Lênh đênh "xóm thuyền"

Thứ Sáu, 06/02/2015, 19:00
Chỉ vì miếng cơm manh áo mà hơn 20 năm nay họ ngược dòng sông Lô phiêu dạt về đất này kiếm sống. Không hộ khẩu, không nước sạch, mọi sinh hoạt vỏn vẹn trên những chiếc thuyền bê tông cũ kỹ. Đa phần họ đều đến từ Vĩnh Phúc, thậm chí cùng làng, cùng xã lên đây buôn đồ gốm sứ. Khi thuyền không còn nước, khi cuộc sống chồng chất khó khăn, những người nơi đây chẳng có gì ngoài sự gắn bó và yêu thương nhau.
Ngh ca cha ông

Người ta bảo, cứ đi theo chân những chiếc xe thồ chở gốm sứ là sẽ tới được "xóm thuyền". Sở dĩ người ta gọi đây là "xóm thuyền" là vì hàng trăm con người hơn 20 năm nay chỉ sống trên thuyền, dựa vào những con thuyền để sinh sống. Đường vào "xóm thuyền" mùa này thật khó, con dốc nhỏ bùn đất trơn trượt bởi những trận mưa dầm đầu đông. Mới sáng sớm thôi mà cả xóm chỉ thấp thoáng vài bóng người. Khắp sườn dốc cơ man nào là chậu hoa, bình sứ, bát đĩa… đủ loại xếp thành hàng dài. Đang cố tìm lối xuống "xóm thuyền" thì tiếng người đàn ông đứng tuổi vọng ra từ chiếc thuyền cũ: "Cháu tìm nhà ai? Mờ sáng mọi người đã kéo nhau đi làm rồi. Nhà nào cũng thế, muốn gặp đủ mặt cũng phải 9 giờ tối".

Những chiếc thuyền không thể di chuyển do nước sông cạn.

Đa phần những người sống ở "xóm thuyền" đều là người dân từ tỉnh Vĩnh Phúc. Như thể làng nghề vậy, bao đời cha ông họ dùng thuyền xuôi dòng sông Lô, rồi ra sông Cái (sông Hồng) cập bến đất Hà thành buôn bán. Hàng hóa chủ yếu là đồ gốm sứ lấy từ Bát Tràng hay Quảng Ninh. Đến một ngày, hàng chục chiếc thuyền xi măng cỡ lớn của họ neo đậu ở nhánh sông thuộc phường Tứ Liên này rồi mắc kẹt do nước cạn. Bao con người ở đây chẳng thể bỏ thuyền, họ vẫn sống vẫn mưu sinh trên những chiếc thuyền mà cha ông để lại.

Anh Đào Quốc Dũng (45 tuổi, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) tâm sự: "Bây giờ những chiếc thuyền như nhà của chúng tôi vậy. Làm gì có đất mà lên bờ, mọi sinh hoạt đều ở trên thuyền. Hàng hóa để được trên bờ là xin phép chính quyền, thuê đất thôi". Chủ nhân của hơn 60 chiếc thuyền mắc cạn ở khúc sông này đều là những người cùng xã. Vậy mà tiếng là đồng hương nhưng chẳng mấy khi họ có dịp giao lưu, chuyện trò. Họ bận mưu sinh. Người thì đi nhặt sắt vụn, vỏ chai, người thì chở gốm vào nội thành bán, người lại chở cát dưới bãi sông lên bán.

Anh Dũng ngồi co ro trong khoang thuyền nhìn ra ô cửa nhỏ xíu, chốc chốc lại rít hơi thuốc sâu, anh kể: "Chúng tôi lên đây cũng cả hơn 20 năm. Các cụ sinh những 11 người con, đất đai thì ít chẳng đủ cho từng đó anh em. Vạn bất đắc dĩ chúng tôi mới phải phiêu dạt lên đất này. Mấy anh em mỗi người một nơi, người Huế, người Sài Gòn, người mãi tận Cao Bằng. Mấy anh em đều khó khăn cả, mấy năm cũng chẳng gặp nhau được một lần".

