Loạn dịch vụ ăn theo tại Phủ Tây Hồ

Thứ Ba, 10/03/2015, 16:17
Ngày xưa, người ta mặc áo the, quần lĩnh dắt nhau đi lễ đầu năm, thành tâm cúi đầu trước thánh thần, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, trong ấm ngoài êm. Ngày nay, bên cạnh những người tìm về cõi an lành ấy, có rất nhiều người đi lễ… cho có hoặc để đi chơi, đi “ăn theo” chuẩn tinh thần "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Vì thế mà người ta cứ rủ nhau đổ về đất thiêng ngày một nhiều, kéo theo hiện tượng nhiễu loạn của các dịch vụ ăn theo mà một số kẻ buôn thần bán thánh mở ra để trục lợi.

Đi Phủ Tây Hồ để chơi… xổ số

Có mặt tại Phủ Tây Hồ vào chiều ngày 13 tháng giêng âm lịch, không khí linh thiêng của nơi thờ Liễu Hạnh công chúa - một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của dân tộc ta - đã bị vẩn đục đi ít nhiều bởi sự nhốn nháo, chen lấn xô bồ của dòng người hành hương trả lễ cầu may ngày càng đông đổ về đây. Đi lễ mà váy dài váy ngắn, cười cười nói nói, ồn ã như đi chợ. Và trong số đó, có không ít người dường như đi lễ… cho có; họ đến đây để hoàn thành cái sứ mệnh "tháng Giêng là tháng ăn chơi" thì đúng hơn.

Người ta kháo nhau ở Phủ Tây Hồ năm nay có hình thức chơi xổ số mới, hay lắm. Khi chúng tôi đến mới biết, thì ra bên cạnh những loại xổ số quen thuộc như Xổ số kiến thiết miền Bắc thì có cả loại vé số bóc biết kết quả ngay - sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết Hà Nam. Và loại này đang "hot" tại dọc các lều bán xổ số gần ngay khu thờ chính. Tuy nhiên, khi hỏi một trong những chủ lều "đóng cọc" tại đây thì chúng tôi được biết, hình thức vé số này không phải là mới mà đã có từ vài năm trước, chỉ khác là trước đây mệnh giá một tờ vé số chỉ 2.000 đồng thì nay tăng lên 5.000 đồng.

Hình ảnh tại Phủ Tây Hồ vào chiều 13 tháng Giêng.

Nếu như mua xổ số kiến thiết miền Bắc thì người ta phải đợi tới cuối ngày mới biết kết quả thì loại xổ số này thuộc dạng, tức bóc vỏ ra là biết ngay mình trúng hay không trúng. Và 5.000 đồng cũng không phải là một khoản tiền lớn gì. Vì thế, với tâm lý ham vui, biết đâu "vận may đến thình lình" và biết đâu có lộc giời đầu năm, nhiều người đã ném tiền vào trò chơi này. 5.000 đồng/vé nhưng chẳng ai mua với số lượng 1 vé cả. Người thì mua 5 vé, người thì mua cả chục… để chơi cho sướng. Có người "trực" ở đây từ sáng tới chiều, có cả nam cả nữ, đủ già trẻ lớn bé. Lều nào cũng đông khách. Hết tốp này ra, tốp khác ngồi vào lấp ghế trống ngay sau đó.  

Ngồi bên cạnh chúng tôi là một cặp vợ chồng trẻ, đang say mê bóc xổ số. Hôm nay là ngày may mắn của họ chăng, vì thế mà họ trúng 2 lần. Nhìn chị vợ cười "nghít như cù xoay", anh chồng quay sang bảo năm nay có lộc.

Bát nhát dịch vụ ăn theo

Rời bàn vé số, chúng tôi dừng lại ở quầy viết sớ, xem tử vi. Nếu phí dịch vụ viết sớ để dâng 3 ban hết 50.000 đồng thì phí xem tử vi là… 400.000 đồng. Khi chúng tôi thắc mắc sao giá lại cắt cổ thế, thầy viết sớ kiêm thầy xem tử vi bảo rằng xem cả đời cơ mà. Nếu xem, thầy sẽ xem một cách tỉ mỉ, kỹ càng vận hạn cả đời theo từng tháng, đảm bảo nắm được tương lai trong lòng bàn tay, có hạn gì thì thầy cũng giải cho. Chẳng biết cái tương lai trong lòng bàn tay mà thầy nói như thế nào nhưng có mấy chục thầy như thế, ngồi từ đầu cổng Phủ tới cuối Phủ, thầy nào cũng như thầy nào, vận áo dài rất nghiêm ngắn. Trong mấy năm qua, việc phí gửi xe tại Phủ Tây Hồ luôn trở thành đề tài của cánh nhà báo bởi cái giá có phần "chát" so với những nơi khác và mặc dù đã có nhiều ý kiến nhưng thực trạng vẫn không khác đi là bao nhiêu.

