Lời xin lỗi muộn màng của phạm nhân đến mẹ

Thứ Ba, 31/03/2015, 14:30
Những lá thư nhòe những giọt nước mắt ăn năn, hối cải là minh chứng bền bỉ, sâu sắc về tính thiện tồn tại trong mỗi con người. Và, tình mẹ, chính là một nguồn động lực lớn lao để khơi sáng, đánh thức thiện lương trong tâm hồn những đứa con lạc lối.

Có ai đó từng nói rằng, trong tất cả những kỳ quan trên thế gian, chẳng kỳ quan nào vĩ đại bằng lòng mẹ. Cho dù con phạm phải sai lầm, vấp ngã trên đường đời, cho dù bị người đời lạnh lùng quay lưng, vùi dập… thì có một bến bờ luôn chờ đợi các con trở về, luôn có một bàn tay sẵn sàng dang rộng đón chào những đứa con lầm lạc hội ngộ. Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng, kỳ diệu và vững bền nhất trong đời sống đầy biến động, đổi thay này. 

Phải chăng vì thế, trong số những lá thư viết từ trại giam trong chương trình viết thư xin lỗi do Tổng cục VIII phát động, tôi đã đọc được rất nhiều lá thư xin lỗi gửi cho mẹ - những người đàn bà lam lũ, nhọc nhằn mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng con cái trưởng thành. Trong một phút rời xa vòng tay mẹ, chúng đã phạm tội và rơi vào vòng lao lý. 

Những lá thư nhòe những giọt nước mắt ăn năn, hối cải là minh chứng bền bỉ, sâu sắc về tính thiện tồn tại trong mỗi con người. Và, tình mẹ, chính là một nguồn động lực lớn lao để khơi sáng, đánh thức thiện lương trong tâm hồn những đứa con lạc lối.

Nghịch nữ báo hiếu mẹ bằng nước mắt

Lá thư của phạm nhân Đinh Thị Hạnh hiện đang cải tạo tại Đội 21, Phân trại K1, Trại giam Thanh Phong (Nông Cống – Thanh Hóa) gửi về cho mẹ vào một ngày nắng gắt mùa hè giữa năm 2014, run rẩy từng nét được viết lên từ đáy tâm can, đã tóm tắt toàn vẹn quãng đời của Hạnh kể từ khi chào đời cho tới lúc trưởng thành và sa cơ lỡ bước. Tôi xin đăng trích bức thư:

Mẹ yêu của con, đêm nay con thật buồn và nhớ mẹ. Nằm mãi mà không ngủ được, con lại nghĩ về những ngày đã qua. Con nhớ ngày còn nhỏ mẹ yêu thương, chăm sóc cho con, luôn dành cho con những gì là tốt đẹp nhất. Ngón tay con mẹ nắn bóp, chăm sóc cho nhỏ gọn, làn da con mẹ nuôi dưỡng cho sáng mịn, hồng hào. Con đã là niềm tự hào của mẹ khi còn nhỏ, ngày ấy mẹ hạnh phúc biết bao khi ai cũng khen con gái mẹ xinh xắn, chăm ngoan và học giỏi.

Cái ngày đó chẳng được bao lâu khi con gái mẹ lớn lên theo lũ bạn xấu đua đòi ăn chơi. Đến giờ này con vẫn không quên lần đầu tiên con bỏ nhà đi, mẹ đã đi tìm và khóc. Mẹ lang thang trong đêm như hóa điên hóa dại, vừa đi vừa khóc gọi tên con, chẳng hiểu sao lúc đó con lại lạnh lùng đến vậy, con trốn mãi không chịu ra. Sau này còn có biết bao nhiêu là chuyện con khiến mẹ phải buồn nữa. 

Mẹ muốn con trở thành cô giáo thì con lại đi buôn hàng quốc cấm, mẹ muốn con yên phận lấy chồng tử tế thì con lại chống đối bằng cách lấy một người nghiện, một người mà con không yêu… Mẹ đã luôn bên con ngay cả khi con sai. Mẹ lặng lẽ, âm thầm sửa sai cho con, dùng tình cảm để hướng con tới con đường chính đạo. 

