Di dời bệnh viện, trường đại học ra khỏi nội đô hai thành phố lớn

Lập luận đủ đường vòng quanh quỹ đất

Thứ Bảy, 02/11/2013, 08:23
Bàn chuyện di dời, vướng mắc chủ yếu được đưa ra là vấn đề kinh phí cho các cơ sở nằm trong danh sách chuyển ra ngoại thành. Bán trụ sở cũ lấy tiền xây trụ sở mới, đề án 100.000 tỷ là giải pháp mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc di dời ở Hà Nội, hay các giải pháp huy động vốn đầu tư liên tục được đưa ra đến nay vẫn là vô ích. Bài tính đô thị không thể chỉ được giải quyết bằng tư duy của riêng những cái đầu quản lý.

Những giải pháp bất khả thi?

Để thúc đẩy quá trình di dời các trường đại học theo kế hoạch đã đề ra, Bộ Giáo dục và Đạo tạo phối hợp chặt chẽ với các Bộ/Ngành, cơ quan chức năng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ 2 Đề án: Đề án Xây dựng Khu đại học Phố Hiến tại tỉnh Hưng Yên và Đề án Di dời một số trường đại học và cao đẳng từ nội thành thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến các khu quy hoạch vào tháng 6/2013 vừa rồi.

Kinh phí dự toán di dời tại Hà Nội và  các vùng Thủ đô Hà Nội cần khoảng từ 28.000 tỷ đồng đến 42.000 tỷ đồng; tại TP.HCM và vùng  lân cận TP.HCM cần khoảng 49.000 tỷ đồng, không bao gồm tiền giải phóng mặt bằng. Mục tiêu trước mắt của Đề án là làm giảm mật độ sinh viên tại một số khu vực của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời Đề án cũng đã đề xuất các giải pháp để thu hút đầu tư và huy động vốn đầu tư với ý nghĩa tích cực.

Đề án Xây dựng Khu Đại học Phố Hiến tại tỉnh Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 10/7/2009. Hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, Ban Quản lý Khu đại học Phố Hiến cũng đang tập trung triển khai thực hiện các nội dung của Đề án trong giai đoạn 2 cho đến năm 2020 theo như kế hoạch. Đề án mới nhất phải kể đến Đề án Xây dựng Khu Đại học Nam Cao tại huyện Duy Tiên và Tp Phủ Lý, Hà Nam.

UBND Tp Hà Nội cũng thừa nhận chưa thực hiện được công đoạn nào trong chủ trương di dời các trường đại học, bệnh viện, cơ quan Nhà nước ra ngoại thành Hà Nội. 10 năm bàn bạc, trong hội nghị trực tuyến về vấn đề giảm ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thêm một lần nữa yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và xác định lại tiến độ di dời các trường học, bệnh viện, các cơ quan hành chính Nhà nước. Yêu cầu quỹ đất sau khi di dời phải dành cho công trình công cộng và giao thông tĩnh.

Lấp đầy chỗ trống?

Phân tích những bất cập trong các đề án di dời trường đại học, bệnh viện và cơ quan Nhà nước ra khỏi nội đô, Tiến sĩ Ngô Doãn Đức - người dành rất nhiều quan tâm tới vấn đề này cho biết: Danh sách các trường đại học không nên di dời đi nơi khác nên xem xét cho thấu đáo hơn với các tiêu chí công khai, rõ ràng. Di dời đi, đất cũ không thể để không. Nếu di dời trường để xây chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, thì liệu có phù hợp với mục tiêu giảm mật độ dân số?

Nếu chỉ di dời đi một phần và xây thêm cơ sở mới thì hoạt động của cơ sở có bị ảnh hưởng trong điều kiện giao thông chưa đồng bộ, thông suốt? Với bệnh viện hay các cơ quan hành chính cũng tương tự. Nhiều bệnh viện đã có lịch sử tồn tại hàng trăm năm, trở thành dấu ấn gắn liền với lịch sử phát triển đô thị Hà Nội, gắn với yếu tố dân cư thì việc biến mất khỏi vị trí lịch sử sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Di dời hay cải tạo đối với từng vị trí cụ thể phải được cân nhắc cực kì kĩ lưỡng. Ngoài ra cũng cần phải tính đến chuyện khi ngoại thành cũng trở thành nơi chật hẹp, liệu khi đó sẽ lại phải di dời?

Việc quy hoạch kiến trúc hai thành phố lớn rõ ràng là công việc sửa chữa, cải tiến chứ không phải là công việc sáng tạo ra cái mới. Cho nên có thể có hai khả năng xảy ra: Nếu suy nghĩ thấu đáo sẽ thực hiện được mục đích, biến giấc mơ về môi trường học tập, chữa bệnh, làm việc thiên đường. Nếu không sẽ chỉ khiến cho "lợn lành" thành "lợn què"!

Còn lâu mới thực hiện được!

