Lớp học chữ kì lạ của những ông lão

Thứ Ba, 02/08/2016, 13:02
Mỗi sáng thứ 5 hàng tuần, tại khuôn viên đình làng Trung Kính Thượng (Hà Nội) lại rôm rả tiếng cười, tiếng nói chuyện. Ở đó, có một lớp học kì lạ bởi ngoài sách, vở, bút thì những người đến học còn mang theo cả... kính lúp và kính lão, lại có những người thầy gù lưng, chống gậy để tới lớp giảng bài...

"Khai giảng" từ năm 2003, lớp học Hán Nôm của các cụ cao niên tổ chức tại khuôn viên đình làng này đã tồn tại nhiều năm qua và được nhiều người yêu thích, tán thưởng.

Vì một số lí do, lớp học sau này đã được đổi tên thành CLB Hán Nôm và được sự ủng hộ hết mình của chính quyền địa phương bởi tính chất duy trì, gìn giữ di sản văn hóa của cha ông để lại.

Cụ Trần Minh Hồng.

Ban đầu, chỉ với ba người đó là cụ Phan Đăng Toản (90 tuổi), cụ Trần Minh Hồng (86 tuổi) và cụ Phạm Kỳ Nam (84 tuổi, tác giả của cuốn 3.000 hoành phi và câu đối Việt Nam), lớp học được mở ra với mục đích tạo nên một hoạt động bổ ích cho hội người cao tuổi của địa phương.

Sau này, khi mô hình được nhiều người biết đến thì lớp học này không chỉ có những lão sinh ở làng Trung Kính mà còn nhiều cụ già đến từ khắp các nơi trên địa bàn Hà Nội.

Theo như lời kể của cụ Trần Minh Hồng, khi còn nhỏ, cụ được cho đi học các thầy đồ trong làng. Từ năm 6 tuổi, cụ Hồng đã bắt đầu biết nhận mặt chữ Hán Nôm và dần dần thành thạo chữ nghĩa. Thế nhưng, chiến tranh loạn lạc kéo đến, việc học bị dừng lại khi niềm đam mê của người học trò này vẫn còn đang cháy bỏng.

Đến khi hòa bình được lập lại, cụ Hồng dù đã theo binh nghiệp, cùng đồng đội đóng quân nhiều nơi trên khắp cả nước nhưng vẫn đau đáu với chữ nghĩa, với di sản các thầy để lại cho mình. Thời điểm đó, chữ Hán Nôm ít có cơ hội được dùng và cũng ít người  có nhu cầu học loại chữ này.

Cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1980, cụ Hồng bắt đầu xem lại sách vở ghi chép văn tự Hán Nôm, thấy được rằng lượng chữ nghĩa của mình vẫn còn đủ dùng, cụ lại bắt đầu nghiên cứu thêm về niềm đam mê đã bỏ quên bao nhiêu năm nay.

Có những lúc cụ Hồng lên chùa hay vào đình đọc chữ, giải nghĩa trên các câu đối hoành phi cho mọi người. Rất nhiều người tỏ ra thích thú, muốn nghe cụ giảng giải về các văn tự cổ đó và đã có người đề nghị được cụ dạy chữ cho.

Cũng từ đó, ý tưởng mở một lớp học Hán Nôm đã nhen nhóm và thực hiện ở nơi cụ sinh sống. Tìm được những người bạn có cùng đam mê, cùng ý tưởng, sau khi xin phép chính quyền thì lớp học đã được mở sau nhiều năm ấp ủ.

Ban đầu, những người theo học là những người cao tuổi hoặc vừa về hưu sống ở làng Trung Kính Thượng, lớp học có khoảng 30 người. Nhưng qua thời gian, những lão sinh cứ đến rồi lại đi, có lúc chỉ hơn chục người.

Một lão sinh đang nghiên cứu văn bản được phát.

"Những người học rồi bỏ dở nhiều lắm. Họ cũng có nhiều lý do, có người thì không thích học nữa nhưng có những người vô cùng đam mê nhưng không được sự ủng hộ của con cháu.

