Lao đao vì hack facebook

Thứ Hai, 21/11/2016, 14:36
Hack facebook với thủ đoạn, chiêu thức không hề mới, nhưng "tin tặc" miền Trung vẫn liên tục chiếm đoạt hàng tỉ đồng của các nạn nhân thì quả là đáng lo ngại.


Báo động hơn, chỉ bằng bẫy mã độc, đường link sex, một gã học việc đầu bếp đã có thể chiếm đoạt hơn 2 tỉ đồng, gần 30 tài khoản facebook Việt kiều, cùng hàng trăm nạn nhân ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Cà Mau...

Còn theo cơ quan điều tra: Các đối tượng hack facebook có thể "lộng hành" một phần còn do sự chủ quan, dễ dãi trong việc bảo mật, sử dụng thông tin cá nhân của các chủ tài khoản...

Gã học việc đầu bếp dùng "mã độc" để "moi tiền" Việt kiều 

Theo Công an TP Đà Nẵng cho biết: Từ khoảng đầu năm 2015, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) nhận được nhiều tin báo về việc xuất hiện một đối tượng đã sử dụng mạng xã hội facebook lừa nạn nhân nộp card điện thoại, chiếm đoạt tài sản lên đến hàng tỉ đồng.

Cơ quan CSĐT khuyến cáo các cá nhân, chủ tài khoản facebook cần phải cảnh giác, không dễ dãi link vào những mã độc, tránh "tiếp tay" cho hack chiếm đoạt, sử dụng tài khoản, thông tin cá nhân để lừa đảo. (ảnh minh họa)

Ngay sau khi các chuyên gia an ninh mạng vào cuộc, đã điều tra được đối tượng Nguyễn Hùng Dương (22 tuổi, trú Thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) chính là nghi can gây ra các vụ lừa đảo nói trên...

Ít ai biết, khi bị Công an TP Đà Nẵng đọc lệnh bắt khẩn cấp thì gã hack tiền tỉ kiêm học việc đầu bếp Nguyễn Hùng Dương vẫn đang còn ngồi chăm chú trên màn hình vi tính, hí hoáy với hàng loạt tin nhắn chát facebook "trúng thưởng, nộp card".

Bi hài hơn, Dương còn "khoe chiến tích" vanh vách: Nạn nhân của hắn không chỉ trải rộng khắp cả nước từ Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, mà còn có hàng chục Việt kiều sập bẫy, mất tiền tỉ chỉ vì mê các đường link sex, "bỏng mắt vì gái Việt" do Dương tự tương thích, sáng tác ra...

Và trước khi Nguyễn Hùng Dương bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi dùng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để thực hiện chiếm đoạt tài sản vào ngày 11-11 vừa qua, thì hắn là một gã nghiện game online chính hiệu.

Dương quê gốc Quảng Trị, sau khi tốt nghiệp THPT, thi không đỗ đại học, hắn mè nheo đòi cha mẹ cho vào Đà Nẵng để học nghề nấu ăn. Nào ngờ, vào đến Đà Nẵng, bao nhiêu số tiền tằn tiện mà cha mẹ Dương chắt bóp lo cho con trai học một cái nghề kiếm sống lại bị hắn nướng hết vào game online.

Hàng ngày, thay vì chăm chú học nghề, Dương lại đóng đô tại các tiệm internet để "luyện" game. Cũng chính vì trong thời gian cày game này, Dương đã học lỏm được chiêu thức hacker, xâm nhập vào các chủ tài khoản khác để "kiếm tiền nuôi game".

Theo đó, Dương đã tạo những đường link chứa mã độc và ngụy trang bằng các nội dung hấp dẫn như trúng thưởng, khiêu dâm, giật gân, câu view… để dụ những Việt kiều, các anh hùng bàn phím nhưng ham của lạ kích vào.

Đối tượng Nguyễn Hùng Dương tại cơ quan điều tra.

Chỉ cần khi các nạn nhân link chứa mã độc, với yêu cầu người xem dùng user và mật khẩu Facebook để đăng nhập, ngay lập tức bị Dương chiếm tài khoản Facebook.

Khi đã xâm nhập được tài khoản các nạn nhân, Dương đã chọn trong danh sách bạn bè của người dùng Facebook đang ở Việt Nam, xem lịch sử giao dịch Facebook, cách nói chuyện… rồi hắn đóng giả chính nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách dựng chuyện cần card điện thoại nhà mạng Việt Nam để chơi game và kinh doanh dịch vụ nạp tiền ảo cho các game thủ ở nước ngoài.

Sau đó tiếp tục nhờ "con mồi" mua card điện thoại với giá card 100.000 đồng giá 10 USD, card 500.000 đồng giá 50 USD…

Số thẻ cào chiếm được, Dương lên các trang mạng quy đổi thành tiền mặt. Bằng chiêu thức này, chỉ trong vòng 1 năm, Dương đã hack hơn 100 tài khoản Facebook của các Việt kiều đang ở nước ngoài và người dùng Facebook ở rất nhiều tỉnh thành từ Bắc tới Nam.

Đặc biệt, để các nạn nhân tin tưởng, Dương hứa với họ là mua card giúp, sau đó sẽ chuyển tiền trả lại với giá cao gấp đôi, gấp ba khiến nhiều người sập bẫy của Dương mà không hề hay biết.

Theo thống kê, với chiêu thức lừa đảo này, Dương đã chiếm đoạt hơn 2.1 tỷ đồng, có trường hợp bị lừa nộp card lên đến 50 triệu đồng. Dương khai, từ số tiền card điện thoại chiếm đoạt được, hắn chuyển đổi sang tiền thật để tiêu xài và tiếp tục "cày" game online...

