mà làm sao? Thì "muốn ói chứ sao", bà Bùi Thị Dung, nhà được cho là gần với bãi rác nhất nói. Khi chúng tôi đến nhà bà thì khắp nhà đều trang bị  dụng cụ diệt ruồi như bẫy tấm dính, vỉ đập ruồi, bình phun thuốc diệt ruồi… mặc dù cơn mưa ruồi đã thưa đi rất nhiều so với hồi Tết. Nhớ lại thời gian đó, bà ngao ngán: "Ruồi đậu kín đen cả dây điện, màn, góc nhà. Con trai tôi còn quay lại được cảnh đó tung lên mạng. Cả năm được mấy ngày Tết đón khách khứa đến. Nhưng nhìn vào mâm cơm ruồi đậu kinh quá, ai cũng chết khiếp. Nói chi ăn với uống nữa. Nhà tui mỗi ngày mất 20 ngàn đồng tiền mua bẫy dính ruồi. Có lúc bẫy dính giăng khắp nhà, ruồi bị đánh thuốc quay lơ lơ. Bầy ngan tui nuôi, có con ăn phải ruồi bị đánh thuốc cũng bị lây rồi chết". "Mà ruồi còn chưa ăn thua, dạo ni còn xuất hiện nhiều nhặng xanh. Cái con giống con ruồi nhưng màu xanh, to hơn, nhìn hung hãn và khiếp hơn đó. Chỉ có buổi tối, tắt hết điện thì ruồi và nhặng mới thôi tấn công", bà Dung cho biết. Còn ông Cường, người hằng ngày vẫn túc trực bên bãi rác thải thì cười khi chúng tôi hỏi về cơn mưa ruồi: "Có những ngày ruồi bay đen cả một vùng".

Canh cánh nỗi lo ô nhiễm nước đầu nguồn   

Khi dân xóm 5, xã Ngọc Sơn vẫn chưa thôi ám ảnh về cơn mưa ruồi và hiện nay thêm cả hiện tượng nhặng xanh thì dân xóm 6 nói riêng và nhiều xóm khác của xã Quỳnh Tân nói chung lại canh cánh nỗi lo ô nhiễm nước đầu nguồn ở đập An Ngãi. Sở dĩ như thế là do bãi rác Ngọc Sơn nằm ngay đầu nguồn con đập này, vốn là nơi để các kênh mương dẫn nước sinh hoạt và nước dùng của dân về từng xóm.

Một người dân ái ngại: "Bãi chôn lấp rác thải Ngọc Sơn cách nơi ở của dân chúng tôi có vài cây số. Khi con đập An Ngãi dẫn nước về đây cũng đồng nghĩa với việc nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu dân Ngọc Sơn hít đủ mùi rác thì dân Quỳnh Tân cũng không kém cạnh gì khi phải ăn thứ nước nhiễm độc. Thậm chí, ở đây còn độc hơn vì ăn trực tiếp vào người. Chúng tôi thì không nói làm gì nhưng con cái, cháu chắt chúng tôi thì đáng lo ngại. Mà tôi cũng không hiểu vì sao rác chuyển tất về đây lại không qua xử lý, để hôi hám và kinh khủng như rứa".

Ông Cường: "Có những ngày ruồi bay đen cả một vùng".

Theo tìm hiểu, Quỳnh Lưu là địa phương có số dân đông nhất tỉnh Nghệ An. Hằng ngày, lượng rác thải xả ra vô cùng khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân. Để giải quyết tình trạng đó, năm 2011, UBND huyện Quỳnh Lưu đã đầu tư 13 tỉ đồng xây dựng bãi chôn lấp rác rộng 5 héc ta tại xóm 5, xã Ngọc Sơn. Và đây trở thành "rốn" rác của cả huyện (với gần 40 xã, thị trấn).

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bãi chôn lấp rác thải ban đầu mà chưa phải là bãi xử lý rác thải nên rác tuồn về đây và ứ đọng từ năm này qua năm khác, gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng. Hệ quả là cơn mưa ruồi hoành hành, là xú mùi ô hợp của đủ thứ tả pí lù trên đời, là nỗi bất an thường trực của các hộ dân ở Ngọc Sơn và Quỳnh Tân.

Ông Cường cho biết, sở dĩ có hiện tượng ruồi phát triển trong thời gian trước và sau Tết là do công ty môi trường chậm trễ trong việc phun thuốc diệt ruồi và hạn chế sự phát triển của côn trùng. Hằng ngày có 12 - 15 chuyến xe ben (có trọng lượng 8 - 10 khối), chở rác từ các nơi về tập kết tại đây. Ngày nhiều nhất lên tới 22 chuyến, ngày ít nhất (thường là những ngày mưa gió) cũng có tới 7-8 xe. Vì thế, mỗi ngày bãi rác thu nhận một khối lượng rác khổng lồ hơn bất cứ nơi nào.

Sắp có nhà máy chế biến rác?

