Một lão ngư Đà Nẵng đóng tàu lương thực công suất lớn để vươn khơi làm giàu và "cứu hộ" các tàu cá tại ngư trường Hoàng Sa:

Lão ngư "lương thực" và chuyện vươn khơi bảo vệ chủ quyền

Chủ Nhật, 01/06/2014, 18:00

Lão ngư tên Trần Toàn (55 tuổi), ngày 14/5 vừa qua, tàu ĐNa-90611 TS công suất trên 400CV của lão đã hạ thủy an toàn, vươn khơi, bất chấp ngư trường Hoàng Sa đang "dậy sóng".

Ở ngư trường Hoàng Sa, hay trên những sóng tín hiệu icom có một lão ngư  biệt danh ông "Thu lương thực" cực kỳ nổi tiếng. Sự nổi tiếng đó còn theo đội tàu hậu cần của lão ngư vượt sóng, vươn xa đến độ hễ tàu cá nào cần lương thực, nhiên liệu hay trao đổi thủy hải sản ngay trên biển Đông là lão có mặt. Cũng không ít lần tàu của lão đã trở thành "115 trên biển", kịp cứu giúp tàu bạn và ngư dân gặp nạn trong bão, hoặc bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu, đâm hỏng như mấy hôm vừa qua... Còn bây giờ, lão ngư này còn nức tiếng"chịu chơi" vì là một trong những ngư dân đầu tiên dám đầu tư, đóng tàu hậu cần tư nhân có công suất lớn nhất miền Trung.

Lão ngư tên Trần Toàn (55 tuổi), ngày 14/5 vừa qua, tàu ĐNa-90611 TS công suất trên 400CV của lão đã hạ thủy an toàn, vươn khơi, bất chấp ngư trường Hoàng Sa đang "dậy sóng".

Từ những cuộc "sinh tử" trên biển          

Cái nắng nóng như đổ lửa vào giữa trưa tháng 5 dường như không là gì cả so với không khí khẩn trương chất đầy lương thực, nhiên liệu của những ngư dân trên tàu hậu cần ĐNa-90611 TS. "Khi nghe tin tàu Trung Quốc quấy nhiễu, cướp bóc, đâm hỏng nhiều tàu cá của ngư dân trên biển, tôi lòng dạ sao không khỏi bồn chồn, lo lắng cho chồng và các con trai đang kiên trì bám biển  để đánh bắt hải sản... Nhưng tui cũng xác định rồi, đàn bà miền biển như tui "lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm", có chồng con làm nghề đi biển thì mình phải vững tâm. Và phải là hậu phương vững chắc để chồng con vượt qua sóng gió, hiểm nguy trên biển để bình yên trở về. Nhất định, ngày mai lại thêm một tàu hậu cần lớn của gia đình tui sẽ ra ngư trường Hoàng Sa..."- bà Văn Thị Mừng (SN 1963, vợ của ngư dân Trần Toàn (SN 1959, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã chia sẻ với tôi như vậy đấy khi nhắc đến đội tàu hậu cần, đến chồng, con của mình.

Bà Mừng còn khoe, mỗi chuyến đi biển về, bà lại được cập nhập tin tức nóng, là người đầu tiên nghe kể về những cuộc đụng độ sinh tử trên biển của ngư dân miền Trung từ hai cha con ông Toàn. Và hơn ai hết, bà hiểu rằng, những khoang tàu đầy tôm cá của gia đình và cả của các ngư dân miền Trung hiện phải đổi bằng tính mạng, lòng quả cảm và cả sự kiên trì của các ngư dân trước thủ đoạn đê hèn của tàu Trung Quốc.

Tàu hậu cần và đánh bắt xa bờ của ông Toàn hạ thủy thành công, chuẩn bị thẳng tiến ra vùng biển Hoàng Sa vào chiều 14/5.

Còn ông Toàn, những giọt mồ hôi rám nắng, đôi mắt tinh luyện, giọng nói sang sảng hối thúc các thuyền viên khẩn trương chất đầy lương thực, nhiên liệu vào khoan tàu cũng đã nói lên tất cả sự quyết tâm bám biển, bám ngư trường của ông. 55 tuổi, nhưng đã có đến 45 năm kinh nghiệm đi biển, không biết bao nhiêu khó khăn, vất vả mà ông Toàn cùng các ngư dân khác phải đối mặt và trải qua. Trước thì đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, những cơn bão dữ ở miền Trung. Nay luôn phải vừa lao động, đánh bắt trên biển, lại thật vững lòng, quả cảm khi phải thường xuyên giáp mặt với tàu của Trung Quốc hung dữ xua đuổi.

