Lời cảnh báo từ sai phạm tại dự án metro

Thứ Sáu, 01/03/2019, 09:44
Dự án metro hàng chục ngàn tỷ đồng bỏ ra nhưng chắn chắc Nhà nước phải hỗ trợ khoảng 60% kinh phí, bởi nếu tính hết mức, tiền vé thu được từ vận hành metro này chỉ thu khoảng 40% giá trị. Theo ông Dương Hữu Hoà- Giám đốc Ban Quản lý dự án Metro số 1, việc này các nước khác trên thế giới vẫn thế.


Vậy các nước giàu có trên thế giới họ làm metro vì không thể có giải pháp giao thông nào thay thế hiệu quả hơn nên họ phải làm nhằm chống kẹt xe, giảm ô nhiễm… Còn ở Việt Nam chúng ta, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liệu đã cấp thiết bắt buộc phải làm metro để sẵn sàng tiêu lượng tiền vay khổng lồ mà chưa thể tính ngày hoàn vốn?

Dự án đường sắt đô thị (metro) của TP Hồ Chí Minh đang đội vốn bất thường với hàng chục ngàn tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết luận hàng loạt sai phạm về thẩm quyền phê duyệt, thay đổi vật tư, cách tính toán giá trị không chuẩn… Ngoài ra, hệ quả của việc đầu tư dự án này đã được báo trước là phải bù lỗ, bởi thực tế trên thế giới không có quốc gia nào đầu tư metro thu lại vốn từ việc bán vé để phục vụ hành khách…

Ngổn ngang công trình metro giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Nhiều sai phạm đang chờ khắc phục

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước về dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), TP Hồ Chí Minh chỉ ra hàng loạt sai phạm mà trách nhiệm thuộc về UBND TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo một số Sở và Ban Quản lý đường sắt đô thị (ĐSĐT), với các vấn đề bất cập từ khảo sát, phê duyệt, đến quá trình đầu tư đội vốn... Theo Kiểm toán Nhà nước, UBND TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh dự án này chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền.

Trong đó, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư tới 47.325 tỷ đồng, dự án trọng điểm quốc gia (lớn hơn 35.000 tỷ đồng) theo quy định tại Nghị quyết 49/2010, dự án phải trình Quốc hội xem xét nhưng chưa được xem xét đã cho đấu thầu thực hiện. Và theo quy định, thẩm quyền quyết định các dự án quan trọng quốc gia là Thủ tướng Chính phủ.

Đáng lưu ý, quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn. Theo Kiểm toán Nhà nước, thư của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) chỉ xác nhận việc sẽ tính đến chuyện bổ sung vốn, chưa xác nhận về cho vay.

Đáng nói quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh đã không đúng giá trị lập. Trường hợp phê duyệt chỉ bằng một loại tiền Yen thì tất cả trượt giá phải được tính theo tiền Yen và giá trị điều chỉnh chỉ là 206,126 triệu Yen (giảm 30.500 triệu Yen).

UBND TP Hồ Chí Minh cũng tự phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành năm 2017 sang hoàn thành năm 2019 là không tuân thủ trình tự và thẩm quyền, "vượt mặt" Chính phủ và Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo Kiểm toán Nhà nước, ông Hoàng Như Cương, Phó trưởng Ban quản lý ĐSĐT (người mới đây được phát hiện đi nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền), đã phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 178/QĐ-BQLĐSĐT ngày 7-7-2014 là trái thẩm quyền.

Lý do là vì ông này chỉ là cấp phó, không có thẩm quyền điều chỉnh mức đầu tư và quy mô của dự án trọng điểm quốc gia. Cùng đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh thực hiện thẩm định để phê duyệt là không đúng thẩm quyền, nội dung thẩm định không đảm bảo theo quy định, kiểm tra tính đầy đủ, hợp lý của các khoản mục chi phí trong đầu tư...

