Lão ngư yêu biển

Thứ Tư, 29/06/2016, 11:33
Một lão ngư dốc hết túi tiền dành dụm bấy lâu, tự đóng nhiều tàu thuyền mi ni, rồi xếp đặt trong nhà để... ngắm! Thoáng nghe cứ tưởng chuyện đùa, nhưng khi tìm về làng biển Đông Tác, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên tiếp xúc lão ngư Lương Thửng, mới hay đó là sự thật.

Ở tuổi 89 nhưng trông vóc dáng lão ngư Lương Thửng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và nhanh nhạy đến mức tự mình điều khiển xe máy ngược xuôi từ trong làng ra giữa bãi bồi bên sông, bên biển để hỗ trợ cho hai người con hành nghề cẩu kéo những chiếc tàu thuyền vỏ gỗ của ngư dân từ một con lạch ở phía hữu ngạn hạ lưu sông Đà Rằng đưa lên bờ cát để sửa chữa. Ngồi bên con sóng biển bạc đầu dịu dàng liếm bãi dưới nắng vàng giữa buổi sáng tháng sáu lộng gió nam non, tôi lắng nghe ông hoài niệm một thời đã qua và trải lòng mình bằng tình yêu biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau một hồi trầm tư, cụ Thửng kể lại bằng chất giọng đặc sệt xứ Nẫu: "Làng biển này xưa kia hoang sơ nghèo khó lắm. Tui là con cả trong một gia đình có 5 anh em, nên từ nhỏ chỉ đi học để biết đọc, biết viết. Đến tuổi 15 tui đã sớm lên thuyền ra biển đánh lưới rùng, lưới quát, lưới mành để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ chạy ăn từng bữa cho cả nhà. Khi trưởng thành, gia đình tui gom góp được chút vốn liếng dành dụm được bất lâu và vay mượn thêm của nhiều người thân để đóng mới chiếc ghe bầu bằng gỗ, vận hành bởi hai cánh buồm buồm, rồi giao cho tui chở hàng thuê bằng đường biển cho những tiểu thương buôn bán từ làng biển này đến cửa sông nọ dọc dải đất duyên hải Nam Trung Bộ và một số tỉnh ở Nam Bộ...".

Lão ngư Lương Thửng bên những chiếc tàu thuyền mi ni do ông tự đóng để... ngắm.

Câu chuyện bỏ dở giữa chừng vì anh Lương Công Phong - người con trai út của lão ngư Lương Thửng điện thoại nhờ ông hướng dẫn kỹ thuật xử lý một tình huống phức tạp khi cẩu kéo chiếc tàu đánh cá mắc cạn bên lạch sông. Cuộc điện thoại vừa dứt, ông sôi nổi kể tiếp: 

"Thời đó giao thông đường bộ cách trở, hiếm có xe máy như bây giờ, nên giao thương chủ yếu bằng đường thủy. Tàu thuyền không có động cơ mà chỉ vận hành bằng những cánh buồm vải hoặc đan kết từ cây sóng lá. Lái buôn thuê vận chuyển gì tui cũng nhận, miễn là giá cả hợp lý và không phải là hàng quốc cấm. Chưa rành luồng lạch, địa danh, bến bãi, nên thời gian đầu phải thuê người dẫn đường cho tui cầm lái ghe bầu đến Phan Rang, Phan Thiết, Sài Gòn, Rạch Giá, Cà Mau... 

Mỗi năm đi năm, bảy chuyến, chuyên chở vải vóc, mắm, muối, lúa, gạo, đồ sành sứ và một số mặt hàng thực phẩm. Mỗi chuyến thu lãi vài ba trăm đồng, nhưng suốt hải trình ven bờ người cầm lái phải biết tự mình dự báo thời tiết bằng... cảm quan và kinh nghiệm để phòng tránh giông bão, triều cường. Có chuyến đi phải năm lần, bảy lượt phải tìm đến những bến bãi có núi che chắn để tránh gió dữ. Gặp lúc nồm thổi ngọt lành, tui giăng buồm đi miết từ Rạch Giá về Tuy Hòa".

Ghi lại mạch chuyện cụ Thửng kể, tôi cảm nhận rõ nét những trải nghiệm của một lão ngư đã có hơn 70 năm gắn bó với biển cả và dịch vụ hậu cần nghề biển. Khi nghe tôi hỏi về chuyện dự báo thời thời tiết, lão ngư Lương Thửng khoát tay, bảo: "Phương cách nhìn mây, đón gió, tính lịch thủy triều... mà tui cùng nhiều ngư dân vận dụng không thể diễn giải một lúc được đâu, mà phải truyền đạt kinh nghiệm thực tế từng chuyến đi mới dễ hiểu. Mỗi năm, giới tàu thuyền thời đó luôn nhớ câu ca truyền miệng rằng: "Đi đây, đi đó cứ đi/Mùng mười tháng tám thì quay trở về".

Hơn 10 năm lái ghe bầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với nhiều vất vả, hiểm nguy, ông Thửng quyết định "xếp buồm" lên bờ để theo nghề đóng mới và sửa chữa tàu thuyền. 

Ông tâm sự: "Thời đó chỉ có tàu thuyền vỏ gỗ và nan tre chứ không có tàu vỏ sắt và nhựa composit như bây giờ. Thiệt tình mà nói, tui như có duyên nợ với nghề biển, nên sau một thời gian cất công dòm ngó những nhóm thợ lành nghề đóng mới một chiếc ghe bầu, tui cầm công cụ làm được mọi thứ. 

