Lên Khâu Vai nghe kể chuyện Chợ Tình

Thứ Năm, 28/06/2018, 15:26
Phiên chợ được mặc định là chốn "tìm về" của những đôi trái gái vùng cao yêu nhau không lấy được nhau, với những nét độc đáo, khác biệt về văn hóa của cao nguyên đá hùng vĩ đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của khách thập phương khi đến khám phá vùng đất địa đầu Tổ quốc - Hà Giang.

Chúng tôi rời Hà Nội, tìm lên cao nguyên đá giữa những ngày hè nắng như đổ lửa. Sau gần 6 giờ đồng hồ, vượt gần 300km, xuyên qua Tuyên Quang, tấm biển báo của tỉnh Hà Giang đã hiện lên ven đường. 

Qua các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, dấu hiệu về thành phố Hà Giang vẫn chỉ hiện diện qua các tấm biển báo tương tự. Khác hẳn với những mường tượng về vùng đặc sản toàn đá những đá với một màu xám buồn tẻ, cửa ngõ dẫn vào thành phố Hà Giang đầy ắp những mảng màu xanh ngắt. Sau cây cối rậm rì ven đường, đặc sản đá chỉ lồ lộ trên một số khoảng trống mà nhiều lý do, cỏ cây chưa phủ hết.

Phố phường với những tòa nhà cao tầng xuất hiện, đột ngột như ai đó vén bức thảm xanh, quẳng thẳng đoàn người trên xe vào một thế giới khác. Thành phố Hà Giang như một trạm nghỉ chân để du khách tỏa về nhiều hướng mà chắc chắn phải mất khá nhiều ngày mới có thể khám phá hết của vùng đất địa đầu Tổ quốc này. 

Ở đó, Chợ tình Khâu Vai là điểm nằm cuối con đường độc đạo dài chừng 180km, chênh vênh trên các vách đá sừng sững, xuyên qua các huyện Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc. 

Nếu dừng chân trên Mã Pí Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc, phóng tầm mắt về quãng đường vừa đi qua, du khách dễ choáng ngợp bởi các núi đá sừng sững, nối tiếp nhau, như những người khổng lồ đang cố ngắm 1 phần khuôn mặt trên dòng sông Nho Quế xanh trong, lặng lờ, tút hút dưới vực sâu hơn 1.200m. 

Từ đỉnh đèo nhìn lại các khúc cua tay áo uốn lượn trên các vách đá, cung đường được cho là hiểm trở nhất của huyện Mèo Vạc, Hà Giang giống như 1 sợi chỉ trắng mảnh vắt trên bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình. Đổ dốc, men theo con đường chênh vênh bên vách đá sẽ đến thị trấn Mèo Vạc. 

Quãng đường chỉ dài chừng 20km này nhưng tài xế thông thuộc địa bàn vẫn phải đi mất gần 1 giờ đồng hồ. Nếu xuất phát từ thành phố Hà Giang vào đầu giờ chiều, lữ khách sẽ có may mắn tiếp cận thị trấn xinh xắn của cao nguyên đá ngay trước giờ bóng tối bao phủ. Một thị trấn lấp lánh ánh đèn, như thành phố hoa đăng, nhỏ nhắn nhưng rực rỡ, ấm áp, lọt thỏm giữa mênh mông thăm thẳm.

Mèo Vạc sau gần 1 tuần tấp nập với lễ hội Chợ Tình trở nên bình yên và vắng lặng đến buồn tẻ. Trong căn nhà nghỉ ven đường, những căn phòng im lìm, vắng khách, cửa mở toang toác.

Chợ tình Khâu Vai cheo leo giữa mây ngàn đang trở thành điểm đến được đầu tư của Hà Giang.

Bên bàn ăn muộn, không khí có vẻ rôm rả hơn chút ít. Trung tá Lã Văn Việt, Phó trưởng Công an huyện Mèo Vạc, Hà Giang cười bảo, Chợ Tình vừa khép lại. Bữa cơm muộn buổi tối là ngoại lệ, coi như buổi liên hoan nhỏ của cán bộ chiến sĩ và cảm ơn các bạn bên tổ chức đoàn thể. 

Ở địa phương, các dịp như lễ hội Chợ Tình là hoạt động cao điểm. 100%  cán bộ chiến sĩ phải "trực chiến", nhưng để chợ diễn ra tốt đẹp và an toàn tuyệt đối thì cần có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các ban, ngành, đoàn thể. Nhắc đến Chợ Tình, vị Trung tá đã gắn bó gần nửa cuộc đời với Mèo Vạc này cứ tiếc hùi hụi vì chúng tôi đã bỏ lỡ một phiên chợ độc đáo nhất cao nguyên đá.

