Lên Hồ Thầu, Dào San tìm… phỉ

Thứ Năm, 09/02/2012, 10:49

Vì đã bàn bạc thống nhất với nhau là cùng nổi lên vào ngày mùng Một Tết Mậu Tuất (5/2/1959), nhưng lực lượng phản động ở Hồ Thầu vũ trang nổi loạn trước dự kiến và bị đập tan nhanh chóng nên lực lượng phản động ở một loạt xã khác trở nên hoang mang, dao động. Đặc biệt là những tên chỉ huy lực lượng phản động ở Dào San.

Năm ấy, tôi và nhà văn Hồ Phương được nhà văn Trần Thanh Hà - biên tập viên của Nhà xuất bản Công an nhân dân mời lên Lai Châu để viết về "một số vụ án lớn trong lịch sử". Khi ấy, Lai Châu còn bao gồm cả Điện Biên, chưa tách thành hai tỉnh như bây giờ.

Đoàn nhà văn chúng tôi có mặt tại Điện Biên Phủ vào những ngày cuối đông. Đích thân đồng chí Đậu Quang Chín - Giám đốc Công an tỉnh lệnh mở kho lưu trữ hồ sơ an ninh cho chúng tôi vào tìm tư liệu. Án an ninh của Lai Châu vào những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước nổi lên hai vụ lớn: Vụ nổi phỉ năm 1959 và vụ dụ bắt các nhóm thám báo, biệt kích của Mĩ trong suốt những năm 60. Những tập hồ sơ dày cộp được mang ra, đặt la liệt trên chiếc bàn rộng ở góc phòng. Có những trang tài liệu đã rách, rất nhiều bút lục chữ viết đã bay màu, những tấm ảnh cũng ố vàng, có cái mọt rỗ không còn nhìn thấy mặt người. Nhà văn Hồ Phương rút cái kính lúp ra hỏi tôi: "Nào, Tú nhận vụ nào?". Tôi nghĩ, lão nhà văn phải dùng kính lúp để đọc tài liệu như thế kia thì nên để ông đọc hồ sơ mới, tôi nhận hồ sơ cũ hơn, dù sao thì tôi cùng còn trẻ, mắt có thể đọc được những nét chữ đã phai mờ.

Hồ sơ cũ hơn đồng nghĩa với việc thời gian cũng xa hơn. Vụ án xảy ra từ những năm 50, mọi việc diễn ra từ khi tôi chưa đẻ, thậm chí các "nhân vật" của vụ án cũng đã chết hết rồi. Nhưng lúc bấy giờ, cái chữ "nổi phỉ" có hấp lực vô cùng ghê gớm đối với tôi. Và tôi cùng nhà văn Trần Thanh Hà bắt đầu chúi mắt vào đống hồ sơ, vừa đọc vừa ghi chép.

Sự biến Hồ Thầu

Tác giả và Tẩn Vần Chin.

Thời điểm xảy ra vụ án này, Lai Châu thuộc Khu tự trị Thái - Mèo (sau đổi thành Khu tự trị Tây Bắc). Khu tự trị gồm 18 châu (tương đương cấp huyện), không có cấp tỉnh, Ban cán sự các châu trực thuộc khu ủy Tây Bắc.

Phong Thổ là một trong 18 châu của khu tự trị Tây Bắc, sau này là một trong 8 huyện của tỉnh Lai Châu, nằm giữa hai dãy núi Hoàng Liên Sơn ở phía đông và Pu Sam Cáp ở phía Tây. Hướng Đông và Nam Phong Thổ giáp Lào Cai, hướng Tây giáp huyện Sìn Hồ, hướng Bắc giáp huyện Kim Bình (Vân Nam - Trung Quốc).

Xã Hồ Thầu là một xã rẻo cao của châu Phong Thổ, cách thị trấn Phong Thổ khoảng 30km, nằm dốc theo sườn núi Hoàng Liên Sơn, chiều dài xã ngót 20km, chiều rộng khoảng 3km, địa thế hiểm trở, dựa lưng vào núi, bên trái giáp xã Bình Lư, bên phải giáp xã Tam Đường, ở giữa có một con đường cái nối Phong Thổ với Lào Cai. Vào thời điểm những năm 50, Hồ Thầu có 15 bản, khoảng một ngàn 7 trăm dân, chủ yếu là hai dân tộc Dao và Mông.

