Chuyện những kỳ nhân săn voi giữa đại ngàn:

Lời nguyền của thần voi

Thứ Tư, 23/11/2011, 17:40

Máu không đổ trên mỗi chuyến hành trình biền biệt theo dấu chân voi giữa đại ngàn. Thay vào đó, dũng sĩ săn voi phải vắt kiệt mồ hôi, nước mắt có khi là những cái mất tích bí ẩn của người trong đoàn.

Rừng xanh như người mẹ luôn giang rộng cánh tay che chở cho thần dân của mình nhưng cũng chính từ đây, rừng làm nơi huyền bí chứa đựng lời nguyền thiêng liêng của thần voi. Một cơn gió thổi nhẹ trong đêm, một cành cây khẽ khàng rời thân hay bất cứ một thay đổi nào trong sự vận động bất thường của rừng xanh có nghĩa là thần voi hiện linh. Vì thế, truyền nhân kể lại có những lời nguyền của thần voi đã trở thành nguyên tắc bất tử với bất cứ một dũng sĩ săn voi nào.

Sự thật phía sau lời nguyền

Một người con xứ lạ đặt chân lên miền đất hoang hóa, khô cằn nhưng quá đỗi linh thiêng. Nơi mà ngày xưa, dấu chân voi vẫn in hằn vào đất. Trời không nắng mà pha chút khói sương tạo nên sự huyễn hoặc hư ảo của đại ngàn. Nó càng tôn thêm vẻ trầm mặc, thâm u cho người đời kể chuyện. Không biết từ bao giờ mà ngay cả các dũng sĩ săn voi cũng không thể lý giải được vì sao lại có lời nguyền của thần voi. Họ được người đi trước truyền lại bằng khẩu ngữ và cứ thế tuân thủ tuyệt đối. Một ai đó vượt ra khỏi lời nguyền có nghĩa là họ sẽ phải về với đất mẹ. Trải qua bao đời, dũng sĩ đúc kết được một điều đó là sự màu nhiệm của lời nguyền không chừa một ai.

Đối với đồng bào Ê đê, thì voi là con vật linh thiêng. Họ coi voi như những người thân trong gia đình. Vì vậy, hoạt động săn bắt voi không có nghĩa là phá hủy, tiêu diệt vào mục đích lợi nhuận cá nhân. Họ săn voi về để thuần hóa, nuôi dưỡng như một biểu tượng quyền lực siêu phàm của loài thú lớn nhất trong các loài thú. Khi voi chết, họ làm ma chay, mổ gà, mổ lợn tiễn đưa voi về với rừng xanh.

Anh A Ma Khu, người con trong đại gia đình có truyền thống săn voi kể cho tôi nghe về truyền thuyết lời nguyền của thần voi.

Với bất cứ một dũng sĩ trước và sau khi tham gia săn bắt voi đều có một nguyên tắc bất tử áp dụng cho bản thân và người nhà của họ.

Trước lúc xuất quân, dân làng mổ lợn cúng vái thần linh phù hộ cho đoàn người thuận buồm xuôi gió, đi không về có. Những người trong đội săn bắt voi tuyệt đối không được ăn đầu lợn vì sẽ phạm vào lời nguyền của thần voi khi vào rừng sẽ bị voi hất xuống đất. Người mới lần đầu tham gia trong đội sẽ không được mặc quần áo, chỉ được đóng khố. Khi ngủ phải nằm dưới chân voi chiến và chủ tướng. Chủ tướng ăn thịt, cá, họ phải ăn rau rừng, cơm muối. Vợ con họ ở nhà phải kiêng không được đi đám cưới, đám ma hoặc cho khách vào nhà. Nếu phạm luật, lập tức người thân đang tham gia săn voi trong rừng sẽ bị thần voi phạt. Nếu đi đám ma, đám cưới người thân săn voi sẽ lạc đường, không xác định được phương hướng. Nếu cho khách vào nhà, người săn voi sẽ chao đảo, mất tinh thần và đặc biệt khi giã gạo mà để cối xuống nền nhà thì người thân trong rừng sẽ bị ngã khỏi voi, rơi xuống đất.

