Loạn festival

Thứ Tư, 02/03/2016, 14:20
Nếu như xã hội nông thôn truyền thống đã sản sinh không ít lễ hội dân gian, cổ truyền thì nhu cầu của đời sống đương đại, sự giao lưu và hội nhập quốc tế đã tạo ra không ít "festival"- một tên gọi được quốc tế hóa, được hiểu là "lễ hội mới" hay lễ hội đương đại tại Việt Nam. Và xung quanh câu chuyện tổ chức lễ hội loại này còn nhiều điều đáng bàn khi số lượng thì nhiều mà việc tạo dấu ấn lại chưa là bao, nhất là khi nó gắn liền với quá trình hội nhập và khẳng định bản sắc của một dân tộc.


Nhà nhà tổ chức festival

Tên gọi festival đã đi vào đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt, với tính chất một cuộc liên hoan văn hóa - nghệ thuật, nhằm mục đích thương mại và du lịch. Trong những năm gần đây, các lễ hội đương đại như: festival hoa Đà Lạt, festival trà Thái Nguyên, festival biển Sầm Sơn, carnival Hạ Long, festival lúa gạo Việt Nam... không còn quá xa lạ với mọi người bởi nó là một trong những chiến lược phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và giới thiệu điểm đến.

Với các doanh nghiệp, các sự kiện này được coi là công cụ tiếp thị và thúc đẩy hình ảnh, phát triển lợi ích thương mại mang tính văn hóa. Qua hơn 10 kì tổ chức Festival Huế, chính quyền và người dân nơi đây đã xây dựng được một thương hiệu festival gắn với truyền thống, lịch sử văn hóa, trở thành một sự kiện văn hóa phổ biến, bước đầu được bạn bè quốc tế biết đến. Có thể một phần nhờ đó mà Huế trở thành một điểm thu hút khách du lịch của Việt Nam...

Tuy nhiên, theo ghi nhận ý kiến một bộ phận các nhà nghiên cứu, họ vẫn băn khoăn cách mà festival Huế đang ứng xử với một số di sản văn hóa thành sản phẩm văn hóa, du lịch. Đó là có quá nhiều mục tiêu cho một kì festival, hoặc có thể lắp ghép nhiều yếu tố hiện đại, không phù hợp với bản chất của việc phục dựng một số lễ nghi. Do sự hiểu biết hạn chế, một số trình tự bị giản lược hóa, làm mất đi giá trị vốn có của nó...

Festival trà Thái Nguyên - một lễ hội đương đại nhằm khai thác và quảng bá các giá trị văn hóa trà Việt Nam (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Là người từng tham gia nhiều kì Festival Huế, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn- Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế, xã hội Đà Nẵng chỉ ra một số bất cập trong khâu tổ chức. "Festival Huế 2004 chỉ trích đoạn "Ngự đạo hồi cung" và không có vua. Festival 2006 nhấn mạnh phục dựng phần lễ, không phục dựng phần hội. Festival 2008 cho phép phục dựng cả phần lễ, cả phần hội. Festival 2010 chỉ phục dựng phần hội, không phục dựng phần lễ"- TS Trần Đức Anh Sơn nói. 

Từ sức ảnh hưởng của Festival Huế, nhiều ngành, nhiều địa phương cũng tổ chức các "phong trào" festival trên cả nước, tạo ra sự xuất hiện một loại hình văn hóa mới. Theo GS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia Việt Nam, những lễ hội như thế này chưa có một nền tảng thật sự theo nhu cầu của những người dân tại địa phương đó.

"Mỗi năm chúng ta làm cứ lặp đi lặp lại. Như vậy nó có đáp ứng được nhu cầu hay không? Chúng ta cũng phải nghiên cứu hiệu quả của các lễ hội đương đại đó đối với mong muốn thúc đẩy du lịch, muốn kéo khách du lịch vào. Vậy thì khi chúng ta tổ chức liên tục có thu hút được khách du lịch hay không?" - GS Nguyễn Văn Huy bày tỏ băn khoăn.

GS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia Việt Nam.

Chính vì được tổ chức theo hình thức "trăm hoa đua nở", hết festival này đến lễ hội kia, nhất là vào năm chẵn và những ngày lễ lớn nên mỗi lễ hội lại có quá nhiều mục tiêu, khiến người ta buộc phải pha trộn nhiều nội dung khác nhau. Đó là vừa thể hiện hình ảnh về một mảnh đất giàu đẹp, vừa tái hiện quá khứ, lịch sử và trở về với mô tip quen thuộc.

Ví dụ như việc tổ chức carnival Hạ Long qua mỗi lần đều không có nhiều thay đổi, từ năm 2009 tới giờ. Festival trà Thái Nguyên không thu hút được nhiều người dân tham gia, chưa thực sự tập trung cho mục tiêu trọng điểm là khai thác giá trị văn hóa trà. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, người từng viết kịch bản cho không ít lễ hội đương đại cũng phải thừa nhận: rất khó để xác định được chuẩn mực cho lễ hội mới, bởi nhiều khi đó chỉ là hoạt động tổ chức sự kiện của địa phương.

Nhìn vào thực tế hiện nay, nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho rằng: "Lễ hội hiện đại là tất cả những lễ hội mượn hoặc mô phỏng lại lễ hội truyền thống phục vụ cho những mục tiêu hiện đại hơn".

Xây dựng bản sắc, tại sao không?

