Lập lại trật tự về môi trường ở Tây Ninh

Thứ Tư, 03/01/2018, 19:37
Lợi dụng sự thông thoáng trong việc kêu gọi đầu tư tại Tây Ninh, một bộ phận thương nhân đã bất chấp các quy định về bảo vệ môi trường, lén lút tìm cách xả thải ra sông, suối, tự chôn lấp chất thải. Một số khác khai thác cát trái phép, đặc biệt làm sạt lở hai bên bờ, thiệt hại không nhỏ đến đời sống của hàng ngàn hộ dân.


Trong nỗ lực đưa Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển đa dạng về nhiều mặt, thời gian qua, chính quyền các cấp đã thực hiện chính sách ưu tiên mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp và các ngành khai khoáng. 

Lợi dụng sự thông thoáng này, một bộ phận thương nhân đã bất chấp các quy định về bảo vệ môi trường, lén lút tìm cách xả thải ra sông, suối hoặc tự chôn lấp chất thải rắn ngay tại chỗ, gây ô nhiễm môi trường. Một số khác thì tranh thủ việc được cấp giấy phép nạo vét sông rạch, lòng hồ để khai thác cát trái phép, đặc biệt làm sạt lở hai bên bờ, thiệt hại không nhỏ đến đời sống của hàng ngàn hộ dân.

Xử lý tàu hút trộm cát trên lòng hồ Dầu Tiếng.

Theo lời kể của một cán bộ trinh sát, trong những năm qua, tình hình xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường, lén lút chôn lấp chất thải rắn, chất thải nguy hại diễn ra ngày một tăng. Mặc dù có cam kết đảm bảo xây dựng hệ thống xử lý theo đúng tiêu chuẩn, nhưng thực tế một số công ty, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dệt, nhuộm, chế biến khoai mì (sắn), mủ cao su, sản xuất bột giấy… đã không thực hiện đúng các cam kết ấy, thường xuyên vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

Cụ thể vào 23h ngày 27-6-2017, trong lúc tiến hành kiểm tra hành chính đối với Doanh nghiệp chế biến mì Tư Bông tại ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tổ công tác của Phòng PC49 đã bắt quả tang ông Phạm Văn Hương (chủ doanh nghiệp) đang chỉ đạo cho các công nhân thực hiện việc xả nước thải có màu đục, bốc mùi hôi thối ra suối Xa Cách với lưu lượng lớn. 

Mặc dù tại thời điểm kiểm tra, hệ thống xử lý nước thải của doanh nghiệp này hoàn toàn không hoạt động nhưng chủ doanh nghiệp vẫn khăng khăng cho rằng do hệ thống xử lý vừa bị hỏng đột xuất nên buộc lòng phải xả thải ra môi trường và khẳng định đây là lần đầu tiên. 

Chỉ đến khi cơ quan Công an công bố kết quả phân tích mẫu nước thải có thành phần Nitơ vượt 3,21 lần quy chuẩn, phốt pho vượt 24,83 lần và đặc biệt nhiều máy móc thiết bị trong hệ thống xử lý bị gỉ sét do lâu ngày không vận hành thì ông Phạm Văn Hương mới xác nhận đã vi phạm rất nhiều lần.

Thượng tá Nguyễn Văn Ky - Phó trưởng Phòng PC49 Công an tỉnh Tây  Ninh.

Một vụ xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra mội trường khác cũng đã khiến các trinh sát Phòng PC49 Công an tỉnh Tây Ninh phải mất nhiều thời gian cùng hàng chục lần ngâm mình dưới sông, suối để lấy mẫu nước thải mới có thể xử lý được. Đầu tháng 4-2017, các trinh sát Phòng PC49 phát hiện nước dòng sông Vàm Cỏ Đông đoạn chảy qua huyện Gò Dầu có màu khác lạ và bốc mùi hôi thối. 

Sau hơn một tuần kiểm tra đột xuất đối với hàng chục doanh nghiệp mà không phát hiện được manh mối, các trinh sát quyết định thay phiên nhau trực tiếp lội ngược dòng chảy của con sông này và đã phát hiện nguồn nước chảy ra từ một con suối nhỏ dẫn xuống dòng sông. 

Đến đầu tháng 5-2017, đã có thể xác định được đối tượng xả thải là Công ty cổ phần Giấy Ánh Sáng được đặt tại ấp Rộc, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu do bà Nguyễn Thị Thơm làm giám đốc, nhưng do công ty này đã cho xây tường cao và kín, lại thường xuyên bố trí nhiều công nhân ngồi canh gác 24/24 giờ trong những lần xả thải để thông báo tất cả các thông tin cho bà chủ để ngắt van xả, đối phó nên phải mất thêm nhiều ngày nữa mới xác định chính xác vị trí đặt ống cùng quy trình xả thải hằng tuần. 

Đến ngày 8-5-2017, sau khi đã củng cố vững chắc chứng cứ, các trinh sát quyết định chia thành hai tổ, tiếp cận bất ngờ khống chế các công nhân canh vị trí xả thải, tổ khác vừa trực tiếp vào khu vực lắp đặt van xả, vừa công bố quyết định kiểm tra hành chính. Do quá bất ngờ, chủ doanh nghiệp này đã không kịp đối phó và xác nhận mỗi ngày công ty xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường với lưu lượng trên 13m³. 

Qua phân tích mẫu nước thải cho kết quả  độ màu vượt 3,8 lần quy chuẩn, chỉ tiêu BOD5 vượt 25,4 lần, COD vượt 21,1 lần, hàm lượng chất rắn lơ lửng (cặn không tan) vượt 22,5 lần. Với hành vi vi phạm này, Công an tỉnh đã đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt với số tiền 553 triệu đồng.