Chuyện tàu hậu cần của ông Toàn cứu người, cứu ngư dân trong bão thì ai cũng đã biết nhiều. Nhưng chuyện hàng trăm lần giáp mặt, hàng chục lần bị tàu Trung Quốc xua đuổi, đâm hỏng. Hay chuyện tàu của ông Toàn giúp tàu bạn kiên cường chống lại sự quấy nhiễu của tàu Trung Quốc và cứu hộ tàu ngư dân khác gặp nạn kịp thời. Mà đặc biệt nhất là cung cấp lương thực, nhiên liệu, thậm chí kéo tàu ngư dân bị đâm hỏng trên biển Đông thì bây giờ ông mới kể.

Nhà ông Toàn có 6 người con thì hiện có 2 anh con trai gần 25 năm đều nối nghiệp cha, làm thuyền trưởng tàu cá. Ba cha con ông Toàn đều là những ngư dân tiêu biểu của ngư trường miền Trung. họ không chỉ là những đội tàu đánh bắt giỏi, mà còn là những ngư dân có tinh thần đoàn kết cao trên biển, sẵn sàng hỗ trợ, cứu nạn cứu hộ các tàu bạn nếu gặp hiểm nguy.

Ông Toàn kể cho chúng tôi nghe rất nhiều lần sinh tử trên biển mà cha con và đội tàu của ông gặp phải. Đó là lần vào đầu tháng 4, cha con ông Toàn điều khiển hai tàu công suất lớn đang cung cấp và đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa thì bất ngờ gặp rất nhiều tàu của Trung Quốc chạy tới. "Lúc đó trời đã chập choạng tối, đang đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng tàu Trung Quốc ở đâu xuất hiện, ỉ mạnh hiếp yếu, chạy sang xua đuổi một cách vô lý. Bị uy hiếp, qua bộ đàm tôi động viên con trai và các thuyền viên hãy bình tĩnh. Tuy tàu cá của ngư dân của mình nhỏ, nhưng chúng tôi có sức mạnh của đoàn kết trên biển. Yên tâm, hễ tàu nào gặp nạn là ngay lập tức tàu cá của các ngư dân đánh bắt quanh đó sẽ chạy đến giúp sức, tàu thành một tổ, đội sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế lương thực và thậm chí là chống trả lại sự cướp bóc, đâm phá tàu từ phía tàu Trung Quốc...

Ngư dân Trần Toàn đã có 45 năm đi biển Hoàng Sa.

Quả vậy, lần đó, tuy bị đến 2 tàu Trung Quốc ép sát, uy hiếp nhưng nhờ kinh nghiệm đi biển và kịp thời hỗ trợ của nhiều tàu ngư dân miền Trung đánh bắt gần đấy nên chúng tôi đã bảo toàn được hải sản, ngư cụ trên tàu, không bị cướp phá và kịp tránh được cú đâm phá của tàu Trung Quốc. Một lần khác, tàu hậu cần nghề cá của chúng tôi đã bị tàu của Trung Quốc xua đuổi, tấn công. Suốt đêm quần thảo, mặc dù được tàu cá của con trai tiếp ứng nhưng vẫn bị tàu Trung Quốc chia tách nhau ra xa cả mấy hải lý. Bấy giờ, bộ đàm vẫn được chúng tôi cố duy trì liên lạc. Cộng thêm,  kinh nghiệm chinh chiến của mình, cuối cùng tôi và tàu của con trai cùng những ngư dân khác đã mưu trí thoát ra khỏi vòng vây của tàu Trung Quốc và tiếp tục hành trình chuyển lương thực đi cung cấp cho các tàu ngư dân khác... ông Toàn chia sẻ.

Đến quyết đóng tàu "khủng" để vươn khơi và bảo vệ chủ quyền

“Tui theo cha đi biển từ lúc mới 10 tuổi, đến nay đã có 45 năm "chinh chiến" trên vùng biển Hoàng Sa. Chính vì thế, tui hiểu hơn ai hết, muốn tiến ra biển lớn thì ngư dân phải có tàu lớn, vững chắc để sản xuất trên biển, góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền của đất nước. Ngày 14/5 cũng là ngày ước mơ bám biển của tôi có nhiều cảm xúc nhất” - ông "Thu lương thực" Trần Toàn  tự hào.

