Phát hiện nhiều tượng phật, chum đồng cổ và vật dụng quý tại Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng:

Long đong phận "cổ vật quý"

Thứ Ba, 20/05/2014, 09:03
Mấy ngày qua, tin nhiều tượng phật, chum đồng cổ có niên đại hàng trăm năm được các công nhân thi công đào đường phát hiện tại vành đai phía nam TP Đà Nẵng đã khiến giới săn cổ vật xôn xao không ngớt. Càng nóng hơn, khi lời đồn "mót của" được tiền triệu của các đối tượng rà phế liệu khắp nơi ùn ùn kéo đến cày xới bất kể ngày đêm đang lan tỏa khắp mọi ngõ ngách ở Đà thành...

Hiện hầu hết những cổ vật phát lộ này đã được các ngành chức năng kịp thời thu gom, bảo quản để giám định và tìm chủ sở hữu thật sự. Từ đây, câu chuyện kỳ bí về hành trình trăm năm truy tìm "cổ vật quý chùa Thái Bình" của dòng họ Huỳnh thêm một lần nữa được dư luận người dân ở Ngũ Hành Sơn "khai quật"...

Đào đường phát hiện nhiều cổ vật

Câu chuyện cổ vật phát lộ đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận Đà thành và tỉnh giáp ranh Quảng Nam mấy ngày qua bắt đầu xảy ra từ chiều ngày 22/4. 15h30', tiến độ khẩn trương đào xới, san lấp đoạn khu đất nền cũ thuộc tổ 77, phường Hòa Hải của nhóm công nhân Công ty cổ phần NDN bỗng bị khựng lại bởi sự phát hiện bất ngờ của cán bộ kỹ thuật Nguyễn Anh Quốc (43 tuổi, quê Quảng Trị). Nguyên do anh Quốc đang đứng giám sát thi công đường cống ngầm đã phát hiện một vật thể lớn, hình chum bằng kim loại, cao chừng 1m nằm lẫn lộn trong đống đất đá, vừa được hai xe cẩu đất của Công ty múc lên khỏi mặt đất. Khi quan sát kỹ "vật thể lạ", anh Quốc nhận ra đây là một chiếc chum bằng đồng lớn có đường kính khoảng 50cm, đã bị vỡ mất phần nắp. Khi phủi lớp bùn đất, chum đồng còn lộ ra nhiều hoa văn cùng chữ chạm khắc rất tinh tế.

Tiếp sau sự phát hiện của anh Quốc, nhóm công nhân đã đào xới và phát hiện thêm một pho tượng Phật bà Quan Âm ngồi bế đồng tử (đứa bé), cao 55 cm, ngang 20 cm, không có đế và một bức tượng Phật bằng đồng dáng đứng (đều còn nguyên vẹn) cao 40cm, chân đế cao 21 cm, đài sen đường kính 18 cm, cùng nhiều chân đế cắm nến khác... Thấy sự việc, nhiều người dân diện di dời giải tỏa đang tạm trú quanh khu vực tổ 77, phường Hòa Hải đã hiếu kỳ kéo đến ngày một đông xem các công nhân đào tìm. Trong số đó có vợ chồng ông Huỳnh Phước Bảy (SN 1953) và bà Huỳnh Thì Cầu (SN 1956), nhà nằm ngay sát mép đường vành đai được tin cũng vội chạy đến.

Sau khi quan sát địa điểm phát hiện những hiện vật trên, ông bà Bảy - Cầu một hai khẳng định: Số đồ cổ này đã được chôn giấu trên nền đất cũ của dòng họ nhà ông Huỳnh Phước Tự (SN 1950). Số hiện vật các công nhân phát hiện và thu nhặt được đích thị là "đồ cổ" quý giá đã bị thất lạc mà cả trăm năm nay mà dòng họ nhà ông Tự ba đời cất giử hộ cho chùa Thái Bình... Thông tin này cũng được người thân trong họ tộc cấp báo cho cha con ông Tự đến ngay hiện trường để nhận diện "tài sản cũ"?!...

Tin công nhân đào đường được cổ vật cũng ngay lập tức lan tỏa khắp phường Hòa Hải và thu hút hàng trăm người hiếu kỳ kéo đến bàn tán... Bi hài hơn xung quanh việc hậu phát hiện cổ vật, ngay trong chiều tối ngày 22/4 vì tin vào câu chuyện truyền miệng "vườn nhà cũ của ông Tự có chôn nhiều đồ quý". Nên suốt từ chiều, đêm cho đến cả ngày hôm sau từ khi phát hiện cổ vật, có rất nhiều người dân quanh khu vực tổ 77 cũng đã xắn tay áo, vác cuốc xẻng, bất chấp sự nguy hiểm tính mạng, nguy cơ sụt lún tại công trình đang thi công  dang dở mà lăn xả vào đống đất đá cùng đám công nhân đào bới để tìm mót đồ quý...

