"Lỗ hổng" nào tiếp tay cho Trường Đại học Đông Đô sai phạm?

Chủ Nhật, 01/09/2019, 19:16
Những bê bối nghiêm trọng trong đào tạo văn bằng 2 xảy ra tại Trường Đại học (ĐH) Đông Đô, đến nay vẫn làm nóng dư luận. Hiện hàng trăm sinh viên theo học một số chuyên ngành tại Trường ĐH Đông Đô đang rất hoang mang không biết số phận của mình sẽ đi về đâu. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) đã khẳng định với báo giới, chưa cho phép trường này được đào tạo văn bằng 2.

Nhưng chỉ riêng văn bằng 2 ngành cử nhân ngôn ngữ Anh, số sinh viên được Trường ĐH Đông Đô tuyển sinh, đào tạo đã lên đến 3.800. Vậy Bộ GD & ĐT quản lý văn bằng 2 như thế nào mà để "con voi chui lọt lỗ kim"? Những "lỗ hổng" nào đã tiếp tay cho Trường ĐH Đông Đô sai phạm chồng sai phạm?

Bất cập từ 1 tấm bằng, 4 đầu mối quản lý

"Lỗ hổng" đầu tiên liên quan đến đào tạo văn bằng 2 tại Trường ĐH Đông Đô, theo chúng tôi bắt nguồn từ việc  một "văn bằng 2" nhưng liên quan đến 4 đơn vị của Bộ GD&ĐT cùng quản lý: Vụ Giáo dục Đại học quản lý về đào tạo; Vụ Kế hoạch - Tài chính quản lý, xác nhận về chỉ tiêu; Cục Quản lý chất lượng quản lý về văn bằng chứng chỉ và cuối cùng, nơi bán phôi bằng lại do Văn phòng Bộ GD & ĐT bán. Do có quá nhiều đơn vị cùng quản lý nên khi sự việc vỡ lở, chính Bộ GD & ĐT còn lúng túng, không biết lỗ hổng này do đâu.

Cơ sở đào tạo của Trường ĐH Đông Đô thuê tại tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội).

Đúng kiểu "cha chung không ai khóc". Đến nay, sau gần 20 năm văn bằng 2 ra đời, Bộ GD & ĐT chưa hề có một cuộc tổng kết, đánh giá nào về loại hình đào tạo này, cũng như có động thái rà soát, kiểm tra văn bằng 2.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do buông lỏng quản lý và do cả những thời điểm lịch sử chuyển giao lãnh đạo quản lý một số Vụ, Cục nên vấn đề đào tạo văn bằng 2 gần như bị Bộ GD & ĐT "buông hẳn". Mạnh trường nào trường nấy đào tạo. Đến giờ, ngay cả khi báo chí muốn biết toàn quốc có bao nhiêu đơn vị đào tạo văn bằng 2, Bộ GD & ĐT cũng chưa có câu trả lời chính xác.

Trở lại vụ việc Trường ĐH Đông Đô, tuy Bộ GD & ĐT khẳng định chưa cho phép trường này đào tạo văn bằng 2, nhưng trong 3 năm liền, từ 2015, 2016 đến 2017, Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ GD & ĐT đã liên tục xác nhận chỉ tiêu cho Trường ĐH Đông Đô.

Và Văn phòng Bộ căn cứ vào xác nhận chỉ tiêu đó để bán phôi bằng. Cần phải nói thêm rằng, trong bối cảnh các trường được tự chủ, tự in phôi bằng thì một số trường khó khăn chưa có điều kiện in phôi bằng, vẫn phải mua của Bộ, trong đó có Trường ĐH Đông Đô.

Nhưng trả lời chúng tôi, Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD & ĐT cho hay, "Trường ĐH Đông Đô là đơn vị nhận phôi văn bằng đại học từ Bộ GD&ĐT. Nhưng Bộ GD&ĐT chỉ cung ứng phôi văn bằng cho nhà trường. Việc in thông tin trên văn bằng, cấp phát văn bằng là trách nhiệm của nhà trường; nhà trường phải tuân thủ các quy định hiện hành đối với công tác quản lý, cấp phát văn bằng".

