Phòng Cảnh truy nã tội phạm, Công an Hòa Bình:

Lấy nhân tâm thu phục lòng người

Thứ Tư, 30/12/2015, 11:48
Chúng tôi gặp các chiến sỹ Phòng Cảnh truy nã tội phạm Công an Hòa Bình khi các anh trở về từ chuyến công tác dài ngày ở các tỉnh phía Nam. Mặc dù khá mệt mỏi khi vượt quãng đường gần 2.000km song các anh vẫn niềm nở, kể chúng tôi nghe câu chuyện vận động đối tượng ở tỉnh Đắk Lắk ra đầu thú.

Để vận động đối tượng, các anh không chỉ áp dụng thuần thục các biện pháp nghiệp vụ, tác động gia đình, người thân đối tượng mà phải hiểu về phong tục, tập quán truyền thống của người dân địa phương. Hành trình vận động đối tượng là câu chuyện dài.

Đối tượng trong câu chuyện anh kể là Bùi Văn Toàn, SN 1969 ở xã Cao Răm, huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Vốn là kẻ ham chơi, lười lao động, Toàn lang thang cùng đám thanh niên địa phương. Mặc dù có vợ và 2 con, song hắn không tu chí làm ăn, chăm lo cuộc sống gia đình mà lún sâu vào các thú vui vô bổ. 

Vào tháng 6-2007, để có tiền tiêu xài, Toàn mượn xe môtô của người bạn, rồi bán lấy 10 triệu đồng. Sau khi sự việc bị phát giác, cơ quan Công an vào cuộc, tên Toàn bỏ trốn khỏi địa phương. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lương Sơn ra Lệnh truy nã toàn quốc Bùi Văn Toàn về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Sau khi gây án, biết cơ quan Công an truy lùng gắt gao, Bùi Văn Toàn bỏ trốn vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, tạo vỏ bọc hợp pháp. Hắn chọn xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk để sinh sống bởi nơi đây có địa hình hiểm trở, cánh rừng trải rộng, rất khó bị phát hiện. 

Hắn vào vai một người con đất Bắc hiền lành, chất phác đi tìm vùng đất mới. Tại đây, hắn sống như vợ chồng với người phụ nữ Khmer và sinh được một người con kháu khỉnh. Thời gian thấm thoát trôi đi, vụ việc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” rơi vào quên lãng. Hắn an tâm tận hưởng cuộc sống đến cuối đời.

Thế nhưng, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Kể từ khi xảy ra vụ chiếm đoạt tài sản tại xã Cao Răm, huyện Lương Sơn, các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm vẫn âm thầm theo dõi, nắm bắt di biến động của đối tượng. Hết năm này, qua năm khác, các trinh sát vẫn miệt mài thu thập thông tin về đối tượng. Hễ có manh mối dù nhỏ các anh đều tổ chức xác minh. 

Đối tượng truy nã đầu thú tại cơ quan công an.

Các trinh sát tổ chức gặp gỡ, tác động, đưa “Thư kêu gọi đầu  thú” của 3 ngành Nội chính tỉnh để thuyết phục người thân đối tượng song không có kết quả. Thậm chí, ngay cả gia đình cũng không hề hay biết tung tích đối tượng. Sau khi bỏ trốn, hắn cắt đứt mọi thông tin về gia đình, bạn bè. Việc truy bắt hung thủ tưởng rằng rơi vào ngõ cụt thì cách đây 3 tháng, các trinh sát nắm được thông tin quan trọng, đối tượng đang làm phụ hồ tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. 

Đón nhận thông tin trên, các anh không biết nên buồn hay vui. Đã gần 10 năm qua, các nguồn tin như vậy khá nhiều song đều không có kết quả. Thế nhưng, theo linh cảm của các trinh sát, có thể đây là thời điểm để hé lộ tung tích về đối tượng. Các anh có niềm tin sẽ truy bắt thành công hung thủ, dù biết rằng, manh mối là khá nhỏ.

Ngày 18-10-2015, tổ công tác Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm gồm 3 đồng chí quyết định Nam tiến. Vượt hàng ngàn kilômét, các anh có mặt tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương để truy bắt tên Bùi Văn Toàn. Tuy nhiên, khi đến nơi đối tượng không có mặt tại địa phương. Lúc này tâm lý thất bại đè nặng đôi vai các trinh sát. Không nản chí, các anh tiếp xúc xác minh thông qua các mối quan hệ của tên Toàn ở thị xã Dĩ An. 