Còn về bản thân người săn voi, ngoài tuân thủ mệnh lệnh của chủ tướng, của người dẫn đường còn phải nghiêm khắc với các quy luật đã định sẵn. Nếu vi phạm họ sẽ bị khai trừ khỏi đội, bị đuổi khỏi rừng và có thể bị thần voi lấy mạng. Sở dĩ người lần đầu tiên phải tuân thủ nhiều luật như vậy là vì họ chưa một lần tiếp xúc với voi, họ chưa bao giờ vượt qua một lời nguyền nào của thần voi nên ngay từ đầu đó là một thử thách về lòng kiên trì và ý chí của dũng sĩ. Chủ tướng nếu phạm luật sẽ bị lời nguyền của thần voi làm cho điên loạn, tự mình cởi hết quần áo, nhảy múa như một loài thú trong rừng.

Những chú voi này sau khi theo chân các dũng sĩ về bản sẽ được huấn luyện để trở thành voi nhà phục vụ cho con người.

Anh A Ma Khu kể lại chuyện xảy ra vào năm 1988, đó là Gia Men, dũng sĩ có tiếng săn voi trong vùng. Một lần, khi đang săn voi trong rừng, Gia Men đi đốn củi, do không để ý nên chặt trúng cây tầm ruột rừng (loại cây giống y với tầm ruột nhà). Ngay lập tức, Gia Men nhảy múa quay cuồng, bọt mép trào ra trắng xóa. Miệng kêu gào như một mãnh thú. Người trưởng đoàn phải lấy ngay lá cần xe (một loại cây có khả năng làm bùa giải cứu khi bị dính lời nguyền) quét lên người Gia Men.

Một lúc sau, Gia Men trở lại thành người bình thường. Công việc này chỉ có người trưởng đoàn mới đủ khả năng làm được và có hiệu quả. Do cây tầm ruột là một loài mà bất cứ người săn voi nào đều phải kiêng kị. Nếu ăn thì chỉ có thể ăn được nửa quả, còn ăn hết sẽ dính phải lời nguyền. Đối với người bình thường thì được phép ăn thoải mái mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Kể cả sau này không đi săn voi nữa nhưng đã một lần đi săn voi rồi thì không bao giờ được đụng tới loại cây này.

A Ma Khu bảo, cây này là linh hồn của voi, đụng đến cây có nghĩa là đụng đến lời nguyền của thần voi. Người ấy một là điên rồ, nếu nặng sẽ phải đền mạng. Anh nói thêm, một hôm cha anh đi săn voi về kể vào một đêm nọ, khi đoàn người đã ngủ say trong rừng bỗng có một người lạ xuất hiện bằng da bằng thịt và nói được cả tiếng người. Người ấy tiến lại đám người đang ngủ và nói. Trong màn đêm, đèn pin được rọi lên, người lạ xuất hiện nói cho đi theo với đoàn người. Mọi người cứ ngỡ là ma quỷ, thần thánh nhưng đó là người thật.

Vị trưởng đoàn nhanh trí, nhiều kinh nghiệm đoán ngay là thần voi về bắt người. Ông ta lấy cây giáo có gắn mũi sắt nhọn đưa về trước người lạ. Nếu là người thật trong đoàn thì sẽ dùng tay nắm lấy đầu giáo nhọn (quy ước của những người săn voi) còn nếu không phải thì đó là thần voi. Vậy là vừa đưa đầu giáo ra, người lạ vụt biến mất. Đoàn người thoát hiểm. Nếu lúc ấy, một người mới còn non kinh nghiệm không biết xử lý sẽ đưa đầu bằng tre của cây giáo ra phía trước tức thì người đó sẽ bị thần voi kéo đi theo.

Lịch sử đã có những người con của bản làng ra đi và mãi mãi ở lại với rừng xanh. Không một lời nhắn gửi, không một tín hiệu buồn, họ cứ đi mãi về phía trước cho tới khi khuất hẳn dưới tán rừng. Đồng đội hiểu rằng, có một dũng sĩ đã phá bỏ lời nguyền và đồng nghĩa với sự tan chảy.

Khải hoàn ca ngày trở về

Mỗi một cuộc đi săn kéo dài từ một đến 3 tháng ròng. Trong suốt quá trình đó, đoàn người bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Họ liên lạc gọi nhau bằng tu và. Mật mã đã được quy định sẵn trong từng tiếng thổi, từng giọng vang của tù và. Người ở nhà khi nghe tiếng tù và thổi xa xa ngoài núi sẽ đoán biết được kết quả săn bắt thành công hay thất bại.