“Đây là con tàu hậu cần thứ hai có công suất lớn đến 400CV do tôi tự đầu tư đã được hạ thủy an toàn và sẵn sàng vươn khơi. Tàu của tôi không chỉ đánh bắt hải sản, mà còn đảm nhiệm một nhiệm vụ quan trọng là cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực, nhiên liệu kịp thời ngay trên biển cho ngư trường Hoàng Sa. Bao năm lênh đênh, bôn ba trên biển, nhờ lộc biển, gia đình tui cũng đã tích góp được một khoản tiền, mạnh dạn vay thêm ngân hàng, đến nay đã đóng được 2 tàu hậu cần khủng công suất lớn. Con tàu mang ký hiệu ĐNa 90611 TS có 2 máy với tổng công suất 850CV, chiều dài 24m, chiều rộng 5,4m, với tốc độ chạy 14 hải lý/giờ, chuyên chở khoảng 70 tấn hàng hóa, hải sản các loại với tổng chi phí 3,2 tỷ đồng là tàu mới nhất được chính thức hạ thủy, vươn khơi ra ngư trường vào ngày 14/5 này. Nếu mình không đóng tàu lớn vươn khơi thì cuộc sống sẽ khó khăn, vất vả hơn. Vả lại, có tàu lớn vươn khơi, anh em chúng tôi góp phần bảo vệ, khẳng định chủ quyền của đất nước. Nếu có bị tàu Trung Quốc đuổi thì cũng không sợ…", ông Toàn tâm sự.

Ông Toàn kể, vùng biển Hoàng Sa là vùng biển khai thác hải sản lớn nhất cả nước. Chính vì thế, ngư dân khắp mọi miền tập trung về vùng biển này để đánh bắt. Trước đây, ngư dân đi biển 7 - 15 ngày rồi phải quay vào bờ để tiếp nhiên liệu, thực phẩm… và bán sản phẩm đánh bắt được, rất mất thời gian và tốn kém tiền của. Thấu hiểu nỗi khổ đó của hàng ngàn ngư dân muốn bám biển dài ngày nhưng vì không có dịch vụ thu mua hải sản trên biển nên ông quyết tâm làm nghề này. 

Bây giờ, mỗi chuyến đi biển, tàu của ông Toàn cùng 15 lao động khác cung cấp nhiên liệu, thực phẩm… cho khoảng 100 tàu cá với khoảng hơn 1.000 lao động khác trên vùng biển Hoàng Sa. Đồng thời, ông Toàn thu mua sản phẩm cho họ rồi chạy vào bờ. Vì thế đã tiết kiệm thời gian và tiền của cho những tàu ngư dân khác, giúp họ ở lại với vùng biển Hoàng Sa dài ngày hơn (khoảng 2-3 tháng) để tiếp tục đánh bắt hải sản, khẳng định chủ quyền. 

Cũng nhân câu chuyện đối mặt với tàu Trung Quốc trên biển của cha con ông, ông Toàn còn chia sẻ một kinh nghiệm: Trong trường hợp mình yếu thế hơn vì tàu Trung Quốc to và đông, nếu tàu ngư dân mình không bình tĩnh phối hợp xử lý và tìm cách tránh né thì thiệt hại vô cùng to lớn, có khi ảnh hưởng đến tính mạng. Ngư dân của chúng ta phải tận dụng sức mạnh đoàn kết, phải thường xuyên liên lạc với Cảnh sát biển, nếu khi nào có sự cố thì lập tức được phối hợp, hỗ trợ. Tàu ngư dân mình luôn tạo thành một tổ đoàn kết như vậy sẽ buộc tàu Trung Quốc phải chùn bước và không dám uy hiếp nữa, đó chính là việc làm thiết thực nhất để bảo vệ mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển đảo của ngư dân hiện nay...

Tàu hậu cần và đánh bắt xa bờ ĐNa 90611 TS của ngư dân Trần Toàn (SN 1959, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) có công suất 850 CV, chiều dài 24m, rộng 5,4m; gồm 18 khoang, tốc độ 14 hải lý/giờ; có sức chở lên đến 70 tấn hàng hóa, tổng kinh phí đóng tàu khoảng 3,2 tỷ đồng, chính thức hạ thủy, thẳng tiến ra vùng biển Hoàng Sa vào ngày 14/5. Đây cũng là một trong những tàu hậu cần có công suất lớn đầu tiên tại TP Đà Nẵng do tư nhân tự bỏ vốn đầu tư và đóng tàu nhằm mục đích góp một phần rất quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm, nhiên liệu. Rất tiện ích thu mua, trao đổi hàng hóa, hải sản ngay trên biển cho các tàu cá ngư dân khác tại ngư trường Hoàng Sa...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, trong thời gian tới, TP Đà Nẵng sẽ đầu tư và đóng mới thêm nhiều tàu công suất lớn như tàu ĐNa-90611TS nhằm nâng cao chất lượng khai thác hải sản và phục vụ công tác hậu cần tại các ngư trường truyền thống thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, những tàu có công suất từ 400CV trở lên trên địa bàn, thành phố sẽ hỗ trợ từ 400-800 triệu đồng khi đóng mới; đồng thời ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương thành phố Đà Nẵng sẽ có những chính sách nhằm hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên, đào tạo bằng thuyền trưởng, máy trưởng, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, bảo quản sản phẩm... giúp ngư dân thêm yên tâm vươn khơi bám biển.

Hoài Thu
.
.
.