"Lão gàn" 30 năm gom nhặt người điên

Thứ Tư, 19/12/2012, 12:29

Chẳng phải "máu mủ ruột rà", cũng không phải người thân thích nhưng ông hàng ngày vẫn thu nhặt người tâm thần lang thang về tắm rửa, cho ăn rồi tìm đường về cho họ. Có lẽ vì duyên nợ từ kiếp trước mà hơn 30 năm qua ông Phạm Văn Nhẫn (thôn Chi Ngôn, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) lặng lẽ làm. Với ông hạnh phúc lớn lao nhất trong đời là làm đôi chân, cặp mắt cho những người điên trở về với chính quê hương, người thân của mình.

Đứa con hoang

Ba mươi năm nay người dân thôn Chi Ngôn vẫn quen gọi ông Nhẫn là "lão Nhẫn gàn", "lão Nhẫn điên", đơn giản là bởi lão nông dân này ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ. Ngôi nhà ông Nhẫn nằm ngay mặt đường quốc lộ nhưng cũng chỉ liệt vào dạng dưới mức bình thường ở thôn. Thế nhưng ít ai biết chính ngôi nhà đơn sơ đó lại là nơi sưởi ấm cho biết bao con người điên dại.

Chúng tôi đến gia đình ông Nhẫn giữa bữa cơm trưa. Bữa cơm toàn người lớn nhưng liên tục là tiếng dỗ dành, nịnh nọt, khi lại như quát mắng một đứa trẻ nào đó. Nhấp chén rượu nhạt rồi cười tế nhị ông Nhẫn chỉ vào 1 người điên được ông cưu mang gần 4 năm nay nói: "Với những người tâm thần phải có phương pháp. Họ như một đứa trẻ vậy, không thể la mắng hay đánh đập họ được".

Người mà ông Nhẫn nói đến là Trần Văn Cường, gần 50 tuổi nhưng trí óc như một đứa trẻ, lúc khóc ré lên khi lại cười sằng sặc. Anh Cường là trường hợp khá đặc biệt, bởi từ khi ông Nhẫn "nhặt" về cho đến nay không có ai nhận, mặc dù ông đã liên hệ với người thân.

Đang ăn hùng hục anh Cường lại cười khanh khách, liên tục đưa tay bốc từng miếng cơm đút vào miệng, thỉnh thoảng lại đánh cặp mắt vô hồn về phía chúng tôi. Bữa cơm còn chưa xong anh Cường bỗng nhiên đứng dậy rồi lặng lẽ bước ra ngoài. Ông Nhẫn lắc đầu buồn: "Người ta điên thì điên nhưng thỉnh thoảng cũng có suy nghĩ cả. Anh ta biết tôi thương nên chẳng bao giờ bỏ đi cả. Thỉnh thoảng cũng biết buồn cơ đấy!".

Vợ chồng ông Nhẫn đang kể lại những lần “nhặt” được người điên.

Trong suốt buổi trò chuyện, chúng tôi cứ đau đáu câu hỏi: Tại sao ông có thể làm được không bình thường đến thế? Xuất phát từ đâu mà ông sẵn sàng cưu mang, yêu thương những người bị tâm thần? Câu trả lời nhận được đơn giản chỉ là: "Tôi nghèo khổ từ bé nên hiểu và cảm thông những người kém may mắn". Ông bắt đầu câu chuyện cuộc đời mình bằng nụ cười lạc quan, ông bảo: "Đời tôi khổ lắm nhưng phải cố gắng mà sống cho tốt. Tôi chưa bao giờ khuất phục cái gì cả!".

Tuổi thơ của Phạm Văn Nhẫn thiếu thốn tình cảm của cha. Trong một lần vụng dại mẹ ông đã mang thai. Cậu bé Nhẫn sinh ra đã mang trên mình cái tiếng là "đứa con hoang". Không biết mặt cha, mẹ lại bỏ đi lấy chồng, tuổi thơ của cậu nương tựa bấu víu vào người bà ngoại già cả. Hai bà cháu rau cháo nhọc nhằn vượt qua những tháng ngày cơ cực.

Năm 1979, khi có lệnh tổng động viên, chàng trai trẻ mới 16 tuổi đã tình nguyện dùng máu tươi của mình viết 2 lá đơn xin lên đường nhập ngũ. Sau 4 năm trở về quê hương, ông được bà ngoại ướm cho một cô gái tên Đào Thị Lam cùng làng rồi nên nghĩa vợ chồng. "Ngày đó có yêu đương gì đâu, về quê là cưới ngay. Thế mà cũng ở với nhau được 30 năm rồi chứ chả ít. Vợ chồng có hoàn cảnh nghèo như nhau nên yêu thương và chia sẻ nhau lắm".- Ông Nhẫn bùi ngùi.