Nghiêm trọng hơn, ngay chiều cùng ngày, các đối tượng chuyên rà phế liệu ở Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đánh hơi thấy "cổ vật quý" cũng ùn ùn kéo về khu đất tổ 77 rà tìm, cày xới. Trong đoàn người đua tranh đào bới này, đã có một số người dân và các đối tượng may mắn tìm được thêm nhiều hiện vật bằng đồng khác như: Chiêng đồng đường kính 50cm, nắp trên bị vỡ của đại hồng chum, các loại khánh tờ đường kính 22cm; hai con nghê, lư hương đồng, một số vật dụng dùng để thờ cúng bằng đồng và nhiều mảnh vỡ bằng đồng khác... Tuy nhiên họ đã vội đem đi tẩu tán, cất giấu hoặc rao bán tại chỗ bằng giá hét trên trời...

Và theo cán bộ chuyên trách của Phòng Văn hóa Thông tin UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết: Căn cứ dòng chữ đúc trên chuông, thì chuông được đúc năm Tự Đức thứ 4, tức năm 1851. Riêng hai bức tượng phật mang phong cách Trung Hoa có khả năng du nhập vào Việt Nam khoảng 500 năm trước khi giao thương tại Hội An qua sông Cổ Cò đang thịnh vượng...          

Những pho tượng đồng và chuyện họ Huỳnh 3 đời truy tìm cổ vật để trả chùa

Nhiều ngày qua, xung quanh việc phát hiện nhiều hiện vật đồng cổ tại tổ 77 phường Hòa Hải hiện vẫn được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ gốc tích cũng như bảo quản tại UBND phường Hòa Hải. Thì hiện câu chuyện 3 đời, gần trăm năm tìm kiếm đồ quý giữ hộ chùa Thái Bình bị thất lạc của dòng họ Huỳnh lại một phen được dư luận xôn xao, khai quật.

Theo lưu sử của chùa Thái Bình để lại thì: Chùa Thái Bình trước tọa lạc tại làng Quán Khái Đông cũ thuộc quận Ngũ Hành Sơn là ngôi cổ tự được lập từ đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470 -1496) cách đây hơn 500 năm. Vào năm 1967 chùa Thái Bình còn bị đạn bom của Mỹ tàn phá và sụp đổ hoàn toàn. Trải qua thời gian dài thăng trầm của lịch sử, chùa cũng đã phải 3 lần di dời và trùng tu xây dựng cho đến hôm nay được tọa lạc tại khối phố Đông Trà, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Song song lịch sử lâu đời của chùa, thì câu chuyện về những cổ vật, tượng phật, những cổ vật, đồ khánh lễ thờ cúng có giá trị từ thời nhà Lê của chùa Thái Bình cũng được dân gian truyền kể đơm đặt hết sức ly kỳ. Trong đó, đình đám nhất là câu chuyện nhà họ Huỳnh Phước giữ cổ vật chùa. Dư luận còn đồn đoán rằng, những cổ vật quý mà ba đời gia đình ông Huỳnh Phước Tự (SN 1950) cất giữ rất có giá trị, ước tính lên đến hàng tỉ đồng. Nhưng đồn đoán vẫn chỉ là lời đồn.

Theo ông Tự cho biết thì: Do ông nội của ông Tự là cụ Huỳnh Phước Điếu trước đây có nghề thầy pháp, ông cụ Điếu cũng là một phật tử trung tín của chùa Thái Bình. Nên vào khoảng giai đoạn 1940, khi quân Pháp đánh vào Đà Nẵng, Sư trụ trì chùa Thái Bình đã giao nhiều cổ vật quý cho cụ Điếu cất giữ. Được nhận trọng trách giữ đồ quý cho chùa, ông cụ Điếu đã đem tất cổ vật gồm nhiều tượng phật, đồ thờ cúng gói ghém cẩn trọng trong một cái đại hồng chum rồi bí mật đem chôn giấu trong vườn nhà. Sau khi cụ Điếu mất, tuy cụ đã truyền miệng nhắc nhở chỗ cất giấu cho những người thân trong dòng tộc họ Huỳnh để bảo vệ, lưu giữ... Tuy nhiên, do một phần do được chôn giấu quá sâu dưới lòng đất, một phần có sự thay đổi, di chuyển theo biến chuyển của lịch sử nên đã gần trăm năm nay đời cha ông Tự, đến ông Tự và họ Huỳnh ra sức tìm kiếm khắp khu đất hương hỏa gia tộc, nhưng cổ vật vẫn bặt vô âm tín.