Một người dân cho biết, hiện tên Toàn về quê vợ ở xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk có việc gia đình. Ngay lập tức, tổ công tác tiếp tục ngược Tây Nguyên đại ngàn, tiếp cận khu vực xã Bông Krang, nơi nghi vấn đối tượng ẩn náu. Tổ công tác phối hợp với Công an huyện Lắk và Công an xã Bông Krang tổ chức xác minh, vây bắt. 

Theo kinh nghiệm của Công an địa phương, gia đình đối tượng có việc buồn (giỗ đầu người con trai), nên việc bắt giữ vừa không đảm bảo an toàn, vừa không thuận lợi trong công tác nghiệp vụ. 

Người dân Khmer vốn thật thà, lương thiện, họ tuyệt đối tin tưởng và Đảng, vào pháp luật, nếu tác động vào tâm lý một cách khéo léo, mềm dẻo thì thành công cao hơn. Các trinh sát thống nhất sử dụng biện pháp vận động, thuyết phục để đối tượng đầu thú, vừa tránh gây thương tích và bảo toàn lực lượng. Sau khi chấp hành án, Toàn trở thành công dân bình thường, tiếp tục cuộc sống hạnh phúc với gia đình. 

Trước lý lẽ thuyết phục của cơ quan Công an, gia đình người Khmer rất hợp tác, đồng ý đưa Bùi Văn Toàn đầu thú để hưởng khoan hồng. Thời gian tới đây, Bùi Văn Toàn sẽ gánh chịu hậu quả vì những gì đã gây ra cho xã hội. Trong thâm tâm, bản thân hắn và gia đình cảm thấy thanh thản hơn.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Lập – Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, biện pháp tác động tâm lý gia đình, người thân tội phạm để vận động, thuyết phục họ đưa kẻ phạm tội đầu thú là biện pháp hiệu quả mà các trinh sát triển khai từ nhiều năm nay. Việc sử dụng “Thư kêu gọi đầu thú” không chỉ giúp lực lượng Công an tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho ngân sách Nhà nước mà còn bảo toàn lực lượng, phương tiện. 

Trong vòng 4 năm trở lại đây, các anh đã vận động 132 đối tượng truy nã, gồm nhiều đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Ngoài ra, nhiều đối tượng truy nã khác nắm được thông tin trên đã chủ động liên hệ để được đầu thú trước cơ quan Công an.

Ngay từ khi còn nhỏ, Lý Nam Tuấn, SN 1987, trú tại tổ 22, phường Đồng Tiến – TP Hòa Bình phải sống trong cảnh gia đình ly tan. Bố Tuấn bỏ đi phiêu bạt khắp nơi, còn mẹ thì đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, rồi định cư ở đó. 

Trước gia cảnh éo le của Tuấn, vợ chồng người bác ruột là Lê Mạnh Hùng, ở tổ 22, phường Đồng Tiến đã thay mẹ, nuôi dưỡng Tuấn khôn lớn từ những ngày lên 3 tuổi. Chính vì vậy, bác Hùng là người có ảnh hưởng lớn nhất đến nhân cách của Tuấn sau này. Mặc dù vậy cũng không thể bù đắp sự thiếu hụt tình cảm của cha mẹ, Tuấn có biện hiện tự ti, sống khép kín, thường hành động một cách bột phát. 

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 2007, Tuấn lập gia đình và sinh ra 1 bé trai kháu khỉnh. Để lại người con trai bé nhỏ nhờ bác ruột nuôi dưỡng, Tuấn về quê vợ ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng làm thuê. Thế rồi, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nảy sinh mâu thuẫn, khiến vợ chồng Tuấn “đường ai nấy đi”. Thất vọng, chán nản, Tuấn tìm tới ma túy để “giải sầu”. 

Khi cơn nghiện ma túy đã lên đỉnh điểm, để có tiền, Tuấn cùng 4 đối tượng khác âm mưu thực hiện kế hoạch bắt cóc táo tợn. Ngày 12-12-2010, Tuấn và đồng bọn đã bắt cóc anh Cường ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, rồi yêu cầu gia đình anh Cường giao nộp 16 triệu đồng để chuộc lại. Sự việc bị bại lộ, Cơ quan Công an ra lệnh truy nã toàn quốc đối với Tuấn và đồng bọn.