Dẫu biết neo đậu thuyền bè tại đây là sai, nhưng anh Hòa đành bất lực vì thuyền mắc kẹt nhiều năm.

 Trước đây, vợ chồng anh cũng theo chân cha mẹ có một chiếc thuyền nhỏ đạp chân, thả lưới buông câu ở đoạn sông Lô chảy qua Vĩnh Phúc. Nhưng rồi cá cũng thưa dần, họ đánh bắt xa hơn, bạ đâu nghỉ chân đấy, rồi họ dạt về đây. Nghề đánh cá mất, thấy mọi người buôn gốm, sành sứ, vợ chồng anh cũng học theo. Lâu lâu thành nghề kiếm cơm, chiếc thuyền xi măng của anh cũng chẳng còn lành lặn, vá chỗ nọ, đắp chỗ kia. "Nhặt được thanh gỗ, chúng tôi lại đóng vào thuyền, chắp vá 9 năm trời bây giờ mới gọi là tạm ổn. Tạm chống được những ngày nước lên, gió lớn đấy" - anh Dũng tâm sự.

Vợ anh Dũng là chị Huệ, người phụ nữ nổi tiếng tần tảo ở "xóm thuyền". Ngày nào cũng vậy, chị chở đầy một xe thồ đủ đồ gốm sứ vào nội thành bán dạo. Ngày thuận thì được trăm nghìn, ngày kém thì vài chục, có khi chẳng được đồng nào.

Ở "xóm thuyền" này mỗi người một hoàn cảnh, điểm chung duy nhất của họ lại là cái nghèo. Anh Phòng Văn Nhơn, người dân tộc Nùng (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), hơn chục năm sống được là nhờ nghề nhặt ve chai. Chẳng mấy khi người ta thấy Nùng cười, lúc nào cũng buồn rười rượi. Nhà có 9 anh chị em, ruộng nương ít, kéo nhau lên cửa khẩu Lào Cai làm ăn. Sau bị “xã hội đen” đuổi đánh nên mỗi người dạt một hướng. Đã chục năm dạt về đây nhưng Nhơn chưa một lần về thăm quê. Bố mẹ, anh chị em cũng chẳng biết ai còn, ai mất. Một nơi để ngả lưng cũng không có, nói gì đến nhà, đến đất. Ngày ngày đi nhặt sắt vụn, vỏ chai, đêm đến bạ ở mỗi thuyền một lúc chờ đến sáng.

Chị Dung, người có thâm niên sống ở "xóm thuyền" này vào hàng lâu nhất nhì. Chị Dung cười nói: "Chú cứ đi khắp Hà Nội này, thấy những người bán đồ gốm sứ dạo rỉ tai hỏi thì tất thảy đều là người Vĩnh Phúc cả. Chúng tôi lên đây mưu sinh cũng vì ở quê khó khăn, đông anh em. Cả chục người chỉ có vài ba sào ruộng, muốn làm cũng chẳng có việc gì mà làm. Ăn còn chả đủ, nói gì đến việc cho con cái đi học hành". Nghề của chị Dung khác hẳn với những người ở "xóm thuyền", đến mùa khô chị đánh xe bò xuống khu nước cạn chở cát thuê cho các hộ trồng đào, quất và xây dựng. Mỗi ngày gò lưng xúc cát cũng chỉ được chục chuyến xe bò. Mỗi chuyến người ta trả cho 10 nghìn đồng, vậy là 1 ngày cũng được xấp xỉ 100 nghìn đồng. Tằn tiện, trừ ăn uống bỏ ra cũng chỉ dăm bảy chục nghìn.

Trăm b khó khăn

Dù không một mảnh đất cắm dùi nhưng ở khúc sông này, "xóm thuyền" như thể người bản địa. Họ ở đây, gắn bó với nhánh sông này mấy chục năm, có gia đình sống đến 30 năm. Trước kia nước sông còn sạch, sông nước đầy họ di chuyển nay đây mai đó. Nhưng giờ nước cạn, hàng chục con thuyền mắc kẹt, tức họ phải sống cố định dù ở trên thuyền. "Chúng tôi ở đây hằng năm cũng phải khai tạm trú tạm vắng, rồi đóng góp đủ thứ như người dân địa phương". Cuộc sống đã khó khăn, nay người dân "xóm thuyền" càng khó khăn khi họ cũng phải đóng góp những khoản phí như những người đang bản địa. Nào tiền phí vệ sinh hơn 20.000đ/người, rồi tiền điện, tiền mua nước sạch, tiền phí đường.