Có người học được 2-3 năm, nắm được một số mặt chữ rồi nhưng vì lí do gia đình lại không thể theo học. Những người trẻ thấy các cụ đã gần đất xa trời mà còn xách bút vở đi học thì buồn cười lắm...", cụ Hồng tâm sự.

Thế nhưng, dù ít đến đâu, dù chỉ là một người, những ông giáo có số tuổi ngấp nghé một thế kỉ ấy vẫn giữ quyết tâm truyền đạt những tinh hoa của dân tộc lại cho thế hệ sau.

Cũng nhờ vậy mà lớp học tồn tại được bao nhiêu năm thăng, trải qua bao thăng trầm của thời gian. Giờ đây số lượng học viên đến tham gia câu lạc bộ Hán Nôm đã ổn định hơn, cũng có những lớp học viên trẻ hơn mong muốn được đến lớp.

Cụ Trần Minh Hồng cho biết, ngoài lớp học ở đây, một số người đã mời cụ đến dạy thêm một lớp nữa ở làng Cót, Yên Hoà bởi đây là những học viên mới, cần dạy từ đầu.

"Họ biết tiếng lớp học ở đây nhưng khi xuống tới nơi thì mọi người đã học được 5-6 năm rồi nên nài nỉ tôi mở thêm một lớp nữa tại làng của họ. Thấy có thêm người đam mê, tôi cũng mừng lắm nên đồng ý ngay", cụ Hồng chia sẻ.

Có một điều đặc biệt đó là những lớp học của các lão sinh này không hề thu học phí. Mặc dù nhiều lần các lão sinh có đề nghị đóng quỹ để mua chút quà cho các thầy nhưng đều bị từ chối.

Theo ông Ngạc Đình Bàng (75 tuổi), "lớp trưởng" của câu lạc bộ Hán Nôm và cũng là người theo học từ khi mới khai giảng cho biết: "Chúng tôi chủ yếu là cán bộ về hưu, có niềm đam mê với môn này và theo đuổi từ rất lâu rồi.

Anh em đi học ở đây đều không phải đóng tiền, có những lần tôi định kêu gọi mọi người đóng góp chút ít thôi gọi là quỹ lớp để vào các ngày đặc biệt mua quà cho thầy. Nhưng sau đó các thầy biết chuyện, nhất định không nhận nên chúng tôi không đóng nữa...".

Cũng theo ông Ngạc Đình Bàng cho biết, trước đây người theo học chủ yếu, người làng. Nhưng giờ đây, việc có một lớp học như vậy được đồn đi khắp nơi, có những người ở xa như Đan Phượng, Gia Lâm hay thậm chí tận Phú Xuyên tìm đến xin học. Trong số họ, người thấp nhất cũng ngoài 60 tuổi, nhưng tuần nào cũng bắt xe bus để tới lớp.

Lớp học toàn những người đã bạc tóc.

Việc học chữ Hán Nôm vốn dĩ đã rất khó, đối với những người cao tuổi lại càng khó khăn hơn bởi trí nhớ đã giảm sút. Ấy vậy mà những lão sinh theo lớp nhiều năm đã có thể nhận được nhiều mặt chữ, dịch được các bộ hoành phi câu đối ở đình chùa và đọc được những cuốn gia phả cổ xưa.

Theo như một số lão sinh ở lớp cho biết, có một số văn tự đã được dịch nghĩa sẵn nhưng chỉ khi đến lớp được học và hiểu hơn về Hán Nôm mới thấy được sự sâu sắc, thâm thuý của nó.

Và theo cụ Trần Minh Hồng, việc học Hán Nôm khó khăn đến mức người học phải tốn hai đến ba năm, học qua 100 bài để nắm bắt được một số chữ cơ bản, hơn nữa mỗi khi về nhà phải học, nghiên cứu những gì đã được dạy.

Cụ Hồng cho biết: "Với lớp sơ cấp cho người mới, tôi dạy họ những từ cơ bản gần gũi nhất như bộ phận cơ thể, sự vật, sự việc xung quanh cuộc sống và giải nghĩa chúng.

