Lão ngư độc nhãn "cướp cơm" hà bá trên sông Đồng Nai

Thứ Năm, 09/05/2013, 15:55

Giữa trưa, cái nắng nung đỏ nóc nhà, lão ngư Trần Văn Phước vội vàng ôm chiếc lốp xe tải bươn ra giữa dòng con sông Đồng Nai đặt nơm, giăng lưới. Khuôn mặt lão (tôi xưng như thế bởi "lão" là tên gọi thân thương người dân ven sông vẫn thường hay gọi mặc dù tuổi đời lão chỉ mới ngoài 50) đen cháy, đỏ phừng phừng bởi những tia nắng gắy gắt xuyên trực tiếp xuống mặt sông.

Lão ở đó cho đến khi màn đêm buông xuống, để lắng nghe từng tiếng "thở" của cá. Sáng ra, lão "rinh" về thành quả là vài kilôgam đủ các loại cá, to có, nhỏ có. Hơn 10 năm dầm mình trên khúc sông này, ngoài khả năng bắt cá chỉ bằng một con mắt, lão ngư "độc nhãn" này còn kiêm luôn việc cứu người, vớt xác mà khi kể ra, lão bảo không thể nhớ nổi đã cứu sống bao nhiêu đứa trẻ bị nước cuốn.

"Thân cò" lặn lội bờ sông

Con sông Đồng Nai đoạn chảy qua phường Bửu Long (TP Biên Hòa - Đồng Nai) dường như chậm chạp, hiền hòa hẳn lên. Là do tôi nhìn và cảm nhận nó như thế. Bởi tại đây, tôi đang tái hiện lại cuộc mưu sinh của người đánh cá một mắt. Tôi đứng trên bờ, phóng tầm mắt không xa lắm, tôi thấy tất tần tật mọi hoạt động của lão. Và tôi không thể tin, chỉ bằng chiếc lốp xe tải bơm căng, thêm miếng ván nhỏ  vừa đủ chỗ ngồi, lão "tung tăng" ra giữa dòng, có khi sang tận bờ bên kia mà chiều rộng đôi bờ ước lượng 800m.

Công việc lão nhẹ nhàng, thoải mái vẫy vùng như người ta đi du thuyền vậy. Nên cho dù ai đó có bác bỏ nhận định của tôi, cho rằng khúc sông này chưa bao giờ hiền hòa, ngược lại nó vô cùng nguy hiểm, không ít người đã phải bỏ mạng khi đang tắm hoặc vì lý do gì đó thì tôi vẫn thấy nó hiền thật, là khi có lão ngư Trần Văn Phước ở đó.

Hơn 10 năm nay, lão ngư Trần Văn Phước "chế ngự" khúc sông này để giành giật với "hà bá" từng miếng ăn. Trừ những ngày ốm hiếm hoi, còn lại lão sống ở mặt nước nhiều hơn ở nhà. Vợ quen dần với những giấc ngủ dài không có chồng bên cạnh, con quen dần với giọng khạc đờm người cha đằng hắng giữa đêm. Là lúc màn đêm tĩnh lại, không gian yên bình của thành phố chỉ có lão mới cảm nhận được. Lão kể rằng, khi chỉ còn ánh điện trên những tòa nhà cao tầng là khi tiếng "thở" của cá nghe rõ nhất. Ngồi trên lốp xe, lão sung sướng biết mấy khi nghe tiếng cá quẫy trong lưới, khi ấy lão lại hình dung ra một bữa cơm trưa của vợ con có thêm chút chất tươi cải thiện.

Đối với lão, từ khi chuyển sang cái nghề đánh cá tự do trên sông này mới làm cho lão thanh thản nhất mặc dù nỗi vất vả gấp nhiều lần chăng nữa.

Hếch chiếc mũ phớt lên cao để nói chuyện với người đối diện, lão để lộ ra chiếc kính bảo hộ một con mắt còn lại cũng đang vào giai đoạn nhòe nhoẹt, chập chờn lắm rồi. Tuy nhiên, nhờ con mắt này mà bao năm nay, lão luôn là trụ cột chính của gia đình trong vấn đề cơm, gạo. Câu chuyện của lão chợt trùng xuống khi trở về quá khứ, một quá khứ không mấy tự hào chút nào.