Vào những năm 1957, 1958 một số tên đặc vụ Tưởng và bọn địa chủ phản động ở huyện Kim Bình (Trung Quốc) không chịu được chính sách cải tạo XHCN, xây dựng hợp tác hóa của Trung Quốc nên đã chạy sang cư trú ở một số xã biên giới của châu Phong Thổ, trong đó có Hồ Thầu. Do tình cảm quan hệ dân tộc nên bọn này được bà con người Dao giúp đỡ nuôi giấu. Mặc dù chính quyền Khu đã chỉ thị cho các xã giải thích cho họ quay về, nhưng một số người trong chính quyền xã Hồ Thầu vẫn bí mật nuôi giấu, cho chúng ẩn nấp vào vào rừng sâu, trong hang đá.

Chẳng bao lâu sau chính bọn người này đã tuyên truyền, kích động, lôi kéo một số cán bộ xã âm mưu phản cách mạng. Chúng đã nắm được một số cán bộ chủ chốt của các xã, vì thế chúng nắm luôn cả lực lượng dân quân du kích của những xã này. Chúng bàn với nhau sẽ đồng loạt nổi lên vào ngày mùng 1 Tết Mậu Tuất (tức ngày 5 tháng 2 năm 1959) vì chúng cho rằng ngày đó cán bộ về nghỉ tết, dễ hoạt động. Mục tiêu của chúng là đánh chiếm châu lỵ Phong Thổ rồi tiến đánh Sìn Hồ, Bát Xát (Lào Cai), Than Uyên (Nghĩa Lộ), "giải phóng" một vùng biên giới rộng lớn, chờ đón "đại quân Tưởng" đổ vào.

Tuy nhiên, vì có một lý do khách quan mà kế hoạch của chúng phải thay đổi. Vào thời điểm tháng 12 năm 1958, Châu ủy Phong Thổ cử một số cán bộ xuống xã Hồ Thầu nắm tình hình nông thôn, chuẩn bị cho cải cách ruộng đất và hướng dẫn, vận động bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Bỗng nhiên thấy cán bộ về nhiều, các phần tử phản cách mạng ở Hồ Thầu tưởng âm mưu của chúng bị lộ, vội họp bàn nhau gây biến trước ngày đã định.

Sáng ngày 9 tháng 1, cuộc nổi loạn bắt đầu. Trước tiên chúng nhằm bắn đồng chí Đột (cán bộ của Châu về xã kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử). Đồng chí Đột bị thương ở bả vai, sau đó đã tìm cách bỏ chạy được. Chúng lần lượt bắt trói các cán bộ trên châu xuống công tác. Tại nhà Chủ tịch xã Lù Chỉn Mìn, chúng dùng gậy đánh chết anh Lò Văn Xum. Rồi chúng kéo đến nhà đồng chí Phàn Á Quân "người Hồ Thầu làm to nhất ở trên Khu" yêu cầu ông theo chúng, không thuyết phục được, chúng đánh chết ông ngay tại nhà. Sau đó chúng chia thành hai lực lượng, một đi đánh chiếm Bình Lư, một kéo xuống vây đánh Tam Đường. Trước đó chúng đã phá 2 kho đạn ở Tả Chải và Giang Ma đem phân phát cho nhau, tên nhiều được 200 viên, tên ít được 60 viên.

Cả tối mùng 9 chúng không đánh chiếm được Tam Đường. Đồng chí Đột chạy thoát về đã cùng với lực lượng dân quân du kích Tam Đường bố phòng cẩn mật, kiên cường chống trả, không để chúng tràn vào. Sang đến ngày hôm sau, châu ủy đã điện báo cho Khu ủy và các lực lượng Công an, Quân đội lập tức được tăng cường cho Tam Đường. Cánh đi đánh Bình Lư cũng bị lực lượng dân quân du kích ở đây đánh trả quyết liệt. Châu ủy Phong Thổ điều Đại đội 76 của châu tỏa đi các hướng ngăn chặn sự nổi dậy đang có chiều hướng lây lan, đồng thời cũng phân công cho từng đồng chí trong Thường vụ đi xuống các xã tổ chức lại lực lượng du kích tại chỗ để đối phó với những tình huống xấu.

