Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên:

Lễ hội đầu năm, nhân dân phải là chủ thể

Thứ Hai, 23/02/2015, 09:00
Đầu năm cũng là mùa lễ hội. Sự nở rộ lễ hội trong những năm gần đây đi kèm với nhiều bất cập trong khâu tổ chức, quản lý của chính quyền các địa phương, của ngành văn hóa. CSTC đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xung quanh vấn đề này.
-Việc đảm bảo an ninh trật tự trong các lễ hội là vấn đề nổi cộm nhất. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch gì khi mùa lễ hội 2015 đang rất gần, thưa Thứ trưởng?

- Năm nào Bộ cũng thành lập đoàn đi kiểm tra trước, trong và sau các lễ hội để đôn đốc, định hướng, hướng dẫn cách thức tổ chức ở từng địa phương. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chưa bao giờ lơ là công tác này. Các văn bản quy định hướng dẫn về việc tổ chức lễ hội cũng đầy đủ cả, thậm chí còn rất rõ ràng nữa. Nhưng văn bản giấy tờ chỉ là một chuyện thôi, quan trọng là ý thức tổ chức của chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội. Và đặc biệt là ý thức của từng người dân.

Nói một cách nghiêm túc là nhiều địa phương làm chưa tốt khâu tổ chức, còn có tình trạng dung túng, bỏ qua, bao che cho các hoạt động không đúng với tinh thần của lễ hội truyền thống. Hiện tượng nhóm này nhóm kia bao thầu việc gửi xe, kinh doanh dịch vụ ăn uống chặt chém khách thập phương còn tồn tại, và được chính quyền làm ngơ, bỏ qua. Tôi rất mong là trong mùa lễ hội sắp tới, các địa phương sẽ làm tốt, làm nghiêm để làm sao các lễ hội được diễn ra an toàn, văn minh, tránh những hiện tượng lệch lạc không hay làm mất cảm tình của du khách.

- Còn nhớ năm ngoái, khi Bộ họp tổng kết hình hình tổ chức lễ hội đầu năm, có lãnh đạo một địa phương đã đề nghị Bộ nên đưa ra một vài mô hình tổ chức lễ hội chuẩn để nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước. Thưa Thứ trưởng, chúng ta có thể kể ra các mô hình lễ hội chuẩn nào?

- Tôi nghĩ là khó để đưa ra một mô hình chuẩn về tổ chức lễ hội. Vì mỗi lễ hội mang một bản sắc văn hóa khác nhau, những thói quen, tập tục truyền thống khác nhau. Thực tế cho thấy, địa phương nào mà chính quyền với nhân dân phối hợp tốt thì lễ hội ở địa phương đó được tổ chức tốt. Tôi nhấn mạnh lại vai trò quan trọng của chính quyền và nhân dân địa phương. Các văn bản hướng dẫn cụ thể đến đâu mà chính quyền và nhân dân địa phương không ý thức tốt thì cũng không giải quyết được gì.

Lễ hội đền Hùng.