Một chuyên gia giáo dục cho biết, trả lời này của Cục Quản lý chất lượng chỉ đúng với những cơ sở đào tạo được Bộ cho phép đào tạo văn bằng 2, còn với cơ sở không được phép như Trường ĐH Đông Đô thì trả lời này là nhằm "né trách nhiệm". Nếu Bộ quản lý tốt thì chính Bộ đã tuýt còi Trường ĐH Đông Đô để không xảy ra tình trạng Văn phòng Bộ bán phôi bằng cho một đơn vị không được phép đào tạo.

Đã đến lúc phải quản chặt đào tạo văn bằng 2

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông nhận định, sai phạm xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô quá nguy hiểm, bất chấp những quy định của pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học. Theo PGS.TS Lê Hữu Lập, những trường thương hiệu thấp thường rất khó tuyển sinh hệ đào tạo dài hạn.

Trường ĐH Đông Đô muốn tồn tại, họ tìm mọi cách kinh doanh để trục lợi và để tồn tại. Khi thấy quy định quản lý văn bằng 2 có nhiều "kẽ hở", dễ là "miếng mồi béo bở", đặc biệt là văn bằng 2 về ngôn ngữ Tiếng Anh thì họ lao vào như thiêu thân, bất chấp việc đào tạo đó là chưa được phép.

Vì sao Trường ĐH Đông Đô tuyển sinh, đào tạo ồ ạt về cử nhân ngôn ngữ Anh, PGS.TS Lê Hữu Lập phân tích, văn bằng 2 tiếng Anh là bằng cấp được công nhận suốt đời, trong khi đó các chứng chỉ quốc tế chỉ có giá trị 2 năm. Nắm bắt được nhu cầu lớn của xã hội "khát" bằng tiếng Anh, lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô đã triển khai đào tạo ồ ạt trên phạm vi nhiều điểm trên cả nước, khi chưa có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước.

"Chưa nói đến chuyện mua bán bằng, thì với cung cách đào tạo như báo chí phản ánh, tôi tin chất lượng đào tạo văn bằng 2 cũng sẽ rất thấp, vì đào tạo dễ dãi, ồ ạt như vậy, sao có thể đảm bảo chất lượng", PGS.TS Lê Hữu Lập bày tỏ và cho biết thêm, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đã dẹp hệ văn bằng 2 cách đây hơn chục năm, vì thấy điều kiện để đảm bảo chất lượng như hệ dài hạn là rất khó. Nếu không khéo sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của nhà trường, bởi văn bằng 2 đa số dành cho những người đã đi làm, họ làm sao có thể theo học như hệ dài hạn, để đảm bảo chất lượng học tập.

"Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT "quên bẵng" văn bằng 2. Quy định về văn bằng 2 ban hành từ năm 2001 không được ai ngó ngàng gì. Như vụ việc Trường ĐH Đông Đô, bản chất không chỉ là quản lý cấp phát văn bằng 2 lỏng lẻo, mà nói thẳng ra là bán bằng. Thị trường mua bán văn bằng 2 sôi động hơn do dễ bán hơn, vì thời gian đào tạo ngắn, và đối tượng khách hàng nhiều.

Nếu cơ quan chức năng làm một cuộc "truy quét" sẽ dễ dàng nhận thấy kết quả là người ta chủ yếu mua bán văn bằng 2 tiếng Anh. Vì sao? Vì đã có những người đẻ ra cái việc phải yêu cầu sử dụng văn bằng đó, hoặc công nhận giá trị của nó, nên sinh ra nó với một cơ chế giá cao", Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT cho hay.

Biên bản làm việc này, Bộ GD & ĐT đã chấp nhận số liệu Trường ĐH Đông Đô có 323 sinh viên văn bằng 2 (!).

Với kinh nghiệm từng quản lý về giáo dục đại học, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến  (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT) đề nghị, về mặt quản lý Nhà nước cần làm cho rõ chuyện này, nếu không thì sẽ rất nhiều sai phạm xảy ra, không chỉ với Trường ĐH Đông Đô, mà còn có thể xảy ra với nhiều trường đại học khác.

Về quy trình phê duyệt, xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ra sao, trước nay vẫn thuộc thẩm quyền của Vụ Kế hoạch - Tài chính. Nhưng nếu làm đúng trách nhiệm thì không thể để xảy ra những sai sót rất lớn như trường hợp của Trường ĐH Đông Đô. Cũng theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, lâu nay vẫn có những sơ hở mang tính hệ thống của những người theo dõi công tác tuyển sinh của các trường; kẽ hở do sự phối hợp thiếu thống nhất, thiếu chặt chẽ giữa các Vụ, Cục trong Bộ với nhau.

