Lộ trình cai nghiện của ông già 65 tuổi với hơn 20 năm nghiện ma túy

Thứ Hai, 06/05/2013, 16:26
Cái mà chúng ta đang nhìn nhận là “tái nghiện” mới chỉ là hiện tượng. Gọi như thế thực ra không chính xác, vì người nghiện ma túy đã cai được ma túy đâu mà gọi là “tái nghiện”. Cắt cơn xong, thậm chí trong trại giam vài năm trời không có ma túy người ta phải chịu. Nhưng ra khỏi trại đa số người nghiện “bập” lại ma túy ngay. Đó chính là tái sử dụng ma túy khi có điều kiện.

Thực tế nhiều người nghiện mới cắt được cơn nghiện chứ chưa cai nghiện được. Vì cắt cơn xong mới bắt đầu quá trình cai nghiện. Tôi – người trực tiếp nghiên cứu, áp dụng mô hình công phu này vừa lên thượng nguồn sông Mã kiểm chứng ông già 65 tuổi nghiện hơn 20 năm sau khi được tôi giúp cắt cơn và xây dựng lộ trình cùng ông và gia đình cai nghiện ma túy.

Thấm thoắt đã hơn 20 năm tuổi nghiện

Năm 1991, bước vào tuổi 40, ông Lê Văn Chức quê Cẩm Tân, Cẩm Thủy, Thanh Hóa cùng vợ con kéo bè ngược sông Mã hơn trăm kilômét lên bản Co Lương xã Vạn Mai, Mai Châu, Hòa Bình sinh sống. Ngày ấy, sản vật sông Mã còn sẵn, có ngày vợ chồng ông kiếm được hàng tạ cá và ba ba. Có lẽ do sông Mã lắm thác nhiều ghềnh, con cá, con tôm ở đây cũng phải vật lộn cùng thác lũ nên thịt của chúng rất chắc, ngon, kiếm được đến đâu ông bán hết đến đó.

Sau vài năm chịu thương, chịu khó, ông Chức đã mua được mảnh đất trên bờ và dựng lên vài gian nhà cho con cái tiện việc học hành, còn vợ chồng ông  vẫn bám sông. Cá tôm vơi dần, ông Chức đóng bè nuôi cá lồng để bù đắp nguồn thu cho gia đình. Cuộc sống ngày một khó khăn hơn, sức khỏe giảm dần. Thế rồi một số bạn sông nước rủ ông dùng thuốc phiện cho tỉnh táo để đủ sức chống chọi với những trận lũ bất thường trên thượng nguồn sông Mã. Thế rồi ông mắc nghiện. Dùng thuốc phiện được khoảng 2 năm thì “hàng trắng” (heroin) tràn về và ông bị nó cuốn đi.

Bị lệ thuộc vào ma túy, ông Chức rất buồn phiền. Là anh cả trong gia đình có 8 anh em, 6 trai, 2 gái mà ông rất ít khi về thăm anh em, họ mạc. Vì khi đã mắc vào ma túy thì sợ nhất là đi xa nơi mình đang ở, đang biết chỗ bán cái thứ này. Về quê, đến bữa thì mua ở đâu? Thậm chí có “hàng” thì “chơi” thế nào… là cả một vấn đề. Các em ông biết anh mình nghiện nhưng cũng chỉ biết lựa lời với anh trong những lần gặp hiếm hoi. Thấm thoắt, ông Chức đã có nghiện ma túy trên 20 năm.

Trong hơn 20 mươi năm ấy, ông Chức cũng âm thầm tự cai một vài lần nhưng không thể vượt qua những cơn vật tung người hành hạ. Nhưng cái gì thì bảo phó mặc cho số trời, chứ ma túy “ăn lên” phó thác cho số trời sao được. Còn sống là còn phải có nó và liều lượng dùng ngày càng tăng. Trong khi kinh tế khó khăn, sức khỏe giảm sút thì tiền đâu mua ma túy cho đủ?

Co Lương là một xóm trên bến, dưới thuyền của xã Vạn Mai huyện Mai Châu nơi giáp ranh của 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Cơ chế thị trường mở ra, giao thương thuận lợi, nơi đây nhanh chóng trở thành thị tứ sầm uất. Hại thay, nơi đây cũng nằm trên một trong những con đường trung chuyển ma túy từ bên ngoài vào Việt Nam. Chẳng bao lâu, người nghiện ở Co Lương lên đến con số hàng chục. Người chết, người đi tù cũng không ít. Đêm về, người nghiện dặt dẹo trên đường, vật vờ trước cửa nhà không thiếu. Không ít những tay có máu mặt làm ăn mà một thời là niềm tự hào của gia đình, là thần tượng trong mắt bao người đã “ngã ngựa” do ma túy. Gia đình tan vỡ, con cái nheo nhóc còn bản thân họ thì bê tha, sống dở, chết dở với tên gọi “thằng nghiện”.

