Liên minh ngân hàng Nhật Bản phát triển tiền ảo riêng

Chủ Nhật, 15/10/2017, 11:05
Các ngân hàng Nhật Bản đang tìm cách tung ra đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ, gọi là J-Coin để giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng.


Tập đoàn Tài chính Mizuho là một trong những định chế tiên phong trong dự án này. "Dự án đang trong giai đoạn đầu, và chúng tôi vừa tổ chức các cuộc họp nghiên cứu với các tổ chức khác", phát ngôn viên của Mizuho nói với CNBC hôm 27-9 vừa qua.

Theo tờ Financial Times, một liên minh các ngân hàng bao gồm Japan Post Bank đã tham gia vào việc tạo ra J-Coin. Đồng tiền ảo này sẽ được triển khai kịp thời cho Thế vận hội Tokyo vào năm 2020.

J-Coin sẽ có tỷ giá 1 ăn 1 với đồng yen Nhật Bản.

Người phát ngôn của Mizuho đã từ chối bình luận về sự tham gia của các ngân hàng khác hoặc thời gian biểu cho các giai đoạn của dự án. Người này cũng nói với CNBC rằng chưa có sự phê chuẩn của các nhà chức trách đối với J-Coin. Tuy nhiên, trang Technology Review cho biết dự án đã được sự ủng hộ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), và được sự “chúc lành” của các nhà quản lý tài chính.

Mizuho cho biết, đồng J-Coin sẽ được “gắn với đồng yen Nhật Bản, và hy vọng được sử dụng để thanh toán và chuyển khoản thông qua một ứng dụng điện thoại di động". Theo Technology Review, J-Coin có thể chuyển đổi thành đồng yen với giá trị tương đương, hoạt động nhờ một ứng dụng trên smartphone và sử dụng mã QR quét tại các cửa hàng. Các ngân hàng sẽ cung cấp dịch vụ này miễn phí. Đổi lại, họ sẽ có thêm dữ liệu về các thói quen chi tiêu của người dùng.

“Tôi nghĩ tiền này sẽ tốt hơn các loại thẻ. Vì khi bạn thanh toán thẻ, cửa hàng sẽ mất phí”, Yasuhiro Sato, Chủ tịch kiêm CEO Mizuho Financial Group, chia sẻ với Financial Times.

Tập đoàn Mizuho đã nghiên cứu không gian tiền tệ kỹ thuật số trong nhiều tháng qua, và được cho có một sự “quan tâm đặc biệt” về công nghệ blockchain, nền tảng vàng của các đồng tiền kỹ thuật số đang có mặt trên thị trường. Dù vậy, vẫn chưa rõ liệu J-Coin có được phát triển dựa trên công nghệ blockchain hay không.

Blockchain là một hệ thống sổ cái phân phối mà hứa hẹn sẽ cách mạng hóa nhiều quy trình tại các tổ chức tài chính lớn, ví dụ như chuyển tiền và tài trợ thương mại. Đầu năm nay, Tập đoàn Mizuho đã hoàn thành một giao dịch tài chính thương mại với các đối tác tại Úc trên một nền tảng kỹ thuật số với sự hỗ trợ hoàn toàn của công nghệ blockchain.

So với các nước khác, Chính phủ Nhật Bản được đánh giá là rất cởi mở với ý tưởng về tiền tệ số. Đầu năm2017, bitcoin được hợp pháp hóa như một trong những phương thức thanh toán hợp pháp ở Nhật Bản, và các nhà bán lẻ lớn của nước này cũng bắt đầu chấp nhận giao dịch bằng tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, tiền mặt vẫn đang được sử dụng khá nhiều ở đất nước Đông Á này. Khoảng 70% giá trị giao dịch tại Nhật là bằng tiền mặt - cao nhất trong nhóm nước phát triển.

Các nhà chức năng hy vọng sự ra đời của J-Coin có thể là một cách để loại bỏ tiền mặt ra khỏi xã hội Nhật Bản. Ông Sato giải thích: “Chúng tôi thích tiền mặt vì Nhật là một đất nước thích an toàn. Tuy nhiên, tiền mặt không hiệu quả nên chúng tôi phải thay đổi cấu trúc sang tiền điện tử”.

Các ngân hàng ước tính rằng, hệ thống mới này có thể đóng góp 10 tỷ yen cho kinh tế Nhật, nhờ cắt giảm các chi phí xử lý tiền mặt và các khoản phí thanh toán cho nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Họ dự định tiết lộ kế hoạch về J- Coin trong vài ngày tới.

Trước đó, Financial Times cho biết, các ngân hàng toàn cầu thuộc nhóm lớn nhất thế giới vừa tham gia dự án phát triển một loại tiền ảo chung, dự kiến sẽ ra mắt vào năm tới. Những ngân hàng này gồm: Barclays, Credit Suisse, Ngân hàng Thương mại Hoàng gia Canada (CIBC), HSBC, MUFG và State Street, cùng với các thành viên trước đó của dự án như: Deutsche Bank, Banco Santander, BNY Mellon và NEX.

Đồng tiền của họ được gọi là “tiền giao dịch tiện ích” do Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ phát triển, nhằm giúp thị trường tài chính hoạt động hiệu quả hơn. Đồng tiền này được dựa trên công nghệ blockchain đang được ưa chuộng. Loại tiền ảo mới này sẽ trở thành công cụ cho phép các tập đoàn tài chính thanh toán cho nhau hoặc mua cổ phiếu, trái phiếu mà không cần phải chờ hoàn tất giao dịch chuyển tiền theo cách truyền thống. Tiền này có thể được chuyển đổi trực tiếp sang tiền mặt tại các ngân hàng trung ương ra các loại tiền tệ khác nhau.

Tấn Phát
.
.
.