Cũng nhiều lúc con đau lòng khi mẹ âm thầm khóc, con xót xa khi mẹ cô đơn một mình nhìn di ảnh bố, tâm sự với bố, xin bố tha lỗi và phù hộ cho con. Nhưng bản tính con ham chơi, con bỏ qua và quên đi tất cả để rồi đến một ngày con bị bắt và tuyên án 20 năm. Mẹ đau khổ gục ngã khi nhìn còng số 8 khóa vào tay con. Gần 2 năm con tạm giam là gần 2 năm mẹ mất ăn mất ngủ, mẹ gầy đi nhiều và cũng có nhiều nếp nhăn.

Ngày xử án là ngày đầu tiên con gặp mẹ sau 2 năm xa cách. Mẹ không mắng, không giận, chỉ ôm con khóc, mẹ hôn lên má, hôn lên tóc con, lấy tay xoa lên khắp khuôn mặt con, ôm chặt con như sợ mất. Lòng con đau nhói, con đã ân hận và thương mẹ biết nhường nào. 

Khi xe thùng trở con về trại giam, lại một lần nữa mẹ chạy theo, khóc và gọi tên con, giọng mẹ lạc đi giữa tiếng ồn ào của xe cộ, bóng mẹ xiêu vẹo muốn ngã, nhỏ dần trong đám đông. Mẹ biết không? Lúc đó con đã khóc nhiều lắm, con sợ mẹ ngã không ai đỡ, con sợ mẹ mãi chạy theo con rồi xảy ra chuyện gì thì con biết làm sao? Lúc đó con thầm ước giá như được làm lại, con sẽ không khiến mẹ đau lòng đến vậy. Con sai rồi, con làm khổ mẹ quá rồi mẹ ơi.

Ngày đầu tiên con được đi thăm gặp, đó là một ngày mưa như trút nước, con nhìn mẹ qua tấm kính ngăn, con đặt tay lên kính như muốn lau đi giọt nước mưa còn vương trên tóc mẹ. Nhìn mẹ run lên vì lạnh, con chỉ muốn cho mẹ tất cả hơi ấm của con. Cầm điện thoại mà con nghẹn lời, muốn nói thật nhiều mà không sao nói được. Mẹ cũng vậy, nghẹn ngào chẳng nói được điều gì. 15 phút thăm gặp trôi qua thật nhanh, mẹ không về ngay mà chờ cho con đi khuất hẳn. 

Lớp học Giáo dục pháp luật ở Trại giam Thanh Phong.

Đi về, con không đi nép vào mái hiên nữa, mà đi giữa trời mưa, con sai rồi, con đáng bị trừng phạt, mưa lạnh quá, mẹ cũng đang lạnh lắm phải không? Con biết mẹ đang lạnh lắm, mẹ còn lạnh lòng vì không có con ở bên cạnh. Mưa mỗi lúc một to hơn, hòa cùng nước mắt mẹ tuôn, chan hòa khắp cả. 

Ôi mẹ ơi! Mẹ đã về chưa? Hay vẫn còn đứng giữa trời mưa nhìn theo con qua cánh cửa nhà giam đã lạnh lùng kép lại? Con chẳng biết phải làm sao, chỉ có thể đi trong mưa để được lạnh một phần cái lạnh của mẹ, được đau cùng mẹ. Không còn đòn roi mẹ đánh, không còn lời mẹ mắng…, sao tự dưng con ước ao được mẹ đánh đòn, như vậy con sẽ bớt đau khổ và ân hận hơn.

28/12/2009, con đi trại rồi, cách quê hương Sơn La của chúng ta gần 400 cây số, thế nhưng mẹ chẳng ngại xa xôi vẫn lên thăm con. Nghe cán bộ gọi con đi thăm gặp, con vui mừng lắm, con đi như chạy ra nhà thăm gặp nhưng… khi đi vui mừng bao nhiêu thì con lại đau đớn bấy nhiêu khi nhìn thấy mẹ. Mẹ của con đây rồi, mẹ gầy và đen đi nhiều quá. 

