Lỗ hổng an ninh trong bệnh viện

Thứ Tư, 18/11/2015, 07:00
Không có hình ảnh nào nói về ác tính của "giang hồ" hơn những clip ghi lại cuộc truy sát nạn nhân bên giường bệnh. Ở nơi tính mạng bệnh nhân được bao con người tranh thủ từng phút, từng giây để giành giật với tử thần, lại có những kẻ khát máu đến mức đang tâm cướp đi cơ hội mong manh của sự sống. 

Lỗ hổng an ninh trong các bệnh viện dù không còn là chuyện mới, nhưng vẫn đậm tính thời sự, khi mà thảm án tại phòng cấp cứu lại xảy ra khiến dư luận nhức nhối. Phải chăng công tác bảo vệ trật tự trị an tại các bệnh viện còn bất cập trước sự lộng hành, "coi trời bằng vung" của những tên côn đồ máu lạnh? 

"Lấy số" bằng máu

Côn đồ "lấy số" bằng sự ngông cuồng, thể hiện "bản lĩnh" dám thách thức những chuẩn mực xã hội và pháp luật. Cách "dễ" nhất mà chúng thường làm, đó là thẳng tay bổ dao xuống đầu người khác, bất chấp tính mạng con người cùng nỗi đau mà xã hội phải gánh chịu từ hành vi ác tính đó. Đỉnh điểm của sự man rợ, có lẽ là việc "đuổi cùng giết tận" nạn nhân, dù họ đã nằm trên cáng cứu thương hay trong phòng cấp cứu tại các bệnh viện.

Camera an ninh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận ghi hình hung thủ đâm anh Phạm Văn Hưng ngay trên giường bệnh.

Mới đây nhất, vụ truy sát tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi khiến bất cứ ai cũng phải rùng mình. Khoảng 17h ngày 27/10/2015, nhóm côn đồ do Nguyễn Hữu Điều (ở TP Quảng Ngãi) cầm đầu, đã xông vào khoa cấp cứu đâm chém anh Trần Anh Tuấn (ở P. Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi).

Bị tấn công bất ngờ, anh Tuấn né tránh rồi bỏ chạy vào buồng cấp cứu. Các đối tượng đuổi theo, dồn anh vào góc tường rồi vung dao chém tới tấp. Nạn nhân vơ lấy máy điện tim giơ lên chống đỡ những nhát chém chí mạng, nhưng vẫn bị chém nhiều nhát trúng đầu, tay, lưng. Đám côn đồ chỉ rời đi khi lực lượng bảo vệ bệnh viện chạy tới can thiệp. Trên đường rút chạy, chúng còn xông vào bốt gác ở cổng chính để chém một nhân viên bảo vệ. Vụ truy sát làm đình trệ công tác khám chữa bệnh ở khoa Cấp cứu khoảng 2 giờ đồng hồ.

Chiều 14/10/2015, camera an ninh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đã ghi lại toàn bộ diễn biến cuộc "tập kích" kinh hoàng. Nạn nhân Phạm Văn Hưng (ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc) đang nằm bất động trên giường cấp cứu thì có một nam thanh niên tiến đến bên cạnh như người thân. Bất ngờ y vung dao chém như băm xuống người anh Hưng rồi nhanh chân bỏ chạy. Nguyên nhân được xác định do các bên đã mâu thuẫn và ẩu đả nhau một trận trước đó.

Đêm 8/8/2015, anh Nguyễn Tuấn Định (ở Hải Dương) đã bị giết trên giường bệnh bởi những nhát đâm thấu phổi tại Cơ sở 2 của Bệnh viện đa khoa huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng). Những tên sát nhân này trước đó đã đánh đập anh Định dã man đến mức phải nhập viện cấp cứu, chỉ vì cho rằng nạn nhân "nhìn đểu" chúng. Biết anh Định đã "thập tử nhất sinh", nhưng chúng vẫn không buông tha.

Tên Nguyễn Hồng Nguyện - tức Nguyện "chùa" (ở xã Hùng Thắng, Tiên Lãng, TP Hải Phòng) được xác định là kẻ trực tiếp đâm anh Định đến chết. Giết người ngay trong phòng khám của bệnh viện liền kề với trụ sở UBND và Công an xã Hùng Thắng, đã chứng tỏ sự táo tợn, ngông cuồng đến tột cùng của nhóm tội phạm này.

