Báo động tình trạng gây tai nạn không cứu người bị nạn:

Lấy "cái thiện" diệt "cái ác"

Thứ Năm, 03/05/2018, 15:33
Tai nạn là điều không ai muốn. Nhưng một khi tai nạn xảy ra, người điều khiển phương tiện giao thông phải thực hiện những hành vi đúng với trách nhiệm nghĩa vụ pháp luật của mình.


Cao hơn thế, phải là thực hiện những hành vi đúng với đạo đức, lương tâm của một con người dành cho đồng loại mình, những người không may phải chịu đau đớn, nguy hiểm do chính mình gây ra. 

Ðáng tiếc là trong thời gian vừa qua chúng ta đang chứng kiến không ít câu chuyện đau lòng về những tài xế lái xe gây tai nạn nhưng không có hành động gì để cứu giúp người bị nạn. 

Vụ việc mới nhất là câu chuyện lái xe bán tải gây tai nạn, kéo lê nạn nhân hàng trăm mét bị người dân truy đuổi giữa phố Hà Nội vào đêm 11-4 vừa qua. Sự việc gây phẫn nộ dư luận, báo động tình trạng vô trách nhiệm của một bộ phận người điều khiển phương tiện giao thông.

Thy gì t nhng v vic đau lòng

Cơ quan điều tra có căn cứ để xác định đêm 11-4, người lái xe bán tải tên Dương đã đâm vào xe máy ở khu vực đèn đỏ Khâm Thiên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội). Nạn nhân đã bị mắc kẹt trong gầm xe. Dù biết là nạn nhân gặp nguy hiểm tính mạng nhưng người cầm lái ô tô đã không hề dừng xe cứu giúp người bị nạn. 

Nguy hiểm hơn, anh ta còn tiếp tục cho xe di chuyển, kéo lê nạn nhân trong gầm xe hàng trăm mét trên đường, cho đến khi bị người dân truy đuổi bắt ép dừng lại. Nạn nhân bị đa chấn thương rất nặng được đưa tới bệnh viện. Dư luận phẫn nộ vì hành vi thiếu đạo đức của người lái xe bán tải. Vì sao anh ta lại có thể hành xử như vậy với tính mạng của một người khác. 

Đây là hành vi cố tình chạy thoát nhằm tránh sự trừng phạt của pháp luật về những gì mình gây ra. Để cố tình trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, người lái xe đã bất chấp sự nguy hại tính mạng của nạn nhân dưới gầm xe. Hành vi này được các luật sư phân tích là hành vi cố ý giết người.

Ảnh minh họa.

Trước đó, có không ít câu chuyện tương tự khiến dư luận bất bình. Ví dụ vụ tai nạn ở khu vực Trung Văn, quận Từ Liêm - Hà Nội thời điểm cuối năm ngoái. Một chiếc xe Innova do một người đàn ông điều khiển đã hất văng hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Thắng và chị Nguyễn Thị Thảo xuống đường, khi hai anh chị chở nhau trên xe gắn máy. Cú đâm mạnh khiến hai anh chị ngã và bất tỉnh. 

Chiếc xe gây tai nạn không hề có dấu hiệu dừng lại mà vọt ga lao đi, để lại hai nạn nhân đáng thương nằm đó bên vũng máu. Rất may chị Thảo anh Thắng được người dân tốt bụng gọi xe nhanh chóng đưa vào viện cấp cứu. Điều đáng lưu ý là trong lúc chiếc xe Innova này bỏ chạy, người tài xế mất cân bằng tâm lý lại tiếp tục gây tai nạn húc tiếp vào 2 xe máy khác. Và tài xế vẫn tiếp tục bỏ chạy, không thèm dừng lại cứu giúp nạn nhân.

Kinh hoàng hơn, một số người điều khiển phương tiện giao thông còn có ý nghĩ rằng nếu cán phải ai đó mà nạn nhân không chết, thì lùi xe lại cán cho nạn nhân tử vong, để nếu phải đền, đền một lần cho xong, không vương vấn trách nhiệm lâu dài. 

Cũng vào cuối năm ngoái, tại nút giao thông ở vòng xoay Mỹ Thủy (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP Hồ Chí Minh), một lái xe container được cho là đã cố tình lùi xe cán cho nạn nhân chết hẳn rồi bỏ trốn. 

Một vụ việc tương tự khác là vào tháng 3- 2010, lái xe Đặng Hữu Anh Tuấn đã bị TAND TP Hồ Chí Minh xử 8 năm tù về tội Cố ý giết người khi anh này cố tình cán tử vong một thiếu nữ 15 tuổi. Những vụ việc cố tình cán chết người đều xuất phát từ suy nghĩ của không ít lái xe truyền nhau, là nếu nạn nhân còn sống mà bị tàn tật thì phải nuôi họ suốt đời, còn cán chết thì chỉ đền tiền một lần là xong. 

