Lang thang nghe chuyện “Thần Ngông” ở quê Tản Đà

Thứ Năm, 31/12/2015, 16:00
Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu người làng Khê Thượng, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội, kế bên sông Đà. Trước năm 1945, huyện Bất Bạt (nay là Ba Vì) đã có xã Tản Đà, sau đó ghép với một phần xã Hoành Sơn thành xã Sơn Đà đến nay. Vậy nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu lấy bút danh Tản Đà từ đây hay sau đó Tản Đà nổi tiếng đến mức có xã lấy tên ông cũng nên. Lại thêm một mùa xuân tôi xuôi dòng sông Đà tới bến Khê Thượng...

Miền cổ tích với những “Giấc mộng con”

Làng cổ Khê Thượng từ xa xưa đã có tục thờ Tản Viên Sơn Thánh, gắn liền với quê hương của Sơn Tinh, một trong tứ bất tử của thế giới tâm linh trong dân gian. Thực ra có rất nhiều nơi thờ Thánh Tản Viên, nhưng lễ hội ở Khê Thượng có những nét độc đáo, nâng cao tinh thần thượng võ của dân tộc và ý chí quật cường của con người chống thiên tai, cường bạo. 

Phải chăng từ nhỏ, sự mạnh mẽ đã hình thành trong tính cách của nhà thơ Tản Đà, từ những trò chơi của ngày hội. Ở đây có tục “Chém may”, thường diễn ra ngày mùng 7 Tết, hết sức hấp dẫn. Đó là trò chơi đặc sắc nhất, như muốn nhắc lại sự kiện chiến thắng của Sơn Tinh với Thủy Tinh. Sau này Tản Đà có dịp biểu diễn kiếm làm người ta nhớ lại tục “Chém may” ở làng ông, khi các chàng trai vung kiếm chém ngọt những cây chuối, chỉ một nhát mà không làm lung lay gốc. Ông múa võ gươm không khác gì các chàng trai múa đao ngày một nhanh như gió cuốn.

Ở lễ hội, ai chém cây chuối sắc lẹm, một đường dao lướt nhanh tạo vết cây chuối đổ mượt phẳng là chiến thắng. Bởi tài chém như vậy sẽ làm ác thủy quái của Thủy Tinh khiếp vía và phải từ bỏ ý định phá hoại và giết chết người dân vô tội. Đó là những đường gươm sáng loáng, vun vút như tia chớp đẹp đến mê hồn. 

Chân dung nhà thơ Tản Đà.

Tàn Đà cũng vậy, tráng kiện và bay bổng trong các đường gươm, biểu diễn cho bạn văn cùng xem. Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân đã tận mắt chứng kiến cảnh Tản Đà múa kiếm trong cơn say rượu mới tài tình làm sao. Ông kể: “Tôi thấy ông Tản Đà hôm ấy múa tròn lắm, đường kiếm lúc nào cũng che kín người. Và có những đoạn loạn đả, ông Tản Đà có những miếng xả và tuốt cũng lợi hại lắm”.

Với tuổi thơ, Tản Đà sống trong một thế giới cổ tích của làng mình. Đã bao lần ông ra bến sông Khê Thượng, theo lễ rước đêm 30 Tết để tiễn đưa Sơn Tinh cùng vợ về thăm Vua Hùng, ở núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ. 

Những câu chuyện giầu sức tưởng tượng ấy đã lẩn vào trong cảm giác và tinh thần sáng tác của Tản Đà trong những câu chuyện viết ở “Giấc mộng con I” và “Giấc mộng con II”. Đây là hai tập du ký mang màu sắc huyền ảo, của một thế giới viễn tưởng, mà từ trước chưa bao giờ có ở nước ta. Nếu không nói ông là người mở đầu cho thể loại văn hiện đại này. 

Chính ông Dương Bá Trạc, khi đề tựa cho tập sách đã ca ngợi văn chương của Tàn Đà có một không hai. Hai giấc mộng văn chương, tác giả muốn đưa mọi người đến những thế giới lý tưởng, diệu kỳ và những nhân vật tài năng, đáng yêu. Thế giới của ông muốn là cái cao đẹp, tình yêu thương và tôn trọng lẫn nhau đem lại sự sống tươi sáng và có tương lai.

