"Xin lộc" ở Bệnh viện Từ Dũ:

Lập "đàn trời" gửi phép nhiệm mầu

Thứ Hai, 21/04/2014, 09:50

Người khát con gọi miếu cầu con, người đi bỏ con gọi miếu sám hối, người đau ốm, mổ xẻ gọi miếu bình an… Tất cả đều có điểm chung là chọn nơi này làm chỗ gửi gắm phép nhiệm mầu. Nhang khói nghi ngút ngày đêm. Nhang vừa lóe cháy, người vừa quay lưng thì "lộc" cúng Mẹ đã nằm gọn trong túi của các ông, các bà nhân danh "con trời". Cảnh tượng này đã và đang diễn ra trong ngôi miếu nằm giữa khuôn viên Khoa sản Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh).

"Đàn trời" trong khuôn viên bệnh viện

Vui sướng, buồn đau, ân hận, day dứt… những cung bậc cảm xúc đa chiều của các ông bố bà mẹ, những người đi tìm con, đi bỏ con, đều gửi gắm vào ngôi miếu thiêng nhỏ nhắn thờ Mẹ Quan Âm, Thiên Hậu Thánh Mẫu và những linh hồn hài nhi. Ngôi miếu nằm đối diện Khoa sinh A, (Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ) len giữa hàng ghế đá la liệt người nằm, người ngồi chờ đến giờ khám bệnh và thăm nuôi. Dường như nó quá chật chội bởi không khí ngột ngạt, nóng bức, bởi lượng người xếp lớp dày đặc vào giờ cao điểm. Buổi chiều là thời gian vắng vẻ nhất, nhưng chốc chốc tôi lại thấy bóng đàn ông, phụ nữ trầm mặt tiến lại manh chiếu gấp đôi đặt trước mặt hai "vị thần". Họ thắp hương, lẩm bẩm cầu khẩn điều gì đó rồi úp mặt xuống chiếu vái lạy.

Anh Hoàng 35 tuổi (Long An) hối hả đi như chạy xách một bọc trái cây để lên am thờ rồi chắp tay cầu xin. Tôi hỏi anh cầu điều gì? Anh nói: "Vợ tôi chuẩn bị mổ sinh, tôi cầu cho mẹ tròn con vuông và hứa sẽ đến đây đền tạ Mẹ Quan Âm". Hai ngày chăm vợ trong bệnh viện, người ta mách anh ra miếu "hai Mẹ" mà xin phúc, nhiều người xin được lắm, vì miếu rất thiêng.

Thành tâm cầu khấn trước mặt "hai Mẹ".

Mỗi ngày, tại khoa sản Bệnh viện Từ Dũ đón hàng trăm lượt sản phụ từ khắp nơi đổ về, có người mới đến lần đầu, người đến vài lần nhưng không hiểu tin đồn từ đâu mà rất nhiều người dù bận rộn, dù đang lo lắng, đau buồn đều dừng chân ghé vào miếu thắp một nén nhang cầu xin Mẹ phù hộ.

Chiều sầm sì, loang lổ mây đen kéo cơn mưa rửa sạch thành phố, từ Khoa hiếm muộn có một  đôi nam nữ lầm lũi bước ra, tay cầm xấp giấy tờ bệnh án. Chị vợ là Nguyễn Vân T. (33 tuổi) và chồng tên Tuấn D. (40 tuổi) cùng quê Đồng Nai. Họ lấy nhau gần 10 năm mà chưa có con, đi xét nghiệm, bác sĩ bảo do lỗi của chồng. Tôi hỏi lỗi gì thì chị T. lắc đầu, mặt buồn thiu. Ba tháng nay, vợ chồng chị dắt nhau lên đây khám chữa liên tục mà chưa thấy khả quan, nghe bà bán nước ngoài cổng bảo vào miếu Mẹ cầu xin xem thế nào. Biết đâu Mẹ rủ lòng thương. Anh Tuấn D. ngồi bệt ở ghế đá, vợ kéo mãi mới miễn cưỡng cầm que nhang. Vẻ mệt mỏi, thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt người đàn ông "có lỗi" với trời. Thắp nhang xong, anh lặng lẽ rút ra 10 ngàn đồng đặt lên đĩa trước mặt Mẹ.

Trái với sự thất vọng của vợ chồng anh D., bà Liễu (Bình Chánh, TP. HCM) rạng rỡ niềm vui khi cô con gái "vượt cạn, mẹ tròn con vuông". Bà hồ hởi lạy Mẹ, cảm ơn ân trên phù hộ độ trì và không quên "dâng lộc" bằng tiền mặt.