Anh Dũng sống tại khúc sông này hơn 20 năm - anh đã coi nơi này như quê hương thứ 2.

Anh Hòa nói: "Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ, cuộc sống chúng tôi lại khó khăn. Thôi thì ở đây rồi thì tuân thủ những quy định của pháp luật, của địa phương. Vợ chồng con cái chỉ biết bảo nhau tiết kiệm, điện nước khi nào thật cần thì hãy dùng". Anh Hòa nói thêm: "Thỉnh thoảng họ lại phạt tiền vì tội neo đậu thuyền không đúng nơi quy định. Nếu căng một chút lều bạt lên cũng bị dỡ bỏ ngay. Dẫu biết chúng tôi như vậy là sai nhưng thuyền bè mắc kẹt ở đây làm sao đi đâu được. Chúng tôi cũng có cái khổ của chúng tôi chứ".

Mỗi ngày tằn tiện vợ chồng anh Hòa cũng chỉ bỏ được ra vài chục nghìn, số tiền tiết kiệm được lại dồn về quê nuôi bố mẹ già và cho các con ăn học. Hai vợ chồng hằng tháng cắt cử nhau về quê vài ngày mang tiền về nuôi con. "Chúng tôi tranh thủ về nhà rồi lại phải đi ngay, chứ 1 ngày không lên đây kiếm ăn là đói. Cũng đành phải để các cháu ở quê, chứ lên đây biết học ở đâu".

Câu chuyện mà nhiều ngày nay dân "xóm thuyền" bàn nhau nhiều nhất là "quy định cấm bán hàng rong". Anh Hòa nói: "Nếu đúng là nhà nước cấm bán hàng rong thì bà con chúng tôi không còn cửa sống. Chả lẽ vợ chồng con cái ôm nhau ở trên thuyền này sao? Anh thấy đấy, cả xóm này đâu phải nhà nào cũng có xe máy để đi vào các chợ lớn bán đâu, có vào cũng không có cửa hàng, cửa hiệu gì. Thỉnh thoảng lại có người mếu máo kêu là bị bắt, thu giữ hết hàng"- giọng anh Hòa rầu rầu.

Chiếc thuyền của anh Hòa ngày một xuống cấp.

Ngồi ở một góc thuyền, chị Huệ lau vội những giọt nước mắt vì sợ chúng tôi nhìn thấy: "Nhà tôi có 5 cháu gái, vất vả quá. Chúng tôi phải gửi ở nhà với ông bà. Cứ đà này chắc chỉ cho chúng học hết cấp II. Chúng tôi thương các cháu lắm nhưng biết làm sao được. Bao nhiêu năm sống ở đây nhưng có khi nào đưa các cháu lên đây thăm bố mẹ được đâu. Lên đây tàu xe tốn kém, ăn uống lại đắt đỏ, tiền đâu mà cho chúng đi chơi".

Nhìn về phía những con thuyền nằm bất động bên dòng nước đen kịt, chị Huệ  thở dài: "Thuyền không nước không sớm thì cũng vỡ thôi. Nước cạn, bốn bề là đất cát. Thuyền chúng tôi biết dạt đi đâu được. Dù sao cũng là gia tài của cha ông để lại, thật khó để chúng tôi bỏ nó".

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội: "Đấy là chợ truyền thống nên cũng khó để có thể xóa bỏ. Nó như một nét văn hóa đặc trưng của quận Tây Hồ. Về phần Công an cũng chỉ biết quản lý về tạm trú, tạm vắng và an ninh trật tự. Còn về chợ nói chung thì chợ nào cũng đều có những phức tạp. Nhưng về cơ bản thì những hộ buôn bán ở đây đều chấp hành tốt những quy định về pháp luật".
Phong Anh
.
.
.