Mẹ kể, mẹ đã chờ 4 giờ đồng hồ để được gặp con; ở đây hoang vu và lạ lẫm, mẹ không tìm được chốn nghỉ chân và ăn cơm nên ngồi ngoài cổng trại chờ và ăn bánh mì thay cơm. Nhìn ra ngoài sân nắng, nước mắt con trào ra, vậy là mẹ của con đã phải nắng suốt 4 giờ để chờ gặp con, cả ngày chỉ có mẩu bánh mỳ lót dạ. Mẹ bảo con đừng khóc, mẹ không sao đâu, gặp được con là mẹ vui rồi. 

Mẹ cứ nhìn ngắm con và bảo con đặt tay lên tấm lưới mắt cáo ngăn cách giữa hai mẹ con để mẹ hôn lên cái bàn tay nhỏ xíu mà mẹ đã sinh ra. Cán bộ trại giam nhìn mẹ thương quá, lại cho con thò tay qua ô cửa nhận quà để mẹ nắm, mẹ hôn. Mẹ cắn ngón tay con, nước mắt mẹ rơi ướt cả tay con. Con không thấy đau, chỉ thấy ấm áp vô cùng.

Lần nào gặp con mẹ cũng khóc, mẹ nói mẹ nhớ con, mẹ luôn động viên con cải tạo tốt và nói mẹ chờ đón con về. Tình thương của mẹ đã thức tỉnh con, con đã biết lỗi và ân hận vô cùng nhưng chưa bao giờ con nói được lời xin lỗi mẹ. Con biết mẹ đã tha thứ cho con từ lâu rồi, nhưng ngày hôm nay khi nghỉ về mẹ, con thấy con cần phải nói lời xin lỗi mẹ.

Con xin lỗi mẹ

Được biết, Đinh Thị Hạnh sinh ra và lớn lên tại mảnh đất núi rừng Sơn La, bố mất sớm, một mình mẹ nuôi nấng trưởng thành. Có bao nhiêu tình yêu và kỳ vọng, mẹ đều dồn cả vào cô con gái bé bỏng. Thế nhưng, bản tính ương ngạnh, lại chơi cùng đám bạn xấu, Hạnh đã đi chệch quỹ đạo yêu thương của mẹ. 

Việc đầu tiên là cô kết hôn cùng một người đàn ông nghiện ngập, dù không chút yêu đương. Chung sống cùng một con nghiện, Đinh Thị Hạnh cũng bị rơi vào cạm bẫy của ma túy. Nhận thấy ma túy là thứ hàng siêu lợi nhuận, bản tính lại lười lao động, Hạnh đã trở thành mắt xích quan trong trong đường dây vận chuyển ma túy từ Sơn La xuống dưới xuôi, phân phối cho các đại lý. 

Lá thư xin lỗi của phạm nhân Đinh Thị Hạnh.

Chỉ một thời gian theo dõi, các trinh sát Phòng PC47, Công an tỉnh Sơn La đã nắm được đường dây tội phạm của Hạnh. Và một ngày đầu năm 2014, Đinh Thị Hạnh cùng đồng bọn đã bị tóm gọn khi đang trên đường vận chuyển ma túy và trả giá cho lòng tham không đáy của mình. Nhận án tù, gia đình Hạnh tan tác, điểm tựa duy nhất còn lại của cô chính là mẹ ruột, bà Đỗ Thị Hường. 

Nhanh chóng vượt qua những suy sụp ban đầu, bà nhanh chóng tự vực tinh thần, tự nhủ bản thân xác định, hơn 20 năm con gái nhận án tù cũng là bấy nhiêu năm bà ở bên, sát cánh cùng con. Lần nào thăm gặp, cũng là gói ruốc, hộp bánh gửi cho con gái cùng lời nhắn nhủ, động viên con gái cố gắng cải tạo, tuân thủ nội quy trại giam, để sớm trở về đoàn tụ với mẹ. Hạnh bảo, chưa bao giờ chị thấm thía câu thơ: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con” như bây giờ.

Lời xin lỗi gửi muộn của đứa con trai hư đốn

Đã nhiều đêm Đỗ Văn Phương (Đội 16, Phân trại K3, Trại giam Thanh Phong) tự hỏi “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” là suối nguồn hay là nước mắt? Mỗi giây trôi qua đã lấy đi của mẹ bao nhiêu nước mắt và mẹ còn mất bao nhiêu nữa vì đứa con nghịch tử này? 