Lần đầu tiên đi cai

Năm 2012, cả thị tứ Co Lương khoe nhau về Triệu Văn Ba, một “thằng nghiện” có thâm niên 22 năm đã trở lại làm người. Hơn thế, anh Ba lại đang làm “ma ma tổng quản” giúp những người khác cai nghiện dưới TP Hòa Bình. Lúc đầu ông Chức bán tín, bán nghi. Ba móm do nghiện hỏng gần hết răng thì ông quá biết. Nhưng ốm yếu, gan ruột hỏng hết, người chỉ một tay xách nặng thế làm thế nào mà cai ma túy được? Nhà ông trên bờ gần với quán bán hàng của nhà Ba, nên con cái ông cũng rất quan tâm đến việc này. Các con của ông Chức đã xuống tận TP Hòa Bình nơi anh Triệu Văn Ba đang làm việc để tìm hiểu. Khi đã rõ người thật, việc thật, con cái họp gia đình bàn chuyện đưa bố xuống cai nghiện. Sau hai ngày đêm suy nghĩ, ông Chức đồng ý.

Một ngày cuối tháng 11 năm 2012, ông Chức lần đầu xa thượng nguồn sông Mã đi cai nghiện với tâm trạng đầy mặc cảm vì đã 64 tuổi rồi. Nhưng ông cũng tạm yên tâm vì có anh Ba - người bà con vốn cùng hội, cùng thuyền với ông đang ở đây và trực tiếp giúp ông cai nghiện. Ngày đầu, ma túy trong người còn đủ để ông tỉnh táo, ông nghe được tất cả những căn dặn của chuyên môn, nhưng sang ngày thứ 3, thứ 4 thì ông căng thẳng và đòi “nảy số” phá hợp đồng để về. Ông tìm mọi lý do nào là về lo mồ mả ông bà, nào là con gái đến ngày sinh nở… khi những lý do ấy không làm suy chuyển sự kiên định của những người đang giúp ông cai nghiện thì ông quay ra ăn vạ. Ông bảo già rồi không thể cai nghiện được, ông đòi về để chết ở nhà, nếu không cho về, ông đập đầu tự tử…

Đã quá quen với những hội chứng vật của giai đoạn cắt cơn nên cán bộ, nhân viên ở cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện Hòa Bình không một chút băn khoăn. Vấn đề là phải giữ tuyệt đối trong sạch nơi đây, chăm sóc tận tình và giữ thật chặt để người cai không vượt ra ngoài. Cứ thế, sau 7 ngày, ông Chức ổn dần và phục hồi sức khỏe. Khi cơn vật của ông Chức qua đi, Triệu Văn Ba mới thủ thỉ: Lúc cơn vật lên đến đỉnh điểm, nếu giữ được thì sẽ vượt qua, không giữ được thì tìm ngay đến ma túy. Đây chính là cái khó nhất mà đa số người nghiện không thắng được nếu tự cắt cơn ở nhà. Còn khi đã đến cơ sở cai nghiện thì trách nhiệm của cơ sở là giúp anh em cắt cơn để bắt đầu quá trình cai nghiện. Không cắt nổi cơn nghiện thì làm sao mà bắt đầu quá trình cai nghiện được.

Cắt cơn xong mới bắt đầu quá trình cai nghiện

Nay ông Chức tâm sự: “Ở nhà, khi trong người đủ ma túy, tôi nghĩ ân hận, thương vợ, thương con, thương mình và ước gì bỏ được ma túy. Nhưng ý nghĩ ấy chưa kịp kỹ, chưa kịp sâu thì bữa mới đã kéo đến, và không thể khác là phải lập tức tìm mọi cách có ma túy đưa vào cơ thể. Nhưng về cơ sở cai nghiện này, thời gian để suy nghĩ dài hơn, đến đầu đến đũa hơn, vì cắt cơn rồi, đến bữa không có ma túy cũng nhớ nhưng vẫn chịu được. Sức khỏe dần phục hồi đi đôi với cái đầu mình cũng thoáng ra chứ không u mê như ở nhà”.