Có nhiều người qua lại ngôi miếu, đủ mọi thành phần, già trẻ có, nam nữ có. Người thắp nhang xong vội vã ra đi, người quỳ lạy sụt sịt, người thẫn thờ nuối tiếc... Không giống với những cảnh chờ đợi ở những bệnh viện khác, ở đây khung cảnh dường như thê lương hơn khi có sự hiển diện của ngôi miếu. Tôi chú ý hành động một cô gái mặt "búng ra sữa", đeo ba lô nặng trĩu rón rén bước đến ngôi miếu. Có vẻ đang đau đớn về thể xác, cô gái chậm chạp đốt từng que nhang, rồi ngồi bệt xuống manh chiếu. Cô ấy run run nói thì thầm, không ai nghe được gì cả. Cô lôi trong ba lô ra một bọc bánh mì khô rồi lấy một miếng cầm tay còn lại đặt lên bàn cúng Mẹ. "Em 19 tuổi, học năm nhất trường trung cấp". Trả lời tôi bấy nhiêu, rồi cô loạng choạng rời đi.

Muôn kiểu cầu khấn, trong một hoàn cảnh chung là các con dân đều gửi gắm niềm tin tâm linh vào những gì mình đang khao khát, mong mỏi. Như nhân gian nắng hạn, phải lập đàn cầu trời đổ mưa.

Nhân danh con trời, vét "lộc" đầy túi

Theo quan sát của chúng tôi, người mang lễ đến cúng "hai Mẹ" rất đông, nhưng thoáng cái trên bàn thờ đã sạch sẽ trái cây và tiền. Chỉ còn hương hoa bay thoảng trong gió. Có một người đàn ông trung niên nghe cánh "cò" ở đây gọi ông Tư thường xuyên lui tới nhặt nhạnh ve chai và "hốt lộc". Ông Tư bụng phệ, người thấp một mẩu, da đen cháy. Ông ấy ngồi ở một góc khuất gốc cây nhưng đủ để quan sát toàn bộ dân tình cúng bái. Khi người cúng vừa đứng lên, quay lưng đi một bước là ông Tư nhào tới đưa túi trút hết đĩa trái cây vào mang đi. Trên đĩa có đồng tiền nào ông vo lại, ngó trước ngó sau rồi đút nhẹm vào túi. Ông Tư "hốt lộc" được vài lần thì bà Vân xuất hiện. Tay túi, tay bọc, mắt xanh, mỏ đỏ đúng kiểu dân anh chị. Từ lúc bà Vân hiển diện thì không thấy ông Tư ngồi ở ghế đá nữa, ông dáo dác đi lượm chai lọ ở các thùng rác. Bà Vân xốc lại hai cái bình hoa tươi đầy tràn, chỉ giữ lại vài bông, còn lại bà quăng sọt rác hết.

Hết giờ thăm nuôi, người thân tràn ra ghế đá ngồi chờ rất đông, nên "lộc" cúng Mẹ cho bà Vân cũng kha khá. Bà Vân tự xưng là người ở đây lâu năm nhất, am hiểu tường tận nhất mọi việc và là người có ý thức bảo vệ ngôi miếu. Hỏi bà Vân có phải là chủ trông nom ngôi miếu này? Bà xua tay: "Không phải, ở đây không có ai là chủ cả, người đến tự nguyện và người chăm sóc cũng tự nguyện. Tôi chơi hụi nên ngày nào cũng vào đây thu tiền góp, sẵn qua miếu thăm Mẹ". Vậy thì không hiểu bà ấy có cái thế gì mà độc quyền ngồi ở đây "nhặt lộc" của bá tánh. Chưa đầy một tiếng đồng hồ, bà Vân lượm lặt được khoảng vài kí hoa quả, bánh trái và gần trăm ngàn tiền mặt.

Ngôi miếu nhỏ chỉ được che hai cái dù tránh mưa nắng nhưng đã tồn tại mấy chục năm nay.

Bà Vân bảo tôi cầu gì thì cúng đi. Ở trên thờ Mẹ Quan Âm, Thiên Hậu Thánh Mẫu và vong hồn hài nhi ở phía dưới. "Hai Mẹ" ở trên thì cầu con, cầu tài lộc, sức khỏe, còn tượng chú ngựa bạch nho nhỏ chính là hiện thân cho những linh hồn hài nhi xấu số. Tất cả vong hồn vô danh chưa kịp chào đời sẽ được gọi về ẩn trong mình ngựa. Tôi thắc mắc sao lại lấy ngựa để ví cho những linh hồn? Bà Vân không biết và xem ra cũng chẳng ai biết cả. Có lẽ để chúng cưỡi ngựa phi về trời, một chị phỏng đoán thế.