Theo lời kể của Phương, cuộc đời vốn không công bằng với bà Bùi Thị Ba (Uông Bí – Quảng Ninh), mẹ của cậu, và chính Phương đã góp phần thúc đẩy cán cân bất đối ấy, kéo phần thiệt thòi về phía mẹ. Sinh ra ở mảnh đất Đông Triều, Quảng Ninh, Phương được cha mẹ nuôi ăn học đàng hoàng bằng chúng bằng bạn. Nhưng, từ nhỏ Phương đã bộc lộ là đứa trẻ ham chơi, thích tụ tập, la cà cùng chúng bạn. 

Bất chấp những giọt nước mắt và những lời van lơn của mẹ khuyên nhủ con trai học hành tới nơi tới chốn, kiếm cái bằng tốt nghiệp tử tế làm hành trang xin việc sau này, Phương từ giã bảng đen phấn trắng, theo chân chúng bạn lang bạt dọc dải đất nhiều cạm bẫy và ẩn chứa vô vàn phức tạp này.

Đôi mắt Phương run run xúc động: “Em vẫn nhớ như in tin nhắn cuối cùng của mẹ, sau khi em gây án: “Con, sáng nay Công an vào nhà, họ bảo con cùng đồng bạn cướp xe máy từ Đông Triều ra Hạ Long, mẹ đã khóc rất nhiều và choáng váng”. 

Theo lời Phương kể, sau khi cùng đám bạn gây án, cướp xe máy để lấy tiền tiêu xài, cậu và đồng bọn đã bán “chiến lợi  phẩm”, sau đó tới nhà nghỉ, tổ chức ăn chơi, đập phá. Phương không màng tới hậu quả xảy ra, chỉ đơn giản nghĩ, vụ cướp diễn ra vào đêm tối, lại ở chốn không người, sẽ chẳng ai lần ra dấu vết của hội. Nào đâu, nhóm cướp giật của Phương đã bị lần ra dấu vết không lâu sau đó. 

“Lúc đọc tin nhắn của mẹ, em đang ăn cơm và miếng cơm đã nghẹn lại nơi cổ họng, màn hình điện thoại đã nhòe đi trong nước mắt. Em thực sự hoảng sợ và không dám đọc thêm nữa. Đó là lúc em biết em đã đánh mất tất cả”.

Phương kể, mẹ cậu là một người phụ nữ bản lĩnh và gần như không bao giờ thấy bà khóc. Lần đầu tiên Phương thấy mẹ khóc là khi bố qua đời, và lần thứ hai mẹ khóc là khi Phương đưa chân vào vòng lao lý. Nhưng, sau này, bước chân vào tù, cậu mới ngộ ra rằng, mẹ đã khóc rất nhiều. 

Nước mắt mẹ chảy tràn từ ngày này qua ngày khác, kể từ những lỗi lầm bé nhỏ của Phương ngày xưa, từ những lời nặng nề của cha khi ông còn sống. Tưởng chừng, mẹ của Phương đã tìm được một chút an yên khi đến với người đàn ông thứ hai, sau nhiều năm ôm đớn đau, buồn bã. Thế nhưng, mẹ và giọt máu của mẹ không được gia đình chồng thừa nhận. 

Quang cảnh cải tạo của phạm nhân.

Gắng gượng vượt qua tất cả những chông chênh đó, mẹ bền bỉ, hiếu nghĩa với gia đình nhà chồng, đợi tới lúc họ danh chính ngôn thuận chấp nhận mẹ là dâu con trong nhà, thì trớ trêu thay, cuộc đời bất công lại một lần nữa cướp đi mái ấm của mẹ, lấy thêm những giọt nước mắt của mẹ. Dượng cũng như bố, bỏ mẹ mà đi, vết thương chưa lành lại bị cuộc đời cào xé. Nước mắt dường như chung thân với cuộc đời mẹ. 

