Lặng thầm nghề y tại trại giam

Thứ Ba, 19/03/2019, 16:27
Các y, bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho phạm nhân, can phạm… ở các trại giam, trại tạm giam có thể nói là một nghề đầy nguy hiểm, luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, bởi tỷ lệ can phạm nhân mắc các bệnh xã hội, bệnh mãn tính như HIV/AIDS, lao, đái tháo đường chiếm tỷ lệ khá cao…


Vậy nhưng, với sự tận tụy, hy sinh thầm lặng, cố gắng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, những người thầy thuốc Công an làm việc ở một “môi trường đặc biệt” vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình…

Nhiều khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ

Hiện nay, hầu như các cơ sở y tế, bệnh xá của trại giam và trại tạm giam ở khu vực phía Nam đều có phần thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là thiếu hụt về nhân sự làm công tác y tế, bởi việc thu hút các bác sĩ về làm việc tại những môi trường này gặp rất nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Công an các địa phương, Ban giám đốc các bệnh viện, Ban Giám thị các trại giam, trại tạm giam, đội ngũ y, bác sĩ nơi đây đã vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại đơn vị.

Do đặc thù của môi trường công tác, các y sĩ, bác sĩ ở các bệnh viện, bệnh xá trại giam, trại tạm giam thường phải “kiêm” rất nhiều việc, từ ốm đau vặt đến gửi mẫu xét nghiệm HIV/AIDS, điều trị bệnh nhân lao... 

Ngoài khối lượng công việc nhiều, một ngày làm việc bình thường của người thầy thuốc ở đây cũng khác với đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh viện thông thường. Cán bộ chiến sĩ (CBCS) là thầy thuốc Công an tại các cơ sở trại giam, trại tạm giam này đang gặp khá nhiều khó khăn, tồn tại cần sự tháo gỡ để có thể hoạt động tốt hơn, đảm bảo an toàn về mọi mặt.

Tại buổi gặp mặt, thăm hỏi đại biểu y tế Công an nhân dân do Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, đại diện một số trại giam, trại tạm giam đã báo cáo tình hình kết quả công tác thời gian gần đây, đặc biệt nêu lên những khó khăn, tồn tại, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục những khó khăn trong quá trình chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân, phạm nhân với đặc thù riêng của y tế Công an từng đơn vị…

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn nhận xét, đội ngũ y, bác sĩ CAND luôn giữ ý chí vững vàng trên trận tuyến thầm lặng của người thầy thuốc trại giam.

Theo lãnh đạo Ban giám thị Trại tạm giam Chí Hòa, Công an TP Hồ Chí Minh, khó khăn trước tiên và cũng tồn tại lâu nay của không chỉ Trại tạm giam Chí Hòa mà của nhiều đơn vị khác, đó là thiếu hụt về nhân sự, biên chế làm công tác y tế, trong đó thiếu gần một nửa số biên chế được ấn định cho đơn vị, trong khi số can phạm nhân bị tạm giữ tạm giam tại đây rất lớn. Thực tế này đã gây khó khăn cho công tác khám, điều trị của đơn vị và triển khai các khoa phòng theo biên chế.

Chưa kể Bệnh viện Chí Hòa tồn tại song song với Trại tạm giam Chí Hòa và cơ sở vật chất của bệnh viện cũng như của trại bao năm qua đã xuống cấp, chưa tương ứng với cơ cấu khoa phòng của bệnh viện hạng ba; vì công tác giam giữ liên tục nên việc trang bị một số loại công cụ phục vụ cho y tế, máy móc các loại đã không được thay mới. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa cũng có chế độ phụ cấp lây nhiễm cho ban giám đốc bệnh viện, chế độ phụ cấp trách nhiệm cho điều dưỡng, trưởng khoa…

Cũng theo lãnh đạo Ban giám thị Trại tạm giam Chí Hòa, theo Thông tư số 11-2004 (22-9-2004) của Bộ Công an, Bệnh viện Chí Hòa được xếp là bệnh viện dành cho can phạm nhân, trại viên, cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng với định mức tiền thuốc là 5 triệu đồng/giường/năm; nhưng đến ngày 26-10-2009, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an) gửi thông báo 4702/H11-H17 điều chỉnh một số định mức (theo Nghị định 25 năm 2006 của Chính phủ) vào năm 2010 quy định mức tiền giường bệnh một năm theo hạng bệnh viện, trong đó bệnh viện hạng 3 là hơn 13 triệu đồng/giường/năm. 

Tuy nhiên, định mức mới này đến nay Chí Hòa vẫn chưa được áp dụng khiến bệnh viện đã gặp không ít khó khăn trong việc cung ứng đủ thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao phục vụ cho công tác khám và chữa bệnh…

Theo Ban giám thị Trại tạm giam Chí Hòa, tuy gặp nhiều khó khăn, tồn tại như vậy, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời về chuyên môn của Bệnh viện Công an TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện 30-4, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các bệnh viện tuyến trên, các trung tâm chuyên khoa…, trong thời gian qua Bệnh viện Chí Hòa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, không để xảy ra sai sót và công tác khám chữa bệnh ngày càng ổn định và đi vào nề nếp, công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm, không để xảy ra dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm trong trại, tổ chức tốt chương trình phòng chống lao và điều trị ARV cho các phạm nhân nhiễm HIV… để phục vụ nhiệm vụ chính trị của trại là điều trị để phục vụ cho vấn đề điều tra, truy tố, xét xử và tuyên án trong nhiều năm qua.