Bà Vân dặn mọi người đến thắp nhang nên cầu siêu thoát cho những hình hài chưa được làm người, thì bản thân, gia đình, con cái sẽ được phù hộ. Bà Vân cho biết, ngôi miếu này có từ lâu lắm rồi, hình như sau giải phóng gì đó. Do ai dựng lên và tượng Mẹ của ai đưa đến thì không nhớ rõ vì có nhiều người làm từ thiện. Tượng Mẹ bị hư hỏng, bị ăn cắp vài lần nhưng ngay sau đó lại có phật tử mang đến. Năm ngoái có đứa con gái đến đây khóc lóc ỉ ôi, nằm ăn vạ ở ghế đá, người ta cứ tưởng cô này đau buồn chuyện gì, nhưng sáng hôm sau thấy mất tượng Quan Thế Âm.

Bảo vệ điều tra và lùng được kẻ cắp chính là ả con gái cùng quẫn vì "nàng tiên nâu" chi phối. Kể về trường hợp cô gái đó, bà Vân bĩu môi nguyền rủa: "Cái giống ăn cắp ở chốn linh thiêng đâu tồn tại được, ác giả ác báo ngay. Người ta cúng vái thần thánh mà đi hớt tay trên, đi ăn trước vậy còn ra gì nữa. Đức Mẹ thiêng lắm, biết hết". Nghe lời nguyền của bà Vân, người phụ nữ ngồi cạnh cười mỉa mai, chị lôi tôi lại nói nhỏ: "Bà nói mà không nhìn lại bản thân mình, quá trơ trẽn".

Nhìn thấy tôi cúng tiền, chị ta cứ lắc đầu xua tay, tôi chẳng hiểu gì. Chị tiếp: "Tôi ra hiệu cho cô đến thắp hương thôi chứ đứng cúng tiền rồi sao không chịu nghe. Cúng cho bà đó hết chứ Mẹ nào được hưởng. Cô thấy không, người ta thắp hương chưa kịp cháy, mới quay lưng cái là bà đã lượm sạch đồ rồi". Bà Vân thì giãi bày việc "nhặt lộc" của mình là để làm phước thôi, lấy tiền đó mua lọ hoa, thau chén phục vụ cúng kiếng ở miếu. Rằng bà cũng chỉ nhân danh con trời con Phật mà làm việc đó.

Quả thật, khi tôi vừa cúng xong, mắt bà Vân láo liếc nhìn vào cái đĩa đựng tiền, rồi bà nhanh chóng chồm dậy nhặt tiền đút vào túi quần. Bà ngồi vắt vẻo trên ghế đá, điện thoại thúc tiền con nợ liên tục. Nhưng rất nhiệt tình và sẵn sàng hướng dẫn cách đặt tiền vào chỗ nào cho… gió khỏi bay.

Thấy hai vợ chồng và cậu con trai xách hai bịch trái cây tới, một cúng Mẹ còn một họ nói với nhau sẽ đưa vào trong hành lang khoa sinh cũng có am thờ Mẹ. Nghe được thế, bà Vân khuyên ngay: "Cúng hết ở ngoài này đi, tôi trông giùm, đưa vào đó ai cho cúng, hương khói nghi ngút lại cháy nổ. Năm ngoái bị một lần rồi". Minh chứng hùng hồn hơn, bà chỉ dãy xe máy để bên cạnh dọa: "Xe máy ngay sát đây cũng sợ cháy lắm chứ, miếu không chủ, chẳng ai quan tâm, người ta chỉ lo "hốt lộc" thôi. Chứ có tôi ở đây là rạt ra ngoài hết, không ai dám tới gần đâu".

Ở đây, thần thánh chỉ hưởng khói nhang, còn "lộc" thì vào túi của các ông, các bà.

Người Việt vốn trọng tín ngưỡng, hễ ở đâu có bóng dáng tiên bụt thì họ sẵn sàng phát tín, hướng lòng về cõi đó. Họ đâu biết rằng, niềm tin vô hình ấy đã và luôn bị chính đồng loại của mình chà đạp. Khổ thân cho những tấm lòng đi cầu cạnh, nhờ cậy vào thần thánh.

Bà Huỳnh Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh):

 "Tôi về đây từ năm 1989 đã thấy có rồi. Nếu muốn biết chính xác vào thời gian nào thì phải hỏi những người đi trước. Miếu này do tự phát mà có nhưng lại nằm ở trong khuôn viên bệnh viện thì do bệnh viện quản lý. Về góc độ y tế, bệnh viện có nhắc nhở mọi người hạn chế việc đốt nhang khói tránh làm ảnh hưởng tới sức khỏe các bé nằm ở phía trong Khoa sản. Mình có kiểm soát, có nhắc nhở nhưng đây là tín ngưỡng lâu đời nên mình không thể thay đổi được, mình chỉ hạn chế thôi".

Ngọc Thiện
.
.
.