Theo quy định, đơn vị thẩm tra phải do người quyết định đầu tư thuê, Bộ Giao thông vận tải có đề nghị nhưng UBND TP Hồ Chí Minh vẫn chỉ đạo đơn vị thẩm định sử dụng kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư của tư vấn CPG&SMRT (do JICA thuê) là không phù hợp quy định. Trong tờ trình này, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đã trích dẫn những chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khi đó là ông Lê Hoàng Quân.

Theo đó, ông Quân đã giao và cho phép Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh thẩm định việc tăng tổng mức đầu tư đối với dự án này. Đáng chú ý, tổng mức đầu tư được lập theo phương pháp xác định theo thiết kế cơ sở nhưng hồ sơ thiết kế cơ sở không thể hiện đầy đủ nội dung, nhiều hạng mục công trình còn có khoảng 60% giá trị, chưa đảm bảo cơ sở để xác định giá trị tính toán. Bên cạnh đó, các thiết bị vật tư nhập từ Nhật Bản chưa đảm bảo căn cứ pháp lý.

Ngoài ra, việc áp dụng định mức của Nhật Bản chưa có trong hệ thống định mức hiện hành. Việc áp dụng hệ số chi khác của Nhật Bản không có trong quy định tại Việt Nam hoặc có trong quy định Việt Nam nhưng cao hơn gấp nhiều lần… nên việc phê duyệt điều chỉnh dự án 236,626 triệu Yen là không phù hợp… Theo đó, dự án tuyến Metro số 1 đội vốn từ 17.400 tỷ đồng lên hơn 47.300 tỷ đồng và Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tăng từ 1,374 tỷ USD lên 2,173 tỷ USD - tăng thêm 58%).

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án tại gói thầu CP1a (đoạn ga Bến Thành - ga Nhà hát Thành phố) còn thiếu sót trong công tác xác định đơn giá và tính toán gia tăng giá trị dự toán hơn 1,6 ngàn tỷ chiếm 26,9%. Trong đó, sai đơn giá 1,56 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, thiết kế tường vây đường hầm ga Metro số 1 thay đổi chiều dày từ 2m xuống 1,5m ở gói thầu số CP1a không đúng quy định. Sự thay đổi này do Ban Quản lý ĐSĐT tự điều chỉnh khi chưa có sự đồng ý từ cấp thẩm quyền.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị các đơn vị liên quan phải xử lý tài chính số tiền lên đến 2.898 tỷ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách hơn 18 tỷ đồng, nộp thuế giá trị gia tăng 53,5 tỷ đồng, giảm trừ các khoản thanh toán cho nhà thầu hơn 96,5 tỷ đồng và xử lý khác trên 2.648 tỷ đồng.

Trong tổng số tiền phải xử lý tài chính, phần lớn thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý ĐSĐT (2.864 tỷ đồng), tổ chức kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan và có hình thức xử lý theo quy định.

Hiện, Ban Quản lý ĐSĐT, các Sở, ngành liên quan của TP Hồ Chí Minh đang triển khai xử lý sau kiểm toán, kiểm điểm trách nhiệm theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh và chưa có kết quả cụ thể.

Những hệ luỵ phát sinh…

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc tiếp tục thi công dự án khi Quốc hội chưa thông qua phê duyệt tăng vốn có đúng không và những hệ lụy phát sinh tiếp theo, Ông Dương Hữu Hoà - Giám đốc Ban Quản lý dự án Metro số 1 cho biết, hiện nay, Ban Quản lý ĐSĐT đang tích cực phối hợp giải quyết thanh toán cho các nhà thầu do vướng trình tự thủ tục. Có một số gói thầu hiện nay hết hạn thời gian thực hiện hợp đồng và đang được Ban Quản lý ĐSĐT xem xét ký phụ lục hợp đồng để gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.

Ban Quản lý ĐSĐT đã đề xuất và được thành phố chấp thuận tiếp tục cho tạm ứng vốn từ ngân sách thành phố để thanh toán cho các nhà thầu, với số tiền tạm ứng là 2.158,5 tỷ đồng. Hiện nay đang chờ thành phố có văn bản chính thức để thanh toán, tạm ứng cho các nhà thầu.