Cổ vật được tìm thấy tại khu vườn cũ nhà ông Huỳnh Phước Tự (trú tổ 77, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).

Nhiều năm gần đây, lời đồn vườn nhà ông Tự có giấu cổ vật quý cũng lọt đến tai những tay buôn cổ vật. Không ít lần ông Tự phải tiễn người cửa trước, xua đuổi kẻ cửa sau vì dám manh nha, nài nỉ được xới tung toàn bộ đất thờ tự của nhà ông để tìm mua cổ vật với giá khủng. Nhưng cha con ông Tự vẫn cương quyết, của thiên của chùa chỉ phải trả cho chùa chứ không bán chác. Vả lại tung tích của số cổ vật này vẫn chưa được xác định chính xác là ở địa điểm nào trong vườn nhà nên ông Tự và họ Huỳnh Phước cũng để cho chúng tạm nằm yên ắng...

Hơn 1 năm gần đây, khi đô thị phát triển, tuyến đường vành đai phía nam Đà Nẵng chạy xuyên qua nhà đất nhà ông Tự thì cả gia đình ông được cấp đất tái định cư mới và "cổ vật" trong vườn nhà cũng coi như một lần nữa biệt lặng tăm... Tuy nhiên, ông Tự và con trai cả Huỳnh Phước Tưởng (SN 1978) vẫn canh cánh trong lòng chuyện cổ vật của gia đình. Hàng ngày ông vẫn thường xuyên lui tới khu nền đất, nhắc nhở ông Phạm Viết Hồng, Giám đốc đơn vị thi công đào bới cẩn thận, hễ phát hiện thấy vật cổ lập tức báo ngay để ông chuộc lại trả cho chùa... Nhưng khi được phát hiện, một số cổ vật còn phải chịu sự lênh đênh không kém phần ly kỳ mới quay được về với khổ chủ.

Theo ông Phạm Viết Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần NDN, người trực tiếp hỗ trợ kinh phí giúp ngành chức năng phường Hòa Hải thu gom hầu hết số cổ vật từ các công nhân, người dân và các đối tượng rà phế liệu cho biết thì: Ngay tại nơi phát hiện cổ vật, bức tượng phật đứng bằng đồng đã được một công nhân hét giá lên đến 50 triệu đồng mới chịu bán. Còn nắp của đại hồng chum bị vỡ nát do một dân rà phế liệu rà được hét giá ban đầu từ 3 triệu, rồi 8 triệu, 12 triệu... Và cuối cùng chiếc nắp này "trôi dạt" vào tận đến thôn Quảng Lăng 3 (xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Vào sáng 25/4,  lực lượng Công an phường Hòa Hải, cán bộ văn hóa và đích thân phó chủ tịch UBND phường Hòa Hải ông Huỳnh Đức Tiến phải cất công vào đến tận xã Điện Trung để vận động mới  thu hồi được nửa trên còn lại của chiếc chuông đồng. Ngoài hai bức tượng phật bằng đồng cùng chiếc đại hồng chum thì đã được ông Hồng cùng với gia đình ông Tự mua lại, đem biếu lên chùa Thái Bình. Riêng các vật khác như khánh, chiêng đồng cũng lần lượt phải "mua lại với giá cắt cổ" từ những người rà phế liệu và người dân thu nhặt được thì mới tập hợp gần đủ bộ cổ vật...

Trao đổi với PV xung quanh vụ việc này, ông Huỳnh Công Tiến, Phó chủ tịch UBND phường Hòa Hải cho biết: Trước sự việc phát hiện nhiều hiện vật được cho là "cổ vật quý" tại khu vực tổ 77 gây xôn xao dư luận. Để bảo vệ những hiện vật chờ sự giám định niên đại của ngành chức năng cũng như xác minh chủ thật sự của những cổ vật được tìm thấy này. Đồng thời ngăn chặn những đối tượng xấu, hám lợi hoặc nhiều đồn thổi, người hiếu kỳ tụ tập bàn tán gây ảnh hưởng đến ANTT và tiến độ thi công đường vành đai phía nam TP. Đà Nẵng trên địa bàn. UBND phường, lực lượng Công an phường Hòa Hải cùng các ngành chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, tiến hành lập biên bản tạm thu giữ những hiện vật của người dân thu nhặt được tại địa điểm trên. Đồng thời tạm tiếp nhận bàn giao hai tượng phật và đại hồng chum bằng đồng từ chùa Thái Bình khi chùa được những phật tử thu mua và hiến lại cho chùa.

Hoài Thu
.
.
.