Lênh đênh những phận người không chứng minh thư

Thứ Năm, 13/11/2014, 10:00
Ở phía rìa sông Hồng đùn lên giải đất trống hoang vu, heo hút, chẳng khác nào bãi nghĩa địa, nhưng đó là nơi tá túc của 24 nhân khẩu. Theo con nước, số phận họ phiêu dạt về đây lập thành xóm "ngụ cư", xóm chài - ở bãi giữa sông Hồng, phường Phúc Xá, quận Long Biên (Hà Nội). Mỗi người dân ở xóm chài họ mưu sinh đủ thứ nghề từ trồng dâu nuôi tằm, bắt cá ven sông, bới rác gầm cầu, vớt xác người chết và sang hơn là bán nước chân cầu. Cuộc sống của những con người khốn khổ ấy le lói trong những túp lều nổi trôi trên sông và tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Phận người không chứng minh thư

Ngược cầu Long Biên, men theo con đường mòn dưới chân cầu, chúng tôi tìm về xóm chài ở bãi giữa sông Hồng vào một ngày nắng gắt. Gọi là xóm chài bởi địa phận cư trú của người dân nơi đây co cụm ở một góc sông. Những ngôi lều nát được chắp vá tạm bợ nằm lọt thỏm giữa vườn chuối xanh mướt. Khi chúng tôi tới, làng chài vắng tanh, hiu quạnh không một bóng người. Mãi đến gần trưa mới xuất hiện vài cụ già và những đứa trẻ con nheo nhóc đang hì hục bới rác ở quanh sông.

Ở bãi giữa sông Hồng phần lớn là những người xa xứ tới đây ngụ cư. Ngoài cái nghèo, những người dân ở xóm chài này họ chung một đặc điểm: không họ hàng thân thích, không tài sản và không giấy tờ tùy thân. Vì thế mà làng chài này còn được gọi với cái tên đặc biệt là “ngôi làng không chứng minh thư”. Ngay cả những cái tên cúng cơm từ thời cha sinh mẹ đẻ cũng ít người còn giữ. Khi chuyển tới vùng này, mỗi người được "khai sinh" bằng những cái tên mới.

Đón tiếp chúng tôi là một người đàn ông quắc thước, nước da đen nhẻm giọng nói sang sảng, đó là ông Nguyễn Đăng Được, 67 tuổi. Ông là người đầu tiên ngụ cư ở vùng đất này. Theo lời ông Được, từ khi được lập ra đến nay làng chài gồm 24 nhân khẩu, không thêm không bớt. Thời trước ở vùng này rất hoang sơ, heo hút không một bóng người xung quanh phất phơ vài nấm mồ. Nhận thấy bãi giữa sông Hồng phù sa màu mỡ, phì nhiêu, một số hộ gia đình ở Phúc Xá tới khai hoang lập nên những trang trại trồng chuối, trồng ngô xanh mướt.

Những chiếc thuyền rách nát, xiêu vẹo là nơi tá túc của người dân xóm chài.

Một mình sống trên bãi đất hoang, ngày ngày ông Được chài lưới trên sông Hồng, đêm về làm bạn với những tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái văng vẳng. Và cuộc sống cô độc của ông cứ thế lặng lẽ trôi đi từ ngày này qua ngày khác. Để bươn chải với cuộc sống khốn khó ấy, ngoài bới rác ông Được còn vớt biết bao xác người nổi trôi trên sông Hồng.

Cũng nhờ tên tuổi của lão dị nhân ấy mà nhiều người tỉnh lẻ tha hương cầu thực đã phiêu dạt về đây và lập nên xóm chài ở bãi giữa. "Lão thương những phận người như lão. Mỗi người tới đây, họ cũng có những nổi khổ riêng vì thế lão rất cảm thông và đã nhận cưu mang họ. Lão quyết định thuê lại một mảnh đất trống ở sát mặt sông để bà con dựng lều an cư lập nghiệp. Sau khi ổn định chỗ ở, lão lại giới thiệu nghề kiếm cơm để họ mưu sinh. Cuộc sống của người dân xóm chài thiếu thốn là vậy nhưng họ đùm bọc đoàn kết như người một nhà. Một nhà đói là cả xóm chịu đói, một nhà đau thì cả xóm đau chung" - ông Được giãi bày.