Sang đến ngày mùng 10, lực lượng phản biến của xã Hồ Thầu thấy không thể đánh nổi Tam Đường liền tự động rút lui. Những ngày sau đó một số bỏ chạy vào rừng, số lớn ra hàng, trong số những tên ra hàng có cả những tên đầu sỏ như Tẩn Vần Chin.

Chưa xong Hồ Thầu lại đến Dào San

Vì đã bàn bạc thống nhất với nhau là cùng nổi lên vào ngày mùng Một Tết Mậu Tuất (5/2/1959), nhưng lực lượng phản động ở Hồ Thầu vũ trang nổi loạn trước dự kiến và bị đập tan nhanh chóng nên lực lượng phản động ở một loạt xã khác trở nên hoang mang, dao động. Đặc biệt là những tên chỉ huy lực lượng phản động ở Dào San. Dào San là xã trung tâm của khu vực biên giới Phong Thổ. Cầm đầu nhóm âm mưu nổi loạn ở đây là Cao San, nguyên Chủ tịch xã kiêm đại biểu HĐND Khu tự trị Thái - Mèo, Dì Chỉn Phùng -  Phó Chủ tịch xã, Giàng Lao U - Xã đội trưởng và một số tên khác như Hoàng Seo Lao, Giàng A Dơ, Sùng A Su...

Ngày 28/2/1959, chúng bắt đầu nổi loạn ở Dào San. Những ngày tiếp theo là các xã Mù Sang, Kiều Phàng, Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Tông Qua Lìn, Pa Vệ Sủ, Sin Suối Hồ. Toàn khu vực có 10 xã thì 8 xã có người tham gia nổi loạn. Lúc bấy giờ toàn bộ khu vực biên giới Phong Thổ có một đồn biên phòng là Đồn Pa Nậm Cúm. Đồn có 16 đồng chí Công an vũ trang. Khi thấy tình hình Dào San có vấn đề, Đồn cử hai đồng chí Hà Xuân Thanh và Lý Văn Dế xuống nắm tình hình địa bàn xã Mù Sang. Tại xã Mù Sang, khi hai đồng chí Thanh và Dế đang ngồi làm việc trong nhà dân thì Giàng A Dơ ném hai quả lựu đạn vào nhà. Đồng chí Thanh và Dế chạy ra ngoài thì bị Sùng A Su, Tiểu đội trưởng du kích cùng các tay súng khác phục sẵn bắn chết.

So với Hồ Thầu thì việc nổi loạn ở khu vực Dào San bị động hơn bởi các lực lượng của ta đã chủ động áp sát các xã. Những hành động phản loạn diễn ra manh mún, lẻ tẻ và sau khi bị ta nổ súng tấn công thì hầu hết đều chạy vào rừng Ma Can Hồ ẩn nấp. Mặc dù ta không bị bất ngờ như ở Hồ Thầu nhưng bọn phản động vẫn tiến hành nổi loạn với quy mô khá rộng, lôi kéo được nhiều người tham gia, phá vỡ gần như hoàn toàn cơ cấu tổ chức ở cơ sở, làm thiệt hại người và của, gây hậu quả xấu về chính trị. Chúng đã lôi kéo được 129 người tham gia (gồm người Mông, Dao, Lô Lô, Phu Lá, U Ní), trong đó có 34 du kích, 15 người trong chính quyền xã, 12 trưởng bản. Chúng có tất cả 33 súng trường, còn lại toàn là súng kíp.

Thời gian cũng kéo dài khá dai dẳng, suốt 3 tháng liền. Kể từ ngày 1/3/1959 khi ta nhận được tin báo và nổ súng tấn công cho đến cuối tháng 5/1959, thời điểm được coi là đã dẹp xong cuộc nổi loạn, thì chúng đã giao chiến với bộ đội ta 3 trận, phục kích ta 2 trận, làm ta hy sinh 8 và bị thương 2.