Về nhà, họ mổ trâu, mổ lợn cúng thần linh đã cho họ chiến lợi phẩm trở về. Những chú voi rừng sau khi được bắt về sẽ được nuôi và thuần hóa. Họ dạy voi như dạy một đứa con nhỏ trong nhà. Từ cách ăn uống, đi đứng và nguyên tắc sống. A Ma Khu hiện đang có một chú voi rừng đã thuần hóa được 10 năm. Hằng ngày, anh dạy voi chào hỏi, nhận biết người lạ người quen. Hiện voi của A Ma Khu đang phục vụ trong ngành du lịch ở Bản Đôn. Hôm tôi tới, anh đã thả voi vào rừng trước đó mấy ngày.

Thời đại săn voi đã lùi xa vào dĩ vãng, tuy nhiên những dụng cụ thì vẫn được các chủ nhân cất giữ, bảo quản cẩn thận.

Tôi hỏi vì sao lại thả voi vào rừng? Không sợ voi đi mất sao? A Ma Khu cười bảo: "Voi là con của mình, làm sao bỏ đi được, nếu cô muốn ngay bây giờ tôi có thể gọi nó về cũng được". Anh cho biết thêm, tất cả voi hiện có ở Bản Đôn này đều là voi rừng thuần hóa, bây giờ nhà nước cấm săn bắt voi rồi nên chúng tôi không đi nữa. Nhiều voi sống lâu năm, chúng già rồi chết đi, chúng tôi sẽ làm lễ chôn cất tử tế. Hành động ăn thịt voi là một tội ác, sẽ bị thần linh trừng trị. Voi bây giờ quý hiếm lắm, người ta phá rừng làm nương rẫy nên voi không có đất sống, chúng quay trở lại phá hoa màu và sát hại lại con người. Voi là con vật thông minh và rất trung thành, chúng hiểu được đâu là lẽ phải, đâu là điều sai trái. Đừng để voi nổi giận, khi voi đã nổi giận rồi thì không gì ngăn cản được đâu".

A Ma Khu dẫn tôi đi tham quan một vòng khu vực thuần dưỡng voi, những con voi to lớn bằng cả một gian nhà thế mà khi A Ma Khu tiến lại gần, voi ghì sát người vào anh, lấy ngà ngửi ngửi như một cử chỉ thân quen của những người thân sau bao ngày gặp lại. Tôi không dám tới gần vì trước mặt tôi là một con vật cao lớn, đồ sộ. A Ma Khu tiến lại thì thầm gì đó vào tai voi, lập tức voi quỳ xuống cho tôi trèo lên bành. Tôi hỏi A Ma Khu vừa nãy anh nói gì với voi đấy? Anh cười khà khà bảo: "Tôi nói với voi cô là một người bạn, cô muốn làm bạn với voi. Ngôn ngữ này chỉ có chủ và voi mới hiểu được thôi, là tiếng nói thật đấy nhưng không giống với bất cứ loại ngôn ngữ nào trên thế gian này cả". Tôi nhờ anh chỉ cho tôi một vài tiếng nhưng A Ma Khu từ chối thẳng: "Không thể chỉ được, từ thời cha ông tôi truyền lại nên không truyền cho bất cứ ai ngoài con cháu của mình".

Câu chuyện của A Ma Khu cứ cuốn tôi đi theo những đề tài muôn thuở về voi. Ở nơi rừng sâu kia, những đàn voi không còn nhiều nữa, hoạt động săn bắt đã chìm xuống nhưng những triết lý và cách thuần dưỡng voi của người Ê Đê là một việc làm đáng quý, đáng trân trọng.

Rời bản làng mịt mùng sương giăng trong một buổi chiều muộn, tôi còn thấy nuối tiếc vì chưa kịp khám phá hết cái hùng vĩ, hoang dại của núi rừng nơi đây. Những điều tôi được nghe, được biết hôm nay là lời của bản hùng ca bi tráng về con người và thiên nhiên một thời ghi dấu ấn về những trận chiến sinh tử giữa người và voi. Bản làng hoang sơ ngày nào đã được khoác lên mình những ngôi nhà xây kiên cố, những con đường trải nhựa uốn lượn quanh ruộng lúa, nương khoai. Thấp thoáng đâu đó tiếng lục lạc treo cổ voi vang vọng phía chân đồi. Một tiếng thổi tù và nghe hùng tráng gọi voi về trong ngày hội. Nhịp sống mới bắt đầu trỗi dậy nơi bản làng của những huyền thoại

Ngọc Thiện
.
.
.