Lịch sử của dấu vân tay trong ngành pháp y

Thứ Hai, 07/12/2020, 19:38
Đa số các tội phạm đều muốn che giấu tội ác man rợ mà mình đã gây ra nhằm trốn tránh vòng vây của pháp luật. "Lưới trời lồng lộng, thưa nhưng khó thoát", tội ác của các tên sát nhân gây ra đều có những nhà thực thi pháp luật luôn cố gắng đi tìm sự thật để "vạch trần" chúng. Và công việc giám định pháp y là một "cánh tay" đắc lực giúp các thanh tra cảnh sát phá được nhiều vụ án hóc búa.


Trong ngành giám định pháp y, ngoài xét nghiệm ADN thì kiểm chứng vân tay là một trong những phương pháp hữu hiệu. Nhờ có phương pháp kiểm chứng vân tay mà các cảnh sát mới tìm ra được danh tính thật sự của nạn nhân và hung thủ.

Con người đã nhận ra sự độc đáo của các dấu vân trên bàn tay trong hàng nghìn năm trước. Tuy nhiên, cho đến đầu thế kỷ 20, việc phân tích dấu vân tay mới thực sự trở thành phương pháp trong giám định pháp y nhằm hỗ trợ việc phá án.

Lịch sử

Trong thời Babylon cổ đại, con người đã biết dùng dấu vân tay ấn lên đất sét để đóng dấu giao dịch giấy tờ kinh doanh. Người tiên phong tìm hiểu về dấu vân tay chính là nhà thông thái nhân chủng học người Anh tên Francis Galton, ông cũng là người đặt ra thuật ngữ "thuyết ưu sinh" (là khoa học ứng dụng các phương thức cải thiện cấu tạo gen trong dân số). Francis Galton cùng anh họ là nhà sinh vật học Charles Darwin đã tìm hiểu về dấu vân tay của loài người. Từ năm 1892, Francis Galton đã phát hiện dấu vân tay của con người cả đời không thể thay đổi được, có thể phân biệt và định dạng. Ban đầu, nhà nhân chủng học Francis Galton cho rằng, dấu vân tay của một người có thể xác định được họ thuộc chủng tộc nào và mức độ thông minh đến đâu. 

Với giả thuyết của mình, Francis Galton đi nghiên cứu sâu về dấu vân tay của loài người, ông tạo ra một hệ thống phân loại gọi là "Chi tiết của Galton" (các chi tiết cụ thể của dấu vân tay). Hệ thống này xác định được các đường gờ nổi lên trong bản in dựa vào năm đặc điểm: bao vây, đường gờ ngắn, dấu chấm, phần cuối của đường gờ và sự phân đôi. Các pháp y ngày nay có thể nghiên cứu dựa trên những chi tiết này để xác định xem hai bản in có giống hay không, nhằm giám định dấu vân tay của hung thủ để lại tại hiện trường với các nghi phạm.

Tiến sĩ Jan Halamek là một giáo sư tại Đại học Albany ở New York (Mỹ), đã dẫn đầu một nhóm nghiên cứu làm hàng loạt bài kiểm tra để xác định giới tính của con người qua dấu vân tay của chính họ. Không phải kiểm định qua kích thước và hình dạng dấu vân tay để nhận định giới tính, tiến sĩ Jan Halamek kiểm tra và phân tích các hợp chất axit amin trong các bản in tiềm ẩn. 

Được biết, những dấu vân tay dính trên đồ vật được tạo ra bởi mồ hôi và dầu tự nhiên, do đó, việc đốt nóng các hình in và bôi một loại thuốc nhuộm hoá học đặc biệt sẽ khiến dấu vân tay chuyển sang một màu cụ thể dựa trên nồng độ axit amin do da để lại. Tiến sĩ Jan Halamek cho biết, nếu theo công thức giám định này thì độ chính xác lên đến 99%, bởi lẽ nữ giới có nhiều axit amin hơn nam giới.

Nhà tội phạm học người Pháp là ông Edmond Locard bắt đầu nghiên cứu dấu vân tay của con người từ năm 1910, dành cho mục đích phá được nhiều vụ án hơn nữa. Chuyên môn của Edmond Locard là soi poroscopy (phương pháp nhận dạng danh tính người qua lỗ chân lông mồ hôi của dấu vân tay). 

Edmond Locard không chỉ kiểm tra các đường vân của dấu vân tay, mà ông còn kiểm tra các lỗ chân lông trên da để lại. Vài năm sau khi nghiên cứu, Edmond Locard xác định được rằng, nếu 12 điểm trên hai dấu vân tay trùng khớp với nhau thì những dấu vân tay đó được tạo bởi cùng một ngón tay. Tiêu chuẩn này vẫn được sử dụng cho đến ngày này, tuy nhiên hệ thống pháp luật của các quốc gia đặt ra các tiêu chuẩn khác nhau về số lượng điểm khớp cần thiết để xác định hai dấu vân tay có cùng của một người hay không.