Địa hình khu vực biên giới Dào San cũng phức tạp hơn. Ở đây có khu rừng Ma Can Hồ được coi là ma thiêng nước độc, rất nhiều hang động, đồi tranh cùng những mảng rừng già nguyên sinh, được chọn làm hang ổ cố thủ của lực lượng phản loạn. Bọn chúng lại sống thành từng toán, phân tán, rải rác trong hang đá, trên đồi tranh, bên dòng suối, nơi gốc cây bụi cỏ nên rất khó khăn cho việc bắt hoặc tiêu diệt. Ta vừa kiên quyết tiễu trừ những tên ngoan cố, nợ máu với cách mạng vừa phải tiến hành vận động gọi hàng bằng nhiều hình thức. Cuối cùng thì căn rừng Ma Can Hồ cũng hết tiếng súng và bình yên đã trở lại trên khu vực biên giới Dào San.

Hồ Thầu, Dào San cảnh xưa người cũ

Khi đã nắm một cách tương đối đầy đủ các diễn biến của vụ nổi phỉ, tôi đề nghị được đi tìm lại những tên phỉ năm xưa. Đề nghị này hơi khó thực hiện vì sự biến Hồ Thầu, Dào San đã lùi sâu vào dĩ vãng hơn bốn chục năm rồi. Châu Phong Thổ xưa bây giờ chia thành hai huyện: Phong Thổ và Tam Đường. Xã Hồ Thầu thuộc về huyện Tam Đường, còn xã Dào San thuộc huyện Phong Thổ.

Vật đổi sao dời. Những kẻ lầm lạc ngày nào đều đã già yếu, chết hoặc thất lạc nơi góc rừng xó núi, còn ai nữa mà tìm gặp? Nhưng rất may cho chúng tôi là Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu sẵn lòng tạo điều kiện giúp đỡ. Chỉ có điều, nếu muốn trở lại chính nơi 45 năm trước "Phỉ nhiều như cây rừng" thì chúng tôi phải đi vài trăm cây số, và cái Tết thì đang đến gần.

Tôi nói với nhà văn Hồ Phương: "Chú ở lại tiếp tục nghiên cứu hồ sơ, cháu đi tìm phỉ, khoảng ba ngày sau cháu về rồi đoàn mình cùng về Hà Nội". Nhà văn Hồ Phương bảo: "Nhớ mang về cho mình một nhánh đào rừng, bé thôi, có thể mang lên máy bay được. Tết này mình muốn có không khí Tây Bắc ở trong nhà".

Sau một ngày đường, tôi và nhà văn Trần Thanh Hà đã có mặt tại xã Hồ Thầu.

Hồ Thầu bây giờ gồm 17 bản, có đường nhựa chạy vào tới tận trung tâm xã. Người dân Hồ Thầu tự hào bởi xã họ có hai công dân đi theo cách mạng mà làm "quan to đầu tỉnh". Người thứ nhất là ông Phàn Á Quân, Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến Khu tự trị Thái - Mèo từ những năm 50. Người thứ hai là ông Sùng Măng từng làm đến Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu từ những năm 70. Cả hai người đều đã có dịp gặp Bác Hồ. Nhưng ông Phàn Á Quân thì đã chết rất thương tâm trong vụ nổi loạn Hồ Thầu. Còn ông Sùng Măng thì sao? Mặc dù đã 80 tuổi nhưng ông vẫn sống khỏe mạnh tại bản Sử Thàng. Chúng tôi tìm đến nhà ông và khi nghe chúng tôi hỏi về những ngày tiễu phỉ xa xưa, ông hơi trầm ngâm một chút rồi ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ông được gặp Bác Hồ:

"Khi tôi cùng đoàn cán bộ cốt cán của các châu được về Hà Nội dự Đại hội thi đua và được gặp Bác, Bác hỏi đoàn cán bộ Khu Tây Bắc khá nhiều chuyện, rồi Bác bỗng quay sang tôi hỏi:

- Tình hình thổ phỉ ở Tây Bắc còn không?            