Còn ngày trước, khi tôi mới đi học thì các thầy dạy tam tự kinh, biết được các từ, câu cơ bản như ''nhân tri sơ, tính bản thiện" hay "thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba".

Giờ đây đã có nhiều văn bản biến thể, gần gũi hơn nữa, dễ học hơn nữa nên việc truyền đạt cho người học cũng dễ hơn. Vì thế mà chỉ cần ba năm là qua sơ cấp, không giống như chúng tôi ngày trước phải mất đến bảy năm...".

Được biết, cụ Hồng và hai thầy Phạm Kỳ Nam, Phan Đăng Toản mỗi người sẽ phụ trách một môn học đó là Hán, Nôm và thư pháp. Mỗi ngày, các lão sinh được thầy giáo phát cho các bài thơ, áng văn của các thi sĩ như Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm... để phân tích, học các từ mới. Sau này còn tìm hiểu cả các văn bản cổ như, "Nam Quốc Sơn Hà", "Hịch Tướng Sĩ", "Bình Ngô Đại Cáo"...

Khi những lão sinh đã có đủ vốn chữ, các thầy bắt đầu yêu cầu khó hơn như cuối mỗi buổi học, thầy lại đưa ra một vế đối và yêu cầu buổi học sau các lão sinh phải mang đến vế đối còn lại.

Sau nhiều năm theo học, có những người nhớ được hàng trăm chữ, có thể đi cho chữ, đi sửa chữ cho người khác. Ông Chừng, một học viên đã gần 80 tuổi kể lại: "Tết nào tôi về quê, bà con cũng kéo đến xin chữ.

Kính lúp và kính lão là hai vật dụng quan trọng trong lớp học kì lạ này.

Mỗi người, mỗi cảnh tôi lại cho mỗi chữ khác nhau và giải nghĩa cho họ ý nghĩa của chữ đó. Một lần có người đến khoe rằng đã đủ đầy tiền bạc, con cái thì cần chữ gì. Tôi cho họ chữ Khang, bởi sức khoẻ thì ai cũng cần dù nghèo đói hay sang giàu...".

Ngoài ra, nhiều lão sinh trong lớp học còn có sở thích đi thăm quan đình chùa, để nghiên cứu những câu đối, văn tự cổ in trên bia đá và xin được xem những văn bản cổ nơi đó lưu trữ.

Còn với những người thầy của lớp học kì lạ này, ngoài việc truyền đạt lại cho các hậu bối niềm đam mê của mình, cũng có nhiều điều mà khiến các cụ trăn trở và mong muốn họ thực hiện.

Đó là duy trì sự đầy đủ, chính xác nhất những nét đẹp trong Hán Nôm mà ông cha đã để lại, cụ Trần Minh Hồng tâm sự: "Tôi cũng thường đến thăm các đình, chùa mỗi lần đi xa, thấy một số nơi khi tu sửa thì câu đối hay hoành phi được đắp lại có những chữ bị dùng nhầm, dùng sai.

Có thể sai là do người thợ đắp ẩu, nhầm thì có thể do người viết câu đối chưa hiểu rõ nghĩa từng từ. Trong Hán Nôm, một chữ có thể có nhiều cách viết, nghĩa cũng rất khác nhau và được dùng trong từng trường hợp. Khi viết câu đối hay các văn tự, cũng chữ đó nhưng cách viết sai sẽ làm sai cả ý của câu.

Để phát hiện ra những lỗi đó, đòi hỏi cần một vốn chữ lớn. Tôi cũng hay nói với những người đến lớp rằng, nếu đi tới nơi đâu, phát hiện lỗi sai thì cần góp ý, giải thích để họ sửa...". Dùng chữ tu thân suốt một đời, với những người thầy đã gần trăm tuổi ấy, niềm đam mê cũng mang theo cả những trăn trở.

Và chắc chắc, họ sẽ còn đứng trên bục giảng ấy cho đến khi hết sức, để truyền đạt lại những tinh hoa dân tộc, cho những người học sinh tóc cũng đã bạc trắng đang ngồi bên dưới, làm lan toả những nét đẹp vốn đang dần mai một này.

Lê Phong
.
.
.