Tiếp nhận quyết định truy nã của Công an huyện Thủy Nguyên, các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã lập kế hoạch xác minh, vận động đối tượng ra đầu thú. 

Qua công tác nắm tình hình, các trinh sát nắm được thông tin quan trọng liên quan tới đời tư của đối tượng. Tuấn có 1 người con trai khoảng 3 tuổi, đang ở cùng với bác ruột ở tổ 22, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình. 

Các trinh sát đã nhiều lần tiếp xúc, gặp gỡ, tác động tâm lý, vận động bác ruột và người thân của Tuấn. Khi các anh đưa “Thư kêu gọi đầu thú” thì lập tức nhận được tín hiệu tích cực từ gia đình. Vốn là người có học thức, người bác ruột nhận thấy đây là cơ hội để Tuấn làm lại cuộc đời, không phải sống chui lủi, tủi nhục. 

Quá trình tiếp xúc với gia đình, được biết, Tuấn là người sống nội tâm, tình cảm, đặc biệt hắn luôn quan tâm, lo lắng tới cuộc sống người con trai bé nhỏ. Sau khi được biết Tuấn đang sống như vợ chồng với một cô gái tên là Nguyệt, ở Hà Nội. 

Thông qua Nguyệt, các trinh sát đã tiếp cận xác minh, vận động bằng những lời lẽ thuyết phục, hợp tình hợp lý. Chính những yếu tố đó đã làm lay động lý chí, tình cảm của đối tượng, Tuấn nhận ra hành động sai trái của mình. Ngày 15-10-2011, Lý Năm Tuấn tới Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an Hòa Bình) đầu thú trong thanh thản và nụ cười hiền hậu của người bác ruột đáng kính.

Cùng chung cảnh ngộ với Tuấn, Lê Quang Hải, sinh năm 1975 ở xóm Tân Hương 2, Thanh Hối, Tân Lạc (Hòa Bình) bị truy nã về tội cố ý gây thương tích. Trước đó, vào ngày 23-10-2010, Hải có xích mích cá nhân với người dân ở cùng xóm. Với bản tính côn đồ, hung hãn, Hải đã sử dụng gậy tấn công khiến cho người này bị thương nặng. 

Sau khi gây án, Hải vượt hàng ngày kilômét, trốn chạy vào khu vực giáp biên giới Campuchia, thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Trong thời gian lẩn trốn, Hải tạo “vỏ bọc” hợp pháp, làm giả giấy tới tùy thân, làm công nhân tại khắp các đồn điền cao su. Quá trình tiếp xúc, Hải luôn thận trọng, cảnh giác với mọi người. Đặc biệt là bóng dáng của lực lượng Công an.

Đầu tháng 7-2011, gia đình đã thông tin để Hải biết về “Thư kêu gọi đầu thú” của cơ quan chức năng. Mới đầu, gia đình lo lắng, sợ rằng cơ quan chức năng sử dụng  nghiệp vụ để tìm cách bắt con mình. Vì vậy, gia đình không hợp tác, tìm lý do để trốn tránh. Tuy nhiên, sau khi tổ công tác kiên trì vận động, thuyết phục và đảm bảo có chính sách khoan hồng dành cho người đầu thú, gia đình có thêm niềm tin. 

Nhận thấy đây là cơ hội để làm lại cuộc đời, được sự động viên, khuyên giải của gia đình, người thân, Hải đã quyết định ra đầu thú. Ngày 17-7, sau khi vượt hàng ngàn kilômét vào Di Linh (Lâm Đồng), gia đình đã đưa Hải tới Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm để đầu thú. Hiện nay, Hải trở nên thanh thản hơn, không còn lo nghĩ việc đối phó với cơ quan Công an nữa. Cơ quan tố tụng cho phép Hải được tại ngoại, chờ ngày xét xử.

Đại tá Lập cho biết thêm: Hiện nay, nhiều đối tượng phạm tội và người dân do nhận thức pháp luật hạn chế cho rằng, “Thư kêu gọi đầu thú” là hành động câu nhử đối tượng ra để bắt chứ không đúng như nội dung lá thư. Do vậy, nhiều gia đình và đối tượng đã lấn cấn, do dự trong việc ra đầu thú. Chúng tôi khẳng định rằng, bức thư hoàn toàn đúng sự thật và được đảm bảo với những đối tượng biết ăn năn, hối cải, ra đầu thú sẽ được hưởng lượng khoan hồng.

Như Hùng
.
.
.