Nền tảng di sản phong phú hay những yếu tố của đời sống đương đại gắn liền với chủ thể là người dân địa phương, làm cho họ thực sự trở thành chủ nhân của festival mới chính là yếu tố quan trọng làm nên bản sắc của lễ hội đương đại. Sự tham gia của họ làm tăng tính "sống" của các loại hình văn hóa nghệ thuật trong festival.

Chị Nguyễn Thị Thảo Hiền, một hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội - người tham gia khảo sát du lịch về việc cải thiện các hoạt động của Carnival Hạ Long cho rằng, nếu như cứ mỗi kì tổ chức festival, mọi dịch vụ, phòng nghỉ ăn uống đều bị đội giá lên một cách khủng khiếp, khán giả không được tham gia, tương tác trong nội dung lễ hội thì mong muốn làm cho Carnival Hạ Long trở thành một lễ hội du lịch thực sự hấp dẫn, sinh động vẫn còn quá xa vời.

Nhìn xa hơn, những lễ hội đương đại của Việt Nam đang thiếu đi một thương hiệu cụ thể. Ví dụ, với Malaysya thì "Truly Asia-1 châu Á đích thực", hay Thái Lan là "Amazing ThaiLan".

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng cho rằng: "Lễ hội đương đại hiện nay chỉ là công nghệ tổ chức sự kiện với một bàn tiệc buffet lớn không có chủ đề". Không riêng gì festival Huế, dù với chủ đề rất lớn "Di sản văn hóa Huế-hội nhập và phát triển", không ít lễ hội đương đại Việt Nam đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi sau mỗi kì tổ chức: Chủ nhân di sản là ai? Tiếng nói của họ ở đâu? Ai quyết định cách thức trình diễn...

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý cũng đưa ra một ví dụ với lễ hội đời sống dân gian Smithsonian-lễ hội quốc gia lớn nhất được tổ chức tại quảng trường quốc gia tại Washington DC. Ở lễ hội này, gần 50 năm qua, mục tiêu chiến lược chính trị luôn được thực hiện, đó là: Đa dạng văn hóa, chia sẻ và hài hòa chung sống giữa các dân tộc. Để thực hiện mục tiêu đó, họ đã tìm ra những cách thức tinh tế, phù hợp để truyền đi các thông điệp, để giáo dục, thông tin nhằm nâng cao nhận thức xã hội, trong đó có cả các chủ thể- người dân địa phương một cách tự giác.

Định hình một dạng chuẩn cho festival là một việc không dễ dàng. Tuy vậy, không phải vì thế mà festival nào cũng na ná nhau. Festival trong một thành phố phải khác với những kì tổ chức trước đó huống chi những festival tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau, nhiều mục đích khác nhau. Nên chăng, phải có một tổ chức chuyên nghiệp, đủ thẩm quyền trong việc tổ chức festival, trong việc kết nối các bên liên quan, được quyết định những vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó, nội dung của festival cần lấy chất lượng nghệ thuật làm điểm nhấn thu hút du khách thay vì một sự phát triển theo số đông, cổ vũ phong trào như lúc mới định hình. Nhìn xa hơn, có thể nói chuyên nghiệp hóa là một con đường tất yếu cho các cơ quan tổ chức sự kiện của festival.

Có thể nói, lễ hội đương đại là một thành tố của công nghiệp văn hóa. Sự sáng tạo của nhà tổ chức, sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương chính là yếu tố tạo nên bản sắc, thương hiệu của lễ hội đó. Để làm được điều đó thì vai trò của nhà nước vẫn là trung tâm, song cần có sự điều chỉnh và tạo thế cân bằng giữa các chủ thể tổ chức festival. Cần hướng sự ưu tiên cho các tổ chức chuyên nghiệp để làm sao một lễ hội đương đại có thể đạt được những mục tiêu về chính trị, kinh tế, văn hóa trong xu hướng hội nhập, mở cửa với thế giới nhưng vẫn mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Bà Lê Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, hỗ trợ và phát triển văn hóa (A-C): Đạo diễn sân khấu không phải là đạo diễn festival

Ở các nước, khi có festival, ngoài những màn biểu diễn ở sân khấu, người ta phải đi đến các khu như dưỡng lão, những người tàn tật, những trẻ em thiệt thòi, mồ côi... chứ không phải chỉ co cụm ở một số điểm, nổi bật là một chương trình nghệ thuật là xong. 

Bà Lê Thị Ngọc Thủy (người đang phát biểu) trong một cuộc hội thảo.

Bên cạnh đó, cần phải hiểu rằng: đạo diễn sân khấu chỉ trong khuôn khổ một loại hình, như tuồng, chèo. Nhưng thông điệp từ festival lại rất nhiều, đòi hỏi nhiều hơn thế. Không thể đưa đạo diễn sân khấu làm đạo diễn cho cả festival. Anh phải đi học, học về cách thức tổ chức thì mới có ý tưởng hay cho festival được. Đó còn là câu chuyện của việc phát triển tổ chức và đội ngũ tổ chức sự kiện. 

Yêu cầu chuyên nghiệp hóa đòi hỏi cần phải có một vài tổ chức chuyên nghiệp vận hành các hoạt động nghệ thuật (xây dựng chủ đề nghệ thuật, lựa chọn tiết mục, chương trình); hoạt động tổ chức và quản lý (marketing, gây quỹ, tài trợ, quản lý rủi ro...). Dù theo mô hình nào thì các festival cần được xây dựng hướng tới tính hiệu quả hoạt động.

Phương Thủy
.
.
.