Lao động trẻ cơ hội làm việc ở nước ngoài

Thứ Hai, 15/12/2014, 15:55
Xuất khẩu lao động tiếp tục là "cứu cánh" cho nhiều lao động Việt Nam khi thị trường lao động trong nước đang chững lại. Tổng hợp từ các doanh nghiệp dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho thấy trong 10 tháng đầu năm, đã đưa 91.143 lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, vượt 4,76% so với kế hoạch năm 2014 và bằng 129,54% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó Nhật Bản đang nổi lên là thị trường có sức hút mạnh, trong những tháng gần đây liên tục tăng số lượng tuyển dụng thực tập sinh (TTS) đến từ Việt Nam.
Nht Bn cn 20 nghìn TTS Vit Nam trong ngành xây dng

Những tháng cuối năm này, số lượng đơn hàng được Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH thẩm định ở các thị trường vô cùng nhộn nhịp ở hầu khắp các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam. Sôi động nhất vẫn là Đài Loan, Nhật Bản. Ngay cả các thị trường có mức thu nhập trung bình, xóa đói giảm nghèo như Malaysia, các nước khu vực Trung Đông… cũng rất phong phú, đảm bảo thu nhập ổn định và điều kiện làm việc ở các lĩnh vực chủ yếu như xây dựng, sơn, cơ khí, lắp ráp điện tử, chế biến thực phẩm, nhựa, may mặc.

Đối với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, dịp này đang là thời điểm bận rộn chuẩn bị cho chương trình tiếp nhận số lượng lớn TTS ngành xây dựng trong năm 2015 chuẩn bị các công trình thể thao phục vụ Olympic 2020. 

Ngày 16/11, trao đổi với phóng viên Chuyên đề CSTC, ông Nguyễn Gia Liêm, Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, ông đang có mặt tại tỉnh Osaka (Nhật Bản) để tham gia vào hoạt động đẩy mạnh chương trình đưa TTS sang Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng vào năm 2015. Ông Liêm chia sẻ, qua khảo sát mới đây của các công ty xây dựng Nhật Bản, nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam đứng ở vị trí cao nhất trong số 15 quốc gia phái cử. Từ năm 2015-2020, Nhật Bản cần 20.000 lao động Việt Nam trong lĩnh vực này. 

Ngoài ra, theo ông Liêm, dân số Nhật Bản ngày càng già hóa, có 23% dân số Nhật Bản ở độ tuổi trên 65. Đó là lý do Nhật Bản thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động trẻ. Để bù vào số lượng lao động này, Nhật Bản tăng cường tiếp nhận TTS từ các quốc gia khác, trong đó có TTS Việt Nam ở hầu khắp các lĩnh vực. Chẳng hạn, tỉnh Ihime đang có nhu cầu tiếp nhận 1.000 TTS ở lĩnh vực chế biến thủy sản và dệt may…

Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước chia sẻ: "Lao động Trung Quốc tại Nhật Bản chiếm 60%, trong khi lao động Việt Nam mới chỉ chiếm 10%. Nếu như trước đây, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu lao động chỉ được đẩy mạnh ở các đoàn cấp cao, thì năm nay, bên cạnh hoạt động trao đổi cấp nguyên thủ, Bộ LĐ-TB&XH tăng cường các đoàn hợp tác lao động tại các địa phương và ngược lại, đón các đoàn DN, nghiệp đoàn của Nhật Bản sang khảo sát thị trường Việt Nam. Mới đây nhất, trong tháng 10, Thống đốc tỉnh Ibaraki cùng đông đảo các DN, hiệp hội, tổ chức, các giới đã có chuyến thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Với những giải pháp thúc đẩy thị trường, chắc chắn trong thời gian tới, số lượng TTS Việt Nam sang Nhật Bản sẽ tăng lên đáng kể".

Khác với Đài Loan, Malaysia hay Trung Đông là những thị trường xóa đói giảm nghèo, thị trường Nhật Bản được xem là thị trường giàu cho lao động trẻ Việt Nam. Không chỉ giàu về kiến thức, về tay nghề, mà còn giàu về thu nhập với mức lương trung bình trên 12 triệu đồng/tháng. Cá biệt, có những ngành nghề yêu cầu lao động kỹ thuật cao như điều dưỡng viên, hộ lý có mức lương lên tới 40 triệu đồng/tháng. 

Thực tập sinh về nước được doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tuyển dụng.

Ưu tiên tuyn v chng tr

Đánh giá cơ hội việc làm ngoài nước, đặc biệt ở thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, đại diện phòng thị trường, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, dù chưa kết thúc năm 2014, nhưng Nhật Bản đã trở trong những thị trường khởi sắc nhất. 10 tháng đầu năm, đã có 16.282 TTS Việt Nam sang Nhật Bản làm việc, tăng đột biến, vượt hơn 5.000 người so với kế hoạch đề ra cả năm. Chỉ riêng tháng 9 và 10, số hợp đồng thẩm định tại Cục QLLĐNN ước tính đã lên tới con số gần 400, trung bình mỗi tháng đưa đi 1.600 người.

