Lời kêu cứu từ ngôi làng sống chung với "tử thần"

Thứ Tư, 11/01/2017, 20:11
Nếu có đủ điều kiện thì hầu hết mọi người tại thôn thôn Mỵ Thanh (xã Mỵ Hòa, Kim Bôi, Hòa Bình) sẽ đều bỏ xứ ra đi. Bởi lẽ, cái chết vô hình từ hàng tấn thuốc trừ sâu được chôn sâu trong lòng đất vẫn đe dọa tính mạng của họ nhiều năm nay


Cách đây vài năm, thôn Mỵ Thanh (xã Mỵ Hòa, Kim Bôi, Hòa Bình) vẫn còn trên dưới 300 nhân khẩu, nhưng vào thời điểm hiện tại chỉ còn 65 hộ dân với 245 người. Người mất vì ung thư, người bỏ xứ mà đi để tránh cái hiểm họa tiềm tàng đang nằm trong lòng đất chính là lý do khiến dân số nơi đây sụt giảm như vậy. 

Cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn, nhiều người dân ở đây cho rằng, nếu có đủ điều kiện thì hầu hết mọi người sẽ đều bỏ xứ ra đi. Bởi lẽ, cái chết vô hình từ hàng tấn thuốc trừ sâu được chôn sâu trong lòng đất vẫn đe dọa tính mạng của họ nhiều năm nay và hậu quả của nó thì đang ở trước mắt…

Bỏ xứ tìm đường sống

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng thôn Mỵ Thanh cho biết, trước đây thôn nằm trên vùng đất thuộc đội sản xuất số 5 nông trường Thanh Hà cũ, nổi tiếng với việc chuyên canh cây cam. Nhưng không ai ngờ, vùng đất trồng cây ăn quả này lại phải đối mặt với cái chết đến từ bệnh ung thư như vậy.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ung thư là do Nông trường Thanh Hà cũ đã dùng một loại thuốc trừ sâu cực độc có tên là DT666 (dạng bột màu hồng) phun lên cây cối để diệt trừ sâu bọ. Sau khi phun xong, còn thừa một số lượng lớn, Ban quản lý nông trường đã cho chôn xuống đất để tiêu hủy. Việc làm này đã vô tình ảnh hưởng đến mạch nước ngầm tại khu vực trong một thời gian dài.

"Sau khi nông trường giải thể, đất được phân lô bán lại cho người dân và công nhân của nông trường. Từ những năm 1967, 1968, tức là cách đây khoảng 50 năm, ở khu vực gần giữa thôn trước đây là kho thuốc trừ sâu của nông trường. Do đây là một nông trường lớn nên lượng thuốc trừ sâu cũng phải lên đến vài tấn, một số lượng lớn thuốc trừ sâu được chôn trong lòng đất và để ở đó cho tới tận bây giờ. Nó là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước và ung thư ở thôn chúng tôi", ông Tuấn ngậm ngùi chia sẻ.

Ông Tuấn bên cạnh kho thuốc trừ sâu nồng nặc mùi.

Dẫn chúng tôi đi dọc theo con đường đất tới cuối thôn, vừa đi ông Tuấn vừa chỉ cho chúng tôi những hộ gia đình bị ung thư. Hầu hết những hộ gia đình có người bị ung thư đều tập trung thành một vòng tròn quanh kho thuốc trừ sâu cũ với hàng tấn thuốc trừ sâu được chôn trong lòng đất. 

Có những gia đình có người bị ung thư qua đời, quá cám cảnh và sợ hãi trước sự ra đi lần lượt của những người thân quen đã phải khóa cửa nhà để đó rồi chuyển đi nơi khác sinh sống.

Chỉ vào một ngôi nhà khóa trái cửa, ông Tuấn nói: "Ngôi nhà này trước đây của anh Nguyễn Văn Khải, có mẹ là bà Hoàng Thị Nom và vợ là Nguyễn Thị Hà bị ung thư. Sau khi mẹ và vợ qua đời, rồi cậu con trai mới 7-8 tuổi đột nhiên có dấu hiệu rụng tóc, anh Khải đưa con đi chữa trị, sau đó cũng không dám ở đây nữa. Trước đó, họ vẫn làm việc ở nơi đây và kinh tế ổn định chứ không phải thuộc diện khó khăn. Chỉ khi nhiều người bị ung thư mất nên họ mới sợ mà bỏ xứ đi. Không biết sau khi xử lý xong kho thuốc trừ sâu và nguồn nước bị nhiễm độc thì có trở về hay không…".

