Lãnh đạo và điều hành

Thứ Năm, 24/12/2015, 13:00
Ngày còn đi làm, trong một phiên họp, có vị muốn "nịnh" cấp trên đã tuyên bố: Mọi tư tưởng chỉ đạo kèm theo cả giải pháp đã được lãnh đạo vạch ra rồi, cấp sở hay quận, huyện chỉ việc căn cứ vào đó mà tổ chức điều hành thôi. Vướng gì, hỏi cấp trên. Nhiều người vỗ tay rào rào, tán thưởng.

Tôi không tán thành cách tư duy ấy không phải vì nó mang tâm lý nô lệ, nịnh bợ mà vì nó thể hiện một năng lực rất yếu về tư duy. Với tôi, năng lực lãnh đạo là yếu tố cần của bất kỳ cán bộ cấp nào. Nó quan trọng hơn tư duy điều hành, mặc dù không phải ông (hoặc bà) nào đã ngồi vào vị trí lãnh đạo đã có cả hai yếu tố cần thiết ấy. 

Nếu cán bộ chỉ có năng lực điều hành mà không có tư duy lãnh đạo thì cơ quan ấy, bộ phận ấy chắc chắn sẽ chỉ như Thiên Lôi, việc gì cũng chờ người trên nghĩ hộ rồi chỉ tay bảo nên làm cái này, cái khác. Làm xong việc, lại chờ chỉ đạo tiếp và luôn ở thế bị động trước những việc" của mình".

Người lãnh đạo cần có tư duy lãnh đạo, nhất là ở cấp phải xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo cho cấp dưới thực hiện. Nói nôm na là những người biết việc. Họ biết trong lĩnh vực của mình gồm những gì, cần tổ chức thực hiện ra sao, phối hợp trên dưới, trong ngoài thế nào cho hiệu quả. 

Nói tóm lại là người ấy luôn biết hoạch định và tổ chức công việc theo những mục tiêu, nội dung công việc cấp trên đã giao, thậm chí, biết điều chỉnh cả những gì trong văn bản cấp trên không phù hợp với thực tiễn và yêu cầu cấp trên điều chỉnh kế hoạch.

Làm lãnh đạo không nên thụ động (Ảnh mang tính chất minh họa).

Người lãnh đạo không có tư duy lãnh đạo, chỉ có tư duy điều hành sẽ luôn thụ động chờ cấp trên "giao" việc hoặc cấp dưới "đề nghị" theo kiểu xin việc mới biết cần phải làm gì. Họ thụ động trước tất cả. Và khi làm xong một việc nào đó lại ngồi chờ trên hoặc dưới "giao hoặc xin" mới lại điều hành tiếp. Những người này hạn chế năng lực tư duy. Gặp việc gì khó hoặc chưa có tiền lệ là để đó hoặc gửi công văn "xin ý kiến" khắp nơi, nhiều khi xin cấp trên để được làm việc của chính mình.

Tiếc rằng, nhiều người lãnh đạo tôi biết ở đủ các cấp chỉ có tư duy điều hành, không có tư duy lãnh đạo. Khi phải làm việc với họ, thật khổ. Do không có tư duy lãnh đạo, chỉ có tư duy điều hành nên khi ở cương vị lãnh đạo họ thường hay lúng túng trước những cái lạ, "không được chỉ dẫn" trong những chỉ thị của trên nên khi có ai đề xuất điều gì mới, lạ, họ không dám quyết gì cả. 

Năng lực của họ không hiểu được những cái mới và khác những cái thông thường, những cái họ có thể kiểm chứng được nên họ hoặc bỏ đó, hoặc không ủng hộ. Như vậy, không có tư duy lãnh đạo còn gây hại cho xã hội, cộng đồng rất nhiều chính là vì những hạn chế của năng lực tư duy chứ chưa chắc đã phải do họ xấu. Nhưng thiệt hại do điều này cũng không hề nhỏ.

Có vị làm lãnh đạo nhưng tư duy không hệ thống, lại có "nhiều sáng kiến". Cứ nghe hoặc nghĩ ra một việc gì thấy hay hay là yêu cầu cấp dưới làm ngay mà không chịu nghĩ cho cẩn thận việc ấy nếu đặt ra sẽ phải theo lộ trình nào, có phù hợp với luật pháp và thực tiễn không, nếu gặp khó khăn (vướng mắc về pháp lý hoặc không khả thi) thì phải gỡ thế nào... mà cứ làm đã.

Ở những vị chỉ huy thế này, cấp dưới còn khổ hơn nếu vị ấy bảo gì cũng nghe vì có khi việc ấy vừa mới triển khai, chưa xong đã giao việc khác, có khi mâu thuẫn hoặc phủ nhận việc trước. Những tư duy lãnh đạo theo kiểu "phong trào" này cũng gây khổ sở cho cấp dưới không kém gì chuyện không có đầu óc tư duy theo hệ thống, không có tư duy lãnh đạo mà chỉ có tư duy điều hành theo kiểu "học mót", "thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào". Những việc như vậy, cấp dưới buộc phải thi hành, dù có ba đầu sáu tay cũng hỏng là cái chắc.

Đúng người, đúng việc là cách tổ chức xã hội khoa học và văn minh nhất. Để có thể đặt đúng người vào vị trí của họ lại đòi hỏi cả sự thông minh, tinh thần dân chủ và thái độ phục vụ khoa học và công tâm ở những người làm cái việc sắp xếp ấy. Người chỉ có tư duy điều hành không nên đặt vào tay họ những việc đòi hỏi tầm lãnh đạo và ngược lại. Ông Sư đoàn trưởng mà chỉ huy một tiểu đội hay một trung đội thì không chỉ lãng phí mà còn có nguy cơ chết lính. Ông chỉ có khả năng chỉ huy đại đội mà đưa lên nắm trung đoàn thì thất bại là cái chắc. Đó mới là nguyên tắc vàng để dùng người.

Nhà có bà vợ tiêu hoang mà giao tiền cho bà ấy nắm thì cuối tháng cả nhà ăn cơm với muối là chuyện nhỡn tiền. Cứ từ nhà mà nhìn rộng ra xã hội sẽ thấy cái khoa học này cũng chả có gì cao siêu lắm. Cái khó nhất không phải ở việc mà ở lòng người.

Phạm Quang Long
.
.
.