Phương bảo, lúc ấy, cậu đã ý thức mình là con trai duy nhất của mẹ, là chỗ dựa tinh thần của mẹ, cậu đã tự hứa mình sẽ là đứa con ngoan của mẹ, vậy mà chẳng bao lâu, Phương đã hủy diệt lời thề đó bằng bản án tù 13 năm với tội danh cướp giật tài sản và cố ý gây thương tích. Đó là một cái giá quá đắt Phương phải gánh và là sự mất mát quá nhiều đối với mẹ.

Trong lá thư viết về cho mẹ, Phương nghẹn ngào: “Đây là cái giá con phải trả cho sự ngông cuồng và nông cạn của mình, con có lớn mà không có khôn, không nhận ra những gì mà mẹ dành cho con, để bây giờ khi đã mất hết con mới nhận ra giá trị và ý nghĩa của những điều đó. Với xã hội con là kẻ bất lương, với gia đình con là đứa con bất hiếu. 

Con xin lỗi, lời xin lỗi muộn màng, không thể bù đắp lại tất cả, không thể lấy lại được những giọt nước mắt mà mẹ đã rơi vì con. Nhưng con mong rằng nó sẽ phần nào an ủi lòng mẹ nơi quê nhà, con sai đường vấp ngã, vẫn là mẹ nâng con đứng dạy, an ủi, động viên con. Giây phút đó, con nhận ra con chưa mất tất cả, bên con vẫn còn có mẹ. Đó là điều mà con thấy được an ủi nhất vào lúc này, khi con nói với mẹ 

“Mẹ! Con đã mắc sai lầm quá lớn rồi. Nếu lúc nào đó mẹ mệt mỏi, hãy buông con ra, mẹ hãy sống cho mẹ và em”, mẹ đã động viên con “Làm người ai mà chẳng từng mắc sai lầm, quan trọng là sự nhận thức và thái độ sửa sai ra sao thôi, vì thế con cứ yên tâm cải tạo đi mà sớm trở về, sớm làm lại. Dù cho con có là ai và mắc sai lầm gì đi chăng nữa thì mẹ sẽ vẫn ở bên con”. 

Con đã thật sự thấy mình ích kỷ và nhỏ bé trước mẹ. Nhưng đó cũng là lúc con nhìn thấy tia sáng và quyết tâm sống, sống để tạ ơn, tạ lỗi mẹ, sống để làm lại trên con đường đầy thử thách, chông gai phía trước. Con biết rằng mình không hề đơn độc. Bên con còn có mẹ, còn có những người cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng hoàn lương, còn có sự giúp đỡ tận tâm của cán bộ nơi đây. Những người cán bộ đã hướng con về những điều thiện, những giá trị giản dị mà không thể thiếu trong cuộc sống… 

Mỗi một ngày qua đi với con là một ngày của sự chiêm nghiệm về những giá trị thực sự của cuộc sống, một ngày con trút bớt đi gánh nặng lòng mình về quá khứ. Cũng là thêm một ngày con nhận ra rằng, ngày về của con đã gần thêm một chút. Con luôn cố gắng lao động, cải tạo, để mong sớm được hưởng lượng khoan hồng của nhà nước, con hứa với mẹ”.

Lời kết:

Đã có ai đó nói, cánh cửa của quá khứ, sai lầm đã đóng lại, và những cánh cửa mới sẽ được mở ra. Một phạm nhân tâm sự với tôi rằng, ước gì, khi cánh cổng trại giam khép lại sau lưng, điều họ mong muốn, cầu khẩn là thấy mẹ mỉm cười đứng đợi, chào đón họ trở về sau những ngày chuộc lỗi. Đã có rất nhiều những lời thầm hứa, khắc ghi sẽ không khiến mẹ phải rơi nước mắt đau khổ nữa, thay vào đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, tin yêu:

Con trăn trở vì nợ lời xin lỗi
Nợ cuộc đời mẹ vất vả sớm hôm
Nợ nụ cười và nước mắt đau thương
Nợ tất cả những gì mà mẹ đã mất
Từ sâu thẳm trong lòng con chôn cất
Gửi về mẹ lời xin lỗi của con”.

Lữ An - Trần Nguyên
.
.
.