Giở cuốn sổ ghi số lượng nhân khẩu trong thôn, ông Tuấn ngán ngẩm khi nói về sự sụt giảm nhân khẩu chỉ bởi kho thuốc trừ sâu kia. Hiện tại, thôn Mỵ Thanh còn 65 hộ với 245 người và số hộ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vài tấn thuốc trừ sâu lên tới 27 hộ. Tỉ lệ người bị mắc ung thư qua mỗi năm ngày càng tăng, từ năm 2008 đến nay đã có 16 người chết vì căn bệnh này. Và chắc chắn những mầm mống bệnh tật, ung thư còn rất nhiều bởi không phải ai cũng có điều kiện đi kiểm tra sức khỏe, chỉ đến khi căn bệnh phát ra thì mới biết.

"Tôi thấy Tổng cục Môi trường cùng nhiều cơ quan ban ngành cũng về đây kiểm tra để đo nồng độ độc hại, ô nhiễm nhưng chưa đưa ra phương án xử lý với số thuốc trừ sâu đó. Mới đây tôi còn nghe nói nếu xử lý triệt để bằng việc múc đất đi chỗ khác xử lý thì sẽ mất khoảng 24 tỷ", ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn nói thêm: "Đầu năm 2013, có một đoàn cán bộ đã lấy mẫu nước giếng khoan trên địa bàn để phân tích mức độ ảnh hưởng. Kết quả có tới 99% giếng trong vùng không đạt tiêu chuẩn, trong đó có 25 hộ dân quanh kho thuốc chịu ảnh hưởng nặng nhất. Các hộ sinh sống xung quanh đều bị ảnh hưởng ít nhiều".

Sống chung với tử thần

Và cho đến khi kho chất độc được xử lý, người dân nơi đây vẫn phải "sống chung với lũ" như họ đã sống trong hàng chục năm qua. Kho thuốc này không chỉ gây ô nhiễm không khí bởi mùi hôi mà nó bốc lên, nhất là vào những ngày hè oi bức, mà còn ngấm vào nguồn nước ăn của người dân như đã nói trên. Mặc dù bị ô nhiễm nước nghiêm trọng, bà con nơi đây vẫn phải dùng nước giếng tự đào vì khan hiếm nguồn nước sạch.

Sau khi tỉ lệ người bị mắc bệnh đường ruột, bệnh gan, bệnh tiểu đường tăng lên đột biến, bà con mới chuyển sang khu vực khác lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên việc này chỉ mang tính đối phó, bởi mầm mống bệnh tật vẫn còn tiềm ẩn trong lối sinh hoạt cũ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thước - thương binh hạng ¾ và cũng là một hộ dân sống cạnh kho thuốc trừ sâu cho biết: "Trước đây hơn chục năm thì nước giếng đào có mùi hôi nhưng chúng tôi cũng đành phải dùng chứ không phải đi gánh rất xa. Có chỗ nước thẩm thấu lâu năm, đổi màu nên người dân phải lấp giếng đó đi không dùng nữa. Bây giờ giếng nhà tôi mùi nặng nên cũng lấp lại. Muốn có nước sử dụng thì phải xếp chum hứng nước mưa, đi xin nước trong doanh trại quân đội ngoài đường lớn hoặc như một số người đào giếng ở xa khu vực rồi đi gánh nước về dùng…".

Ông Thước và đôi quang gánh đi lấy nước.

Gia đình ông Thước cũng là một trong những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi kho thuốc trừ sâu này bởi hiện tại hai con gái của ông là chị Nguyễn Thị Thơm và Nguyễn Thị Mừng đều đang bị ung thư.

