Loạn danh xưng

Thứ Sáu, 25/09/2015, 16:05
Công chúng chưa hết phiền lòng về câu chuyện xét tặng danh hiệu nghệ nhân  nhân dân, nghệ nhân ưu tú, lại thêm chuyện phong danh hiệu GS cấp trường. Ôi cái danh xưng, cứ mỗi lúc người ta lại đẻ thêm ra những cái danh xưng làm rối trí óc của mọi người, thậm chí mất thiêng khi người ta nhìn về một công việc, một ngành nghề nào đó.

Về việc tự phong hàm GS của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, rất nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng, cho rằng đây là cách cố tình đánh đồng khái niệm "Giáo sư" do Hội đồng nhà nước định danh cho những người làm công tác giáo dục có thành tích khoa học được công nhận. Lần đầu tiên có một trường đại học trong cả nước tự đề ra các chuẩn mực của mình và tự phong hàm GS.

Nữ Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam tươi tắn tại lễ vinh danh năm 2013 (ảnh chỉ mang tính minh họa) .

Đây là tiền lệ không hay cho câu chuyện định danh hàm, vị trong giáo dục, dù cho xét về mặt pháp luật thì Trường Đại học Tôn Đức Thắng có thể có quyền làm vậy trong phạm vi cấp trường. Nhưng để làm gì danh xưng Giáo sư (cấp trường) khi mà Nhà nước đã có những tiêu chuẩn để phong hàm Giáo sư (cấp Nhà nước), làm vậy dễ gây hiểu lầm giữa hai khái niệm này với nhau. Để khi đi ra xã hội, việc giới thiệu danh xưng giáo sư, ai có thể có thời gian tìm hiểu, phân biệt giáo sư cấp nào. Đối với phụ huynh học sinh, nghe danh một trường có hàng trăm GS chẳng hạn, sẽ mát mày mát mặt, yên tâm mà gửi con theo học.

Thực tế xưa nay, khi hình dung về danh xưng GS, ai cũng hiểu rằng đó là một ngôi vị cao quý trong giáo dục, những người có cống hiến không nhỏ về mặt khoa học. Mỗi một trường đại học, số lượng GS cũng không có nhiều, vì người đạt tới học hàm này phải trải qua một quá trình làm việc, nghiên cứu, giảng dạy hiệu quả và phải được nhà nước công nhận.

Thử hình dung, nay mỗi trường đều đề ra những tiêu chuẩn riêng và tự phong hàm GS, như Trường Tôn Đức Thắng, thì "loạn" GS đến đâu. Biến một danh xưng cao quý trở nên bình thường, phổ cập, phổ biến, thì dĩ nhiên sự cao quý đó cũng bị giải thiêng, mất dần ý nghĩa đi. Và nếu cứ tồn tại song song hai hệ thống GS cấp trường và GS cấp Nhà nước thì khác gì đánh đố sự phân biệt của nhân dân, của xã hội. Không nhẽ phải quy định, một GS khi xuất hiện ở đâu phải giới thiệu đầy đủ: Tôi là GS cấp trường, hay cấp quốc gia.

Câu chuyện này ngẫm ra sẽ gây những khó hiểu trong môi trường giáo dục. Và cái mất chắc chắn sẽ nhiều hơn cái được, là xã hội sẽ nhìn danh xưng này thấp đi, không còn coi trọng nữa. Thậm chí sẽ mất cả động lực học tập, rèn luyện, phấn đấu, nếu không có khoảng cách giữa một người làm công tác bình thường với một người ở danh vị GS. Người ta thấy rằng, đạt đến danh vị đó chẳng có gì là khó cả.

Nhìn rộng ra toàn xã hội, loạn danh xưng là câu chuyện tương đối phổ biến. Danh xưng hoa hậu chẳng hạn. Cứ cuộc thi nhan sắc là mặc nhiên người chiến thắng được gọi là hoa hậu, cho dù cuộc thi đó chỉ trong phạm vi của một ngành, một nghề, một địa phương, một vùng, thậm chí một chương trình truyền hình... chứ không phải tầm quốc gia. Trên báo chí truyền thông, nhan nhản chỗ nào cũng thấy danh xưng hoa hậu. Cứ giải nhất một cuộc thi liên quan đến nhan sắc là hoa hậu, dù cấp gì. Nên mới có chuyện người ta đùa rằng, thời buổi bây giờ ra ngõ gặp tiến sĩ, giáo sư, hoa hậu dễ hơn gặp ô-sin (người giúp việc).

Trong mỗi một ngành nghề, người ta thường phải phấn đấu rất lâu mới đạt đến một danh xưng được công nhận. Và danh xưng đó mang lại niềm tự hào cho người được nhận, nó cũng là động lực để cho những người mới bắt đầu con đường của mình phấn đấu đạt tới. Hiện nay, không chỉ trong giáo dục, mà ở các lĩnh vực khác, các danh vị cao quý đang bị mất thiêng, hoặc là do cách làm tùy tiện cấp dưới tự phong như Trường Đại học Tôn Đức Thắng, hoặc là Hội đồng xét duyệt phong tặng thiếu công tâm, dẫn đến danh hiệu được trao cho người không xứng đáng, bỏ sót người xứng đáng.

Câu chuyện phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú hay nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú gần đây bị phàn nàn nhiều về cung cách xét duyệt của Hội đồng, bỏ sót nhiều người xứng đáng, tôn vinh những người không có ảnh hưởng trong công chúng, Tất cả những điều này dẫn đến hệ lụy không hay là nhân dân mất niềm tin vào những danh vị cao quý.

Xã hội loạn danh vị khiến các ý nghĩa cao đẹp trong nhiều lĩnh vực bị giải thiêng. Điều cốt lõi cuối cùng để xét một danh vị nào đó phải là sự chuẩn xác, đích đáng và phải có một lề luật nghiêm ngặt để xét duyệt, chứ không phải sự tùy tiện, mà câu chuyện một trường đại học tự phong danh vị GS là một ví dụ khôi hài.

Hội Quân
.
.
.