Lòng trung thực trong ngành giáo dục

Thứ Năm, 09/08/2018, 15:31
Câu chuyện gian lận điểm thi vừa qua không chỉ khiến cả nước bàng hoàng vì những tiêu cực trong ngành giáo dục, mà nó còn khiến ai cũng có thể nhận ra: Chúng ta đang quá thiếu những con người trung thực!


Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao về việc gian lận điểm số thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia ở Hà Giang, Sơn La. Thậm chí, có những nguồn tin cho biết nhiều tỉnh, thành khác cũng có hiện tượng tương tự.

Câu chuyện gian lận điểm thi vừa qua không chỉ khiến cả nước bàng hoàng vì những tiêu cực trong ngành giáo dục, mà nó còn khiến ai cũng có thể nhận ra: Chúng ta đang quá thiếu những con người trung thực!

Hãy nhìn ra thế giới, đến những nước có trình độ tiên tiến, để xem lòng tự trọng, sự trung thực trong các nền giáo dục ở đó ra sao.

Thà nghỉ việc không sửa điểm

Cách đây một thời gian, tờ New York Times của Mỹ đưa tin có 118 em học sinh Trường trung học Piper (thuộc vùng ngoại ô Kansas) được giáo viên yêu cầu hoàn thành bài tập sinh vật. Trong số đó có 28 em học sinh đã sao chép bài có sẵn trên internet và bị cô giáo Christine Pelton (27 tuổi) phát hiện. Cô Pelton cho rằng các em học sinh này đã “ăn cắp bản quyền” và cho điểm “0”. Mức điểm này khiến các em phải đối mặt với nguy cơ bị lưu ban.

Ảnh minh hoạ.

Sau khi biết được sự việc, cha mẹ của các em đã gây áp lực lên nhà trường, yêu cầu hiệu trưởng phải can thiệp. Trước áp lực của phụ huynh, và vì không muốn học sinh nguyên một lớp phải lưu ban, hiệu trưởng nhà trường đã buộc phải yêu cầu cô Pelton nâng điểm số của 28 em này lên, nhưng cô Pelton đã cương quyết từ chối và xin nghỉ việc. 

Cô Pelton cho biết, ngay từ ngày đầu tiên tiếp nhận lớp, cô đã cùng các em học sinh thảo luận một bản nội quy (đã có chữ ký thể hiện sự đồng ý của các cha mẹ các em), trong đó có nội dung như sau: “Tất cả các bài tập đều phải hoàn toàn do học sinh độc lập hoàn thành, ‘lừa gạt’ hoặc ‘lấy cắp bản quyền’ sẽ làm cho chương trình học bị thất bại.”

Đối mặt với áp lực lớn dư luận, hội đồng nhà trường đã tổ chức một cuộc họp công khai nhằm nghe ý kiến từ nhiều nơi để đưa ra quyết định. Kết quả là đại đa số người tham gia đã ủng hộ cô Pelton. Trong đó gần một nửa giáo viên trong trường còn bày tỏ ý kiến rằng: Nếu hiệu trưởng quyết định sửa điểm cho các em này theo ý kiến của phụ huynh thì họ cũng sẽ nghỉ việc. 

Trong quan điểm của họ, giáo dục học sinh trở thành một công dân thành thật quan trọng hơn rất nhiều so với việc qua được môn sinh vật. Cuối cùng, sau khi tranh cãi kịch liệt, các cha mẹ những học sinh “không thành thật” đã phải nhượng bộ và đồng ý với quyết định xử phạt lưu ban.

Sau sự việc ấy, mỗi ngày cô giáo Pelton đều nhận được rất nhiều cuộc gọi ủng hộ và lời mời tuyển dụng từ các cá nhân và tổ chức khác nhau. Thậm chí, một số công ty còn muốn có ảnh chân dung của những học sinh không thành thật này để bảo đảm rằng sẽ vĩnh viễn không tuyển dụng họ. 

“Một người có thể mất đi tài phú, mất đi nghề nghiệp, mất đi cơ hội, nhưng ngàn vạn lần không thể mất đi danh dự. Một người không giữ chữ tín thì sẽ rất khó khăn để bước đi trong xã hội này”.

Có thể nhiều người sẽ cảm thấy cô Pelton nói riêng và người Mỹ nói chung đang “cường điệu hóa”, “việc bé xé ra to”, nhưng trong giá trị quan ở đất nước này thì trung thực chính là nền tảng của xã hội. Nếu một người không trung thực, họ sẽ là một kẻ lừa gạt; nếu một công ty không trung thực, họ sẽ sản xuất ra những sản phẩm giả hại người; nếu một xã hội không trung thực, nơi nơi sẽ toàn là dối trá và bịp bợm. Con người sẽ không thể nào sống an ổn, bình yên.