Và mỗi năm ông Được  tích cóp 12 triệu đồng để thuê lại góc sông cho bà con ở. Từng hộ gia đình sinh sống trong những túp lều dột nát, liêu xiêu bên dòng sông Hồng mênh mông. Những trận bão tố, mưa dông kéo đến đã trở thành nỗi ám ảnh của bà con xóm chài. Mùa nước cạn, bà con trồng rau, nuôi gà; mùa nước lũ thì cứ lênh đênh trên sông, kiếm được gì ăn nấy, có hôm chỉ có bát cơm, rau xanh, muối trắng. Ban đêm, họ sinh hoạt nhờ những tia sáng leo lét phản chiếu từ những bóng đèn cao áp trên cầu Long Biên. Có lẽ sống trong bóng tối cũng đã quen, nên mọi sinh hoạt của người dân nơi đây dường như cũng dễ dàng hơn.

Đánh đu với số phận

Ở vùng đất này mỗi người mưu sinh bằng một nghề từ chài lưới, bới rác cho đến bán nước chân cầu. "Dân xóm chài, gia đình nào sang thì bán nước chân cầu, còn lại ai nấy đi bới rác để kiếm tiền đổi gạo" - ông Được cho biết.

Mặc dù lam lũ mưu sinh nhưng gần như gia đình nào sống ở bãi giữa cũng chung một nạn đói, nạn bệnh. Gần như gia đình nào cũng nuôi ít nhất một người bệnh trong nhà. Gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến những người dân ở bãi giữa phải đánh đu với số phận. Nhiều người muốn giã từ mảnh đất nghèo này để tìm về quê hương nhưng không dám trở về chỉ vì sự ruồng bỏ của cha mẹ, anh em, họ hàng.

Bà Đào Thị Tân, một người đàn bà góa bụa suốt 20 năm bươn chải trên đất khách quê người, mỗi lần nhớ về gia đình, quê hương bà lại ứa nước mắt. "Tôi quê gốc ở Hưng Yên. Cuộc sống gia đình khốn khó, một mình lam lũ nuôi hai đứa con nhỏ. Để có tiền nuôi con tôi bỏ quê, bỏ con lên Hà Nội kiếm sống. Cũng vì xa nhà, xa con quá lâu nên mỗi lần quay về quê hương, họ hàng, bạn bè trở nên xa lánh, con cái thì ruồng bỏ. Chẳng còn cách nào khác là phải đi biệt tăm, biệt tích". Tới vùng đất mới, công việc của bà Tân là ngày đêm đi bới rác, mỗi ngày làm việc cật lực cũng được vài ba chục ngàn.

Cũng như bà Tân, bà Tuyết phải lam lũ bươn trải cuộc sống bằng việc ban đêm lên các khu chợ đầu mối để nhặt tôm, nhặt phế liệu. Có những hôm trời rét như cắt da cắt thịt, giữa đêm khuya bà phải lên chợ Long Biên nhặt nhạnh các thứ để đổi lấy 20.000 đồng mua gạo ăn.

Ông Nguyễn Đăng Được, một người lớn tuổi ở bãi giữa sông Hồng kể về quá trình khai hoang lập địa.

Ở xóm chài những đứa trẻ lên bảy, lên mười đã phải theo cha mẹ đi bới rác kiếm sống, ngay cả những cụ già tóc bạc, mắt mờ cũng lọm khọm chống gậy đi nhặt rác. Vợ chồng ông Thảo người gốc Nam Định, năm nay đã gần 80 tuổi nhưng ngày nào cũng chống gậy đi nhặt vỏ chai, giấy vụn bán kiếm tiền nuôi nhau. Cả hai ông bà giờ đã già cả đau ốm, ngay cả manh áo mặc trên người dường như đôi vợ chồng già cũng không có. "Miếng ăn bây giờ cũng không kham nổi. Vợ chồng tôi không còn khỏe nữa để mà đi bới rác nên hai phận già chỉ biết co cụm trên chiếc lều nát này thôi" - bà Xuân sụt sùi.