Nói về hai cô con gái, vợ chồng ông Thước chỉ biết ngồi khóc bởi hiện tại căn bệnh của các con đang chuyển nặng phải đi chữa trị xa nhà. Hơn nữa, gia đình ông Thước cũng không khá giả gì nên không có đủ điều kiện chăm sóc được cho các con đúng mức. Có 4 người con, hai người đã phải chuyển đi xa nơi này sinh sống, hai người ở viện nhiều hơn ở nhà, nên ngôi nhà của ông trở nên vắng vẻ quạnh hiu. Hai vợ chồng già tự chăm sóc lẫn nhau trong nỗi buồn tủi. Mỗi ngày ông Thước phải tự mình đi gánh nước từ rất xa về để sử dụng trong sinh hoạt.  

Cũng là một hộ sát vách với kho thuốc trừ sâu, nhà chị Tạ Như Quỳnh cũng đang có người thân bị ung thư máu. Do có điều kiện hơn nên chị Quỳnh mua nước đóng bình về để ăn uống, còn nước dùng cho giặt giũ quần áo thì chị vẫn dùng nước giếng cũ dù cho sặc mùi thuốc trừ sâu.

Chị Quỳnh cho biết: "Mình phải kết hợp nhiều loại với nhau mới đủ dùng do nhà đông người. Nước sinh hoạt bình thường thì mình đi mua, đi gánh ở chỗ khác về còn nước uống thì có máy lọc và nước bình. Nước giếng tôi chỉ dùng để rửa sân, giặt quần áo. Dù nó có mùi thuốc trừ sâu nhưng vẫn đỡ hơn là không có nước mà dùng. Xung quanh đây chắc chỉ còn nhà tôi là dùng nước giếng".

Duy nhất nhà chị Quỳnh vẫn dùng nước giếng có mùi thuốc trừ sâu.

Khi kể về người thân đang bị ung thư nằm trong nhà, chị Quỳnh ra dấu cho chúng tôi là phải kín tiếng vì bà cụ vẫn chưa hề biết mình mắc căn bệnh quái ác này. "Bà cụ sợ lắm, cách đây vài tháng, một người bạn của bà cách đây mấy nhà cũng qua đời vì căn bệnh ung thư này. Gia đình vẫn không cho bà biết vì sợ bà sốc. Mấy nhà quanh đây chẳng ai thoát được căn bệnh này", chị Quỳnh nói.

Người thân nhà chị Quỳnh cũng là một trong những người từng lao động tại kho thuốc trừ sâu trước kia. Những người khác trong tầm tuổi ấy nếu sinh sống quanh kho thuốc trừ sâu thì cũng mắc phải căn bệnh này và qua đời cả.

Việc ô nhiễm nguồn nước không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của các hộ gia đình. Một số hộ nuôi cá, trồng rau, củ, quả…, tuy nhiên khi đem ra chợ bán thì không ai dám mua vì sợ mắc bệnh. Sau nhiều năm sống trong sự sợ hãi, người dân thôn Mỵ Thanh chỉ còn trông mong vào sự giúp đỡ của Nhà nước nhằm khắc phục nguồn nước ô nhiễm trong thời gian sớm nhất, giúp họ ổn định cuộc sống và thoát khỏi bóng ma chết chóc của căn bệnh ung thư đang bủa vây ngôi làng nghèo này.

Ông Hà Công Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa cho biết: "Về kho thuốc trừ sâu ở thôn Mỵ Thanh, từ đầu năm 2014 đến giờ có nhiều đoàn khảo sát cấp ngành, từ sở cho đến tỉnh rồi đoàn địa chất của Trung ương cũng về lấy mẫu nhưng chưa có giải pháp cụ thể nào. Trước mắt, để giải quyết vấn đề nước sạch cho bà con, theo phê duyệt của tỉnh, chúng tôi đã tiến hành xây dựng công trình nước sạch ở 4 thôn là Mỵ Thanh, Xóm Mỵ, Phố Mỵ, Ba Gian và lấy Mỵ Thanh làm trung tâm. Hiện tại hệ thống được đo đạc thiết kế xong và khoan 3 giếng thì 2 giếng sâu trên 80m đã có nước. Xã cũng đã đề nghị các cấp có thẩm quyền từ huyện cho đến tỉnh xem xét hỗ trợ giúp đỡ thêm cho bà con".
Phong Trâm
.
.
.