Đem vấn đề ô nhiễm tại bãi rác Ngọc Sơn trao đổi với ông Hồ Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu thì ông Dũng nói rằng: "Mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận khoảng 40 - 50 tấn rác thải, bước đầu giải quyết vấn đề ô nhiễm cấp bách tại huyện Quỳnh Lưu. Rác được 3 công ty tư nhân hoạt động trên lĩnh vực vệ sinh môi trường là: Công ty TNHH Thái Bình Nguyên; Công ty Môi trường Đô thị Hoàng Mai và Công ty Môi trường Quỳnh Hưng. Ba công ty này tiến hành thu gom rác từ các điểm tập trung trong xã, thị trấn, thị xã rồi cho xe chuyên dụng chở về đổ tại bãi rác Ngọc Sơn. Trước mắt, rác được san lấp, lăn lô ép, sau đó được phun hoá chất để chống sự phát triển của côn trùng, nhất là ruồi. Và hiện nay, cũng không còn rác rơi vãi dọc đường, gây mất mỹ quan như thời gian trước".

Ông Dũng cũng nói tiếp: "Các công ty này được Ban Quản lý môi trường của huyện ký hợp đồng theo năm, thanh lý quyết toán 3 tháng/lần. Hằng tuần, UBND huyện phối hợp với Ban quản lý dự án cùng Phòng Tài nguyên - Môi trường của huyện xuống kiểm tra đôn đốc việc chôn lấp này. Nhật ký lăn lô ép, việc kiểm tra đột xuất về sự phát triển của côn trùng cũng như việc phun hoá chất cũng được kiểm tra thường xuyên thông qua hồ sơ thu mua hoá chất (?!). Và khi ký với UBND huyện thì các công ty này phải chịu trách nhiệm trước UB về vấn đề này".

Quang cảnh rốn rác ở Quỳnh Lưu và các công cụ diệt ruồi tại nhà bà Dung.

Còn về tâm lý lo lắng của dân Quỳnh Tân, ông Dũng giải thích: "Vấn đề người dân lo lắng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi cho xây dựng bãi chôn lấp này, chúng tôi đã tính toán và có phương pháp xử lý nước thải chứ không xả thẳng trực tiếp ra môi trường. Vì vậy, người dân cho rằng nguồn nước ô nhiễm chảy thẳng xuống đập An Ngãi là chưa chính xác".

Về phương án giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường lâu dài, ông Dũng cho biết, hiện nay tỉnh đã có quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý và chế biến rác thải tại đây. Dự trù nhà máy này rộng 20ha và để vận hành thì phải có khoảng 150 tấn rác/mỗi ngày. Nếu dự án này khả thi thì Quỳnh Lưu sẽ trở thành nơi chứa tất cả rác thải của một số huyện lân cận,  từ Nghĩa Đàn và Yên Thành đưa xuống, Diễn Châu đưa ra, không riêng gì địa phương này. Tuy nhiên, khi hỏi bao giờ nhà máy này sẽ khởi công và đi vào vận hành thì ông Dũng không biết.

Như vậy, theo ông Phó Chủ tịch UBND huyện, trong tương lai sẽ có một nhà máy xử lý và chế biến rác thải với quy mô lớn. Và việc ô nhiễm trong thời gian qua, phía công ty môi trường đã kiểm soát hết mức có thể và cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Thế nhưng, việc hằng ngày dân Ngọc Sơn bằng mọi cách để diệt ruồi cũng là có thật. Và dường như lời giải thích của ông chưa thỏa đáng, thế nên mới có việc dân Quỳnh Tân vẫn tiếp tục lo lắng về những nguy cơ tới sức khoẻ của họ và con cháu họ trong nay mai.

Liệu hy vọng về một nhà máy xử lý rác thải của các cấp chính quyền trở thành hiện thực hay không? Có thực sự "đẹp" và khả thi trong việc giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường hay không? Hay nơi đây lại trở thành rốn rác khác, với quy mô lớn hơn, mức độ ô nhiễm khủng khiếp hơn, nhiều cơn mưa ruồi, mưa nhặng hoành hành hơn (vì khi lúc đó, rác tuồn về đây không chỉ của huyện Quỳnh Lưu nói riêng mà còn cả những huyện lân cận)? Câu hỏi đó lại tuỳ thuộc vào mức độ quan tâm và trách nhiệm của UBND huyện Quỳnh Lưu!

Bãi chôn lấp rác là một phương pháp vệ sinh và tương đối rẻ tiền của việc xử lý chất thải. Các bãi chôn lấp thiết kế kém hoặc quản lý kém có thể tạo ra một số tác động xấu đến môi trường như gây bốc mùi, thu hút sâu bọ và tạo ra nước rỉ rác. Một sản phẩm phổ biến nữa của các bãi chôn lấp là khí (chủ yếu bao gồm khí methane và carbon dioxide). Khí này có thể tạo ra các vấn đề mùi, diệt thảm thực vật bề mặt và là một khí gây hiệu ứng nhà kính.

Đậu Dung
.
.
.