Theo hồ sơ, tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh (Bến Thành - Suối Tiên), do Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh quyết định đầu tư, dự án nằm trên địa bàn các quận: 1, Bình Thạnh, 2, 9, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương. Mục tiêu chính của dự án: Bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn từ trung tâm thành phố đến cửa ngõ Đông - Bắc thành phố, nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Quy mô tuyến đường chiều dài 19,7 km (trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6km; đoạn đi trên cao dài 17,1km); bao gồm 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và 1 depot; cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 126.582,650 triệu Yên (tương đương 17.387,655 tỷ đồng). Năm 2011, UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh là 236.626 triệu Yên (tương đương 47.325,2 tỷ đồng).

Nguồn vốn thực hiện: Vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (chiếm 88,4% tổng mức đầu tư) và vốn đối ứng trong nước (chiếm 11,6% tổng mức đầu tư). Đến nay, đã ký kết 3 Hiệp định vay với tổng số vốn là 155.364 triệu Yên (tương đương 31.208 tỷ đồng)…

Ban Quản lý ĐSĐT cho biết lý do phải điều chỉnh dự án được nghiên cứu lập tại thời điểm năm 2006, khi đó ở Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị nên việc xác định tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn chỉ dựa trên cơ sở suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang được xây dựng ở khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ…

Do thiếu kinh nghiệm thực tế nên việc tính toán cũng chỉ dừng lại những vấn đề mang tính chất bình quân đối với một tuyến xe điện, mà chưa xem xét đầy đủ đến yêu cầu an toàn cao; chưa bao gồm giá thành xây dựng trung tâm điều khiển chung cho cả hệ thống đường sắt đô thị thành phố sau này, chưa tính toán tổ chức vận hành, khai thác, bảo dưỡng…

Mặt khác, mục tiêu thiết kế ban đầu của dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2015 và tính cho nhu cầu khai thác đến năm 2020 cũng đã cho thấy tầm nhìn hạn chế của việc nghiên cứu trước đây. Vì vậy, việc chủ đầu tư đã yêu cầu tư vấn nghiên cứu bổ sung nhiều hạng mục công trình tiện ích để bảo đảm xây dựng được công trình tương đối hiện đại, đáp ứng nhu cầu cho đến năm 2040 (thay vì năm 2020).

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh tăng 87% (tính theo ngoại tệ) với giá trị là 110.043 triệu Yen (tương đương 29.939 tỷ đồng). Đối với Dự án này, theo quyết định phê duyệt điều chỉnh của UBND TP Hồ Chí Minh, với việc tăng tổng mức đầu tư lên 47.325 tỷ đồng, suất vốn đầu tư của dự án (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, dự phòng, lãi vay trong thời gian thực hiện dự án) là 85,79 triệu USD/km (13% tuyến đi ngầm) (trường hợp không xét đến việc đầu tư công trình kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 trong tương lai - phần hộp nhà ga tuyến số 2 nằm bên dưới nhà ga trung tâm Bến Thành của tuyến số 1, suất đầu tư này là 85,45 triệu USD/km).

Tổng khối lượng thực hiện của dự án đến nay đạt 62,3%. Các gói thầu đã được Ban Quản lý dự án triển khai công tác đấu thầu từ khi UBND TP Hồ Chí Minh quyết định tăng vốn mà không cần Quốc hội và cấp thẩm quyền phê duyệt. 

Thay cho lời kết

Kiểm toán Nhà nước khẳng định, lượng khách tính toán tăng đột biến gấp hơn hai lần vào năm 2020 dựa trên thông tin về vận hành thông suốt tuyến số 1, số 3a là không có cơ sở và thiếu chính xác. Chưa kể việc thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư, trong đó tính toán 15% dự phòng cơ học cho tất cả các gói thầu là chưa phù hợp.

Ngọc Như
.
.
.