Vẫn biết việc giá niêm yết vé một đường, khách phải trả một nẻo là hiện trạng quen thuộc như thường ngày ở… phố, nhưng ở đây, có những thời điểm giá vé ghi là 3.000 đồng nhưng đội lên tới 25.000 đồng hoặc 40.000 đồng, nghĩa là gấp gần 10 - 13 lần. Vì số lượng xe gửi gồm ôtô, xe máy và cả xe đạp rất lớn nên bãi gửi xe của Phủ không chứa đủ, một số điểm gửi xe tự phát xuất hiện, chèo kéo, gây ra hiện tượng tranh giành khách và ảnh hướng đến tình hình an ninh trật tự.

Trước sự lộn xộn của việc thu phí trông xe tại đây, vừa qua, UBND TP Hà Nội có công văn gửi các Sở, ban ngành liên quan về việc thu phí trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - ông Nguyễn Văn Sửu giao UBND quận Tây Hồ khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh công tác trông giữ xe tại Phủ Tây Hồ bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó, báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.

Mặc dù đã có chỉ thị của thành phố "giáng xuống" nhưng dường như việc xử lý vẫn chưa được UBND quận Tây Hồ quan tâm một cách đúng mức. Đúng là có đỡ "chặt chém" hơn so với trước nhưng về cơ bản, khách vẫn đang phải chịu giá vé khống. Bằng chứng là giá vé gửi xe của chúng tôi tại một điểm gửi xe trước Phủ là 10.000 đồng (trong khi trong vé ghi rõ ràng là 3.000 đồng). 

Thức ăn được chế biến ngay vệ
đường, không đảm bảo vệ sinh an
toàn thực phẩm.

Ngoài một số dịch vụ ăn theo kể trên, Phủ Tây Hồ còn nhốn nháo bởi một loạt cửa hàng ăn uống mọc san sát. Hễ khách đi qua thì có người ngồi trong nói vọng ra mời vào, thậm chí có cửa hàng cho nhân viên ra ngoài đường để mời. Các món ăn chủ yếu là bún phở, bánh tẻ, bánh bột lọc, bánh tôm, xúc xích…

Có những người bán bánh rán dạo vì không có địa điểm kinh doanh nên cứ nghễu nghện cả bánh cả người giữa đường, cản trở lối đi lại của người dân. Đó là chưa kể trước khi các món này được đưa vào dạ dày thì đã "nhuộm" hết phần bụi bẩn. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một điều xa xỉ ở đây (mặc dù 100% hộ kinh doanh ở đây có cam kết đảm bảo). Thế mà, cửa hàng nào cũng đông. Khách sau khi hành lễ trong Phủ ra kéo nhau ngồi ăn nhồm nhoàm tại các cửa hàng này.

Loại vé số bóc ngay biết kết quả liền được cho là "hot".

Vốn dĩ đây là một nơi thanh tịnh thì vô hình dung trở thành một góc chợ của việc buôn thần bán thánh, lợi dụng thần linh để trục lợi. Trong suốt mấy năm qua, mặc dù nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng tình trạng loạn dịch vụ ăn theo tại đây vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tìm đến trụ Sở UBND quận trong buổi chiều 13 âm lịch  để tìm hiểu về cách quản lý cũng như giám sát của quận trong vấn đề này, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu của ông bảo vệ với lí do sếp đi họp, hẹn ngày mai đến. Tuy nhiên, ngày hôm sau chúng tôi quay lại, sếp vẫn bận nên chưa tiếp các phóng viên được. 

Các lều bán xổ số lôi kéo được rất đông khách.

Quản lý và kiểm tra là việc của các cơ quan chức năng. Còn chúng ta, dòng người hành hương về những vùng đất linh thiêng, phải chăng cũng nên có một ứng xử có văn hóa với thần linh. Nếu chúng ta có một thái độ thành tâm và ngưỡng vọng, chắc chắn những kẻ buôn thần bán thánh không có cơ hội để kiếm chác và lợi dụng thần linh. Và khi đó, chùa chiền, đền, phủ sẽ được trả về không gian linh thiêng đúng nghĩa vốn có của nó.

Về những dịch vụ ăn theo tại các di tích chùa chiền, đền, phủ, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng:

"Ngày xưa, người ta đi lễ một cách có văn hóa và chứa đựng yếu tố tâm linh. Trước những nơi thờ tự, họ thành kính và ai cũng có một tâm thức đặc biệt. Dù không biết có thần thánh thật không nhưng từ lâu thần linh được xem là biểu tượng của cái thiêng, cái thiện, mọi người đều tôn trọng. Còn bây giờ, người ta đi như một tập quán, một phong tục nhưng không coi trọng. Người ta làm vấy bẩn và xâm phạm nơi ở của thần linh. Người ta không xem thần thánh ra gì. Đó chính là sự suy đồi về lối sống, đạo đức. Và khi xã hội giải thiêng, con người ngày nay hình như cũng đánh mất đi sự tử tế. Không tử tế với đồng loại, chính mình và không tử tế cả với thần linh. Các cụ ngày xưa đâu có dám. Thói xấu này là của chúng ta. Do chúng ta tạo ra!".

Đậu Dung - Ngọc Trâm
.
.
.