Loay hoay xử lý hàng ngàn container hàng phế liệu "vô chủ"

Thứ Ba, 06/08/2019, 14:25
Theo ông Trần Việt Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 (khu cảng Cát Lái, đường Lê Phụng Hiểu, quận 2), gần đây, Bộ Tài chính căn cứ chỉ đạo của Chính phủ đã không cho thanh lý hàng phế liệu đang tồn đọng tại cảng theo Thông tư 203/2014/TT-BTC (Bộ Tài chính) nên hiện tại mọi việc đang án binh bất động. Tại cảng Cát Lái hiện vẫn còn khoảng 2.400 container tồn đọng từ năm 2018 đến nay. Số tồn đọng này gây nhiều thiệt hại và rắc rối cho cảng…


Vì lợi nhuận nên bất chấp pháp luật

Những ngày này bước chân vào cảng Cát Lái (quận 2, TP Hồ Chí Minh) ai cũng sẽ có cảm giác "choáng" bởi hình ảnh hàng ngàn container nhiều màu sắc tồn đọng được xếp chồng lên nhau thành nhiều lớp và nhiều hàng giăng kín, chiếm rất nhiều diện tích và không gian của cảng.

Chúng như đang "trơ gan cùng tuế nguyệt" ngày này qua ngày khác tại đây. Trong đó, có phần nhiều container đã lưu tại bãi cảng hơn 90 ngày, thậm chí có nhiều container có thời gian tồn đọng lâu năm bị chủ hàng từ chối nhận do chi phí lưu kho, lưu bãi phát sinh cao…

Số container đang tồn đọng tại các cảng đã gây nhiều thiệt hại và hệ lụy.

Chính thực trạng này ít nhiều cho thấy được sự nan giải khi muốn giải quyết, dọn dẹp chúng của cơ quan chức năng, nhất là khiến cả công ty kinh doanh cảng và cơ quan Hải quan phải "đau đầu".

Ông Trần Việt Thắng, cho biết, hiện cảng Cát Lái còn khoảng 2.400 container "vô chủ". "Lâu nay với hàng phế liệu tồn đọng, chúng tôi xin xử lý theo Thông tư 203/2014/TT-BTC (Bộ Tài chính), sẽ thông báo, phân loại, kiểm tra, giám định để bán, tịch thu, đưa vào công quỹ Nhà nước…

Tuy nhiên, vừa rồi Bộ Tài chính căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, đã không cho thanh lý hàng phế liệu theo Thông tư 203 nữa nên mọi việc từ năm ngoái đến nay vẫn chưa nhúc nhích gì được. Số 2.400 container đang tồn đọng tại cảng đến nay cũng đã gây nhiều thiệt hại và rắc rối cho cảng, bởi chỉ khi giải quyết được số hàng tồn này thì cảng mới có thể giải quyết cho hàng khác về được. Hiện tại chúng tôi vẫn phải đợi chỉ đạo của Bộ Tài chính, nhưng đến giờ vẫn chưa có hướng nào để giải quyết", ông Trần Việt Thắng cho hay.

Theo ông Thắng, trước đó cảng cũng đã giải quyết được gần 2.000 container tồn đọng - trong đó ngoài số khách hàng đã liên hệ làm thủ tục nhận hàng thì số hàng được xác định là vô chủ, chủ yếu là phế liệu, khi mở ra phân loại, kiểm kê, giám định để xác định chất lượng phế liệu nào đúng quy định, đủ tiêu chuẩn thì cho nhập, tổ chức bán đấu giá, cái nào là rác phế thải thì yêu cầu chủ hàng, chủ tàu tái xuất hoặc tiêu hủy…

Nhưng hiện giờ cảng đang dừng lại mọi giải quyết liên quan đến những container đang lưu tại cảng để chờ chỉ đạo tiếp theo.