Vừa làm vừa học chứ không có thầy chỉ dạy, không cần bản vẽ thiết kế nhưng tui vẫn thực hiện đúng yêu cầu của người đặt hàng đến từng chi tiết nhỏ. Có lẽ vì thế nên sau này nhiều người dân ở nhiều làng biển thường gọi tui là "kỹ sư không bằng cấp". 

Hơn 4 năm làm công ăn lương tại các xưởng đóng tàu thuyền ở Phan Thiết, Cà Ná, Tuy Phong, Phan Rí, Nha Trang... đến giữa năm 1959 tui mới về lại làng biển Đông Tác khi ở độ tuổi 34 và tự mình mở xưởng đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, thu hút hàng chục tay thợ làm công...".

Rời bãi biển, ông Thửng mời tôi về nhà riêng nằm bên đường Ngô Gia Tự, khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa. Hình ảnh đầu tiên tôi ghi nhận được là trên đỉnh hai trụ sắt ở phía trước vuông sân là mô hình 8 chiếc tàu đánh cá được sơn phết, kẻ vẽ rõ nét từng chi tiết. 

Trước hiên và bên trong căn nhà mái ngói vách xây có 9 chiếc tàu thuyền mi ni bằng gỗ với các kiểu dáng khác nhau, từ ghe bầu, thuyền buồm đến tàu đánh bắt cá ngừ đại dương có chiều dài 1 đến 3m. Tất cả đều do ông Thửng tự đóng rất công phu với tổng chi phí vật tư, nhân công ước tính gần 80 triệu đồng. Mỗi chiếc tàu được ông đục đẽo, chạm khắc, sơn phết, lắp đặt đầy đủ các chi tiết từ buồng lái, cửa kiếng, dây neo, mũi neo đến cột cờ, cột buồm, lá buồm, dây lèo để điều khiển... 

Tất cả đều y chang như tàu thật. Trong số đó, những chiếc tàu dài 1m được cụ Thửng "thiết kế" từ một súc gỗ nguyên vẹn, không lắp ghép. "Số hiệu đăng kiểm" ghi trên tàu là năm sản xuất, bốn ký tự phía trước và sau là tên địa phương và tên gọi năm âm lịch. Ví như chiếc tàu gỗ mi ni mang "số hiệu" PY- 2009 KS có nghĩa là "Phú Yên 2009 Kỷ Sửu".

Thời gian gần đây, lo ngại bất cẩn có thể xảy ra khi người cha già mải mê đóng tàu thuyền mi ni, mấy người con trai can khuyên mãi không được nên họ lén lút cất giấu đồ nghề khiến cho ông đành phải... bó tay!

Bến bãi sửa chữa tàu thuyền ở làng biển Đông Tác do lão ngư Lương Thửng cùng hai người con trai đảm nhận dịch vụ cẩu kéo để những nhóm thợ sửa chữa.

Khi tôi hỏi điều gì đã thôi thúc lão ngư đóng tàu thuyền mi ni để... ngắm, ông Thửng trải lỏng rất chân tình: 

"Hơn 70 năm qua, tàu thuyền và biển cả đã thấm đẫm trong máu thịt và luôn hiện hữu trong từng giấc ngủ của tui. Thiệt tình tui yêu biển, yêu nghề lắm. Mỗi ngày tui đều theo dõi thời sự trong nước và quốc tế qua ti vi, những lần biết tin tàu đánh cá, tàu quân sự và giàn khoan của nước ngoài xâm nhập trái phép vùng biển Việt Nam, tui háo hức muốn trở lại với thời trai trẻ để vượt sóng gió ra biển khơi để giăng lưới đánh bắt cá và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tiếc là tuổi tác đã về chiều nên sáng nào tui cũng ra trước biển ngắm tàu thuyền từ ngoài khơi xa về bến bãi để hồi tưởng một thời trai trẻ đã qua. 

Chính nỗi nhớ đó đã đánh thức nhiều kỷ niệm đẹp về những năm tháng hành nghề đóng mới, sữa chữa tàu thuyền và thôi thúc tui đi mua gỗ về tự tay mình cưa xẻ, đóng mới những ghe bầu, thuyền buồm, tàu đánh bắt cá ngừ đại dương mi ni để... ngắm cho vui. Bà xã tui đã về với tổ tiên mấy chục năm rồi, trong căn nhà này chỉ còn mình tui với mấy chiếc tàu thuyền mi ni này là người bạn thân thiết". 

Ngừng một lát, cụ Thửng tiếp tục bày tỏ: "Tui rất mừng là bây giờ có nhiều tàu đánh cá vỏ gỗ, vỏ thép công suất lớn đến năm, bảy trăm mã lực với các loại ngư cụ và thiết bị hiện đại để bà con ngư dân năng động vươn khơi bám biển, làm giàu từ kinh tế biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Tạm biệt lão ngư Lương Thửng, tôi cảm nhận trong ánh mắt của ông lấp lánh niềm vui khi ông mải mê ngắm nhìn những chiếc tàu thuyền mi ni do chính ông tạo tác và mong muốn con cháu lưu giữ mãi mãi trong căn nhà khi ông đi xa. Tình yêu biển cả và quê hương đất nước của lão ngư Lương Thửng thật đáng trân trọng!

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.