Tôi đáp:

- Dạ, thưa Bác còn ạ                     

Bác hỏi:

- Còn nhiều hay ít?                          

Tôi đáp:

- Còn ít thôi ạ                      

Bác lại hỏi:

- Vậy thì giải quyết thế nào?                       

Tôi đáp một cách hùng hồn:

- Dạ, thưa Bác, Bác yên tâm ạ. Lần này chúng cháu về sẽ tập trung bộ đội, du kích, săn lùng bọn phỉ, phát hiện được chúng nó ở đâu sẽ tiêu diệt, không cho chúng nó chạy thoát vào rừng nữa ạ.           

Không ngờ Bác nghiêm mặt lại và bảo:

- Không được! Phải phân loại phỉ ra thành nhiều loại. Loại nào tàn ác, có nợ máu với nhân dân, với chính phủ, không chịu buông súng đầu hàng thì ta mới tiêu diệt. Loại nào biết lầm đường lạc lối thì ta khoan hồng, loại nào a dua, bị lôi kéo thì ta vận động, thuyết phục họ trở về. Tóm lại phỉ cũng là con người, cũng muốn về với vợ, với con, muốn có cơm ăn áo mặc. Các chú phải tạo điều kiện cho họ trở về bản làng làm ăn, sinh sống, nói cho họ biết chính sách khoan hồng của chính phủ. Làm được như thế thì thổ phỉ ở Tây Bắc mới hết, tình hình sẽ nhanh chóng ổn định.                        

Tôi về trao đổi với bí thư và các anh lãnh đạo châu ủy, cố gắng làm đúng như lời Bác dạy. Sau này nhiều lúc nghĩ lại lần được gặp Bác Hồ đó tôi còn thấy xấu hổ quá. Đúng là tôi còn trẻ, bồng bột, cứ tưởng lấy sức mạnh vũ trang ra là làm được tất cả. Những lời Bác nói càng ngày càng làm tôi thấm thía. Sau này tôi lãnh đạo Toà án 15 năm, chỉ đạo xét xử nhiều vụ tôi thấy đã có lúc chúng ta hiểu sai phỉ. Bác Hồ nói rất đúng, họ cũng là con người, những con người tăm tối bị các thế lực thù địch với cách mạng lôi kéo, lừa phỉnh mà làm đạo tặc, mà sinh trộm cướp thôi. Những tên đầu sỏ trong toán nổi phỉ Hồ Thầu năm xưa bây giờ vẫn còn có người sống đấy. Họ vẫn ở ngay trong xã này. Anh nên gặp họ mà hỏi thêm chuyện, ít ra họ cũng sẽ cho anh biết họ nghĩ gì khi làm những việc lỗi lầm xưa"                

Mắt tôi sáng lên. Những tên trùm thổ phỉ vẫn còn sống trong xã này ư? Theo giới thiệu của ông Sùng Măng, được sự giúp đỡ của Công an huyện Tam Đường, chúng tôi tìm đến nhà Tẩn Vần Chin - một trong 5 kẻ cầm đầu vụ nổi loạn Hồ Thầu bốn mươi nhăm năm trước. Nhưng người nhà ông ta cho hay ông ấy đi mua lợn ở bên kia biên giới, không biết khi nào về. Chúng tôi quyết định ở lại xã để chờ ông Tẩn Vần Chin về. Và hai ngày sau chúng tôi mới gặp được ông ta. Đây là một nhân vật mà khi nghiên cứu hồ sơ tôi cho rằng sẽ khó tránh khỏi tội chết, vì ông ta chính là người chỉ huy về mặt quân sự của sự biến Hồ Thầu. Vậy mà...

- Tôi thoát chết, không phải nhận án tử hình chính là nhờ ông Đột! - Tẩn Vần Chin, nguyên Xã đội trưởng Hồ Thầu, nguyên chỉ huy một trong ba toán quân phản cách mạng đánh vào Tam Đường năm xưa, nguyên một "trùm phỉ" còn sống sót với tuổi 75 đã khẳng định với chúng tôi như thế.