Bắt quả tang Công ty cổ phần Hoa Cương đất Việt đang khai thác khoáng sản trái phép.

Cùng với những vi phạm về xả nước thải chưa qua xử lý, vấn đề đốt, chôn lấp trái phép chất thải rắn, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh cũng hết sức phức tạp. Qua nguồn tin trinh sát, đầu tháng 8-2017, Phòng PC49 phát hiện một số đối tượng lén lút đổ chất thải rắn ra địa bàn xã Phước Đông, huyện Gò Dầu. 

Tiếp tục rà soát, các trinh sát xác định số chất thải rắn này có xuất xứ từ Công ty TNHH Gain Lucky nằm trong khu công nghiệp Phước Đông được chuyển cho Công ty cổ phần Sao Việt để thực hiện các bước xử lý theo quy định. 

Tuy nhiên để kiếm lời cao, Công ty Sao Việt đã không thực hiện các bước xử lý theo quy chuẩn mà mang bán lại cho đối tượng Nguyễn Hoàng Phúc để người này mang ra ngoài phân loại lấy một số thứ đem bán rồi mang số còn lại đổ bừa bãi tại những khu đất trống gây nguy hại cho môi trường. 

Mặc dù đã xác định đối tượng, nhưng do họ liên tục thay đổi giờ giấc giao nhận hàng cùng hành trình vận chuyển và điểm đổ không cố định nên việc tiếp cận bắt quả tang gặp nhiều khó khăn. Đến ngày 7-8-2017, khi Nguyễn Hoàng Phúc đang sử dụng xe tải BKS 70C-097.52 tiếp nhận chất thải rắn từ Công ty Gain Lucky  mang đến điểm đổ tại một bãi đất trống trong khu vực thì các trinh sát bất ngờ ập vào bắt quả tang.

Theo lời khai của Phúc, mỗi ngày anh ta thường nhận từ 10 tấn chất thải từ Giám đốc Công ty Sao Việt, gồm bông bụi, túi nylon, vải vụn, bao bì đựng hóa chất, rác thải sinh hoạt và nhiều loại tạp chất khác mang về phân loại. Thứ nào có thể sử dụng được thì đem bán, còn không sử dụng được mang đổ ở bất cứ nơi nào có thể miễn sao né tránh được sự phát hiện của cơ quan chức năng. 

Ngoài ra, Phúc còn xác nhận rằng biết một số loại bao bì đựng hóa chất chắc chắn sẽ gây tác động xấu cho môi trường sống của những người dân trong vùng, nhưng vì lợi nhuận nên nhắm mắt làm bừa.

Nước thải chưa qua xử lý được xả trực tiếp ra môi trường.

Ngoài những vấn đề về môi trường, tình hình khai thác đất bừa bãi, khai thác cát trái phép trên các tuyến sông và lòng hồ Dầu Tiếng trong thời gian qua cũng hết sức nhức nhối. Tình trạng này không những làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở vườn tược, ruộng đất của hàng ngàn người dân ven bờ mà còn làm mất lượng lớn tài nguyên quốc gia. 

Để ngăn chặn tình trạng này, ngay từ những tháng đầu năm 2017, Ban chỉ huy Phòng PC49 đã lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và đã phát hiện, xử lý đối với hàng chục trường hợp vi phạm. Cụ thể, vào ngày 22-5-2017 bắt quả tang Trương Văn Nam, ngụ tỉnh Bình Dương và Nguyễn Hoàng Minh Vương, ngụ Long An đang sử dụng tàu vỏ sắt số hiệu TN0145 cùng dàn máy cao áp đang hút cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.  

Ngày 1-6-2017 phát hiện thêm 2 đối tượng Nguyễn Minh Trung, sinh năm 1989 và Lê Hữu Cảnh, sinh năm 1985, cùng ngụ huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương cũng đang dùng tàu hút cát trái phép tại lòng hồ Dầu Tiếng đem bán cho các chủ bãi trước khi chở đến các công trình xây dựng.

Thượng tá Nguyễn Văn Ky - Phó trưởng Phòng PC49 Công an tỉnh Tây Ninh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 19 khu công nghiệp tập trung với hàng chục ngàn doanh nghiệp, mỗi ngày đêm có 30.000 mét khối nước thải sản xuất, hàng trăm tấn chất thải rắn nhưng năng lực xử lý tại chỗ chiếm 60-70% nên phải vận chuyển một lượng lớn chất thải ra các tỉnh khác để xử lý làm cho việc kiểm soát của các đơn vị chức năng gặp nhiều khó khăn vất vả. 

Ngoài ra xung quanh mỗi khu công nghiệp đều xuất hiện một vài chợ tự phát mà đa số công nhân đều thích sử dụng các loại thực phẩm, rau củ quả giá rẻ nên các tiểu thương thường tìm cách tuồn các loại thực phẩm bẩn, sau "tắm" thuốc trừ sâu vào bán. Để ngăn chặn tình trạng này, trong những năm qua cán bộ chiến sỹ trong đơn vị đã không quản ngày đêm quyết tâm xử lý những trường hợp vi phạm về  môi trường, tài nguyên và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn trong thời gian lâu dài, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban, ngành chức năng xuống từng công ty, xí nghiệp trong các khu công nghiệp và đến tận các xã ở vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền nhằm giúp cho công nhân, bà con nhân dân hiểu rõ, giúp họ nâng cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng tố cáo vụ việc đến cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Nguyễn Cương
.
.
.