Nữ đồng nghiệp đi cùng thì nửa đùa nửa thật mà rằng không phải chúng tôi bị lỡ mà cố tình đến chậm một nhịp để tránh kẹt xe. Nghĩ đến cảnh phải "bò" ngoài đường cả chục giờ đồng hồ giữa cái nắng chang chang thì né ngày chính chợ cho… lành!

Như bị điểm huyệt, Đại úy Nguyễn Thành Tuyên, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông huyện Mèo Vạc lập tức "phản pháo": Với hàng ngàn người dồn về khu chợ cheo leo trên con đường độc đạo rộng khoảng 3m, một bên là vách đá, 1 bên là vực sâu, 2 xe ôtô muốn tránh nhau cũng khó thì ùn ứ là chuyện bất khả kháng. 

Cả đội giao thông huyện chỉ có 10 người. Quân số mỏng, chợ thì đông. Thế nên gần chục năm gắn bó với Chợ Tình, không cán bộ chiến sĩ nào có dịp đi chơi chợ, vì với họ, chợ chính là thời gian cao điểm nhất. Năm 2018, lượng người về quá đông, Cảnh sát điều tiết giao thông làm xuyên ca từ sáng đến đêm, "cắt" luôn bữa ăn vì không có thời gian nghỉ. Hình ảnh người vợ chậm rãi dắt ngựa leo núi mang theo những ông chồng say khướt, vắt vẻo ngủ khò sau một ngày vui chỉ còn trong quá vãng. 

Người đến chợ bây giờ chỉ toàn đi bằng xe cơ giới. Bãi giữ xe quá tải. Nhiều người vô ý xếp xe ngay bên đường rồi… khóa lại, đi chơi. Để có lối cho xe lưu thông, cán bộ chiến sĩ phải cùng lực lượng bảo vệ khiêng từng chiếc, dẹp sát mép vực.

Hình ảnh bãi xe tăm tắp, phần lớn toàn wave tàu, win cũ bị đưa về sân trụ sở Công an huyện và dòng người xe dài dặc như bất tận nối đuôi nhau trên con đường cheo leo vách đá khiến chúng tôi nhớ lại khuôn mặt không hồ hởi cũng không hẳn lạnh lùng, và cả phản ứng khá gay gắt của bà chủ nhà nghỉ Cáng Thị Mỷ khi vừa chớm hỏi về Chợ Tình. 

Bà Mỷ kể rằng, Chợ Tình đã ăn vào tiềm thức của bà từ những ngày vẫn theo chúng bạn chạy nhảy, leo trèo lên núi, lên nương. Chợ Tình không chỉ như truyền thuyết huyền hoặc mà bà và chúng bạn đều thuộc nằm lòng, là nơi hẹn gặp của những người yêu nhau không lấy được nhau mà còn là điểm gặp gỡ của nam nữ mỗi năm. 

Nhiều người đã nên vợ nên chồng từ những phiên chợ như thế. Khách du lịch đến ngày một nhiều. Chợ sẽ đông vui hơn nếu sau những ngày du khách nườm nượp về tham quan  ấy, Chợ Tình không bị hiểu theo cách tục hóa đến mức lệch lạc. Bà Mỷ bảo, họ hiểu như thế là coi thường người vùng cao. 

Cuộc sống của dân bản còn nghèo khó nhưng không phải họ không hiểu đạo vợ chồng. Dù gặp lại người cũ hàn huyên tâm sự, họ đều biết giới hạn. Cách hiểu của nhiều du khách khiến bà rất giận. Dù rằng, với bà và gia đình, du khách đang mang lại nguồn thu nhập chính…

Có lẽ sự nổi giận của bà chủ nhà nghỉ không còn quá lạ với Trung tá Lã Văn Việt. Nghe chuyện, anh chỉ thủng thẳng buông nhẹ như không rằng: Chợ Tình chỉ ý nghĩa khi chợ hết, tình còn. Mấy mươi năm gắn bó với đồng bào vùng cao nguyên đá, với anh, Chợ Tình chưa bao giờ thôi hấp dẫn. 