- Có một vấn đề đáng suy nghĩ ở đây. Chúng ta nói về vai trò, ý thức của người dân trong lễ hội, nhưng trên thực tế thì ở nhiều địa phương, người dân không còn được làm chủ lễ hội mà lẽ ra họ phải được như vậy. Họ không phải chủ nhân của lễ hội. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Đúng là ở một vài địa phương, lễ hội được tổ chức hình như là để dành cho quan chức, chứ không phải cho nhân dân. Người ta xếp ghế cho quan chức ngồi xem, nhân dân thì đứng mấy vòng xa tít bên ngoài nhìn vào. Thực tế, càng đông người đến lễ hội thì càng vui. Các dịch vụ phát triển kèm theo lễ hội lẽ ra nhân dân phải được hưởng lợi. Nhưng phần lớn quyền lợi lại thuộc về một vài nhóm người nào đó, còn nhân dân thì bị bỏ rơi.  Chẳng hạn, nét đẹp khai ấn Đền Trần hằng năm, xưa kia là một tập tục dành cho người lao động. Sau kỳ nghỉ Tết, mọi người đến khai ấn để cầu mong công việc trong năm mới được thuận buồm xuôi gió. Nay thì bên cạnh ý nghĩa tích cực, phong tục này có phần biến thành tình trạng xin quyền lực, xin chức tước. Ý nghĩa dân dã tốt đẹp ban đầu đã giảm đi, tính thương mại, tính thực dụng xen vào. Người dân lao động không còn là chủ thể của phong tục này nữa. Xin ấn đầu năm được ngầm hiểu là tập tục dành cho giới quan chức. Đây là cách hiểu lệch về một lễ hội truyền thống rất đẹp của dân tộc ta. Chúng ta nên điều chỉnh ngay để trả thần thái thiêng liêng của lễ hội này như thuở ban đầu đẹp đẽ của nó.

- Việc tổ chức lễ hội ở những nơi thờ tự có liên quan đến việc quản lý và khai thác các di sản tinh thần của dân tộc. Đây là nơi thờ tự linh thiêng hay nơi để thu lợi nhuận thương mại. Thưa Thứ trưởng, tâm thế ông ra sao khi nhìn hiện tượng này?

- Trước đây, ngày đầu năm tôi thường đi vãn cảnh chùa. Đến chùa để tâm hồn thanh tịnh, để chiêm bái tâm linh, cho lòng được bình an, thanh thản. Nay thì đến chùa dịp lễ tết quá đông người, có lúc còn bị chen lấn bật ra ngoài. Ngại ngần lắm. Một nền nếp xã hội thiêng liêng đã tồn tại hàng trăm năm qua giờ bị biến thái. Mọi bon chen phô trương ngoài xã hội người ta mang cả vào đền chùa. Khi tôi đến đất nước Myanmar, một đất nước có truyền thống đạo Phật lâu đời, có rất nhiều chùa chiền, tôi thấy một tập tục rất hay mà chúng ta nên tham khảo. Đấy là các vị sư không trụ trì trong chùa. Không có quan niệm chùa này thì sư nào làm chủ. Các vị sư đến chùa làm lễ, tụng kinh, hành đạo pháp như mọi người dân, sau đó họ về các học viện để ở. Chùa có ban quản lý riêng, phân bổ các hoạt động thường ngày. Như thế thì không có tâm lý nhà tu hành sở hữu cái này cái kia, rất thanh sạch, trong sáng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên.

- Phổ biến trong các lễ hội là những màn sân khấu hóa tốn kém. Có những nhóm nghệ sĩ trở thành chuyên gia dàn dựng những màn sân khấu lễ hội.  Theo Thứ trưởng, có nên khuyến khích hiện tượng này và xem đó như là những sáng tạo văn hóa của thời đại hôm nay không?

- Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch không khuyến khích hiện tượng này. Lễ hội, cần nhấn mạnh, phải là người dân làm chủ. Ở đây có vấn đề là các địa phương nơi có lễ hội thường muốn quảng bá hình ảnh địa phương mình thông qua các phương tiện truyền thông để thu hút khách thập phương đến. Và họ muốn tổ chức chuyên nghiệp với những màn sân khấu hóa như vậy. Vô hình trung cách đó đã đẩy nhân dân đứng ra bên lề lễ hội, họ không phải là chủ thể nữa. Thế thì mất hết ý nghĩa dân dã ban đầu của một lễ hội truyền thống. Tôi xin nhắc lại một lần nữa, là để tổ chức một lễ hội cho đúng ý nghĩa, thì vai trò của chính quyền địa phương và nhân dân vô cùng quan trọng. Lãnh đạo các địa phương phải ý thức sâu sắc điều này để tôn vinh những nét đẹp văn hóa của địa phương mình.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trò chuyện này.

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.
.