Lão sinh ra và lớn lên ngay tại mảnh đất rìa con sông Đồng Nai này. Trong khi mọi nhà đều có của ăn của để thì gia đình lão vẫn cứ bám riết lấy cái nghèo. 7 tuổi, trong một trận sốt, hai con mắt của lão hoàn toàn mất đi khả năng nhìn. Người mẹ tảo tần, vay mượn khắp nơi đưa lão đi Sài Gòn chữa mắt. May thay, con mắt của lão được hồi sinh, lão trở thành đứa trẻ sáng mắt bình thường. Sống trong một gia đình nghèo xơ nghèo xác, lão sớm phải ra đời kiếm sống, làm đủ thứ nghề để nuôi thân. Việc gì lão cũng làm được, từ phụ hồ, bốc vác, đốn cây…

Rồi lão lấy vợ, hai vợ chồng bấu víu vào nhau bằng nghề làm thuê nay đây mai đó. 5 đứa con sinh ra, lít nhít chen nhau trong một diện tích nhà ở được duy trì đến bây giờ với bề rộng chưa tới 2m, bề dài khoảng 5m Trong lần đi đóng cốp pha, chiếc đinh bay phập vào giữa con ngươi mắt bên trái. Bệnh viện bó tay, lão vĩnh viễn trở thành người đàn ông "độc nhãn". Ám ảnh từ lần đó, lão không dám đi làm những việc liên quan đến sắt thép, đinh ốc nữa. Mà thấy lão như thế, người ta cũng dè dặt thuê lão. Lão kiếm một chút đồ nghề, ra gốc cây xanh ngay đầu đường làm nghề sửa xe đạp. Ngồi cả ngày cũng chỉ kiếm được vài đồng bạc lẻ, chán quá, lão nhớ đến sông, nơi tuổi thơ của lão từng ngụp lặn tắm mát.

Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai tặng ngư dân Trần Văn Phước vì thành tích cứu vớt nhiều người trôi sông.

Gom được vài trăm ngàn làm vốn liếng, lão mua được vạt lưới, mấy cái nơm bắt đầu cuộc hành trình "cướp cơm" hà bá. Từ đó, lão an phận với cuộc đời nổi trôi, lão thấy thú vị nhất khi quay về với nghề này. Để lo cho 5 miệng ăn đang tuổi trưởng thành, những đồng tiền từ con cá, con tôm của lão không thể đủ được. Vậy là đứa con gái lớn học xong 12, thi đậu vào Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin gì đó trên Sài Gòn, lão đành cho con nghỉ. Đứa con gái cũng lặng lẽ nghe lời cha, ngày ngày theo mẹ đi dọn vệ sinh khu phố rồi chiều đến, cha mang về con cá lại ngồi bán. Người con kế tiếp cũng chỉ gượng cố đến lớp 11 cũng phải nghỉ, đứa thứ 3 chỉ tới lớp 8. Mấy đứa con lão đều thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, chúng chỉ biết cam phận với gia cảnh bần hàn của cha mẹ.

Nay, còn hai đứa nhỏ nhất vẫn đang theo học, lão bảo sẽ cho chúng học bởi chúng đang còn nhỏ, giờ nghỉ thì chưa biết làm gì. Gia đình lão là thế, lão thật thà kể mà không có chút gợi buồn. Đôi lúc lão còn cười khà khà nữa chứ, có lẽ đối với lão, như thế vẫn chưa phải là tận cùng. Căn nhà của lão giống như cái chuồng chim bồ câu, chưa vào nhà đã nghe chim hót. Khen lão là người lãng mạn, lạo gạt phăng đi: "Lãng mạn gì đâu, nuôi chim có ai mua thì bán liền".

"Cướp cơm" hà bá

Hôm nay, hiếm lắm mới gặp được lão ở nhà. Là do lão bị cảm, lão lên bờ nghỉ ngơi, sẵn đi chợ nấu ăn cho vợ con. Lão chỉ lên đồng hồ, đúng 1h chiều lão lại xuống sông. Lão bảo đỡ mệt rồi, phải làm thôi chứ ở nhà sao có tiền được. Lão cho biết: "Cái giống ở dưới nước mà gặp trời nắng dễ bị cảm lắm. Mấy tháng nay tôi bị cảm hoài mà. Tính đi khám tổng quát mà sợ ra thêm nhiều bệnh nên thôi".

Căn nhà này là nơi cư ngụ của 7 con người.