Mỗi khi đêm về, xóm chài này trở nên ồn ào hơn bao giờ hết bởi đêm nào cũng văng vẳng những tiếng kêu cứu thất thanh của người bệnh, con bệnh trong xóm. Những tiếng trẻ quấy khóc lúc nửa đêm, tiếng người lên cơn kinh giật… như xé tan bầu không khí tĩnh mịch, yên lặng ở vùng đất hoang này. Suốt một tháng ròng, người dân xóm chài thay phiên nhau túc trực để ứng phó với căn bệnh tim quái ác của bà Mai. Mỗi lần bà Mai lên cơn co giật, cả xóm lại thức trắng đêm. Điều kiện khó khăn, không có tiền phẫu thuật nên bà Mai nằm thoi thóp chờ chết. Tới bước đường cùng, cả xóm chài quyên góp tiền đưa bà Mai về Nam Định để lo hậu sự.

Còn gia đình anh Cường, sống trong túp lều dập dềnh nước. Vốn nổi tiếng là khá giả, "oách nhất" vùng vì gia đình có nghề truyền thống là bán nước gầm cầu, thế nhưng từ khi vợ ốm con bệnh, gia tài cũng trở nên khánh kiệt. Từ ngày vợ đổ bệnh, anh Cường còm cõi sống cảnh gà trống nuôi con. Đứa bé nheo nhóc khát sữa, đêm nào cũng quấy khóc đánh thức cả xóm chài.

Đi dọc bãi giữa sông Hồng, đâu đâu cũng thấy những đứa trẻ con nheo nhóc, mặt mũi đen đúa, quần áo rách rưới đang nô đùa trên những bãi đất trơ trọi. Trong số đó có rất nhiều đứa trẻ bé bỏng, gầy gò đói cơm, khát chữ. Chúng đi học đúng nghĩa chỉ để "xóa nạn mù chữ" vì thế đứa học cao cũng chỉ hết lớp 6, còn lại ở nhà phụ giúp cha mẹ kiếm tiền. Bà Nga buồn rầu: "từ đời ông bà, cha mẹ không biết chữ nên đến đời con, cháu cho nó học để lấy cái chữ. Chỉ cần biết chữ để đọc, để viết, để nhận biết đồng tiền là may rồi không mong gì học cao".

Vợ chồng bà Xuân, ông Thảo co cụm trong túp lều nát trên sông.

Ngăn cách nhau chỉ một con đê thế nhưng cuộc sống của người dân xóm chài chẳng khác nào chốn đảo hoang: Ở nội thành phồn hoa tráng lệ là vậy thì những người dân ở xóm chài ngày đêm chui lủi trong những túp lều tranh rách nát ở rìa sông. Mặc dù xóm chài giờ đây đã có điện sáng, có tivi, có đài, có cái "alo" nhưng cuộc sống của bà con nơi đây vẫn khốn khổ, thiếu thốn trăm bề.

Mỗi mùa bão đi qua những con thuyền bé nhỏ của người dân xóm chài lại rách nát tả tơi. Và cuộc sống của làng chài vẫn cứ lênh đênh trôi bên bờ con nước lớn. Rời khỏi làng chài, hình ảnh những người dân khốn khổ chui rúc trong chiếc thuyền rách nát khiến lòng tôi quặn lại. Qua các ô cửa những ánh mắt khắc khoải dõi theo bước chân của chúng tôi như thể đang mong chờ một điều gì đó.

Trao đổi về vấn đề này, UBND phường Ngọc Thụy cho biết: khu vực bãi giữa sông Hồng là nơi neo đậu của những người dân tứ xứ lưu lạc về đây thuộc sự quản lý của công an phường Ngọc Thụy. Cuộc sống của người dân rất khó khăn, hầu hết các hộ đều không có đất sản xuất nên kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào các nghề như bán hàng, nhặt rác, đội cát, giúp việc, làm thuê… Nhờ sự chịu khó, cần mẫn mà những hộ dân nơi đây có thể tự túc lo liệu cuộc sống của mình. Vốn là xóm tự quản nhưng người dân sống rất đoàn kết, giàu tình người ví như ông Được đen, vợ chồng ông Thành, bà Xuân… Hiện tại hàng tháng, quý công an phường thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, mang lại bình yên cho xóm chài sông Hồng. Đó là những nỗ lực trước mắt của chính quyền sở tại.

Vi Cầm
.
.
.