Lão nông hiến đất xây trường

Thứ Năm, 15/03/2018, 08:48
Ở nơi cái đói, cái nghèo vẫn còn đeo đẳng thì suy nghĩ hiến đất để xây trường học là một điều không tưởng. Vậy mà chỉ với trình độ lớp 2, ông Bùi Văn Sòn, trú tại xóm Cóc, xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã tình nguyện hiến 4.000m² đất để xây dựng trường học.


Với ông, người dân nghèo là vì không được học hành đến nơi đến chốn. Chỉ có học, xóa mù chữ mới nuôi dưỡng được ước mơ.

Ước mơ của "gã khùng"

Nhiều năm nay, việc ông Sòn hiến đất như câu một câu chuyện huyền thoại ở xứ Mường Bi. Chẳng ai có thể tưởng tượng được một người nông dân nghèo lại dám hy sinh 4.000m² đất để xây dựng trường học, khi mà sự học nơi đây chưa bao giờ được coi trọng. 

Để đến bản Cóc, nơi nghèo nhất nhì huyện Tân Lạc gặp ông Sòn, chúng tôi phải trải qua hơn 20km đường rừng, vượt qua cả chục con dốc khúc khuỷu. Trái hẳn với suy nghĩ ban đầu, người đàn ông dân tộc Mường có cách nói chuyện hóm hỉnh, dễ gần và vô cùng hiểu biết. 

Tiếp chúng tôi ở ngôi nhà sàn ấm cúng, ông Sòn liên tục nhắc đến hai từ "ước mơ". Ước mơ của ông không phải cho bản thân mà cho những con người nghèo khó nơi đây. 

Ông bảo, ông ước ở đây có điện sáng, ước mọi người bớt khổ, sẽ được ấm cái bụng. Thế nhưng điều ước lớn nhất của ông lại là ánh sáng tri thức về với bản nghèo của mình. 

"Tôi biết, người dân ở đây nghèo là vì thiếu cái chữ, thiếu tri thức. Chỉ có con đường học hành mới có thể phát triển được kinh tế địa phương, mới mở mang và tìm được thấy những điều tốt đẹp"- Ông Sòn tâm sự.

Chính vì những mơ ước ấy, sự khao khát ấy đã khiến ông không một chút đắn đo, mang mảnh đất 4.000m² của gia đình mình hiến tặng để xây dựng trường học. 

Tâm sự với chúng tôi về nghĩa cử cao đẹp ấy, ông Sòn cười: "Trước đây, vì hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn, đất nước lại đang trong giai đoạn chiến tranh loạn lạc, đến cái ăn, cái mặc còn không có, nói gì tới việc cắp sách tới trường. 

Đến bây giờ không thể để vì không có trường hay trường xa bản mà các cháu phải thất học. Tôi nghĩ các cháu có quyền được đến trường, tôi sẽ làm mọi giá để các cháu được đến trường". 

Ngày nhỏ, ông Sòn vốn là cậu bé nhanh nhẹn, thông minh, thế nhưng đường học của ông lại quá ngắn ngủi. Bố mẹ chỉ có thể lo cho ông học hết lớp 2, vừa đủ nhận mặt con chữ và thực hiện những phép tính cộng trừ, nhân chia giản đơn. 

Cả tuổi thơ của cậu bé Sòn chỉ là những buổi đi chăn trâu, những ngày dài lên rừng kiếm củi, theo mẹ lên nương. Đã có lần theo mẹ lên thị trấn, được nhìn các bạn cùng trang lứa ê a đánh vần ông đã bật khóc vì khát khao.

Ngôi trường tiểu học xóm Cóc, nơi nuôi dưỡng ước mơ của trẻ em vùng cao.

Năm 1975, Bắc Nam thống nhất, thế nhưng những hậu quả của thời hậu chiến vẫn còn rất nặng nề. Ông xung phong lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, dù biết vẫn còn vô vàn hiểm nguy. 