Ông Thắng cũng lưu ý, với hàng phế liệu nếu đúng theo quy định thì vẫn được nhập khẩu, Nhà nước chỉ cấm nhập rác phế thải. Gần đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I đã ra thông báo để các cá nhân, tổ chức có liên quan đến các lô hàng tồn đọng đang lưu giữ tại cảng Tân Cảng - Cát Lái, đã quá thời hạn 90 ngày chưa làm thủ tục hải quan đến nhận hàng. Theo đó, đến ngày 3-7-2019 có tổng cộng 300 container (tương đương 547 teus) và 303 kiện CFS-KVTC.

Đầu năm 2019, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cũng đã thông báo hỗ trợ khách hàng nhanh chóng giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng bằng cách giảm 80% phí lưu bãi đối với các container phế liệu nhập khẩu có vị trí tại cảng Cát Lái trước ngày 31-12-2018 được khách hàng lấy ra khỏi cảng trong thời gian từ đầu tháng 4 đến hết ngày 30-5-2019.

Nhờ chính sách này, mà số container phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái cũng giảm đi, tuy nhiên số tồn đọng hiện vẫn còn khá lớn. Trong số này, cũng cần đề cập đến số hàng trăm container tồn đọng đang bị khóa bởi cơ quan chức năng để phục vụ công tác xác minh, điều tra trong nhiều năm nay, nhưng đến nay các cơ quan này vẫn chưa xử lý gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan Hải quan trên địa bàn, cũng như ảnh hưởng đến mặt bằng khai thác của cảng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua phế liệu nhập khẩu chủ yếu gồm xe các loại, bo mạch điện tử, hàng điện máy - điện lạnh - điện gia dụng đã qua sử dụng, nhưng thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Đáng nói là khi về đến Việt Nam, nó lại được sử dụng rất nhiều. Điển hình như hàng điện tử điện lạnh - điện gia dụng, khi nhập khẩu về Việt Nam, nếu trót lọt sẽ được phân phối về các điểm mua bán đồ điện tử - điện lạnh - điện gia dụng đã qua sử dụng - kho trung chuyển ở các quận như Thủ Đức, Bình Tân, 12, Hóc Môn…

Từ đó, hàng sẽ để nguyên hoặc đã được sửa chữa, thêm các chi tiết, vệ sinh, làm mới để tiếp tục chuyển đến các điểm phân phối trên khắp địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận với giá thành khá rẻ.

Theo Tổng cục Hải quan thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ là ba quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều phế liệu nhất trong thời gian qua. Chính vì lợi nhuận khá lớn, nên nhiều tổ chức, cá nhân dù biết rõ các quy định của pháp luật trong việc đưa phế liệu về Việt Nam, vẫn bất chấp để nhập khẩu.

Thông thường những tổ chức, cá nhân này sẽ khai báo hải quan là hàng mới 100% hoặc các mặt hàng khác như vải, thiết bị văn phòng, rổ nhựa... để ngụy trang cho việc nhập lậu các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, thuộc danh mục cấm nhập khẩu này.

Chờ giải quyết ...

Trở lại với số phế liệu hiện đang tồn đọng ở cảng Cát Lái, vấn đề phải đối mặt lúc này của cảng Cát Lái không chỉ là tình trạng tồn đọng số container lớn trong ngắn hạn, mà khả năng doanh nghiệp nhập khẩu "bỏ của chạy lấy người" là rất cao. Cảng trở nên chật chội vì phế liệu gây khó khăn cho việc lưu bãi và thông quan các loại hàng hóa khác.

Để giải tỏa số container tồn đọng này, chi phí vận chuyển, thuê bãi và lưu kho, thậm chí có những thứ phải tiêu hủy, là rất lớn. Chính vì thế mà các hãng tàu, doanh nghiệp nhập khẩu đã lặng lẽ "đánh bài chuồn" để trốn trách nhiệm. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhập hàng đã "biến mất" khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Dưới góc độ pháp lý, số lượng hàng ngàn container phế liệu kia đang như một sự thách thức đối với việc xử lý của các cơ quan hữu quan. Đáng nói, ngoài cảng Cát Lái, còn khá nhiều cảng khác trên toàn quốc cũng đang chịu chung nỗi khổ này.

Ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, thống kê đến tháng 3-2019, tổng số phế liệu đang được lưu giữ tại các cảng biển thuộc Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trên cả nước đang lưu giữ là 23.453 container (nhiều nhất tập trung tại cảng biển thuộc Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu quản lý tồn đến 9.468 container, tồn đọng tại cảng biển Hải Phòng 6.082 container và khu vực TP Hồ Chí Minh là 4.689 container).

Cần nói rõ, đây không phải là phế liệu nhập khẩu tồn đọng mà đây là tổng số phế liệu đang được lưu giữ tại các cảng. Theo quy định tại Điều 58 của Luật Hải quan 2014, hàng tồn đọng được xác định là người đứng trên vận đơn hay chủ hàng từ chối nhận.

Đồng thời, những lô hàng đã tồn quá 90 ngày và cơ quan hải quan gửi thông báo hai lần trong 60 ngày tiếp theo nữa mà không có người đến nhận thì lúc đó mới xác định là hàng tồn và phải xử lý. Chiếu theo quy định trên thì trong số hơn 23.000 container kể trên đã có gần 10.000 container phế liệu tồn quá 90 ngày không người nhận.

Bên cạnh đó, có hàng ngàn container quá hạn thông báo nhưng không ai đến nhận. Điều này không những gây ùn tắc tại các cảng mà còn khiến cơ quan chức năng có thêm một khối lượng công việc không nhỏ.

Theo ông Âu Anh Tuấn, việc xử lý đối với số phế liệu đang tồn đọng tại các cảng gặp rất nhiều khó khăn, vì nhiều lô hàng không tìm được người nhận, chiếm nhiều diện tích kho bãi của doanh nghiệp kinh doanh cảng. Trách nhiệm tái xuất phế liệu, rác thải thuộc về hãng tàu nếu lô hàng vô chủ, nhưng không có chế tài nếu không tái xuất thì sẽ bị xử lý như thế nào. Chưa kể, nếu tiêu hủy cũng sẽ tốn một khoản chi phí rất lớn.

Tại cảng Cát Lái hiện có khoảng 2.400 container tồn đọng từ năm 2018 đến nay.

Nói về hai biện pháp xử lý là tái xuất và tiêu hủy, một lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho rằng với phế liệu không đạt chuẩn thì bán đấu giá không ai mua mà buộc các chủ tàu tái xuất rất khó khả thi. Đặc biệt, việc giám định phân loại cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi để mở hàng ngàn container sẽ không có chỗ để mở và tốn rất nhiều công sức, chi phí. Trong khi chỉ đạo cụ thể với lượng rác này từ cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn chưa cụ thể.

Trước thực trạng này, theo ông Âu Anh Tuấn, từ giữa tháng 9-2018, thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg, việc kiểm soát tại các cửa khẩu nhập đã được tiến hành rất chặt chẽ để ngăn chặn từ xa những phế thải không đủ điều kiện thì không được đưa vào Việt Nam. Cơ quan hải quan chỉ cho nhập và tạo điều kiện thông quan nhanh những lô hàng đủ điều kiện để doanh nghiệp tái chế phục vụ sản xuất.

Cơ quan hải quan chỉ cho nhập phế liệu trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ cho phép; phải đáp ứng tiêu chuẩn quy chuẩn về môi trường và doanh nghiệp nhập khẩu phải có cơ sở sản xuất đảm bảo khả năng xử lý môi trường. Đồng thời, lô hàng phải được ký quỹ để đảm bảo trường hợp không đủ tiêu chuẩn nhập vào Việt Nam thì cơ quan quản lý sẽ dùng số tiền này để xử lý về môi trường. Như vậy, lô hàng đáp ứng được đủ các điều kiện này mới được hạ bãi.

Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần đề xuất Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu trình Chính phủ sửa các nghị định liên quan nhằm nâng chế tài, xử phạt thật nghiêm các hãng tàu không tái xuất rác thải ra khỏi Việt Nam. Có thể phạt tiền, tạm dừng, thậm chí không cho phép hãng tàu vận chuyển hàng hóa vào Việt Nam nếu không tái xuất container phế thải vô chủ ra khỏi Việt Nam.

Phú Lữ
.
.
.