Cần cảnh giác với trò hack facebook

Thật đáng lo ngại, trước vụ hack Nguyễn Hùng Dương không lâu, cơ quan CSĐT Công an các tỉnh thành miền Trung như Quảng Nam, TP Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế cũng đã liên tục triệt phá nhiều nhóm 9X, sinh viên hack lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỉ đồng qua mạng xã hội facebook và Zalo.

Một vụ chấn động không kém, vào cuối tháng 10-2015, Công an Thừa Thiên - Huế đã bắt giữ hai đồng hương của Nguyễn Hùng Dương, quê ở Quảng Trị vào Huế thuê nhà trọ, rồi lập trang web hacker tài khoản facebook của nhiều người để lừa xin nạp thẻ điện thoại, chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng.

Hai hacker này là hai sinh viên Trần Long Hạc (22 tuổi, trú đường Hai Bà Trưng, Phường 3, tỉnh Quảng Trị) cùng Võ Thị Tuyết Nhi (20 tuổi, trú đường Lê Duẩn, Phường 1, tỉnh Quảng Trị).

Vụ việc vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10-2015, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp nhận nhiều thông tin từ các nạn nhân chơi facebook vô cùng bức xúc với chiêu lừa, đánh cắp tài khoản rồi nhắn tin qua danh mục bạn bè nhờ nạp thẻ điện thoại.

Hai hacker sinh viên Trần Long Hạc và Võ Thị Tuyết Nhi.

Nhiều người tỉnh táo đã phát hiện, nhưng không ít người thiếu đề phòng đã mất tiền vì những người quen "giả mạo" này. Qua xác minh điều tra, cơ quan CSĐT Thừa Thiên - Huế phát hiện hai sinh viên Trần Long Hac cùng Võ Thị Tuyết Nhi nổi lên là đối tượng tình nghi số một.

Hạc và Nhi đều là sinh viên các trường đại học Huế. Cả hai thuê trọ tại đường Lê Hồng Phong (TP Huế) từ năm 2013 đến thời điểm bị bắt giữ. Chủ mưu là Trần Long Hạc đã lập trang web: bloganhviet.weebly.com và đánh cắp trên 500 tài khoản chơi facebook.

Sau khi đánh cắp tài khoản, Hạc và Nhi đã đăng nhập facebook của người chơi fecabook rồi gửi tin nhắn đến người thân, bạn bè chủ tài khoản facebook để "nhờ" nạp thẻ cào điện thoại các mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel...

Sau khi có mã số thẻ, Hạc sử dụng các tài khoản tại các ngân hàng như Agribank, Sacombank, BIDV, Vietinbank để chuyển đổi thành tiền mặt để chiếm đoạt. Tại nơi trọ của Hạc và Nhi ở đường Lê Hồng Phong (TP Huế), cơ quan điều tra còn thu giữ nhiều tài liệu, máy tính cá nhân có liên quan.

Qua đấu tranh, Hạc và Nhi đã thừa nhận hack, đăng nhập tài khoản của các nạn nhân để lừa hàng trăm người chơi facebook, chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng...

Theo khuyến cáo của cơ quan CSĐT Đà Nẵng thì: Không nên tin vào những trang web lạ, hoặc không có uy tín để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tình trạng lừa đảo thông qua mạng internet, đặc biệt là thông qua mạng xã hội Facebook diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trước đây, số tiền thiệt hại của từng vụ chỉ vài chục triệu nên nhiều bị hại không tố cáo với Công an, nhưng thời gian gần đây những vụ hack facebook đã lên đến con số tiền tỉ. Không chỉ ở trong nước, mà rất nhiều Việt kiều cũng trở thành nạn nhân của tội phạm này.

Đáng nói, nhiều cá nhân, các chủ tài khoản đã sử dụng mạng xã hội quá dễ dãi, chủ quan nên đã vô tình "tiếp tay" cho tội phạm hack này từ những đường link lạ, hấp dẫn nhưng đầy rẫy mã độc.

Khi sử dụng Facebook không nên bấm vào link qua cửa sổ chat vì tất cả thông tin về tên đăng nhập và mật khẩu truy cập của tài khoản đó được chuyển về hộp thư điện tử của đối tượng.

Từ đó, đối tượng sử dụng thông tin để đăng nhập và đổi ngay mật khẩu truy cập của các tài khoản Facebook này để chiếm đoạt, rồi giả mạo người có tài khoản bị chiếm đoạt.

Đã có rất nhiều đối tượng khi chiếm đoạt thư điện tử, tài khoản mạng xã hội của người Việt Nam đang sống hoặc làm việc ở nước ngoài, rồi chat với người thân của họ ở Việt Nam và lợi dụng lòng tin của những người này yêu cầu mua thẻ điện thoại.

Đối tượng ngoài đánh vào lòng tham của bị hại, hiện còn xuất hiện thêm thủ đoạn mới để lừa đảo chiếm đoạt thẻ cào đó là đối tượng lập ra trang web với nội dung "khách hàng nạp thẻ cào vào trang web này sẽ được nhân đôi tài khoản".

Các đối tượng đã gửi trang web này đến người dùng Facebook. Do tin tưởng nên nhiều cá nhân đã mua thẻ cào điện thoại sau đó nạp vào trang web do đối tượng lập và bị chiếm đoạt toàn bộ các thông tin thẻ nạp này...

Võ Hoài
.
.
.