Sau 7 năm hoạt động trong quân ngũ, là quãng thời gian vô cùng quý giá giúp ông học tập, tu dưỡng đạo đức của một người lính Cụ Hồ. Ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao phó, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

Đơn vị của ông làm nhiệm vụ rà phá bom mìn do chiến tranh để lại. Ông kể: "Khi chiến tranh giải phóng miền Nam vừa kết thúc, bom mìn còn rất nhiều. Chính vì vậy công việc này nguy hiểm cũng không kém khi phải đối mặt với kẻ thù. 

Đồng đội của tôi bị thương rất nhiều, thậm chí cả hy sinh nữa. Thế nhưng vì nhiệm vụ, vì sự bình yên của nhân dân, dù cái chết có cận kề, anh em vẫn dốc lòng hoàn thành nhiệm vụ. Có lẽ trải qua những giây phút sinh tử ấy, bây giờ tôi mới thấy quý những tháng ngày hòa bình và mong mỏi quê hương có cuộc sống tốt đẹp hơn".

Khi chiến tranh đã lùi xa, trở về địa phương, những phẩm chất quý báu đó vẫn còn vẹn nguyên. Để hôm nay, người lính ấy vẫn tiếp tục cống hiến trên mặt trận xây dựng quê hương, đất nước.

Học để nuôi dưỡng ước mơ

Ông Bùi Văn Sòn luôn tâm niệm, khi chiến tranh, đánh đuổi giặc ngoại xâm là hàng đầu, còn khi thời bình, giặc dốt là kẻ thù lớn nhất, nếu không quê hương sẽ không thể phát triển. Việc ông hiến 4.000m² đất ở chốn "thâm sơn cùng cốc", nơi cái nghèo, cái đói vẫn bủa vây là điều hiếm có. 

Thế nhưng hành trình trong cuộc chiến xóa mù chữ của người cựu chiến binh Bùi Văn Sòn gặp không ít gian nan, vất vả. Thời gian đầu, chỉ mới đưa ra ý tưởng hiến đất xây trường, ông Sòn đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của người thân trong gia đình. 

Không chỉ người thân, rất nhiều người trong bản biết ý tưởng đó họ đã đến tận nhà can ngăn. Khi những lời can ngăn đó đều bị ông bỏ ngoài tai, có người đã cho rằng ông điên, có vấn đề về thần kinh. Không nản lòng, ông bắt đầu vận động, nói cho mọi người tin và ủng hộ ước mơ của mình. 1 năm, 2 năm rồi 3 năm… mưa dầm thấm lâu, với cái tâm sáng, ông cũng đã thuyết phục được mọi người. 

"Ban đầu mọi người bảo tôi bị điên, 4.000m² đất đâu có phải ít mà tự nhiên mang đi cho. Từng đó đất mà để tăng gia sản xuất, trồng luống rau, nuôi con lợn con gà cũng được. 

Mọi người còn bảo, nơi khác họ lấy đất làm công trình phúc lợi xã hội mà đền bù cho dân không thỏa đáng còn bị phản đối, nhất quyết không giao đất. Thế mà cuối cùng tôi cũng nói được mọi người đồng ý". Dứt lời ông Sòn cười hiền hậu: "Thuyết phục mọi người nghe theo là thành tích vĩ đại trong đời tôi đấy".

Vậy là công trình "thế kỷ" của cuộc đời ông bắt đầu từ đó, ngôi Trường Tiểu học B Ngọc Mỹ đã ra đời. Tuy điều kiện dạy và học của thầy và trò nơi đây còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng trên hết, người dân nơi đây đều vui sướng, hạnh phúc vì con em mình đều đã có cơ hội tới trường. 

Không hạnh phúc sao được khi mà những đứa trẻ muốn đến trường phải vượt cả chục cây số đường rừng. Những ngày tạnh ráo không sao, khi mưa xuống có em lại quần áo lấm len trở về nhà, nước mắt lưng tròng, khóc mếu: "Con không đi học nữa đâu". 