Quả thật tôi đã rất ngạc nhiên về điều này! Nếu tôi nhớ không nhầm thì đồng chí Cao Thịnh Đột chính là người cán bộ xuống hướng dẫn bầu cử ở xã Hồ Thầu, ông đã về nhà Tẩn Vần Chin ở, và ông đã bị bắn ngay tại nhà của Xã đội trưởng Tẩn Vần Chin?

- Ông Đột không chỉ ở nhà tôi vào dịp xuống hướng dẫn bầu cử năm 1959, ông ở nhà tôi từ rất lâu rồi, từ khi Việt Minh bắt đầu có mặt ở châu Phong Thổ. Bố mẹ tôi thường mang khoai vào rừng nuôi giấu Việt Minh. Ông Đột là một trong những người được gọi là Việt Minh đó. Sau này nhờ có ông Đột làm cán bộ châu mà tôi mới được làm xã đội trưởng. Lần nào đi công tác xã ông Đột cũng vào bản Tả Chải, ở nhà tôi.                                     

- Vậy mà ông lại đang tâm giết cán bộ Đột? - Tôi cắt ngang lời của Tẩn Vần Chin.              

- Khi ấy lực lượng dân quân xã bị phân hóa. Bản thân tôi lúc đó không có mặt ở nhà. Tôi đang bị khống chế trong rừng. Lúc bấy giờ cán bộ xuống công tác tại xã đã bị bắt trói. Dân quân xã không dám lao vào nhà tôi bắt trói ông Đột vì ông Đột có súng. Họ nấp ở ngoài nhằm vào ông Đột để bắn nhưng ông Đột rất quý đứa con gái đầu lòng chưa đầy một tuổi của tôi, lúc nào ông cũng bế nó trên tay, vì thế những người muốn bắn ông không bắn được. Họ chờ đến khi ông Đột ra ngoài vườn đi vệ sinh mới nổ súng. Đạn trúng bả vai ông Đột nhưng ông ấy chạy thoát được.  

- Bố mẹ ông lúc đó không giúp được gì cho ông sao?                     

- Thời bấy giờ thông tin từ bản này đến bản kia còn khó khăn lắm. Cán bộ của châu, của Khu đến được với bản không phải dễ. Còn bọn người bên kia lại ở ngay cạnh chúng tôi. Chúng mang đến cho chúng tôi nhiều thông tin lạ lắm. Nào là Bác Hồ chết rồi, không còn ai thương người Mán nữa đâu (ngày ấy người Dao gọi là Mán), nào là chính phủ sẽ giết hết người Mán, nào là quân đội của Tưởng Giới Thạch đã có mặt ở ngay sát Hồ Thầu rồi, nào là các xã khác, châu khác đã nổi lên đánh lại chính phủ, cướp được nhiều hàng hóa lắm. Chúng tôi rất hoang mang, lo sợ.

Ngay cả Chủ tịch xã Lù Chỉn Mìn, cả cán bộ châu Châu San, cán bộ khu Cao San cũng chống lại chính phủ, làm sao chúng tôi không dao động cơ chứ? Tôi bảo với họ: "Không đánh được cái chính phủ đâu, người Pháp có cái máy bay chính phủ còn đánh thắng, mình chỉ có vài khẩu Trung Chính thế này đánh làm sao lại?". Họ bảo: "Tẩn Vần Chin không đi cũng được, nhưng chúng tao đánh xong Tam Đường, Mường Xo, lấy được Phong Thổ, Sìn Hồ, Bát Xát, Than Uyên quay về sẽ bắn tất cả những người không theo. Mày bênh cán bộ thì mày sẽ phải chết. Tùy mày". Họ nói thế tôi phải theo họ thôi. Bố mẹ tôi cũng chẳng biết tin ai nữa.