Sau một tháng cai cắt cơn, ông Chức về ngủ ở Co Lương đúng một đêm, sáng hôm sau ông rời nhà bè đến bản Tang cách đó 12 km. Đây là chỗ ở mới mà vợ con ông đã chuẩn bị trong thời gian ông đi cai cắt cơn. Thế rồi vợ ông di dời từng thứ đến nơi mới. Tài sản đáng kể lúc này chỉ còn khoảng 40kg cá lồng. Tất cả phải làm lại từ đầu. Thấy ông Chức quyết tâm và bước đầu kết quả. 5 người em trai của ông đang làm cát dưới Quan Hóa đã kéo tầu thuyền lên khai thác cát đúng ở đoạn sông anh mình đang ở để giúp ông cai nghiện.

Thấm thía lời tư vấn của cán bộ là “cắt cơn xong mới bắt đầu quá trình cai nghiện” nên khi ra khỏi cơ sở ông Chức bắt tay ngay vào kế hoạch cai nghiện đã được vạch ra từ khi đang còn ở cơ sở cai nghiện. Đó là những việc hết sức cụ thể như ra khỏi nơi môi trường không trong sạch về ma túy, sự giúp đỡ, quản lý của người thân…

Ông Chức tâm sự: “Rất may còn vợ con, anh em thương tôi mà quan tâm quây quần bên tôi. Tôi không phải làm gì khi vừa cắt cơn xong sức khỏe còn yếu. Tôi chỉ ở nhà trông hàng cho vợ, quét dọn cửa nhà. Có việc gì quá cần tôi phải đi thì có con đưa đi. Đặc biệt tôi có anh con rể là Nguyễn Văn Vượng đang ở bản Co Me. Vợ chồng nó buôn bán tại nhà rất bận, vợ lại vừa sinh con thứ hai đúng dịp tôi đang cai cắt cơn. Thế mà các con tôi đã nhờ bà nội cháu từ Co Lương lên đỡ đần cùng với một người giúp việc nữa. Vượng cũng di chuyển bè của mình sang đóng hàng ngay tại bến bản Tang để trực tiếp gần gũi giúp đỡ tôi. Sự quan tâm cụ thể của vợ con, anh em là động lực giúp tôi quyêt tâm chiến thắng ma túy”.

Khi được hỏi cảm nhận quá trình từ khi cai cắt cơn đến nay, ông Chức kể: “Trước, tôi cũng vài lần tìm mua thuốc tự cai không thành. Lần đầu tiên đi cai, những ngày đầu khi dùng thuốc nam của cơ sở tôi nóng bừng người nhất là cái bụng nóng không chịu được. Nóng đến nỗi ngoài lúc tắm ra, tôi luôn phải áp bụng xuống nền gạch men. Rồi vùng nóng thu hẹp dần, đến ngày thứ 7 thì hoàn toàn không thèm ma túy nữa nhưng người rất mệt. Sau một tháng phục hồi ở cơ sở cai cắt cơn, về nhà chuyển chỗ ở mới, quyết tâm cai cũng phải mất một tháng nữa mới bắt đầu ngủ được và sang tháng thứ 3 thì tạm ổn. Thật lòng mà nói, những anh cùng cai với tôi, mới 5 – 7 ngày thấy cắt được cơn là đòi về, về lại không xa được môi trường ma túy, không có hành động cụ thể thì dùng ma túy lại là cái chắc. Mọi người trách là tái nghiện, nhưng nói cho đúng đã cai được đâu mà gọi là tái nghiện”.

Ông Chức nói: “Một kẻ thù gian ác, nguy hiểm như vậy mà không hiểu nó thì làm sao mà thắng được nó. Hiểu rồi thì phải có hành động cụ thể chứ đừng chỉ hô hào hay khuyên bảo chung chung kiểu “cố gắng nhé, quyết tâm nhé, bản lĩnh lên nhé…” thì ai cũng nói được. Nhưng những cố gắng, quyết tâm, bản lĩnh… phải bằng những hành động cụ thể mới là quan trọng. Như trường hợp của tôi giữ được đến hôm nay chính nhờ những hành động cụ thể ấy”.

Bế đứa cháu ngoại hơn 4 tháng tuổi, ông Chức rớm nước mắt: “Cái thằng này sinh ra đúng dịp tôi đi cai cắt cơn. Lúc căng thẳng, tôi đưa cả lý do mẹ nó sắp sinh để đòi về. Nay thì tôi lấy ngày tuổi, tuần tuổi, tháng tuổi, năm tuổi của nó để làm mốc phấn đấu quá trình cai nghiện của mình đấy”

Đại tá Lê Va
.
.
.