Lời nhắn gửi từ giường bệnh của mẹ thuyền trưởng tàu 4033

Thứ Tư, 21/05/2014, 14:30

"Mẹ vẫn ổn. Con cùng đồng đội hãy vững lòng, kiên quyết chiến đấu bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ Quốc". Đó là lời nhắn nhủ của bà Huỳnh Thị Như Đóa (Quảng Ngãi), mẹ thượng úy Lê Trung Thành - thuyền trưởng tàu CSB 4033. Lời nhắn ấy được truyền đi từ trên giường bệnh viện Ung Bướu (TP HCM), nơi bà Đóa đang điều trị căn bệnh ung thư vòm hầu.

Nơi biển cả, con là niềm tự hào

Nằm bất động trên giường của khoa xạ trị 3, Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, người mẹ của thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển (CSB) 4033 thi thoảng lại chấm lệ. Tôi không hiểu bà khóc vì điều gì, dẫu biết rằng lúc này đây, nước mắt của người mẹ có con trai đang chiến đấu ngoài biển khơi là lẽ thường của tình mẫu tử.

Thượng úy Lê Trung Thành (31 tuổi) là con trai độc nhất của vợ chồng bà Huỳnh Thị Như Đóa. Con đang đương đầu với sóng gió đại dương, với bọn cường quyền xâm lấn. Bà quệt nước mắt nghĩ rằng: "Nếu chỉ vì mạnh mẽ, tỏ rõ lòng kiên trung của một người mẹ mà bảo không lo lắng, không có gì là nói dối. Tôi lo lắm chứ, tôi luôn cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con và đồng đội của con".

Hằng đêm, bà vẫn thức trắng, bà mòn mỏi mong trời sáng để nhờ người đi mua tờ báo điểm tin nóng về biển Đông. Và nơi ấy, biết được con trai mình vẫn bình yên, bà thấy nhẹ lòng.

Bà bảo, đôi khi thảng thốt vì suy nghĩ nào đó chợt ùa về. Trong giấc mơ vẫn thấy biển và con. Nhưng bà rắn rỏi tuyên bố: "Nếu con trai phải hy sinh để bảo vệ vùng biển của Tổ quốc thì cũng phải sẵn sàng cho điều đó. Hai vợ chồng tôi đều đi qua chiến tranh, tôi hiểu được giá trị của hòa bình".

Ông bà sinh được ba người con,  Thượng úy Lê Trung Thành là con trai duy nhất. Hai người con gái đều đã yên bề gia thất. Bà tham gia cách mạng từ năm 1964, từng giữ chức Chấp hành viên Tỉnh đoàn Quảng Ngãi - Bí thư đoàn dân chính Đảng. Bà lấy ông Lê Công Việt là bí thư khóa trước bà. Ông Việt công tác tại Tỉnh đội Quảng Ngãi, từng giữ chức Giám đốc Nhà máy in Quảng Ngãi. Sau giải phóng, ông làm Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Con trai Lê Trung Thành của bà học giỏi lắm, từng đỗ ba trường đại học, nhưng nghe lời cha mẹ, Lê Trung Thành chọn theo Học viện Hải quân ở Nhà Trang.

Nhiều người khi ấy đã khuyên ông bà nên cho con học ngành kinh tế để sau này có tương lai. Nhưng ông bà quyết định đưa con trai vào quân đội. Bà mẹ giải thích: "Rèn con lòng yêu nước, kiên trung và dũng cảm trước vận mệnh dân tộc trong mọi thời đại". Bà xuýt xoa khoe mãi, Lê Trung Thành là đứa con ngoan, biết vâng lời cha mẹ. Anh học hành chăm chỉ, là người có chí khí. Năm 2007, Lê Trung Thành tốt nghiệp về công tác tại vùng 3 CSB đóng quân tại Cam Ranh (Khánh Hòa).

Năm 2008, anh được phân công về vùng 2 CSB, làm thuyền trưởng tàu 2013. Sau đó chuyển sang làm thuyền trưởng tàu 4033. Tàu 4033 là loại tàu hiện đại bậc nhất của lực lượng CSB thuộc biên chế vùng 2 đóng tại Đà Nẵng.