Phải chăng miền quê nghèo Khê Thượng đã đem lại tình thương yêu cộng đồng trong văn chương của Tản Đà. Văn xuôi của ông gồm những tùy bút, tiểu phẩm, ký sự chan chứa tình nhân ái, thể hiện sự thông cảm sâu sắc với những nỗi đau khổ của kiếp lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. 

Ông đã động chạm đến những bất cập của xã hội đương thời, bằng một văn phong giầu tính nghệ thuật, lối ví von hấp dẫn và một bản lĩnh của một văn nhân có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. 

Trong đời sống thường nhật, ông cũng là một nhà nho nghèo, tài năng nhưng lại bị hất sang bên lề cuộc sống, ngày đêm lo lắng cơm áo gạo tiền. Túng bấn và bế tắc. Ông thường lấy thơ làm nguồn năng lượng bứt phá, cùng những cơn say trong men rượu để làm tan biến những cơn mê, trong sự bi phẫn cuộc đời. Ông chống chọi với sự đói nghèo. Rượu đã đầy đọa ông trong sự túng bấn.

Tản Đà trở nên ngang tàng bởi những bi kịch mỗi ngày một lớn trong trái tim luôn dạt dào sức sống mà không thể vượt qua. Ông đã từng vẽ chân dung mình: “Trời sinh ra bác Tản Đà. Quê hương thời có cửa nhà thì không. Nửa đời nam, bắc, tây, đông. Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly. Túi thơ đeo khắp ba kỳ. Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng...” (Thú ăn chơi). Hoặc có lúc ông còn miêu tả mình: “Khi làm chủ báo, lúc viết mướn. Hai chục năm dư cảnh khốn cùng”. 

Ông sống trong hoang tưởng để tự an lòng mình, cho dù đường thi cử trắc trở, làm ăn thất bát. Nhưng rồi cuối cùng vẫn phải tự giễu mình rằng: “Bởi ông hay quá ông không đỗ. Không đỗ ông càng tốt bộ ngông”. Chính vì thế mà ông được người đời ghi lại không biết bao nhiêu giai thoại, từ tình yêu đến sân khấu, và đặc biệt là uống rượu. Người đời gọi ông là “Tiên Tửu” về thú ăn chơi, và đặt cho ông biệt danh “Thần ngông” về tính cách.

Lòng yêu nước và những bi phẫn tâm hồn

Lần này tôi được gặp ông Nguyễn Quốc Vượng, hậu duệ đời thứ bốn của Tàn Đà, người trông coi khu Lưu niệm Nhà thơ Tản Đà tại làng Khê Thượng. Là một giáo viên nên ông Vượng có nhiều công sức nghiên cứu sự nghiệp văn thơ của Tản Đà. Tôi thực sự bất ngờ khi ông Vượng sau phút trầm ngâm, rồi nói về nhân cách của nhà thơ Tản Đà. 

Ông khẳng định, nhà thơ Tản Đà là một người yêu nước, yêu dân tộc, yêu con người, thể hiện mạnh mẽ trong văn thơ. Ông nói, ngoài những giai thoại về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác, Tản Đà nổi lên một văn phong và tài năng thơ gắn bó với nhân tình thế thái đầy khí phách. Cái ngông của ông ở đây chính là dám đối diện với những thế lực và thói hư tật xấu của con người. Hàng chục tập sách, văn thơ, dịch thuật và sân khấu, tâm hồn Tản Đà luôn hướng về con người cần lao; kể cả bản thân ông cũng đại diện cho một lớp trí thức nho sĩ nghèo và bất lực trước thời cuộc.

Ông Vượng (phải) và tác giả bên mộ Tản Đà. 

