Lên Cao Bằng.... trồng rau

Thứ Tư, 13/01/2016, 15:56
Từ nhiều đời qua họ vất vả nơi vùng quê nghèo với nghề trồng rau. Không ít người muốn thay đổi số phận mà chẳng tìm đâu ra một điểm tựa. Rồi nhiều đôi vợ chồng trẻ đã dắt díu nhau về rìa thành phố Cao Bằng để thuê đất trồng rau. Đến nay, con số đã lên đến hơn 80 hộ gia đình thuê đất trồng rau tại đây, dù chỉ là đổi vùng đất chứ không đổi được lo toan, cũng chỉ là đi thuê “cái cực nhọc” để bám lấy, mưu sinh với ước mong ngày sau đổi khác…


Ký ức chưa lùi xa

Đó là đôi nét khắc họa về làng Thành Lập 1, xã Minh Tân (Phú Xuyên, Hà Nội) của tôi. Đó cũng là sự cảm thông với biết bao mồ hôi và nước mắt của một vùng quê nghèo “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” từ trăm năm qua. Khi dân số tăng, ruộng đất bị thu hẹp, nhiều thanh niên trai tráng đã di cư lên Cao Bằng.

Những gì tôi thấy ở Thành Lập 1, là làng chỉ quan tâm và đầu tư cho con cái học hành trong khoảng 7 năm trở lại đây. Trước đó, cuộc sống của người dân lam lũ, cơ cực, trẻ em học hết lớp 5 là phải nghỉ ở nhà giúp đỡ bố mẹ làm ruộng. Nhiều bậc cha mẹ đắng lòng khi nhìn đứa con đang tuổi ăn học của mình phải trầy trật gánh nước tưới rau lúc trời rét cắt da cắt thịt mà không có cách gì để giúp con khỏi thiệt thòi.

Công việc thường ngày.

Có năm, rau sâu bệnh nhiều, rẻ như cho, 10 nghìn đồng mua được cả xe thồ rau. Một lão nông than trời, trách phận và trách luôn cả ông cụ nào đó đã mang nghề trồng rau về làng để con cái phải khổ cực. Người nông dân Thành Lập 1 quanh năm đầu tắt mặt tối, chẳng có người thoát được ra ngoài làm ăn, cho nên cái nghèo cứ đeo đẳng họ mãi. Nhưng bỏ nghề rau thì người dân chẳng biết làm nghề gì.

Ngoài mỗi năm hai vụ lúa đồng trũng, đồng màu chỉ có thể trồng được rau, quả để bán cho những vùng xung quanh. Ký ức sinh động trong tôi là, có những cụ bà già đến tuổi 70, lẽ ra phải được nghỉ ngơi, chăm lo, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu thì vẫn phải quần quật ngoài đồng, thậm chí còn phải thồ rau đi chợ bán.

Ký ức chua xót trong tôi là, nhiều em nhỏ rất tích cực trong việc gánh gồng, tưới tắm để giúp đỡ mẹ mình. Thậm chí chúng vừa học, vừa phải ra đồng giúp bố mẹ. Ký ức hãi hùng trong tôi là vào mùa rau, nửa đêm về sáng, ngoài đường tấp nập người thồ rau đi chợ bán. Họ đi đến các chợ ở Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tây (cũ), có chợ xa đến 50 cây số. Vất vả thồ rau từ 12 giờ đêm, bán hết hàng thì phải đến chiều tối mới về đến nhà. Ở nhà đã có người làm hàng, ngày mai lại như vậy, đầu tắt mặt tối, đời sống tinh thần nghèo nàn. Vậy mà đói vẫn hoàn đói.

Ký ức tôi hiện về hình ảnh một lão nông da nhăn nheo uể oải than phiền: “Nghề trồng rau quá cực khổ. Suốt ngày phải gánh gồng trên vai từ phân tro đến nước tưới. Vào mùa khô hanh, gánh được quẩy nước có khi phải mất cả tiếng đồng hồ vì phải chạy xa đến hơn một cây số. Chăm sóc bao nhiêu ngày tháng, nếu mà vớ phải dịch sâu bệnh thì coi như mất trắng. Năm 2006, rất nhiều gia đình cả vụ rau chỉ thu được mấy trăm ngàn đồng, không đủ mua một hộp hạt rau giống chứ đừng nói đến chuyện có lãi. Chăm nuôi được cây rau đã khó, chuyện mang ra chợ cũng là cả một vấn đề”.