Vững vàng trên trận tuyến thầm lặng

Theo kế hoạch xây dựng cụm trại giam, trại tạm giam T30 để phục vụ cho việc chuyển một số trại tạm giam ra khỏi nội thành TP Hồ Chí Minh thì Trại giam Chí Hòa cũng như Bệnh viện Chí Hòa sẽ được di chuyển ra huyện Củ Chi cùng với các Trại tạm giam như T17, B34. Trong đó, Trại tạm giam T17 là đơn vị chuyển hướng ra sớm nhất theo dự án này.

Hiện Trại tạm giam T17 mới nằm ở ấp 5, đường Phạm Văn Cội, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Do trại được xây dựng mới, trang thiết bị còn thiếu thốn và đội ngũ CBCS làm công tác y tế còn khá ít, trong đó đội ngũ CBCS trẻ phải đưa đi học bồi dưỡng nghiệp vụ, luân phiên cho đi đào tạo nên về cơ cấu tổ chức, Trại tạm giam T17 có bệnh xá nhưng hiện vẫn chưa thành lập được. Hiện tại, trại nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của Bệnh viện huyện Củ Chi và Bệnh viện 30-4 trong việc điều trị với những trường hợp bệnh nặng, cấp cứu.

Theo lãnh đạo Trại tạm giam T17, trong những khó khăn hiện hữu, như không ít can phạm nhân mang căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS khiến tâm lý cán bộ y tế cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, chưa kể là nỗi lo phạm nhân có thể trốn thoát trong khi khám chữa, điều trị. 

Lý do là vì phòng điều trị can phạm nhân vẫn chưa đáp ứng được tốt nhất điều kiện đảm bảo về mặt an toàn giam giữ, nhất là khi trại phải đưa can phạm nhân đến những bệnh viện ngoài trại để điều trị - những nơi này điều kiện an toàn để tránh trường hợp can phạm nhân trốn thoát là chưa đảm bảo.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác, Trại tạm giam T17 đã đề xuất lãnh đạo Bộ quan tâm giúp trại được thành lập bệnh xá, có khu điều trị riêng để công tác giam giữ và điều trị cho can phạm, phạm nhân được đảm bảo an toàn. 

Ngoài ra, trong thời gian tới, do Bệnh viện 30-4 có xây dựng mới và cải tạo một số khu nhà của bệnh viện này nên lãnh đạo Trại tạm giam T17 đã đề xuất lãnh đạo Bệnh viện 30-4 dành riêng một số buồng bệnh cho bệnh nhân là các can phạm nhân được đảm bảo an toàn.

Y, bác sĩ của Trại giam Thủ Đức phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Bình Thuận thăm khám, tầm soát cho phạm nhân được chẩn đoán dương tính với HIV (hình minh họa).

Cũng tương tự tình trạng của Trại tạm giam T17, hiện Trại tạm giam B34 (được đưa về huyện Củ Chi từ năm 2017) cũng chưa thành lập được bệnh xá vì công tác tuyển dụng bác sĩ tương đối khó khăn. Trong khi đó, thời gian qua nhiều CBCS của trại đã nghỉ hưu. 

Cùng lúc trại cũng phải cho hai cán bộ đi học điều dưỡng để phù hợp với tiêu chuẩn nâng cấp bạc hàm, dù việc cho đi học này trại cũng đã nấn ná nhiều lần vì luôn thiếu cán bộ làm việc. 

Tuy nhiên, với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ y sĩ, điều dưỡng của trại, trong suốt thời gian qua trại không để xảy ra dịch và những việc bất thường với bệnh nhân; các trường hợp nặng đều được chuyển đi Bệnh viện huyện Củ Chi (trại luôn nhận được sự hỗ trợ và phối hợp nhiệt tình của Bệnh viện huyện Củ Chi) để điều trị kịp thời. Trong thời gian tới, Trại B34 cũng đề xuất được thành lập bệnh xá để chủ động hơn và an toàn hơn trong công tác khám chữa bệnh cho phạm nhân, can phạm, bị can của trại…

Bên cạnh các đơn vị như Bệnh viện 30-4, Bệnh viện Công an TP Hồ Chí Minh, chủ yếu khám chữa bệnh cho CBCS trong lực lượng thì các đơn vị trại giam, trại tạm giam lại chủ yếu khám chữa bệnh, chăm sóc cho bệnh nhân là các can phạm nhân. 

Đây là đặc thù mà đội ngũ y, bác sĩ vừa phải chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, làm tốt công tác chuyên môn, bảo đảm an toàn, không để can phạm nhân trốn trại thì cũng phải vừa đề phòng, quản lý họ trước sự nguy hiểm của những phạm nhân cá biệt, tránh lây nhiễm bệnh từ họ, để bảo vệ cho chính bản thân các CBCS, đội ngũ y, bác sĩ của đơn vị.

Và dù luôn phải đối mặt, chịu nhiều khó khăn, áp lực và nguy hiểm như vậy, nhưng đội ngũ CBCS, thầy thuốc y, bác sĩ Công an nhân dân vẫn luôn giữ ý chí vững vàng trên trận tuyến thầm lặng của người thầy thuốc Công an nhân dân, góp phần trong công tác hướng thiện, giúp đỡ những mảnh đời lầm lỡ có cơ hội trở về hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. 
Phú Lữ
.
.
.