Vẫn tại Hải Phòng, rạng sáng ngày 19/4/2015 đã xảy ra vụ đánh chém kinh hoàng tại Bệnh viện Việt Tiệp. Nguyên nhân cũng dẫn dắt từ mâu thuẫn, xích mích trong phòng hát Karaoke trước đó. "Hiệp 1" xảy ra với phần thua thuộc về nhóm Lương Mạnh Dương (ở quận Hải An, TP.Hải Phòng).

Sau khi những người bị thương được đưa vào Bệnh viện Việt Tiệp cấp cứu, nhóm Nguyễn Hữu Phú (ở quận Hồng Bàng) tiếp tục vào bệnh viện truy sát, khiến Dương ôm đầu máu bỏ chạy. Đúng lúc đó, đàn em của Dương do Nguyễn Văn Tú cầm đầu kéo đến tiếp ứng. Hai nhóm đã có trận "thư hùng" đầy máu me ngay trước cửa phòng cấp cứu. Chúng chỉ rời nhau ra và bỏ chạy khi lực lượng Công an xuất hiện. 

Ông Hà Đình Thủ (Giám đốc Công ty dịch vụ bảo vệ an ninh Yên Việt) cho biết: "Công ty chúng tôi đang triển khai bảo vệ tại một số bệnh viện. Thời gian qua, đã xảy ra khá nhiều vụ côn đồ săn lùng và truy sát người bệnh. Các vụ việc này đều có điểm chung, đó là các bên đã có xích mích, ẩu đả nhau từ trước.

Tan cuộc, người bị thương nhập viện cấp cứu, nhưng đối thủ không chịu buông tha. Chúng sẽ dò tìm nơi cứu chữa của họ để "làm" nốt những việc "chưa xong". Những cuộc đánh chém chí mạng trong bệnh viện thường để lại hậu quả rất thảm khốc. Người đã nằm trên cáng cứu thương hay trong phòng cấp cứu, thường không còn khả năng kháng cự hay trốn chạy, còn bọn côn đồ lại đang trong cơn say máu. Vì đánh chưa "đã tay", hay để phục thù, rửa hận… nên bọn chúng chẳng ngần ngại gì khi đâm, chém thùm thụp vào những thân thể đã bất động.

Vụ côn đồ truy sát tại Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng).

Trọng án ở bệnh viện đương nhiên là gây hoảng loạn trong nhân viên y tế và bệnh nhân. Hoạt động cấp cứu, điều trị vì thế mà bị đình trệ, đe dọa tính mạng của bao nhiêu con người. Có những vụ y bác sỹ và nhân viên bảo vệ xông vào can ngăn thì bị chúng đánh chém luôn".

Vì sao khó ngăn chặn?

Vấn đề an ninh tại các bệnh viện luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Thời gian qua, tình trạng "cò" níu kéo bệnh nhân, nạn côn đồ tấn công bệnh viện hoặc trộm cắp, móc túi, bắt cóc trẻ em vẫn xảy ra nhức nhối dư luận.

Nói về thực trạng công tác bảo vệ tại các bệnh viện hiện nay, ông Hà Đình Thủ cho biết "khâu yếu nhất" vẫn là con người. Ở nhiều nơi, nhất là bệnh viện tuyến huyện, người ta không thuê bảo vệ chuyên nghiệp, mà nhận số người nhà là con em cán bộ, nhân viên trong cơ quan để làm bảo vệ. Họ có thể đã về hưu, hoặc không có công ăn việc làm. Chính vì không chuyên, nên số nhân viên bảo vệ này thường thì không được trang bị các kiến thức cần thiết để bảo vệ mục tiêu, cũng như các kỹ năng xử lý tình huống phức tạp. Thứ đến là việc đầu tư mua sắm, trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rất hạn chế. Các thiết bị an ninh (như camera giám sát) nhiều nơi chưa có, hoặc chưa đáp ứng yêu cầu giữ gìn trật tự trị an.