Khi họ thông báo đã đánh chết ông Phàn Á Quân, Phó Chủ tịch Khu, đánh chết cán bộ Xum ở nhà Lù Chỉn Mìn, bắn bị thương ông Đột ở nhà tôi và bắt tất cả cán bộ rồi thì tôi không còn con đường nào khác là đi theo họ. Đi theo họ rồi thì phải theo sự phân công của họ. Tôi đi đánh Tam Đường mà trong lòng lo sợ, chân tay run bắn. Đến khi nghe có bộ đội của châu và Khu đang được điều lên thì trong chúng tôi không ai còn muốn đánh nữa. Tôi là người ra hàng đầu tiên. Sau đó bị bắt, bị xử 10 năm tù. Mấy người cầm đầu kia bị tử hình cả. Chắc là ông Đột cũng có nói giúp với chính phủ hộ tôi. Tôi đi cải tạo được tám năm thì chính phủ khoan hồng cho về. Ngày tôi kéo người của mấy bản xuống đánh Tam Đường đều đi tắt đường rừng cả, sau khi cải tạo về, trở lại Hồ Thầu thì đã có con đường nhựa này.             

Sau khi đã ghi chép, chụp ảnh thỏa thuê, chúng tôi rời khỏi Hồ Thầu. Tẩn Vần Chin đưa tiễn chúng tôi ra chỗ con đường cái, khoát tay chỉ một vòng núi và bảo: "Kia, năm xưa chúng tôi đi theo con đường kia kéo xuống Tam Đường, đi bộ, mất nửa ngày, còn bây giờ đường nhựa này đi xuống đó chỉ mất 30 phút ngồi xe khách thôi". Khi xưa tên phỉ Tẩn Vần Chin 30 tuổi, bây giờ ông già Tẩn Vần Chin ngoài 70 vẫn còn rất khỏe, leo núi nhanh thoăn thoắt, khi nói về lỗi lầm của mình trong quá khứ có phần "hồn nhiên" như thể sự mặc cảm đã được thời gian trôi rửa, nhòa mờ đi nhiều rồi. Sau khi đi cải tạo về, Tẩn Vần Chin sinh thêm được 7 người con nữa. Cả 8 người con của ông ta đều đã xây dựng gia đình và có cuộc sống riêng ổn định. Bản thân Tẩn Vần Chin sống cùng với vợ chồng đứa con trai út, bình lặng như bao người dân khác bên dãy Hoàng Liên Sơn quanh năm mây phủ.

Xuân ấy, xuân này…

Rời xã Hồ Thầu, tôi cứ hình dung xem hơn bốn chục năm về trước, 78 tay súng đã men theo đường núi mà đi xuống chiếm huyện lỵ trong một tâm thế như thế nào(?). Ngoài 14 tên đặc vụ và địa chủ phản động TQ, những người còn lại chắc có cái háo hức của kẻ sắp "phá kho hàng mậu dịch" để chia nhau muối và chỉ màu, cái náo nức của kẻ sắp được chia của, cái khờ dại của kẻ sống nơi góc rừng tối tăm bỗng một ngày kia bị kích động, cái ngốc nghếch xen lẫn lo sợ của những kẻ từng làm cán bộ nửa vời như Tẩn Vần Chin.

Cũng giống như Hồ Thầu, bây giờ Dào San đã thay da đổi thịt. Dấu vết xưa cũ gợi nhắc những ngày dẹp phỉ chẳng còn gì ngoài khu rừng Ma Can Hồ cách trung tâm xã khoảng 16km về phía Tây Nam. Không còn dấu vết gì của thời nổi phỉ cả! Mọi chuyện dường như chưa hề xảy ra vì núi rừng sông suối vẫn bình an, con người vẫn hiền lành chất phác, và cả một dải biên cương hùng vĩ vẫn ẩn mình trong sắc xanh dịu êm, bền vững.

Về tới Điện Biên thì đã chậm hẹn 2 ngày với nhà văn Hồ Phương. Nhưng lão nhà văn vẫn chờ chúng tôi để cùng về Hà Nội. Nhận nhánh đào rừng tôi bẻ ở nhà "trùm phỉ" Tẩn Vần Chin, ông cười hóm hỉnh: "Tết năm nay có đào của phỉ trong nhà mình, vui quá!".

Xuân ấy, xuân này, mới đó thôi mà dễ cũng đến dăm bảy năm rồi…

Nguyễn Đình Tú
.
.
.