Với hai bàn tay trắng, không mảnh đất cắm rùi, ông cùng người vợ trẻ "cày thuê cuốc mướn" làm lụng đủ thứ để rau cháo qua ngày. Ông nhớ lại: "Ngày đó vợ chồng tôi làm gì có đất, có nhà. Xin bà con hàng xóm được cây tre, bó rơm dựng tạm túp lều lấy chỗ tránh mưa tránh nắng. Hết bơm xe, vác đất rồi cày cuốc thuê. Sau này làm ăn tích cóp mới mua được miếng đất này đấy".

Cuộc đời hai vợ chồng nghèo bắt đầu sang một ngã rẽ khác, mà ông gọi đó là duyên nợ từ kiếp trước. Năm 1984, vào buổi trưa nắng hai vợ chồng ông đang phơi rơm thì bỗng nghe tiếng trẻ con khóc. Hai vợ chồng chạy tới thì phát hiện một cháu bé trai khoảng 11 tuổi bị lạc đường. Chẳng ngần ngại ông đưa cháu bé về nhà tắm rửa, cho ăn uống. Ông Nhẫn đạp xe khắp mọi nơi đi tìm gia đình cháu bé.

Giấy khen Công an tỉnh Hà Nam tặng ông Nhẫn.

May mắn gặp được ông cụ đang mướt mải, khóc lóc. Hỏi ra mới biết đó là ông của cháu bé mà ông vừa nhặt được. Biết ơn ông Nhẫn, gia đình cháu bé làm lưng cơm rồi xin nhận ông làm bố nuôi cháu bé. Ông trời run rủi thế nào, trên đường từ nhà cậu bé thật lạc về ông gặp một phụ nữ chạc 40 tuổi tóc tai rũ rượi, hôi hám đi thất thểu không mục đích.

Định bụng bỏ qua nhưng lương tâm người đàn ông bộc trực đó không cho phép. Ông quay xe trở lại và đón người phụ nữ đó về nhà. Chính tay ông và vợ đã cùng tắm rửa, thay đồ rồi cho người đàn bà đó ăn uống. "Ngày hôm đó thế nào, ngoài người phụ nữ 40 tuổi đó tôi còn "nhặt" được thêm 2 người tâm thần nữa. Tôi đưa họ về nhà sau đó lần mò tìm được gia đình người thân cho họ"- Ông Nhẫn kể lại.

"Nguyện là cặp mắt, đôi chân cho người tâm thần"

Những ngày đầu người ta thỉnh thoảng lại thấy ông đưa 1 vài người tâm thần về nhà và đối xử như người thân ai nấy cũng ngạc nhiên. Cũng chỉ cho đó là nhất thời động lòng. Nhưng sau đó gần như ngày nào ông cũng đưa người điên về nhà. Có hôm ông đưa một lúc 2 - 3 người "điên điên, dại dại" về, bà Lam - vợ ông không khỏi giật mình và tỏ ra không bằng lòng với cách làm phúc "dị thường" của chồng. Anh em, hàng xóm ai biết chuyện cũng khuyên ngăn ông cũng không được.

Để rồi những người độc miệng còn chửi đổng ông là thằng điên, rồi "nhà đã nghèo mà còn ôm rơm, có làm thế làm nữa cũng chẳng ai khen". Bỏ ngoài tai tất cả, ông cứ cặm cụi, lầm lũi làm cặp mắt và đôi chân của những người điên. Dần dà rồi cũng quen, cũng hiểu được nỗi lòng của chồng, bà Lam bắt đầu ủng hộ những việc làm của ông.

Rồi bà cũng hiểu được ý nghĩa lớn lao công việc của chồng mình, chính bà cũng là người phụ giúp chăm sóc người điên dại khi ông đi vắng. "Những người điên là phụ nữ được ông ấy đưa về nhà là tôi lại tắm rửa, thay quần áo cho họ. Chẳng phải máu mủ của mình nhưng thấy thương họ nên tôi chẳng ngại gì" - Bà Lam tâm sự

Một mẫu ruộng, quán nước sơ sài cũng chẳng đủ cho hai vợ chồng và 4 người con, ông thêm thắt cả nghề xe ôm. Với ông Nhẫn nghề xe ôm không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn là cơ hội cho ông tìm kiếm người tâm thần trên đường. Ông còn nhớ như in khoảng 3 năm về trước, trên đường chở khách ông gặp 1 phụ nữ chừng ngoài 20 tuổi.

Anh Trần Văn Cường, một bệnh nhân tâm thần được ông Nhẫn cưu mang trong suốt 4 năm.