Cảnh sát mất tới 30 phút chỉ vì 1 USD

Ai cũng biết Nhật Bản là nền kinh tế số 3 thế giới. Đó là 1 trong 7 nước thuộc G7 - nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới. Thế nhưng, chỉ vì 1 USD, mà cảnh sát nước này đã phải bỏ ra tới 30 phút để điều tra, có đáng không?

Câu chuyện sau đây được nhà báo Nicholas ghi lại khi tới Nhật Bản. Một hôm, cậu con trai 5 tuổi Gregory của anh Nicholas khi cùng bố đi dạo trên đường phố Nhật Bản đã nhặt được đồng xu 100 yên (khoảng 1 USD). Anh Nicholas muốn học theo cách của các bố mẹ Nhật nên quyết định đưa con đến đồn cảnh sát địa phương để trình báo.

Ảnh minh hoạ.

Khi đến đồn cảnh sát, bố con Nicholas đã được đón tiếp bởi một cảnh sát trẻ tuổi. Anh ta đã hỏi rất tỉ mỉ về nơi cậu bé nhặt được đồng xu, thời gian, thông tin về nơi ở của Gregory, vị trí chính xác nơi đồng xu được tìm thấy. Sau đó, anh gọi điện thoại cho ai đó rồi thông báo tỉ mỉ sự việc, gắn số quản lý cho đồng xu được tìm thấy. 

Cuối cùng anh quay sang nhìn Gregory và ca ngợi sự thật thà của cậu bé, đưa một tờ giấy chứng nhận và nói rằng nếu sau 6 tháng không có ai đến nhận, đồng xu này sẽ thuộc về cậu bé. Gregory bước ra khỏi đồn cảnh sát với gương mặt rạng rỡ, đầy tự hào, còn anh Nicholas thì hoàn toàn bị thuyết phục bởi cách cư xử của người Nhật.

Có thể bạn đang nghĩ rằng, dành khoảng 30 phút để giải quyết việc nhặt được của rơi chỉ đáng giá 1 USD là sự lãng phí thời gian. Nhưng với người Nhật thì không, họ xem đó là sự “đầu tư” xứng đáng cho tính trung thực, không chỉ của trẻ em mà là của toàn xã hội. Và tôi tin chắc rằng đó chính là yếu tố then chốt để tạo nên dân tộc Nhật Bản vĩ đại được cả thế giới ngưỡng mộ.

Học sinh gian lận sẽ bị cấm cửa ở trường công lập

Đức được xem là quốc gia có nền giáo dục nghiêm khắc và kỷ luật nhất thế giới. Khi gửi con vào các trường công lập ở Đức, hoặc hệ thống trường quốc tế Đức, phụ huynh sẽ ký vào một nội quy rất dài trong đó có nhiều cam kết như: học sinh không được quay cóp bài, đạo văn; không được nói dối; không được nhờ cha mẹ hay ai khác làm giùm bài tập…

Nếu vi phạm những quy định trên, học sinh sẽ phải ngồi suy nghĩ về hành vi của mình một ngày. Nếu tái phạm, học sinh đó sẽ bị đuổi học ngay lập tức. Hơn nữa, một em học sinh đã dính “vết nhơ” đuổi học thì chắc chắn sẽ không được nhận vào các trường công lập khác. Nếu muốn cho con cái tiếp tục, cha mẹ chỉ có thể xin cho con vào học ở các trường tư và đương nhiên học phí ở đấy sẽ vô cùng đắt đỏ.

Người Đức nổi tiếng đầu tư “mạnh tay” cho giáo dục. Tất cả hệ thống giáo dục công lập (kể cả đại học) đều được miễn phí; nhưng họ tuyệt đối không bao giờ chấp nhận cho những hành vi dối trá, gian lận. Đối với họ, một người không trung thực là một kẻ không có tự trọng; và một kẻ không có tự trọng thì không xứng đáng với bất kỳ thành tựu nào!

Với những ví dụ kể trên, tôi không có ý định ca ngợi đất nước nào, càng không phê phán những câu chuyện đang xảy ra ở Việt Nam, bởi suy cho cùng, mỗi cá nhân, tổ chức hay xã hội đều sẽ nhận được những gì xứng đáng với phẩm chất và giá trị quan của mình. 

Nước Mỹ coi trọng chữ tín nên họ trở thành cường quốc số 1 thế giới; Nhật Bản đề cao sự trung thực và họ đã vượt lên mọi thiên tai nhân họa trong lịch sử, trở thành một dân tộc vĩ đại, quật cường; còn nước Đức cũng trở thành đầu tàu của châu Âu chính bởi lòng tự trọng!

Tân Ước
.
.
.