Suy nghĩ này được xem là cực kỳ vô đạo đức, vô lương tâm của người lái xe. Họ đã coi thường tính mạng, quyền được sống của người khác. Chỉ vì sợ phiền lụy, họ không những không cứu giúp người bị nạn mà còn cố tình giết chết người bị nạn. Thiết nghĩ, trong một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật, không thể để những ý nghĩ, những hành xử phi nhân tính như vậy tồn tại.

Chế tài xử phạt liệu đã đủ răn đe?

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định rõ về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông là người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải có trách nhiệm dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, khẩn trương cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. 

Người điều khiển phương tiện gây tai nạn phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ khi chính họ cũng bị thương phải được đưa đi cấp cứu, hoặc chính họ đưa người bị nạn đi cấp cứu, và sau đó phải đến trình diện với cơ quan Công an gần nhất. Trường hợp lái xe bỏ trốn sau khi gây tai nạn, sẽ tùy mức độ mà có mức xử phạt khác nhau theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Mặc dù luật đã quy định rõ, nhưng vì sao nhiều lái xe khi gây tai nạn vẫn không chấp hành, bỏ trốn khỏi hiện trường tai nạn, hoặc cố tình tiếp tục điều khiển phương tiện, không cứu giúp nạn nhân đang gặp nguy hiểm. 

Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến một vụ tai nạn. Có thể lái xe điều khiển xe trong lúc có chất kích thích trong người dẫn đến không làm chủ được tốc độ. Có thể có lái xe điều khiển phương tiện mà không có giấy phép lái xe. Những lái xe như vậy khi gây tai nạn thường có tâm lý chạy trốn trách nhiệm trước pháp luật. Đó là động cơ để họ “không làm gì cả” dù tính mạng của nạn nhân họ tông phải đang nguy hiểm. 

Tuy nhiên, đáng nói hơn và đáng sợ hơn cả là những tài xế có đầy đủ các điều kiện để lái xe, đủ tỉnh táo khi điều khiển phương tiện mà vẫn không có ý định dừng lại cứu giúp người bị nạn, thậm chí còn cố tình cán chết người bị nạn. 

Những người như vậy đã bước qua ranh giới luật pháp, bước qua giới hạn tình người. Hành vi của họ biểu hiện cho cái ác. “Cái ác” thắng khi mà con người không đặt sự sống của người khác lên cao nhất. Họ sẵn sàng lấy đi sự sống của người khác chỉ vì ý nghĩ không bị rắc rối, phiền lụy lâu dài.

Một số luật sư, khi phân tích về các vụ án tài xế gây tai nạn rồi bỏ mặc người bị nạn cho rằng, cần phải tăng chế tài, xử lý nghiêm khắc đối với hành vi lái xe gây tai nạn rồi bỏ chạy hòng thoát tội. Họ không cần biết nạn nhân sống chết ra sao. Hành vi của họ không hề vô ý, mà là cố tình. Cần phải nhìn nhận, đánh giá những hành vi này không chỉ ở mức độ trốn tránh trách nhiệm mà còn là hành vi giết người.

Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 về hành vi không cứu giúp người bị nạn có thể bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 2 triệu đồng. Trường hợp nếu thấy người bị nạn đang bị nguy hiểm tính mạng, không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó bị chết thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm tính mạng” theo Điều 102 Bộ Luật hình sự 1999 (sửa đổ, bổ sung 2009) với hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù. 

Trường hợp cố tình gây tai nạn chết người mà không cứu giúp có thể quy vào tội cố ý giết người, hình phạt cao nhất có thể tử hình. Tuy nhiên, nhìn từ những vụ án liên quan đến tai nạn giao thông, ta thấy mức độ xử phạt vẫn còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe để những người ngồi sau vô-lăng có thể có ý thức trách nhiệm cao hơn với tính mạng của người khác. Ví như câu chuyện tài xế cố tình lùi xe cán chết người ở TP Hồ Chí Minh năm 2010 chỉ bị phạt tù 8 năm thì bản án đó vẫn là quá nhẹ.

Cứu người khi gây tai nạn không chỉ là câu chuyện của luật pháp mà còn là câu chuyện của tình người. Nhưng trước khi đề cao giá trị của tình người, luật pháp cần phải được thượng tôn, nghiêm minh, để người điều khiển phương tiện giao thông có ý thức lựa chọn hành vi phù hợp. Cùng với sự tuyên truyền của truyền thông, báo chí, chúng ta không để cho những hành vi cố ý giết người hay bỏ mặc người bị nạn tiếp tục tồn tại trong một xã hội văn minh.

Linh Chi
.
.
.