Lối thoát nào cho những khu tập thể đang "chờ sập"

Thứ Sáu, 10/07/2020, 13:32
Những vết nứt, mốc meo và hoen ố của thời gian, vôi vữa cũ sẵn sàng rụng xuống đầu của gia chủ, trời mưa thì dột, trời nắng thì ẩm thấp… Đó là những hình ảnh thường thấy của những căn hộ với tuổi đời hàng chục năm trong các khu tập thể cũ ở Hà Nội.


Nhiều khu nhà đã thuộc diện đáng báo động, cần được đập bỏ để xây dựng lại, nhưng do vướng mắc từ chính sách lẫn người dân nên hàng nghìn người dân trong các khu tập thể cũ vẫn đang phải sống trong sợ hãi…

Sống trong lo sợ

Một trong những khu nhà tập thể cũ kĩ, có tuổi thọ còn cao hơn cả tuổi đời của những người sinh sống trong đó phải kể đến đó là khu nhà trong ngõ 78 Lê Duẩn (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Đây vốn dĩ là một khu biệt thự 3 tầng được xây dựng từ thời Pháp, hiện đang là nơi cư ngụ của khoảng 20 hộ dân. Ngôi nhà cũ kỹ với hành lang chật hẹp, trần lại thấp nên phải bật đèn 24/24 mới thấy rõ đường đi, bức tường đã cũ với mùi ẩm mốc đặc trưng đã trở thành một “đặc sản” của khu tập thể này.

Chỉ vào những căn hộ đã cửa đóng then cài, phủ bụi qua một thời gian dài, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – một hộ dân của khu tập thể này than thở: “Những h ộ dân còn bám trụ lại đây vì không có điều kiện kinh tế để chuyển đi nơi khác an toàn hơn, nhà thì chưa sập hẳn nên cố ở. Chứ làm gì có ai muốn ở lại một nơi nguy hiểm như vậy”.

Khu tập thể Nam Thành Công xuống cấp nghiêm trọng.

Ở ngay gần đó là căn hộ của ông Nguyễn Văn Minh, với những mảnh vá được gia cố để chống chọi qua mùa mưa. Ông cho biết đây cũng là cách mà các hộ dân nơi đây cầm cự từ năm này qua năm khác, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, chờ được “giải cứu”. “Cũng chỉ biết gia cố bằng những cách này để phòng chống mưa bão. Mới đầu mùa mưa năm nay mà trần nhà tôi đã bị sụp một lần. Ngày hôm ấy, cả nhà đang ngủ say thì nghe tiếng động mạnh, khi cả nhà dậy bật điện thì thấy nguyên một mảng trần đã rụng xuống giữa nhà”, ông Minh kể.

Rất may, vụ tai nạn không làm bị thương một ai và cũng không làm gia đình ông Minh quá bất ngờ. Bởi lẽ, sống trong căn nhà sắp sập như vậy, chuyện rụng mảng tường, bong ít trần xảy ra như cơm bữa. Để đối phó với những tai nạn bất chợt ấy, nhà ông Minh luôn để sẵn mũ bảo hiểm ở những chỗ dễ lấy nhất để có thể đội lên đầu bất kì khi nào. “Có khi ở trong nhà mà vẫn phải đội mũ bảo hiểm”, ông Minh nói vui.

Sự xuống cấp của căn nhà này đến mức, khi những đoàn tàu ra vào ga Hà Nội, khu nhà lại rung lên bần bật như có một trận động đất vừa xảy ra. Để tìm một giải pháp cho người dân nơi đây, những căn hộ còn bám trụ đã gửi đơn lên chính quyền các cấp để xin được nâng cấp, cải tạo lại. Đã có người xuống khảo sát, ghi nhận tình hình nhưng phương án vẫn chưa được đưa ra.

Cũng đồng cảnh ngộ với khu biệt thự cổ này, khu tập thể 3 tầng ở phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông), được xây dựng từ năm 1978 cũng đang trong cảnh xuống cấp nghiêm trọng.

Tại khu vực chiếu nghỉ cầu thang tầng 3, mảng trần nhà đã mục nát và liên tục rơi xuống phía dưới. Nhiều khi người dân đứng nấu ăn, vữa trần rơi xuống vỡ đồ đạc, bám hết vào đồ ăn. Trên mái tôn của các “chuồng cọp” do người dân cơi nới, những viên ngói cũ vỡ nát vẫn còn nằm đó, không rõ từ bao giờ. Những người dân cho biết, thi thoảng nghe tiếng “rầm”, “choang” là mọi người biết vừa có thêm miếng ngói rơi. Các góc tường của khu tập thể này cũng rơi vào tình cảnh chắp vá tả tơi, không chỗ nào lành lặn.

Ngoài sự xuống cấp của tòa nhà, điều kiện sống nơi đây cũng không hề dễ chịu, hễ trời mưa là đi ngoài hành lang cũng phải khoác áo mưa, dưới tầng một nước còn ngập lênh láng. Nhìn nước dưới cống trào ngược lên, bốc mùi nồng nặc, nhiều người không dám đặt chân xuống để đi đến nhà vệ sinh. Được biết tại khu nhà này đã có cơ quan chức năng xuống lấy ý kiến của người dân để lên kế hoạch quy hoạch và phương án giải phóng mặt bằng. Kế hoạch được lên từ năm 2017, nhưng đến nay, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Vướng mắc từ đâu?

Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1.500 khu chung cư, tập thể đã xuống cấp. Thành phố cũng đã có chủ trương cải tạo, xây mới nhưng cho đến nay mới chỉ hoàn thành khoảng 20 khu chung cư. Với nguồn ngân sách eo hẹp, nhiều người lo ngại, không biết phải bao nhiêu năm nữa, số chung cư, tập thể đang xuống cấp mới được động đến.

Qua khảo sát, nhiều hộ dân đã đồng ý, thậm chí mong mỏi khu nhà mình sẽ được dây dựng mới theo phương án huy động vốn xã hội hóa. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều người không chấp nhận phương án đền bù nên việc cải tạo vẫn bị đình trệ.

Điển hình như tại khu tập thể 3 tầng thuộc phường Nguyễn Trãi nói trên, cơ quan chức năng cho biết, dù người dân có mong muốn cải tạo khu nhà nhưng do hệ số đền bù của đơn vị được giao nghiên cứu, cải tạo chung cư này là Công ty cổ phần xây dựng Xuân Mai đưa ra chưa thoả mãn được người dân nên nhiều gia đình vẫn bám trụ, chưa chịu di chuyển.

Tại các khu nhà xuống cấp trầm trọng của khu tập thể Nam Thành Công (quận Đống Đa) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Từ nhiều năm nay, đơn nguyên G6A của khu tập thể này được các cấp chính quyền xác định mức độ nguy hiểm cấp D khi cả tòa nhà đã bị nghiêng về một bên.

Hình ảnh thường thấy tại các khu tập thể cũ.

Được đánh giá ở mức nguy hiểm cao nhất do khả năng chịu lực không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường. Để đảm bảo an toàn, đa số hộ dân sinh sống tại toà nhà này đã được di dời sang nơi ở mới, nhưng nhiều hộ vẫn bám trụ tại đây với lý do chưa đạt được thoả thuận đền bù thoả đáng.

Bên cạnh đó tại nhiều dự án cải tạo, do đơn vị được giao thực hiện chậm tiến độ theo yêu của của UBND TP. Hà Nội vì nhiều lý do. Cụ thể tại dự án Nam Thành Công được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ cao (Decotech) tiến hành cải tạo.

Nhưng do không hoàn thành việc nộp hồ sơ ý tưởng quy hoạch đúng thời hạn cam kết nên đến đầu năm 2020, TP. Hà Nội lại phải ra thông báo tìm chủ đầu tư mới cho khu vực này. Vì vậy, người dân nơi đây lại phải tiếp tục chờ đợi một chủ đầu tư mới tham gia.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, với bài toán khó trong việc cải tạo các khu tập thể cũ thì việc huy động vốn xã hội hóa vẫn là phương án khả thi nhất, được thực hiện ở nhiều quốc gia có nguồn vốn eo hẹp.

Hành lang của một khu tập thể cũ trên phố Trần Huy Liệu.

Theo ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng cách xã hội hóa hiện nay khi các bên tham gia xã hội hóa là người dân và chủ đầu tư đều đặt lợi ích cá nhân lên lợi ích xã hội, không ai chịu thỏa hiệp thì phần thiệt thòi lại đổ hết vào xã hội và lợi ích chung như gia tăng mật độ dân số, tầng cao, hệ số xây dựng… Điều này sẽ gây sức ép cho hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật hiện có. Hậu quả đó là phá vỡ quy hoạch, cảnh quan và đương nhiên đó sẽ là “mảnh đất” màu mỡ của cơ chế xin cho, tham nhũng, lợi ích nhóm…

Những bậc cầu thang cũ khi nào sẽ được cải tạo?

“Không ai vì lợi ích chung nên không có tiếng nói chung, đặc biệt là không tin tưởng nhau. Người dân thì đòi hỏi vô lý, phi thực tế, chủ đầu tư thì chỉ muốn kiếm lợi nhiều. Bên cạnh đó luật lệ thì lỏng lẻo, chỉ dựa vào thống nhất, thỏa thuận giữa 2 bên mà không có quyết sách thuyết phục hợp lý… Sự vướng mắc nhiều tới mức các bên liên quan đều nói nhiều mà không làm được gì. Vậy ta cứ tiếp tục việc làm vô vọng này có phải lãng phí thời gian, công sức của các bên?”, ông Ánh nói.

Quả thực, sự vướng mắc ấy sẽ thật sự khó gỡ khi nhiều chủ đầu tư đã không có được sự tin tưởng của người dân. Một số người thì đang mong muốn được đền bù ngoài mức giá của thị trường. Nếu sự việc vẫn tiếp diễn như vậy và không có một quy định pháp luật cụ thể nào được đề ra cho vấn đề này, mọi việc sẽ không bao giờ đi được đến hồi kết.

Ngọc Trâm
.
.
.