Ở các bệnh viện  lớn thì công tác bảo vệ đã được quan tâm, bằng việc ký các hợp đồng dịch vụ bảo vệ với các công ty cung ứng dịch vụ này. Về hình thức thì hoạt động bảo vệ ở đó khá chuyên nghiệp, nhưng nếu đi sâu tìm hiểu thì cũng có nhiều chuyện để nói.

 "Kinh doanh dịch vụ bảo vệ hơn 10 năm nay, nên tôi biết thực trạng hoạt động này đang tồn tại những bất cập, yếu kém. Vì có quá nhiều đơn vị "tranh thầu" các gói dịch vụ bảo vệ bệnh viện, nên họ đua nhau chào mời giá thấp nhất để "vào" được. Kết quả là vì giá dịch vụ thấp, nên mức lương bảo vệ không thể cao được, điều này tác động đến tinh thần làm việc và ý thức trách nhiệm của nhân viên. Đồng thời, các hạng mục đào tạo nghiệp vụ, võ thuật, pháp luật, kỹ năng ứng xử, giao tiếp… cũng bị cắt giảm tối đa, bởi nếu gánh thêm chi phí này thì công ty còn gì là lợi nhuận. Hoặc nếu có đào tạo thì cũng như "chuồn chuồn đạp nước", qua quýt cho xong. Nhiều công ty chỉ mặc cho nhân viên bộ quần áo bảo vệ rồi giao cho mục tiêu ngay. Chính điều này ảnh hưởng đến chất lượng công tác bảo vệ. Nhân viên thường bị thiếu đi khả năng ứng phó với các tình huống phức tạp. Một số thấy đánh nhau, nhất là thấy đối tượng có thái độ hung hãn, tay lăm lăm dao kiếm… thì không chạy trước mới là lạ. Nếu ở lại thì cũng lúng túng như "gà mắc tóc" - ông Thủ chia sẻ.

Nói về những bất cập trong công tác bảo vệ tại bệnh viện, ông Đỗ Văn Nhặn (Chủ tịch HĐQT Công ty dịch vụ bảo vệ Bình An Phát) cho rằng: "Bên cạnh yếu tố chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu, thì quan hệ phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa bệnh viện và các cơ quan chức năng đóng quân trên địa bàn cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên lỗ hổng an ninh trong các bệnh viện hiện nay.

Ở một số nơi ngành Công an và Y tế đã ký kết quy chế phối hợp đảm bảo ANTT trong các bệnh viện. Nhưng còn nhiều tỉnh chưa triển khai công tác này, hoặc nếu có thì mang tính hình thức. Quan hệ phối hợp giữa các bên còn lỏng lẻo, dẫn đến việc chậm chạp trong phản ứng trước những tình huống phức tạp, đột xuất xảy ra tại bệnh viện".

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam.

Chia sẻ ý kiến về việc thắt chặt an ninh tại các bệnh viện, ông Nhặn nói: "Tình hình ANTT trong các bệnh viện rất phức tạp, bảo vệ bệnh viện không thể làm xuể, bởi tội phạm rất tinh vi. Theo tôi, sự hiện diện thường xuyên của sắc phục Công an tại cơ sở y tế có tác dụng răn đe tội phạm và kịp thời giải quyết các trường hợp gây rối ANTT, bảo vệ cả thầy thuốc lẫn người bệnh. Cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhân viên bảo vệ bệnh viện, đồng thời đầu tư lắp đặt hệ thống camera dọc hành lang bệnh viện để theo dõi những đối tượng khả nghi. Trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, bộ đàm cho lực lượng bảo vệ, để khi có biến còn kịp thời thông tin cho nhau mà tập trung giải quyết".

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nhận xét: "Nguyên nhân của an ninh bệnh viện rối ren là do nhận thức của cán bộ ngành y tế về vai trò hợp  tác  xã  hội  trong  bệnh  viện  hiện nay chưa đầy đủ. Khác với bệnh viện ở nước ngoài, bệnh viện ở nước ta còn rất phức tạp, như một xã hội thu nhỏ. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp về khoa học, thiết bị, cần có có sự phối hợp của bệnh viện và chính quyền địa phương, bởi một mình ngành Y không thể làm nổi việc này. Đồng thời cần tuyên truyền giáo dục để người bệnh cũng như người thân cùng tham gia vào công tác xây dựng, đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự bệnh viện".

Đào Trung Hiếu
.
.
.