Ông Nguyễn Đức Nam, Phó TGĐ Công ty cung ứng nhân lực và thương mại Sona cho hay, 10 tháng đầu năm, số TTS sang Nhật Bản đã tăng 50% so với năm 2013, tập trung chủ yếu trong các ngành nghề: xây dựng, lắp ráp, chế tạo… "DN mới bắt đầu đẩy mạnh khai thác thị trường này, dù số lượng chưa phải là nhiều, song để giữ uy tín với đối tác, trong thời gian tới sẽ hứa hẹn nhiều triển vọng. Nếu làm tốt thị trường Nhật Bản, đây không phải là thị trường xóa đói giảm nghèo, mà là thị trường làm giàu thật sự cho các lao động trẻ, với mức lương cơ bản từ 1.000 USD - 1.200 USD/tháng, chưa kể làm thêm giờ", ông Nam nói.

Những tháng gần đây, Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD đều đặn nhận được các đơn hàng từ phía Nhật Bản. Riêng tháng 11, có 13 đơn hàng chờ phỏng vấn, trong đó đơn hàng tuyển số lượng lớn 25 lao động. Bên cạnh những đơn hàng truyền thống tuyển dụng lao động trong ngành xây dựng, cơ khí, có tới 6 đơn hàng ưu tiên tuyển dụng nữ ngành nông nghiệp. Nhờ ưu điểm chăm chỉ, chịu khó, nhanh nhẹn, ý thức chấp hành kỷ luật tốt nên lao động nữ Việt Nam luôn được ưu tiên lựa chọn. 

Đáng chú ý, mới đây Công ty cổ phần nhân lực và thương mại Vinaconex còn tiếp nhận được đơn hàng tuyển cặp vợ chồng đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Ibaraki. Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Tổng giám đốc công ty Vinaconex, độ tuổi tuyển dụng là từ 25-30 với yêu cầu tốt nghiệp THPT, có kinh nghiệm 2 năm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Hiệp cho hay: "Chủ sử dụng Nhật khá "tâm lý" khi muốn lao động toàn tâm toàn ý với công việc nên tạo điều kiện cho cả 2 vợ chồng sang Nhật Bản làm việc. Ngoài đơn hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, công ty cũng đang xúc tiến ký kết đơn hàng trong lĩnh vực xây dựng. Phía đối tác Nhật Bản đã sang Việt Nam khảo sát cơ sở đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực của công ty. Hy vọng, hợp đồng sẽ sớm được ký kết cuối năm nay".

Sinh viên các trường ĐH, CĐ chuyên ngành điều dưỡng, hộ  lý có nhiều cơ hội sang làm việc tại CHLB Đức và Nhật Bản.

Cn có mc tiêu cao hơn vic kiếm tin

Nhiều công ty dịch vụ XKLĐ đang lo ngại, khó đáp ứng số lượng đơn hàng của các đối tác Nhật Bản vào dịp cuối năm do lao động không muốn xa gia đình vào dịp cận Tết. Tuy nhiên, với những bạn trẻ thực sự có nguyện vọng sang Nhật làm việc thì đây là cơ hội không thể bỏ qua.

Mặc dù cánh cửa sang Nhật Bản đang rộng mở, nhưng không vì thế mà tuyển dụng ồ ạt, các DN Nhật Bản luôn đòi hỏi yêu cầu khắt khe về chất lượng nguồn lao động. Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai nhận định, sự quan tâm của các nghiệp đoàn, DN Nhật Bản đối với lao động Việt Nam đang tăng lên ở mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 160% so với năm 2013, là một thuận lợi lớn nhưng cũng sẽ mang tính rủi ro cao nếu chúng ta không chuẩn bị chu đáo nguồn lao động được đào tạo kỹ càng về ngoại ngữ, ý thức kỷ luật, mà đã ồ ạt đưa sang. "Cơ hội đi kèm với rủi ro, doanh nghiệp phải tính đường dài, không nên làm ăn chụp giật vì bản thân chương trình tiếp nhận TTS nước ngoài của Nhật Bản có mục đích là tạo cơ hội cho thanh niên các nước đang phát triển sang học nghề, thực tập kỹ năng để sau này các lao động này là sứ giả để DN phát triển nguồn nhân lực cung ứng cho DN Nhật Bản tại các quốc gia phái cử, chứ không phải chỉ sang để kiếm tiền", ông Sơn chia sẻ. Hiện Công ty Esuhai cũng đang xúc tiến các hoạt động đào tạo, giới thiệu việc làm cho các TTS về nước cho các DN Nhật Bản tại Việt Nam. Đến thời điểm này, đã có hơn 100 lao động được các DN Nhật Bản tiếp nhận. Trong ngày 22/11, Công ty Esuhai phối hợp với Trung tâm GTVL TP Hồ Chí Minh, Trung tâm hỗ trợ việc làm và hỗ trợ DN các KCX, KCN TP Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu việc làm cho các công ty Nhật Bản. Mức lương khởi điểm dao động từ 5,5 đến 6 triệu đồng/tháng.

Chuyển dịch lao động, tìm cơ hội việc làm ở nước ngoài là xu hướng tất yếu, nhất là khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Chuẩn bị hành trang cho lao động Việt Nam đón nhận những cơ hội, cũng như đương đầu với thách thức cạnh tranh lao động gay gắt trong thị trường lao động quốc tế, rất cần một chiến lược tổng thể và tầm nhìn dài hạn trong việc đào tạo nguồn lao động có chất lượng của các bộ, ngành.

Thu Uyên
.
.
.