Ông Vượng lim dim đôi mắt như muốn lục lại những ký ức về một thời làm báo và sáng tác của Tản Đà. Theo như ông Vượng kể, ngay khi sáng lập “An Nam tạp chí”, Tản Đà đã xác định tiêu chí cổ động tinh thần và kêu gọi chí tiến thủ và nghĩa đồng bào. Nghĩa là hướng tới đồng bào nâng cao sức chiến đấu với văn phong trào phúng, và phản ánh hiện thực sâu sắc. Đặc biệt là ca ngợi truyền thống văn hóa, và chống ngoại xâm của dân tộc. 

Nhất là chuyên mục “Xã hội ba đào ký” do nhà văn Nguyễn Công Hoan thủ bút. Với mục đích làm báo để thể hiện một bản lĩnh về tư tưởng, nhà thơ Tản Đà từng nêu, các nhà báo là một đạo quân tiên phong trong trận tiến thủ của xã hội, vậy nên người viết văn trong báo giới đều là tên lính trong đội quân tiên phong. Đó là tính phản kháng trong nghiệp văn của Tản Đà. 

Ông Vượng còn nhớ, ngay từ những ngày đầu làm báo khi hợp tác với tờ “Đông Dương tạp chí”, Tản Đà luôn thể hiện lòng thương đời, thương người qua các bài viết cho dù chỉ là những tản văn như: “Đánh bạc”, “Đạo bố con đời bây giờ”... Nhiều bài thơ Tản Đà cũng đã thể hiện: “Non sông thề với hai vai. Quyết đem bút sắt mà mài lòng son...”. 

Nói đến đây ông Vượng dẫn chứng thêm những bài thơ mà Tản Đà đã thể hiện rõ sức chiến đấu và tình yêu nước như “Chim họa mi”, đó là bài thơ đả kích Hoàng Cao Khải hoặc như tác phẩm nổi tiếng “Thề non nước”. Vậy là phía sau mặt nạ ngông nghênh, kiêu phụ vì rượu là một tấm lòng Tàn Đà nhân ái và một sự phản kháng mãnh liệt.

Nhưng cuộc sống nghèo túng, cùng với tính cách “hủ nho” đúng như chính Tản Đà cũng từng nhận ra đã chôn vùi một tài năng. Sau 6 năm “An Nam tạp chí” phải đình bản vĩnh viễn vì vỡ nợ. Tản Đà phải đi làm nhiều việc khác nhau để kiếm ăn từng bữa trong những năm sau đó. Cuối cùng nhà thơ bị rượu quật ngã khi mắc bệnh gan nặng, ở tuổi 50 (1889-1939).

Về bên thềm tuổi thơ

Sau thắp hương viếng mộ Tản Đà, quay về ngôi nhà của ông Nguyễn Quốc Vượng, tôi mới hay mình bị chống chếnh sau những câu chuyện được nghe. Đây cũng là nơi nhà thơ Tản Đà cất tiếng khóc chào đời. Những cây bưởi trĩu quả vàng ươm trong vườn. Mảnh đất tràn đầy những ký ức dữ dội và bi kịch của một đời văn. 

Trước mắt tôi, những dấu chân tuổi thơ của Tản Đà còn vương vất đâu đây. Một giọng thơ da diết những nỗi niềm nhân tình thế thái vang lên trong tâm tưởng. 

Ông Vượng hẹn tôi về dự lễ hội “Chém may” và xem những chàng trai làng Khê Thượng múa kiếm. Rồi ông đọc tặng tôi những câu thơ, mà ông luôn cho rằng Tản Đà đã khóc, sau khi viết về cảnh lũ lụt và sự khốn khó của những vùng quê nghèo: “Lệ đầy vơi, tình chia phôi. Bồng bế con thơ bán khắp nơi. Năm hào một đứa trẻ lên sáu. Cha còn sống đó, con bồ côi”. 

Tôi đứng lặng giữa sân và ngộ ra rằng nhà thơ Tản Đà không hề ngông, muốn bứt phá nhưng bất lực và loay hoay trong một bi kịch không thể nào thoát nổi. Những câu thơ của ông bỗng nhiên hiện về trong tôi tựa một cơn mơ vậy: “Nước non nặng một lời thề. Nước đi đi mãi không về cùng non...”.

Lưu Kường
.
.
.