Trong khi cuộc tranh cãi giữa các cơ quan có thẩm quyền thực hiện Đề án di dời các trường đại học, bệnh viện, cơ quan Nhà nước ra khỏi nội đô hai thành phố lớn chưa đến hồi kết thúc, rất nhiều ý kiến của người dân cũng bàn về vấn đề này nhưng chủ yếu đều không mấy tin tưởng vào tính khả thi của việc di dời sau hơn 10 năm giậm chân tại chỗ.

Bác Nguyễn Văn Nam, trú tại khu tập thể Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, giả sử trường Đại học Bách Khoa mà di dời ra ngoại thành thì để lại một cơ sở hạ tầng cũ vừa rộng lớn lại khó được tái sử dụng, nếu phá bỏ thì quả là lãng phí. Nếu dồn tất cả đi một lúc khi cơ sở mới chưa kịp xây dựng thì tại ngoại thành nơi trường di chuyển đến cũng sẽ lâm vào tình trạng ách tắc tương tự. Thực tế xây dựng các công trình chậm chạp như hiện nay, bác Nam không mong chờ sẽ có được các trường đại học mới với cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Một giảng viên của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết: Quan điểm của trường cũng muốn di dời và đã đang triển khai dự án đã được quy hoạch, thu hẹp dần các cơ sở nhỏ lẻ ở nội thành. Theo giảng viên này biết, thì chỉ giữ lại hai cơ sở chính ở nội thành là ở 594 Nguyễn Đình Chiểu và 179 Nguyễn Tri Phương để phục vụ công việc hành chính và đào tạo cao học, nghiên cứu sinh. Còn lại các hoạt động đào tạo khác sẽ di dời ra cơ sở mới khi hoàn thành. Dù vậy với tiến độ như hiện nay có lẽ sẽ chưa biết đến khi nào mới có thể hoàn thành được.

Một chuyên gia về quy hoạch kiến trúc kiên quyết giấu tên khi được hỏi về vấn đề di dời các trường đại học, các bệnh viện quá tải… ra ngoại thành tại Tp Hồ Chí Minh. Theo ông này cho biết: Chủ trương của chính phủ đưa ra là đúng, nhưng hoàn toàn tù mù về giải pháp, muốn thực hiện theo kế hoạch cũng khó.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch hội kiến trúc sư Việt Nam: Không nên đợi hỏng mới sửa

Việc di dời các trường đại học bao giờ cũng phải làm theo quy hoạch. Vì đô thị luôn luôn phát triển rất nhanh nên việc quản lý quy hoạch phải thật cụ thể, một số trường do quỹ đất không còn tương thích nữa thì cần phải chuyển ra là điều dĩ nhiên. Bởi lẽ, việc xây dựng các trường đại học sẽ kéo theo một loạt các mô hình dịch vụ xung quanh đó, điều này cũng ảnh hưởng đến quỹ đất.

Việc đề nghị di dời này nó có 2 ý, một là dời trường ra nơi có quỹ đất rộng và hai là phát triển trường không cần đất mà chỉ nâng cấp. Trong việc nâng cấp trường có nghĩa là xây cao tầng các khu học và mở rộng chức năng. Nhưng như vậy thì lượng sinh viên tăng lên mà quỹ đất thì vẫn thế, điều này sẽ chất tải cho chính trường và các dịch vụ công cộng,

Trong việc di dời 12 trường ĐH thì có trường đúng nhưng có trường không. Một số trường nó lại còn là hình ảnh đô thị chứ không phải cứ nói chuyển là chuyển đi. Mình cần có người chuyên môn chuyên nghiệp, phân tích chuyện này chứ không đơn giản chỉ là người quản lý thuần túy.

Các quy hoạch vùng biên thủ đô Hà Nội liên quan tới trường ĐH là quy hoạch vùng. Chúng ta có các làng ĐH ở Hưng Yên, Vĩnh Phúc và nên di dời như vậy để tạo nên một khu đô thị của các trường chứ không nên để lốm đốm mỗi nơi một trường. Việc tập hợp các trường lại và tại đó có thể xây dựng dược các tổ hợp dịch vụ công cộng để có thể dùng chung chứ không phải mấy trường khép kín rồi xây dựng chồng lấn.

Trước kia chúng ta cứ nhìn trên một quỹ đất và cứ thế mà làm trên cái quỹ đất đó rồi lập luận đủ kiểu, cái gì cũng cho là mình có lý. Nhưng có những cái vô lý như việc bây giờ một trường có cơ ngơi đầy đủ bài bản, đủ để phát triển nhu cầu ngày nay thì lại cắt bớt phần đất của nó đi và đòi di dời. Đây là câu chuyện bất cập mang tính tổng thể và những ý kiến của tôi đều có tính chất xây dựng, chúng ta nên chuẩn bị từ đầu chứ không thể đợi hỏng rồi sửa được.

Lữ Huyền Phong
.
.
.