Hung thủ có thể để lại ba loại dấu vân tay khác nhau mà các nhà điều tra vụ án có thể tìm và giám định được, đó là: sáng chế, tiềm ẩn và nhựa. Các bản in bằng sáng chế có thể dễ dàng tìm thấy và nhìn thấy bằng mắt thường, bởi dấu vân tay được in bằng máu, mực, bụi bẩn, dầu mỡ,… Nếu hung thủ có bàn tay dính máu chạm vào các bề mặt rắn, hắn ta sẽ để lại một bản in trên các vậy dụng đó, bản in được gọi là in bằng sáng chế. Còn bản in tiềm ẩn để chỉ những dấu vân tay không hoàn toàn hiển thị hay là mắt thường khó có thể nhìn ra được. 

Nhiều năm trước, nhà tù thường sử dụng hệ thống Bertillon (mỗi người có một số đo khuôn mặt riêng) để kiểm soát tù nhân. Tuy nhiên hệ thống này đã bị lộ điểm hạn chế khi có hai tù nhân cùng tên William West và các đặc điểm trên khuôn mặt họ đều giống nhau, mặc dù cả hai không quen biết. Cuối cùng, giám ngục phải sử dụng phương pháp nhận dạng dấu vân tay cho tù nhân. Giờ đây, đa số các nhà tù đều thêm mục xác nhận dấu vân tay cho tù nhân bị giam, vì mỗi người đều có dấu vân tay khác nhau không thể bị nhầm lẫn.

Giám định dấu vân tay là một phương pháp không thể thiếu trong khoa học pháp y, nhờ đó mà các cơ quan điều tra phá được nhiều vụ án.

Đến năm 1977, chứng chỉ chuyên nghiệp khoa học pháp y với chuyên ngành giám định dấu vân tay được ra đời bởi IAI (Hiệp hội nhận dạng quốc tế chuyên ngành dấu vân tay cho các pháp y). Hiện nay, chứng chỉ này vẫn cần trong một số hạng mục của ngành pháp y khác nhau.

Vụ án đầu tiên

Francisca Rojas ngoài được biết đến với tội ác giết chết hai người con của mình ra thì ả cũng được biết đến với danh hiệu người đầu tiên bị bắt bởi phương pháp giám định dấu vân tay. Ngày 29-6-1892, một người phụ nữ ở Necochea, Buenos Aires (Argentina), tên là Francisca Rojas đã cáo buộc với cảnh sát rằng người hàng xóm giết hai đứa con của mình. Francisca Rojas được tìm thấy bị thương bên lề đường gần nhà của mình, cô ả đã khóc lóc và kể lại sinh động vụ việc cho các thanh tra viên nghe. Francisca Rojas tự cắt cổ để nói dối mình bị tấn công, cô ả diễn đạt đến mức, các thanh tra không mảy may nghi ngờ mà đã tin vào câu chuyện của ả ta. Francisca Rojas đổ lỗi cho người hàng xóm của mình là Pedro Ramón, anh chàng cũng chính là người yêu cũ của ả. Nạn nhân là bé trai Ponciano Carballo Rojas (6 tuổi) và em gái Teresa (4 tuổi), cả hai bị sát hại một cách dã man trong nhà. Các thanh tra viên liền bắt giam Pedro Ramón vào ngục tối, nhưng mưu đồ vu oan của Francisca Rojas đã bị phanh phui khi cảnh sát tìm được một dấu vân tay đẫm máu trên cánh cửa nhà cô. 

Thanh tra cảnh sát Alvarez từ sở Cảnh sát Trung ương đã đảm nhận vụ án này khi Pedro một mực kháng án nhận mình vô tội. Cảnh sát Alvarez nhận thấy anh Pedro có bằng chứng ngoại phạm, vào hôm xảy ra vụ án, Pedro đang đi chơi cùng bạn của mình. Cảnh sát Alvarez cũng chứng thực được việc bạn trai mới của Francisca Rojas từng nói rằng, anh ta sẽ cưới ả nếu như "không có hai đứa nhóc đó". 

Cảnh sát Alvarez khám nghiệm lại hiện trường đã xảy ra vài ngày trước và anh tìm được dấu vân tay dính máu đã chuyển sang màu nâu ở cửa phòng ngủ. Francisca Rojas trước đó khẳng định mình không hề chạm đến những đứa con của mình trong và sau khi chúng bị sát hại. Ban đầu, các thanh tra khác cho rằng dấu vân tay đẫm máu trên cửa là của Pedro nhưng cảnh sát Alvarez đã sử dụng phương pháp giám định vân tay, chứng minh được dấu trên cửa chính là vân tay của Francisca Rojas, cô ả phải thú nhận tội ác sát hại hai người con của mình. Phá giải vụ án đã đặt nên cơ sở chứng minh được tính ưu việt của giám định vân tay trong các vụ án. Argentina trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới loại bỏ nhân trắc học và lập hồ sơ tội phạm dựa trên phân loại dấu vân tay. Ngày nay, giám định dấu vân tay là một phương pháp không thể thiếu trong khoa học pháp y, nhờ đó mà các thanh tra phá được nhiều vụ án, lôi được kẻ thủ ác ra "ánh sáng" pháp luật.

Ngọc Hà (tổng hợp)
.
.
.