"Đất hứa" và "chuồng ở"

Để tận mắt thấy những giọt mồ hôi của người dân quê mình đổ… nơi xứ người, tôi lên xã Đức Xuân và Ngọc Xuân bên rìa thị xã Cao Bằng nơi khoảng 80 cặp vợ chồng lên thuê đất, làm lụng vất vả bằng nghề trồng rau quả phát triển kinh tế.

Vợ chồng anh Tuynh và những đứa con nheo nhóc.

Để thuận lợi, mỗi cặp vợ chồng ở Thành Lập 1 đều được người đến Cao Bằng trước “ngắm” cho một khu đất, rồi thỏa thuận thuê với chủ đất theo từng năm rồi kéo người nhà lên. Mỗi cặp thuê từ 4.000 đến 5.000 mét vuông (thường thì người địa phương cấy lúa) để cải tạo thành đất trồng màu. Họ cũng làm những chiếc lán tạm bợ chưa đầy 20 mét vuông để ở.

Gọi là nhà cho sang như vậy thôi, thực chất là những “chuồng ở” tạm bợ, thông thống gió. Chó mèo có thể tự do chui qua những bức vách bằng cót, bằng túi ni-lông. Ngay cả chiếc giường cũng được đóng, ghép toàn bằng tre nứa tươi nên khi nó khô lại, trở nên ọp ẹp. Vì ẩm thấp, lại gần suối, rạch nước nên rắn rết cũng thường xuyên “viếng thăm”.

Tại vùng ngụ cư, những đôi vợ chồng trẻ phải đối mặt với trăm nghìn khó khăn. Đó là thời tiết mưa nắng thất thường, mùa mưa, lũ quét ập tới bất ngờ, hoặc ngày bình thường sông cũng cường nước, dâng lên bất ngờ khiến nhiều ngôi nhà chìm trong nước. Cũng có trận lũ quét khiến cho hàng nghìn mét ruộng rau của mỗi gia đình bị mất trắng. Rồi họ phải vất vả đầu tư lại từ đầu.

Thêm nữa, người dân thường phải chống chọi với nạn sâu bọ, giá cả chi phí cho sản xuất tăng. Hoặc nhiều đợt dân buôn chở rau dưới xuôi lên bán làm giá rau khu vực bị giảm xuống… ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của mỗi gia đình.

Người dân làm rau phải tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu, mà đôi khi họ không để ý đến vấn đề bảo hộ. Sống giữa những ô ruộng được phun thuốc, hẳn là không dễ chịu chút nào. Có điều, hễ gia đình nào công việc dồn nhiều là họ lại nhờ được anh em cùng làm rồi nấu cơm ăn chung, rất đoàn kết và vui vẻ. Không khí ấy tạo nên sự đầm ấm, tương trợ lẫn nhau cùng làm giàu và hướng đến cuộc sống ấm no.

Hỏi, tại sao những người dân bản địa lại cho thuê hết ruộng đất đi? Anh Nguyễn Văn Hành trả lời rằng, do người dân bản địa đã có công việc khác để làm, họ không muốn vất vả nữa nên “nhường” điều đó cho những người dưới xuôi đang nuôi ước mơ làm giàu.

70 hộ gia đình trẻ, mỗi năm làm việc cật lực, tiết kiệm chi tiêu đủ đường cũng để ra được khoảng 50 đến 80 triệu đồng. Hộ nào đông người, tính toán được, thu nhập có thể lên gấp đôi. Người ở nhà thấy nơi đất khách làm ăn được, cũng hướng con mình đến đó. Rìa thị xã xa xôi kia trở thành “miền đất hứa” cho mọi người phấn đấu, hoặc trai gái cưới nhau xong là thể nào cũng rồng rắn lên… Cao Bằng!

Người làm ruộng cũng cần tính toán, mùa nào trồng cây ngắn ngày, mùa nào trồng cây dài ngày. Tất cả đều phụ thuộc vào nhân lực, thị trường, thời tiết. “Chúng tớ trồng tất cả loại rau nào mà thị trường ở đây cần. Ví như su hào, bắp cải, mướp thơm, mướp đắng, bí, cà chua, hành, cải… Để đa dạng cây, mỗi khu đất đều được bố trí một loại cây theo mùa phù hợp để có hàng bán thường xuyên”, anh Nguyễn Văn Cây cho biết.