Nhiều năm tháng của thời trai trẻ, phụ trách địa bàn theo xã, cùng ăn, cùng ở với dân bản đã cho anh cảm nhận tận cùng cái khắc nghiệt của vùng cao nguyên này. Du khách ghé qua, mê mẩn bởi "cỏ cây chen đá, lá chen hoa". 

Ít ai biết, vài chục năm trước, có "nằm mơ", người Mèo Vạc cũng không thể nghĩ có một ngày sẽ có những con đường cho xe chạy thẳng về thôn bản. So với trung tâm huyện, có xã cách xa hơn 30km, bây giờ chạy xe vẫn mất hơn 3h đồng hồ. Những cung đường cheo leo, đầy những ổ voi ổ gà ấy vẫn thuận lợi chán so với việc phải lội suối, trèo đèo. 

Cái khó ấy còn hiện diện trong cả những chuyện cười mà cay sống mũi về các "đặc sản" có một không hai của Mèo Vạc. Rau cắp nách mùa khô hạn là một đặc sản như thế. Thực ra, đây là cây cải xanh trồng bên nhà sàn. Có khách, chủ nhà xuống ngắt vài lá, rũ qua, cắp nách mang lên… nấu canh. 

Lý do là nước sinh hoạt vô cùng khan hiếm, phải trèo đèo vượt dốc nửa ngày mới chạm đến mó nước, có khi gùi về nhà, nước chỉ còn 2/3. Những tháng khô hạn, mó cũng cạn trơ khấc. Đáy thùng chứa, rêu mọc xanh rì. Để có nước ăn, họ phải cắt vải màn ra lọc. 

Thời điểm chúng tôi ghé thăm, Mèo Vạc đã bớt khó khăn hơn rất nhiều. Nhờ hàng loạt các chương trình hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ khác, đồng bào đã có các bể treo để trữ nước, nhiều nơi có nước dẫn về tận bản. Nhưng, thiếu mưa, mó hết nước, không có bể trữ nước nào đáp ứng đủ nhu cầu. Ngay tại trụ sở Công an huyện, dù đã có bể nước kiên cố với sức chứa vài trăm khối, sau một thời gian dài không mưa, bể cạn. Muốn có nước dùng, cán bộ chiến sĩ phải mua 400.000đ/khối.

Sau những tháng ngày dài dặc giữa những trùng điệp núi đá và cuộc sống bốn bề gian khó ấy, Chợ Tình trở thành ngày hội hiếm hoi của người dân bản. Có trải qua cảm giác hồi hộp, đợi chờ hàng tuần, hàng tháng để đi chơi chợ mới hiểu Chợ Tình nhiều ý nghĩa đến như thế nào với đời sống người dân vùng cao nguyên đá. 

Người đến chợ không thể không đến Miếu Ông, Miếu Bà để cầu tình duyên, gia đình êm ấm. Năm 2018, Mê cung đá rực rỡ bởi những sắc đèn điện xanh đỏ tím vàng. Những sản phẩm mang theo hương phố thị hiện đại giăng mắc cho người đến chợ thêm vui mắt. 

Dù rằng, với du khách dưới xuôi, những không gian như thế có thể không lạ, thậm chí nhàm chán, còn người dân cố cựu đã quen với Chợ Tình xưa trái mắt. Nhiều người đã kém vui khi Chợ Tình luôn nườm nượp bước chân du khách đã giảm bớt không gian riêng tư cho các buổi gặp gỡ, hàn huyên...

Những sắc màu của phố thị hiện đại giúp vui mắt du khách nhưng cũng khiến nhiều người dân cố cựu thấy xa lạ với phiên chợ của chính họ.
Chợ Tình trong tương lai có thể sẽ còn nhiều đổi thay hơn nữa. Lượng người thập phương đổ về mỗi phiên chợ sẽ có thể còn nhiều hơn. Bởi, theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn được Chính phủ phê duyệt, vừa chính thức công bố tại Hà Giang vào giữa tháng 5-2018, Mèo Vạc sẽ trở thành một trong 4 trung tâm du lịch và Chợ Tình Khâu Vai là sản phẩm du lịch đặc thù, là một trong những điểm nhấn du lịch về văn hóa của cao nguyên đá. 

Nhưng, chắc chắn, nếu người làm quản lý, người làm du lịch và cả những người khách phương xa ghé thăm Chợ Tình chịu khó đặt mình vào tâm thế của người dân bản địa, Chợ Tình sẽ còn quyến rũ, dù rằng đó không phải là sự mê hoặc của Chợ Tình thủa nguyên sơ…. 

Ngọc Nguyễn
.
.
.