Ngày 3/5, khi đang làm nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, tàu CSB 4033 đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm làm hư hại. Sau đó, tàu 4033 được đưa về cảng Tiên Sa sửa chữa. Tranh thủ thời gian vào đất liền, Thượng úy Lê Trung Thành đã gọi điện về hỏi thăm sức khỏe cha mẹ và vợ con. Cả nhà cố tình giấu bệnh tình của bà Đóa để Thành yên tâm công tác. Nhưng linh cảm mách bảo, anh gặng hỏi mãi cuối cùng vợ anh đã phải nói thật. Anh chỉ biết khuyên mẹ hãy cố gắng chữa bệnh, giữ vững tinh thần để làm hậu phương vững chắc cho anh chiến đấu. Từ đó đến nay, Thượng úy Lê Trung Thành ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

"Mẹ vẫn ổn, con hãy yên tâm làm nhiệm vụ"

Bà Đóa cho biết, Tỉnh ủy Quảng Ngãi vừa gọi điện cho ông Lê Công Việt gửi hồ sơ của chị Phùng Thị Hồng Nhung (sinh năm 1990), vợ của Thượng úy Lê Trung Thành, để cơ quan này bố trí công việc cho chị Nhung. Chị Nhung đã thất nghiệp nhiều năm nay, hiện đang nuôi đứa con gái 20 tháng tuổi. Nằm trên giường bệnh, chợt bà Đóa tươi hẳn lên khi cô con dâu mai này được đi làm, sẽ phụ giúp gia đình và nuôi con để chồng yên tâm công tác nơi đảo xa.

Biết tin bà Đóa bị bệnh nặng, nhiều tổ chức xã hội và nhân dân đã tới thăm hỏi động viên. Bà Đóa thật thà cho biết: "Lúc đầu mới vào TP HCM tôi phải thuê phòng trọ ở ngoài để lánh mọi người đấy. Nhưng không biết thế nào mà mấy cô nhà báo vẫn tìm ra được". Bà cảm ơn tất cả tấm lòng của nhân dân, nhưng bà xin nhường tình cảm ấy cho những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài biển khơi, nơi ấy có cả con trai của bà. Bà đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để chấp nhận bệnh tật. Bà bảo, đời mình đã 68 tuổi rồi, đã nếm trải đủ thứ trên đời.

Chiến tranh đi qua nhưng vẫn để lại vết thương nhức nhối trên cơ thể bà, ngoài ra bà còn bị nhiễm chất độc da cam. Bà vẫn đang hài lòng vì điều đó vì đất nước hòa bình. Bà trấn an tôi khi nhắc đến những chiến sĩ Công an, họ cũng đang phải chiến đấu với các thế lực phản động trong nước, họ cũng âm thầm hy sinh đấy chứ. Tuy nhiên, những ngày "biển nóng" thì lòng dân đều hướng về biển, hướng về những người lính "đầu sóng ngọn gió". Người mẹ tự hào vì có con trai đang bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tự nhiên bà vùng dậy, hỏi tôi: "Tình hình biển Đông vẫn căng thẳng lắm phải không cháu? Bác xem báo thấy Trung Quốc ngày càng hung hăng, chúng đâm húc tàu của Việt Nam hư hỏng mấy cái rồi".

Vợ con thượng úy Lê Trung Thành.

Tôi bất ngờ khi người mẹ này, dẫu bệnh tật hành hạ nhưng vẫn luôn dõi theo mọi thông tin được báo chí cập nhật từ biển. Con trai lâu lâu mới gọi điện về qua sóng vệ tinh, những gì họ trao đổi với nhau không ngoài lời động viên, nhắn nhủ. Bà nhìn thật lâu vào khoảng không, nước mắt ướt nhòe tấm khẩu trang y tế, bà nói: "Tôi luôn động viên con bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Không bao giờ lùi bước trước kẻ thù. Nhưng, lòng người mẹ nào chẳng đau đáu, lòng người vợ nào chẳng xốn xang. Tôi thương con trai bao nhiêu thì thương con dâu bấy nhiêu. Giờ chỉ có hai mẹ con ở nhà, con còn quá nhỏ nên nó không thể chăm sóc mẹ được. Tôi biết, nó cũng đau lắm".

Bà cho biết, sáng sớm hôm nay bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa tới thăm, động viên bà. Người dân biết bà là mẹ của thuyền trưởng tàu CSB cũng dành tình thương nhiều nhất. Bà khóc cũng một phần vì lẽ đó. Trên giường bệnh, bà thấy ấm lòng và càng vững niềm tin về phía biển. Căn bệnh ung thư vòm hầu hành hạ bà đau đớn, lấy đi giọng nói trong trẻo vồn vã ngày nào. Bà hổn hển kể chuyện cho tôi nghe, nhưng niềm kiêu hãnh về đứa con trai đang bảo vệ vùng biển thiêng liêng như tiếp thêm sức sống cho bà.

Các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu cũng rất quan tâm đến bà, họ dành chế độ chăm sóc đặc biệt cho bà, luôn động viên bà vững tinh thần. Họ cho biết, bệnh của bà do phát hiện sớm nên có khả năng hồi phục đến 90%. Một tháng rưỡi nữa, bà có thể xuất viện về quê. Tôi hỏi bà có nhắn nhủ gì tới Thượng úy Lê Trung Thành không? Bà nói rất dõng dạc: "Con cứ yên tâm công tác, mẹ vẫn ổn. Đất liền luôn dõi theo các con. Hãy sống xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân"

Ngọc Thiện
.
.
.