Nhìn thấy dấu hiệu tâm thần ông xin lỗi khách không chở nữa để tiếp cận người phụ nữ đó. Với bộ dạng thất thần, quần áo bê bết bùn đất, có vẻ người này đã đi bộ một quãng đường dài. Sau một hồi thuyết phục ông Nhẫn đưa được người phụ nữ này về nhà cho ăn uống và tắm rửa. "Hỏi ra mới biết, cô gái đó người ở Hải Dương, bỏ nhà đi khoảng 1 tháng trước. Hơn nữa cô này bỏ đi khi vừa sinh con được 3 tháng" - Ông Nhẫn kể.

Thông tin về cô gái chỉ có vậy, ông quyết định gọi điện đi khắp các nơi ở Hải Dương. May mắn đã mỉm cười khi ông tìm được địa chỉ của cô gái. Sau khoảng 2 tháng tá tục tại nhà cô gái đã trở về được gia đình và đứa con vừa chào đời.

Người tâm thần được ông "nhặt" về ngày một đông, cuộc sống gia đình vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Với nghề xe ôm thật khó khăn cho ông xoay sở cho hàng chục miệng ăn mà không thể làm. Cách duy nhất vừa tốt đẹp cho họ vừa thuận lợi cho mình là tìm bằng được gia đình của họ. Những lúc rảnh ông lại tỉ tê, ngọt nhạt, tâm sự với họ, hy vọng trong lúc tỉnh táo hiếm hoi họ nhớ được địa chỉ, người thân của mình.

Khi có 1 vài thông tin của họ, ông gọi điện cho tổng đài 1080 để xác minh và kết nối với người thân đến nhận. Hít hơi thuốc thật sâu ông Nhẫn kể: "Nhiều trường hợp không liên lạc được bằng điện thoại, tôi phải lấy xe máy đi đến tận nơi của bệnh nhân. Lần nhớ nhất là một bệnh nhân ở Hòa Bình, anh này tận huyện Lạc Sơn. Mất mấy ngày tôi mới đến được địa phương và nhờ Công an xã đưa vào nhà. Sau đó gia đình họ nhận được người nhà, họ vui mừng lắm".

Suốt 30 năm gắn bó với "nghiệp" này trường hợp của anh Trần Văn Cường là đáng nhớ nhất với ông. Đêm hôm đó, mọi người đang ngủ say thì bỗng có tiếng loảng xoảng phía đường quốc lộ. Hai vợ chồng ông ra thì phát hiện một người đàn ông người dính đầy máu, quần áo rách tơi tả, tay cầm chai rượu, chửi, khóc, cười náo loạn. Vậy mà, cái vía của ông khiến anh Cường phải phủ phục.

Ông mang về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến nay đã được 4 năm. "Anh Cường là trường hợp đặc biệt khi không có người thân nào nhận. Tôi nuôi đã được 4 năm, mới đây có người em họ gọi điện nhận anh Cường nhưng do chị này sống tận TP Hồ Chí Minh nên khó khăn. Đây là trường hợp tâm thần rất nặng, thỉnh thoảng lại lên cơn. Mỗi lần lên cơn là anh ta cầm dao dọa chém cả nhà. Thế nhưng dần dần gia đình cũng quen" - Bà Lam chia sẻ

Cứ như thế, 30 năm nay hàng trăm người điên đến tá túc trong nhà rồi lại được ông tìm lại cho mái ấm gia đình. Khi thì người xa tận Quảng Ngãi, lúc lại người đàn bà rồ dại tận TP Vinh, có khi Thanh Hóa, Bắc Giang, Hải Phòng, Lạng Sơn, Yên Bái…

Nói đến đây ông Nhẫn cười nhân hậu: "Tôi làm thế  này đâu có cầu lợi, chẳng khi nào tôi đòi hỏi từ thân nhân của họ. Chỉ mong sau này họ còn nhớ đến tôi là được rồi". Vì lẽ đó, những ngày tết hay nhà có việc, gia đình ông lại rộn tiếng cười. Đó là những gia đình chịu ơn, hay những thanh niên khỏi bệnh, lạc đường nhận ông làm bố nuôi đến thăm hỏi. Với ông Nhẫn đó là những giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời. Và có lẽ, những tiếng cười đó là lẽ sống duy nhất của cuộc đời lão "Nhẫn điên".

Trưởng Công an xã Thanh Hải, Nguyễn Văn Tập cho biết: Ông Nhẫn là 1 công dân tốt của địa phương, có tấm lòng cao cả. Ông đã giúp đỡ nhiều người lang thang cơ nhỡ. Trong 30 năm qua ông đã tìm được quê hương, người thân cho rất nhiều người mắc bệnh tâm thần. Không những vậy ông còn được Công an tỉnh Hà Nam tặng giấy khen trong công tác giữ gìn an ninh trật tự của địa phương. Mọi người dân luôn coi ông là tấm gương sáng để noi theo.

Phong Anh
.
.
.