Theo những người nông dân này, họ đều là người trông rau màu ở dưới xuôi nên hiểu “tính nết” từng loại cây rau, củ, quả… thế nhưng ở đất Cao Bằng, gần núi, khí hậu khác biệt nên cần phải tìm hiểu và đúc rút kinh nghiệm từng ngày.

Nhiều người dân trồng rau nơi đây khẳng định, người về Cao Bằng đầu tiên là ông Nguyễn Văn Mai và có thể được gọi là “ông tổ thuê đất của xóm ngụ cư”. Khoảng hơn chục năm về trước ông Mai đã đưa vợ con lên Cao Bằng, thuê đất ngoài rìa thị xã trồng rau, bán ngoài chợ.

Cuộc sống nơi đất khách quê người cũng tạm ổn, ông chẳng nghĩ đến chuyện về quê nữa. Vài năm sau, ông Mai gọi anh em trong gia đình lên cùng làm ăn. Thấy làm ăn được, người dân Thành Lập 1 cũng… ly hương tìm đường kiếm sống. Từ năm 2004, khoảng chục đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau, được giới thiệu đã tìm đến xã Ngọc Xuân trồng rau, củ và bón bằng mồ hôi, nước mắt để có thành quả. Họ tạo thành những xóm nhỏ cùng giúp đỡ nhau làm việc, kiếm ăn.

Anh Nguyễn Văn May, người đã đưa vợ con về Ngọc Xuân được 7 năm tâm sự: “Dù ở quê hay ở đây thì chúng tôi vẫn phải làm lụng đổ mồ hôi. Đã là người nông dân thì tránh sao được vất vả. Được cái, ở đây dễ làm ăn hơn. Tuy đất có cứng hơn, khan hiếm nước hơn dưới xuôi, nhưng lúc bán hàng thì dễ, người buôn đến tận vườn, đỡ phải đi chợ”.

Nhà ở như “chuồng ở”.

Còn anh Nguyễn Văn Tuynh (sinh năm 1980), một người “ôm” giấc mộng và niềm hứng khởi lên Cao Bằng quyết tâm làm giàu cho biết: “Ở đây tôi là người nhiều ruộng nhất, với khoảng một vạn mét vuông, gấp đôi vợ chồng bình thường. Tôi cũng là người nhiều con nhất, vợ tôi sắp sinh đứa thứ năm. Dù biết vất vả, nhưng hai vợ chồng đều bảo nhau cố gắng làm ăn, có món tiền kha khá thì về quê! Nếu cứ biết cách làm ăn, tính toán, thì cũng nhanh phất lắm”.

Không chỉ là ước mơ

Có tiền tích cóp, người dân không biết làm gì khác ngoài việc “khuân” tiền về quê mua đất hoặc làm nhà. Họ ganh đua nhau để bằng bạn bằng bè, bằng anh bằng em. Đó là một mục đích khiến họ có thể vượt qua vất vả, còng lưng làm lụng sớm khuya. Ai có hàng bán thường xuyên rất được mọi người ngưỡng mộ. Ai xây được nhà to uỵch ở quê càng được trầm trồ thán phục.

Cũng có người sĩ diện muốn thể hiện, tuy chưa đủ tiền cũng phải vay mượn xây cho bằng được nhà to, dù họ vẫn ở tít Cao Bằng. Thành ra, việc xây nhà to vô tình tạo áp lực cho tất cả, khiến cho cuộc sống đôi khi căng thẳng.

Tôi bỗng thấy lo lắng về những cuộc đua xây nhà cao tầng. Nhiều người cũng lo lắng về việc học hành của con cái bởi bố mẹ mải làm ruộng, ít có thời gian đầu tư cho tương lai của con. Tất yếu là, vẫn nhiều em nghỉ học sớm. Tôi mong người dân có một kế hoạch dài hơi hơn, đầu tư cho con cái hơn để sự vất vả của họ được đền đáp xứng đáng. Khi đó, những giọt mồ hơi họ đổ mới thật… đúng chỗ!

Đứng bên vách một “chuồng ở”, tôi nghe đứa con nói: “Con học chữ chẳng vào đầu nữa, hay là nghỉ bố nhá”?. Người bố gắt: “Nghỉ thì nghỉ, ở nhà cuốc ruộng, lo gì!”. Tôi thấy sống mũi mình cay cay.

Dương Khánh Thảo
.
.
.