Đi cùng lão xuống khúc sông, lão chỉ phía chiếc cầu giặt đồ của bà con nói: "Chỗ này trông vậy mà nhiều trẻ chết đuối lắm rồi. Trông vậy nhưng không phải vậy đâu, có nhiều dòng xoáy ngầm do người ta hút cát nhiều quá". Việc cứu người trên sông và việc đánh cá luôn song hành với lão. Dù đã được cảnh báo từ trước và bao nhiêu cái gương đã chết ở đây nhưng đám học sinh vẫn không sợ. Chúng thường trốn học rủ nhau đi tắm sông và thường thấy, những vụ chết đuối làm khô bao nhiêu nước mắt người thân.

Năm 2010, buổi chiều chập choạng tối, từ giữa dòng, lão ngư nghe thấy người dân trên bờ hô hào có người chết đuối, tức thì, lão bỏ lốp xe, nhảy ùm xuống bơi nhanh vào nhưng khi lão tiếp cận thì đã không kịp. Dòng nước xoáy cuốn đi một đoạn xa, lão mò mãi mới lôi hai đứa trẻ lên bờ, chúng bị sặc nước lâu quá nên không kịp. Đó chỉ là số ít những vụ chết đuối thương tâm nhưng khiến lão day dứt, buồn lòng nhiều ngày vì không thể cứu sống được. Những vụ như thế, lão nhớ rất kỹ, không bao giờ quên bởi nó ám ảnh lão. Còn nhiều vụ lão cứu sống thì lão lại hay quên. Lão không nhớ nổi mình đã cứu sống bao nhiêu người ở khúc sông này. Đa phần đều là học sinh trốn cha mẹ, bỏ học đi tắm.

Có lần, thấy chúng xuống tắm, lão chỉ tay dằn mặt: "Nè, đừng có tắm nghe chưa, nước chảy xiết lắm coi chừng chết đuối đó". Chúng chờ cho lão bơi đi loay hoay với mấy cái lờ mà không để tâm, chúng ào xuống tắm. Bỗng, lão nghe thấy tiếng hét thất thanh cứu người. Lão bơi tới, lặn một hơi lôi được đứa lên, thấy đứa kia đang trôi, một tay lão túm lấy tóc kéo lên. Cả hai được cứu sống, nhìn khuôn mặt hoảng loạn cắt không còn giọt máu của chúng, lão thấy thương nhiều hơn là trách. Xong xuôi, bọn trẻ kéo nhau ra về, lão lại tiếp tục công việc. Ấy thế mà, chưa bao giờ có phụ huynh nào tới cảm ơn lão một tiếng. Lão cười, cho đó là việc bình thường, quan trọng mình không có gì phải ân hận là vui rồi. Người dân xung quanh kháo nhau về thành tích cứu người của lão, chính quyền biết đã tặng lão bằng khen. Những gì lão nhận được, chỉ thế thôi.

Những vụ đuối nước ở khúc sông này, chỉ mình lão là người dám "xả thân" cứu vớt. Lão trách một số người thờ ơ với mạng sống của người khác, có khi đứng đó nhìn thấy người đuối cũng tỉnh bơ. Lão giải thích: "Một phần, do họ sợ cứu người chết sông sẽ bị người đó lôi theo. Vì thế nên cái gì cũng phải học, học cả cách sơ cứu đuối nước, hô hấp nhân tạo… Những cái đó tôi rành lắm". Kể đến đây, chợt lão chùng xuống: "Tháng 3 vừa rồi, ở sông Đồng Nai có vụ chìm đò làm ba mẹ con chết thảm khiến tôi đau lòng quá. Giá như tối đó, tôi ở gần thì biết đâu, họ sẽ được cứu sống.

Đêm tối lênh đênh trên mặt sông lão có sợ gì không? Lão trả lời tỉnh queo: "Không sợ gì hết, quen rồi mà. Nhìn thấy người chết nhiều quá nên không còn cảm giác sợ nữa. Có khi, đang ngồi, thấy vật gì nổi bồng bềnh ngay cạnh, rọi đèn pin vào hóa ra cái xác người thanh niên chết trương lên từ đâu trôi về. Gặp những trường hợp như vậy, mình báo chính quyền cho họ xử lý chứ mình không nhúng tay vào".

Hỏi lão, bao nhiêu năm làm kiếp "con cò" lặn lội bờ sông như thế, lão đã gặp tai nạn nghề nghiệp chưa? Lão nhớ có một lần, đang bơi lốp xe ra giữa dòng thì lốp bị xì hơi. Lần đó, lão phải bỏ cả vạt lưới và mớ cá để chạy thoát thân. Hôm sau, phải chạy ngược chạy xuôi kiếm cái lốp khác

Ngọc Thiện
.
.
.