Nhân sự việc này, Bộ G&ĐT nên rà soát, kiểm tra lại hoạt động công việc của các đơn vị. Có nhiều bộ phận lâu nay hoạt động rời rạc, kém chất lượng, cần được đánh giá lại. "Sau sự việc này có thể thấy rõ những kẽ hở khá lớn trong công tác quản lý. Bộ GD &ĐT cần rà soát lại các kẽ hở để không còn các trường hợp tương tự ĐH Đông Đô. Nếu có bằng chứng hay bất cứ thông tin tố cáo sai phạm nào về các trường thì cần xử lý nhanh và mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ cũng cần xem lại những trường nào thực sự chứng minh được có thể tự chủ, trong đó có cả việc tự cấp bằng, thì hãy cho phép họ chủ động sản xuất phôi bằng. Những cơ sở nào chưa đảm bảo thì vẫn phải chịu sự giám sát chặt chẽ từ phía Bộ GD&ĐT, không thể thả nổi cho các trường.

Đây là bài học phải rút kinh nghiệm khi thực hiện quyền tự chủ cho các trường đại học. Tự chủ phải có những bước đi thích hợp, không phải tất cả các trường đều được giao quyền tự chủ đồng loạt như nhau mà phải có các mức độ khác nhau", Tiến sĩ Khuyến nói.

Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Hữu Lập đề nghị, Bộ GD & ĐT phải khẩn trương rà soát lại các thông tư quy định về đào tạo văn bằng 2, cần thì điều chỉnh cho chặt chẽ hơn, nhất là các điều kiện đảm bảo chất lượng như chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên.

Phải xác định chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở đào tạo văn bằng 2, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đào tạo này; đồng thời các cơ sở đào tạo phải công khai trên cổng thông tin điện tử của mình về quá trình đào tạo văn bằng 2, từ tuyển sinh đầu vào, quá trình đào tạo và cấp phát văn bằng.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ đang chỉ đạo các vụ, cục chức năng rà soát công tác đào tạo của các trường, vì thời gian qua hoạt động đào tạo, liên kết có chỗ quá đà cần phải chấn chỉnh.

Xác định có việc thông đồng mua bằng, nhất định phải thu hồi

Hiện vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là quyền lợi của học viên Trường ĐH Đông Đô sẽ được đảm bảo như thế nào? Trong thư xin lỗi gửi các học viên ngày 28/8, lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô thông tin, đối với văn bằng 2, nhà trường sẽ đề xuất Bộ GD&ĐT đảm bảo quyền lợi cho học viên, công nhận văn bằng đã học của những người đã nhận bằng, chờ nhận bằng, chờ thi tốt nghiệp. Với những sinh viên đang học, nhà trường sẽ hoàn thiện hồ sơ đào tạo, đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 theo đúng quy định pháp luật. Sau khi Bộ GD&ĐT có chỉ đạo, nhà trường sẽ có phương hướng giải quyết ngay, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các sinh viên, học viên. Đề cập đến quyền lợi của người học, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến kiến nghị, cần nhanh chóng rà soát lại những người đã được cấp và đang sử dụng văn bằng do Trường ĐH Đông Đô cấp để đảm bảo công bằng và chất lượng. "Theo kinh nghiệm của tôi, với những trường hợp xác định được học viên thông đồng với nhà trường để mua bằng, thì nhất định phải thu hồi. Còn những trường hợp khác thì cần có sự kiểm tra đánh giá lại. Trước đây Bộ GD&ĐT cũng đã từng xử lý một số trường hợp bằng cách giao cho một cơ sở giáo dục đại học nào đó có thẩm quyền tổ chức thi, đánh giá lại kết quả học tập của các học viên và cấp bằng lại. Như vậy không nhất thiết phải học lại hết, cho dù đào tạo theo cách nào, nhưng kết quả, chất lượng đầu ra vẫn phải ngang nhau thì mới đúng. Đây là cách hỗ trợ những người được coi là "nạn nhân" bị Trường ĐH Đông Đô lừa dối", Tiến sĩ Khuyến cho biết

Thu Phương
.
.
.