Không hạnh phúc sao được khi mà bao đứa trẻ không tự viết được tên của mình chỉ vì trường quá xa thì nay viết và đọc vanh vách. Anh Bùi Văn Thịnh chia sẻ: "Thực sự là chúng tôi rất hạnh phúc vì ngôi trường được xây dựng tại đây. 

Nếu không có trường thì con em chúng tôi sẽ rất vất vả để đi học. Dù có muốn cho con đi nhưng vì đường xa, nhiều gia đình bất đắc dĩ để con nghỉ học. Những ngày mưa gió, các em đều phải nghỉ học vì sợ đường xa nguy hiểm. 

Khi ấy các thầy cô lại rất vất vả để kèm các em theo kịp kiến thức các bạn trong lớp. Thực sự dân bản chúng tôi biết ơn ông Sòn nhiều lắm, không có ông thì làm sao có ngôi trường khang trang thế này. Ông là tấm gương cho các thế hệ con em noi theo. Chúng tôi ở đây đều nhận thức được rằng, chỉ có học mới tiến bộ, mới phát triển được quê hương".

Người CCB Bùi Văn Sòn với ước mơ xóa mù chữ chốn "thâm sơn cùng cốc".

Đưa chúng tôi ra hiên nhà, nhìn về phía ngôi trường khang trang, rộn tiếng cười đùa của trẻ nhỏ, ông Sòn xúc động nói: "Kia là thằng con trai út của tôi, cháu mới lên lớp 7, cháu từng học tại trường này. Trước đây, thời điểm trường chưa được xây dựng, hai cậu con trai lớn chỉ được đến lớp 5, phải bỏ học giữa chừng vì nếu muốn đi học thì phải đi ra tận ngoài thị trấn. Đường đi vô cùng khó khăn, hiểm trở, phương tiện thì thiếu thốn, các cháu đi bộ phải nửa ngày mới tới nơi". 

Không hạnh phúc sao được, không sung sướng sao được khi mà trường tiểu học và THCS đã được xây dựng ngay chính trên mảnh đất nơi ông "chôn nhau cắt rốn". Và rồi, những đứa trẻ nơi thâm sơn này lại được đến trường, lại được tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ.

"Tôi hiến đất xây trường, vì không muốn đời con cháu mình mãi phải chịu cái đói, cái nghèo như cha ông chúng. Bản thân tôi là những người đi trước, đã chịu nhiều thiệt thòi, không được học hành đến nơi đến chốn, dù lòng rất muốn đi học. Cũng vì hoàn cảnh khi ấy rất khó khăn, chiến tranh loạn lạc. Bây giờ khi đất nước đã hòa bình, cuộc sống của người dân đã bớt khổ thì tại sao con em không được cắp sách tới trường? Chúng ta phải có trách nhiệm với thế hệ con cháu chứ" - Ông Sòn xúc động tâm sự.

Chia tay bản Cóc khi mặt trời bắt đầu lặn, ánh lửa bập bùng phát ra từ những ngôi nhà sàn thưa thớt của người Mường. Ai nấy cũng thầm mong ước cuộc sống nơi đây sẽ bớt đi khó khăn, vất vả. Và, tất cả trẻ em đều được cắp sách tới trường để nuôi dưỡng những nước mơ thật đẹp.

Ông Bùi Tiến Lâm, Chánh Văn phòng huyện Tân Lạc cho biết: Việc làm của ông Bùi Văn Sòn thực sự là một nghĩa cử cao đẹp, góp vào công cuộc đẩy lùi giặc dốt theo như lời Bác Hồ đã từng dạy. Ông Sòn thực sự là niềm tự hào của người dân xóm Cóc, xã Ngọc Mỹ nói riêng cũng như của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình nói chung. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người có nghĩa cử cao đẹp như ông Sòn, có như vậy những khu vực nghèo như xã chúng tôi mới có cơ hội để phát triển.

Phong Anh
.
.
.